Giáo sư Lê Hữu Mục thăm Paris năm 2010.
Nhớ tới thầy, con nhớ lời thầy dạy
Sống an lành nhẫn nại khiếp nhân sinh
Sống vị tha, dưỡng nuôi lòng trắc ẩn
Nhắn nhủ con, nhiều nhân ái chứa chan…
(Chúc Thanh)
Nếu thầy Hạo Nhiên Nghiêm Toản được ví như một người mẹ trìu mến, thân ái của chúng tôi, thì thầy Lê Hữu Mục là một người cha, khoan hòa, nhưng kỷ luật nghiêm minh, ông đúng là một “nghiêm đường” của lớp học chúng tôi.
Thầy Mục có nhiều giờ dậy về văn chương Hán-Nôm và Văn học Thiền tông cho lớp sư phạm Việt-Hán. Nói là Việt-Hán, chứ Việt nhiều hơn Hán, vì chúng tôi không giỏi giang nhiều về Hán văn. Đúng ra là học những bài thơ dịch thoát ra Việt văn. Thí dụ như bài Hoàng Hạc Lâu:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du…
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà nay hoàng hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
(Tản Đà dịch)
Thầy tôi theo đạo Thiên Chúa nhưng ông lại rất say mê các bài kệ của các tổ Thiền, thầy có thể nói say mê về tổ Hoằng Nhẫn rồi đi tiếp luôn tới tổ Huệ Năng… thầy thích tổ Huệ Năng diễn đạt: « Tâm khi có, khi không, thì bụi bám vào đâu? » Nhiều khi, buổi chiều, hết một bài giảng, thầy nhắc chúng tôi ngồi yên, nghĩa là không được nói chuyện, không bàn luận… để tự nhẩm lại « Kệ Vô thường » trong đầu:
Ngày nay đã qua
Đời sống ngắn lại
Hãy nhìn cho kỹ
Ta đã làm gì?
Phải nói là nửa năm đầu niên khóa (1966-1967) học với thầy Lê Hữu Mục, tôi chới với, bơi không kịp, vì tôi dốt chữ Hán thành ra mù chữ Nôm luôn. Lúc nào lên bảng viết, tôi cũng lúng túng bị thầy chê vì bạn cười chế nhạo vì tôi viết trái cựa, chưa viết bộ, tôi đã ngoằn nghoèo viết nghĩa hay viết chữ, rồi tôi thú thiệt là lúc còn ở Văn khoa (nơi đường Nguyễn Trung Trực) tôi không học Hoa văn thực thành, mà học Pháp văn thực hành, đó là tôi phải theo ý cha tôi, cha tôi không chịu cho tôi học chứng chỉ Hoa văn, người bảo tôi, « Con học cái đó để vô Chợ Lớn đọc các bảng hiệu sao? »
Thầy Mục hiểu ý, bảo là con đi đường kiểu hơi zic-zắc, mà không sao, học thêm cái gì hay cái đó, bây giờ con học thêm ít vốn chữ Hán, nếu không, khó đi vào văn chương quốc âm và văn chương Hán-Nôm. Tôi vất vả lúc đầu, nhưng nhờ thầy, nhờ bạn chỉ dậy, rồi mọi bài vở cũng êm xuôi lần lần, con biết ơn thầy và bạn lắm!
Thầy tôi tận tình với từng đứa học trò. Lớp chỉ có 28 đứa như một gia đình, mỗi ngày, vẫn bằng ấy cái mặt, đến nỗi tụi tôi biết cả hoàn cảnh, tính nết, sức học của nhau. Điều thú vị đến buồn cười là chúng tôi dự thi tuyển vô trường với kết quả ra sao, thì khi ra trường, kết quả tốt nghiệp cũng gần suýt soát như khi thi vô! Vì chúng tôi ganh đua nhau học và lúc lên chọn nhiệm sở, thí sinh được chọn căn cứ vô bảng điểm mãn khóa.
Nói như vậy mà cũng có nghĩa là không cứng như cây cổ thụ. Mà trái lại, thầy Lê Hữu Mục đã nhiều lần khuyên chúng tôi vì tình đồng môn, vì hoàn cảnh, vì chiến tranh, nên nhường nhịn nhau cho vui vẻ cả làng!
Giáo sư Lê Hữu Mục đàn và hát Ly Rượu Mừng trong một lần văn nghệ mừng Xuân 1968 Sài Gòn. Bên cạnh giáo sư là anh Nguyễn Viết Sơn, ngồi dựa cửa sổ là giáo sư Trần Kim Nở, bên cạnh giáo sư Trần Kim Nở là anh Nguyễn Ngọc Phách.
