Liệt Sĩ Trường Đua Những tháng cuối của cuộc Nội Chiến Mỹ (1860-1865), miền Nam vừa đánh vừa lùi. Hàng ngàn tù binh miền Bắc không có chỗ chứa bị lùa vào những trại giam dựng cấp tốc quanh vùng Charleston, South Carolina. Một trong những nhà tù dã chiến này trước kia là một trường đua ngựa hạng sang, tên là Washington Race Course and Jockey Club. Tình trạng y tế và thực phẩm trong trại tù dĩ nhiên là cực xấu; hơn 260 tù binh Union đã qua đời vì bệnh tật tại đây. Xác họ được chôn vội trong một nấm mồ tập thể ngay sau lưng khán đài chính của trường đua.
Sau ngày miền Nam đầu hàng, khoảng 1,000 người da đen cựu nô lệ được hộ tống bởi các binh đoàn da màu từ miền Bắc đã đến trại tù này. Họ dựng lên tại đây một khu nghĩa trang thật tử tế cho các tù binh đã qua đời, với hàng rào trắng và cổng vào ghi chữ “Martyrs of the Race Course” (“Liệt Sĩ Trường đua”). Cũng tại nơi đây, vào ngày 1 Tháng Năm 1865, một sự kiện vô cùng khó tin đã xảy ra mà sử sách về sau giấu nhẹm. Phải đến thập niên 1990 câu chuyện về nghĩa trang trường đua này mới được đem ra ánh sáng.
David Blight, sử gia về Nội Chiến Mỹ, trong lúc truy lùng tài liệu để viết sách đã tình cờ tìm thấy tại Thư viện Đại học Harvard một tập hồ sơ mang tên First Decoration Day. Trong đó có hai bài báo của tờ Charleston Courier và New York Tribune thuật lại buổi lễ truy điệu chiến sĩ trận vong đầu tiên sau Nội Chiến. Theo bài báo, hôm ấy có khoảng 10,000 người tham dự, đa số là cựu nô lệ vừa được giải phóng. Đồng thời cũng có một số mục sư người da trắng và các đoàn quân da màu, có cả Trung đoàn 54 Massachusetts lẫy lừng chiến công. Họ diễu hành quanh trường đua cùng với chừng 3,000 học sinh da đen tay cầm những bó hoa và hát bài “John Brown’s Body”.
Một buổi lễ Memorial Day tưởng niệm binh sĩ Mỹ tử vong tại Pháp (không rõ ngày tháng) (Getty Images)
David Blight nói ngoài tập tài liệu này ra ông chưa tìm được thêm bất cứ hồ sơ hay sách báo nào nói về việc này. Quanh vùng Charleston không ai nhắc đến nó nữa, và dĩ nhiên không có sách giáo khoa nào ghi lại những sự kiện lịch sử như thế, nhất là khi nó do người da đen chủ xướng. Mộ các binh sĩ chôn tại đấy về sau cũng được di dời đến một nghĩa trang khác, không còn ai nhớ đến Liệt Sĩ Trường Đua nữa trừ những người có mặt tại đó. David Blight kể hồi năm 2001, trong một buổi diễn thuyết về quyển sách Race And Reunion của mình, một bà cụ đã đến gặp ông và hỏi: “Như vậy chuyện này có thật à? Tôi lớn lên ở Charleston. Hồi nhỏ ông tôi hay kể chuyện cuộc diễu hành quanh trường đua của những người vừa được tự do. Nhưng tụi tôi làm sao kiểm chứng được nên cũng bán tín bán nghi. Vậy là nó có thật hay sao?”.
Đài Tưởng niệm Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (ảnh: mark-tegethoff-unsplash)
Ngày Trang Hoàng Những năm sau Nội Chiến, nhiều tổ chức do phụ nữ đứng đầu đã chọn những tuần đầu mùa Xuân, vào khoảng Tháng Năm, để đặt vòng hoa trên các ngôi mộ tử sĩ. Truyền thống này dần lan ra khắp các tiểu bang của hai miền Nam Bắc. Thấy vậy, Tháng Năm 1868 tướng John A. Logan tuyên bố ngày 30 Tháng Năm hàng năm sẽ là “Decoration Day” — ngày trang hoàng mộ, “cho những người đã ngã gục mà xác họ gần như thành thị, làng quê, nhà thờ nào cũng có…”
Decoration Day do tướng Logan đề xướng đã được dân Mỹ ủng hộ rất nhiệt tình; 27 tiểu bang hưởng ứng ngay từ năm đầu. Vào ngày 30 Tháng Năm 1868, hơn 5,000 người đã đến Nghĩa trang Quốc gia Arlington để tham dự lễ Chiến Sĩ Trận Vong đầu tiên tại đây. Truyền thống này được tiếp nối qua nhiều thập niên sau đó. Tuy nhiên nó vẫn chỉ là ngày tưởng niệm cho tử sĩ trong cuộc Nội Chiến chứ chưa phải cho tất cả mọi cuộc chiến khác – như cuộc chiến giành độc lập từ Anh, chiến tranh Tây Ban Nha v.v.