Ngoài việc học kiến thức văn học trong giảng đường, thầy còn dạy bổ túc thêm giờ nghệ thuật giảng dậy, tâm lý sư phạm và người thích hướng dẫn chúng tôi đi thực tập ở các trường thực tập ở các trường trung học công lập ở Sài Gòn. Thầy tốt người, cao, to, bước chân chắc chắn và nhanh nhẹn, theo kịp thầy có lúc chúng tôi mệt là mệt.
Thầy luôn gọi học trò bằng tên, như Ngọc đã soạn bài giảng chưa? Trúc đã hoàn thành chủ đề thơ thầy bảo soạn trước cuối tuần rồi chưa? Thầy rất chu đáo, tỉ mỉ dạy chúng tôi cách đi, đứng, nói và đối diễn với học trò. Thầy gần gũi, quý mến và tận tâm với sinh viên. Tôi cứ nhớ mãi là mỗi lần dậy thử, thầy luôn nhắc mấy đứa con gái là: vô cửa lớp, phải bước ngay lên bục gỗ chạy dọc theo bảng đen, đi tới và bước lên bục gỗ kê bàn giáo sư, không được đi dưới sàn nhà, dù có rộng chỗ.
Chị Hương có một lần cắc cớ hỏi thầy: « Bộ thầy sợ dưới đất có con rắn con rết gì cắn chân nó sao? » Thầy chợt cười ồ lên: « Không phải sợ rắn rít cắn chân, mà tại nó vóc nhỏ hao gầy, chim chích quá đi, tôi không muốn thấy một cô giáo tí tẹo rơi lọt thỏm vô cái lớp học đông học trò nhốn nháo như vậy ». Mọi nguời bấm nhau cười.
Chị đó, chị ở gần dưỡng trí viện nên có lẽ hơi… tốc tốc. Lần nào thầy cũng dặn câu cuối, không nên gọi học sinh trả bài nhiều, chia thời gian hợp lý và không được để « chày » giáo án, có nghĩa là chuông reng mà chưa giảng bài xong.
Ở lớp thầy giảng, bất cứ loại bài nào, thầy không cho cours, sinh viên tự ghi, thầy rất trân trọng cách biên soạn đầy sáng tạo của học trò. Nhưng khi chúng tôi đi giảng, thầy và sinh viên thực tập đều phải hội ý bàn thảo. Vậy mà sau đó, thầy vẫn nhận ra đầy khuyết điểm: Anh S. có giọng nói khi cao khi thấp, hơi lại cái; cô Q. sử dụng bảng đen không hợp lý, không trật tự, chữ viết trên bảng xấu; anh Đ. truyền qua tay nọ tay kia cục phấn khi giảng bài, giống múa lèo, thiếu trang nghiêm; chị H. đi qua đi lại nhiều quá, thiếu phong độ uy nghi. Nhưng rồi thầy cũng cho 10 điểm, 11 điểm của thầy là hiếm và quý lắm. Thầy không ác ý, nhưng muốn tất cả phải toàn hảo, thầy nói được chừng nào hơn, tốt thêm chừng ấy.
Tôi nhớ, đã có lần, thầy bày tỏ quan điểm hơi khe khắt là làm thầy giáo cũng như làm ca sĩ, ca sĩ phải hát hay mà phải đẹp mới thành công! Có con chim sơn ca nào xấu đâu? Thầy giáo không cần đẹp như ca sĩ, nhưng không được xấu, phải có duyên phải ưa nhìn. Trời ạ, tôi về nhà hôm ấy, vội nhìn trong gương soi, cô bạn bên cạnh đến bên tôi ké nhìn mặt mình trong gương rồi thỏ thẻ: « Gương nhà Tần hai đứa soi chung » và những ngày sau đó, trước khi đi giảng, tôi và bạn tôi bảo nhau bắc ghế ngồi trước gương và trước mặt bạn, tự nói một lần trước cho quen.
Tựu chung, thầy bắt bẻ, cũng chỉ muốn mọi điều tốt lành cho sinh viên.
Giờ thì đã hơn một nửa thế kỷ qua đi, chúng tôi vẫn nhớ như in giáo sư Lê Hữu Mục, tuy có chút khó khăn, nhưng ông luôn cao giọng nhắc chừng sinh viên của ông: « Lòng tin trời, yêu đời, yêu cuộc sống, giữ tâm ý thanh sạch và luôn đem hết khả năng và nghị lực ra làm việc ». Đúng là vậy, thầy luôn làm gương, lúc nào cũng chăm chỉ làm việc, tháo vát mọi khó khăn, giải quyết nhiều vấn đề mau chóng đến thành công và không bỏ cuộc. Thầy tôi có những bản dịch, truyện ký ra văn vần: Lĩnh nam trích quái; Việt điện u linh tập.
Thầy có bằng Cử nhân năm 1950, sau đó thầy đậu thủ khoa kỳ thi Tiến sĩ quốc gia. Thầy là giáo sư các trường đại học ban Văn, Hán-Nôm ở Huế, Sài Gòn, Văn khoa và Sư phạm. Thầy là nhà giáo, nhà nghiên cứu, dịch giả, nhà văn và cũng là nhạc sĩ, thầy sáng tác nhạc trước khi 20 tuổi những ca khúc như: Chèo đi bơi đi; Trở về mái nhà xưa; Hẹn một ngày về vinh quang…
Nhà thầy có đầy sách, đủ loại sách, như một thư viện, trên đường Duy Tân, « cây dài bóng mát » đó, còn vang vang lên tiếng đàn guitare dìu dặt, tiếng kèn saxo giòn giã và cả tiếng dương cầm du dương trầm bổng. Dù quá cao tuổi, thầy tôi vẫn yêu văn học và văn nghệ, hồn người say mê mênh mang khi người diễn tả những: Sérénade của Franz Schubert; Danube bleu của Johann Strauss Jr.; Come Back to Sorriento của Ernesto de Curtis, v.v…
Không phải ở mỗi lúc, mỗi nơi mà có một nhà mô phạm sáng suốt tài ba đa năng như thầy tôi. Khi thầy tôi ở tù cộng sản, người nhà vô thăm, báo tin đến chỗ « Bố ơi, tủ sách của bố, họ tịch thu rồi!» Ông ôm mặt khóc nức nở. Tội nghiệp thầy lắm.
Năm 2010 thầy từ Canada có dịp sang Paris, vì là có tác giả Đặng Quốc Cơ và GS Nguyễn Thị Nhung mời ông sang chú giải rõ thêm Truyện Kiều cùng với họ. Thật may mắn và phước đức, tôi có dịp đi đón thầy về nhà tôi. Thầy trò trùng phùng hàn huyên, thầy cho tôi xem sách thầy viết sau 1975: « Hồ Chí Minh không phải là tác giả ngục trung nhật ký » ở Hà Nội, có tới 40 tác giả cộng sản họp lại phê phán. Tôi vội nói thầy bỏ chuyện đó qua một bên đi, thầy lớn tuổi rồi, để cho tâm trí thư giãn.
Thầy dùng với chúng tôi một bữa ăn, trong lúc ngồi chung, thầy nhắc lại nhiều lần: Hoàn cảnh ngửa nghiêng, vận nước điêu linh, cộng sản quái gở… mà phải bỏ nước ra đi chứ rời xa quê hương ở tuổi xế bóng quá chiều, thầy buồn và cô đơn lắm!
Người vào cởi áo, lau son phần
Trả cả vinh hoa, lẫn đoạn trường…
(Thơ Hoàng Như Mai)
Phút ngậm ngùi qua đi khi anh chị Long bước vào nhà, hôm ấy chúng tôi có ý mời thêm anh Long qua gặp thầy, anh Long xưa là giám đốc Thư viện Quốc gia Sài Gòn, anh cũng tỏ ra tri kỷ lắm.
Rồi lúc chiều, khi thầy trò gần chia tay, thầy ra vườn ngó cây cảnh và nói với tôi:
« Tay này cứng đầu cứng cổ lắm đấy ». Tôi nhìn ra ý không hiểu. « Ông ấy cứ nuôi hy vọng rồi có một ngày kia cộng sản sẽ thay đổi, con phải giáo dục. » Thầy nói tiếp.
« Con làm sao nổi việc đó, họ lớn tuổi hơn con, vả lại chỉ là hàng xóm. » Tôi trả lời thầy.
« Hàng xóm… mà cũng là đồng hương, sao thế, con đã quên ông Tagore, ông ấy nói là ‘nhà giáo như một ngọn đuốc, phải thắp sáng mình luôn và mồi đuốc cho người kế bên’ à».
Tôi le lưỡi sợ hãi, thầy tôi lúc nào cũng kiên cường, trước sau như một. Rồi tôi thoắt nhớ lại câu nói cửa miệng của thầy: « Làm người, phải tin trời, yêu mình, yêu người, giữ lòng vui, giữ tâm hồn thanh tịnh và luôn phấn đấu đem hết nghị lực ra làm việc ».
Được tin thầy về trời mùa đông, tháng 11 năm 2017 ở Montréal, Canada. Tạ ơn Chúa, thầy tôi cao tuổi thọ với 92 năm. Ở trên ấy, chúng con mong thầy được an nghỉ, không còn loay hoay công này việc nọ nữa. Có thể ở nơi bình an của Chúa, thầy vẫn trông thấy tụi con còn ngổn ngang lang thang đây đó. Có thể đúng, vì thầy tôi là Lê Hữu Mục mà, vả lại cũng y như thầy giảng: « Thác là thể phách hồn là tinh anh… » (Kiều).
Kính nhớ, 5/2022
Chúc Thanh
Theo Việt Báo