Dẫu vậy, ở miền Nam một số tiểu bang “ngoan cố” vẫn không thèm theo thông lệ này mà lập ra ngày lễ riêng để tưởng niệm binh sĩ của họ, gọi là Confederate Memorial Day. Hiện nay vẫn còn chín tiểu bang của “bên thua cuộc” có ngày lễ riêng này. Nơi thì dùng ngày sinh của cố Tổng thống miền Nam là Jefferson Davis, nơi thì dùng ngày hùng tướng Stonewall Jackson tử trận v.v. Texas cũng có ngày lễ này từ năm 1973, chọn sinh nhật của bại tướng Robert E. Lee (19 Tháng Giêng) làm ngày tưởng niệm. Tại ba tiểu bang South Carolina, Alabama và Mississippi, Confederate Memorial Day là một ngày lễ chính thức, công sở, toà án đều đóng cửa. Có nơi còn cho học sinh nghỉ học.
Một poster về (ngày) “Decoration Day”, 1910 (ảnh: Pierce Archive LLC/Buyenlarge via Getty Images)
Memorial Day Phải sang thế kỷ 20, khi Mỹ tham gia Đệ Nhất Thế Chiến, thì Decoration Day mới được mở rộng ra để tưởng niệm chung cho tất cả lính Mỹ đã tử trận trong mọi cuộc chiến. Tuy nhiên nó vẫn chưa là một ngày Quốc lễ cho cả nước. Phải đợi đến thập niên 1970, khi chiến tranh Việt Nam đang vào hồi khốc liệt, Quốc Hội Hoa Kỳ mới ban hành một đạo luật biến Memorial Day thành một ngày lễ toàn quốc, và quy định là ngày Thứ Hai cuối cùng trong Tháng Năm hàng năm. Kể từ đó Memorial Day trở thành weekend ba ngày, báo hiệu cho học sinh biết sắp sửa được nghỉ Hè.
Ảnh: matthew-huang-unsplash
Vietnam Veterans Memorial (ảnh: ryan-stone-lsnIohyS_tA-unsplash)
Không phải ai cũng thích sự thay đổi này. Cố Thượng Nghị Sĩ Daniel Inouye của tiểu bang Hawaii cho rằng làm vậy là biến một ngày lễ trang nghiêm thành cái cớ cho dân chúng ăn chơi, nhậu nhẹt… Là một cựu chiến binh từng tham trận trong Đệ Nhị Thế Chiến và bị mất cánh tay phải, ông Inouye đã cố gắng đổi lễ này trở lại ngày 30 Tháng Năm nhưng không thành công, có lẽ vì áp lực từ giới kinh doanh và người tiêu dùng quá cao. Memorial Day Sale, như mọi người biết, là dịp cho dân buôn bán hốt bạc.
Nghĩa trang Quốc gia Los Angeles trong (ngày) Memorial Day (ảnh: Al Seib/Los Angeles Times via Getty Images)
Nhưng gác ra ngoài các hoạt động kinh doanh, việc tưởng niệm chiến sĩ trận vong là một tập tục đã có từ xa xưa. Các cường quốc thời cổ đại như Hy Lạp và La Mã đã từng tổ chức những buổi lễ trọng thể để tưởng niệm tử sĩ của mình. Điều này cũng dễ hiểu. Đã là cường quốc thì chắc chắn phải dùng đến vũ lực, phải có chiến tranh, phải hy sinh xương máu… Năm 431 B.C., Tướng Pericles của Athens đã đọc một bài điếu văn chiêu hồn tử sĩ lừng danh, đề cao lòng dũng cảm của binh sĩ dưới trướng của mình mà người thời nay hay so sánh với bài diễn thuyết nổi tiếng không kém của Tổng thống Abraham Lincoln sau trận Gettysburg.
Cắm cờ cho hơn 260,000 bia mộ tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington dịp Memorial Day 2022 – Arlington, Virginia, ngày 26 Tháng Năm 2022 (ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Là một cường quốc hiện đại, Hoa Kỳ dĩ nhiên cũng có rất nhiều chiến sĩ trận vong. Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, thái độ của dân Mỹ đối với cựu chiến binh và tử sĩ trong cuộc chiến đó dần thay đổi sang hướng tích cực hơn. Năm 1982 bức tường đá đen mang tên Vietnam Memorial tại Hoa Thịnh Đốn được hoàn tất; ngày nay nó là một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách nhất thủ đô, với ba triệu người thăm viếng hàng năm. Khắp nơi trên nước Mỹ, vô số các đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam khác nhỏ hơn cũng theo nhau mọc lên.
Đối với người Việt quốc gia ở Mỹ, Memorial Day không chỉ là ngày tưởng niệm những người lính Đồng Minh mà còn là ngày chúng ta tưởng nhớ đến những người con đất Việt đã nằm xuống trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn vừa qua. Ngày Chiến Sĩ Trận Vong do đó cũng là dịp để chúng ta cảm tạ và tri ân những người đã hy sinh để chúng ta có thể sống tự do trong một đất nước dân chủ.
Theo Saigon Nhỏ
Memorial Day - Kỷ niệm Ngày lễ chiến sĩ trận vong VIDEO