Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 03/06/2022 tại bang Delaware. AP - Patrick Semansky
Trong vòng năm ngày 06-10/6/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón các nhà lãnh đạo trong khu vực đến dự thượng đỉnh châu Mỹ. Ngoài vấn đề hợp tác phát triển kinh tế, giải quyết hồ sơ di dân, mục tiêu của thượng đỉnh còn nhằm tìm cách kềm hãm đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực được cho là sân sau của Mỹ.
AFP trước hết nhắc lại, thượng đỉnh châu Mỹ đầu tiên được tổ chức vào năm 1994 tại Miami, dưới thời tổng thống Bill Clinton. Mục tiêu là nhằm hình thành một thỏa thuận tự do thương mại khu vực rộng lớn. Nhưng ông Eric Farnsworth, phó chủ tịch Hội đồng châu Mỹ - một tổ chức xúc tiến các trao đổi thương mại ở cấp độ toàn khu vực châu Mỹ, trong một phiên điều trần trước Nghị Viện gần đây đánh giá rằng mỗi kỳ thượng đỉnh châu Mỹ lần sau lại « ít tham vọng » hơn lần trước.
Và cứ như thế, nhịp « ảnh hưởng chính trị và ngoại giao của Mỹ giảm đi bao nhiêu », thì cùng lúc đà tăng ảnh hưởng từ Trung Quốc lại lên bấy nhiêu. Trong vòng có 20 năm, trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc và Nam Mỹ đã tăng gấp 25 lần. Đầu tư từ Trung Quốc tại Nam Mỹ tăng gấp 2 lần và các cuộc sáp nhập - sở hữu từ các doanh nghiệp Trung Quốc với các tập đoàn châu Mỹ Latinh thì tăng đến gấp 8 lần (Journal du Dimanche ngày 05/06/2022).
Trong khi đó, nước Mỹ của Joe Biden cho đến lúc này vẫn chưa thông báo có những nỗ lực gì trên bình diện kinh tế cho khu vực. Thế nên, theo nhiều nhà quan sát, câu hỏi cơ bản đặt ra ở đây là Hoa Kỳ sẽ mang đến cuộc đối thoại lần này những đề nghị gì cho việc tiếp cận thị trường thương mại, các khoản vay tín dụng và những trợ giúp để tài trợ cho việc khôi phục kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng ?
Đương nhiên, tại thượng đỉnh châu Mỹ, Joe Biden sẽ đề cập đến kế hoạch B3W - Build Back Better World - xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn - nhằm muốn chứng tỏ rằng còn có một giải pháp khác cho sáng kiến Con đường Tơ lụa Mới của ông Tập Cận Bình.
Nhưng nhà nghiên cứu về châu Mỹ, Laurent Nardon, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) trên tờ Journal Du Dimanche lưu ý : « Trung Quốc đâu chỉ giới hạn ở những hoạt động đầu tư ồ ạt hay cho vay hậu hĩnh để đổi lấy việc chiếm hữu những nguồn tài nguyên. Bắc Kinh còn trưng bày với tất cả các nước châu Mỹ Latinh một mô hình thay thế, mà ở đó, nền dân chủ phương Tây chưa hẳn đi đầu về các chuẩn mực ».
Chỉ có điều, trong cuộc cạnh tranh về mô hình chính trị này, Trung Quốc đang có nhiều lợi thế, trong khi nước Mỹ của Joe Biden lại vướng vào chính chiếc bẫy do chính ông giăng ra, theo như phân tích của chuyên gia về châu Mỹ Latinh, ông Gaspard Estrada, trường Khoa học Chính trị - Sciences Po ở Paris trên đài RFI.
« Ngày nay, người ta nhận thấy có một sự khập khiễng giữa một bên là một chính quyền đảng Dân Chủ đang tìm cách đưa vấn đề bảo vệ nền dân chủ vào trọng tâm chính sách đối ngoại và bên kia là một vấn đề thực thụ, liên quan đến việc định nghĩa thế nào là một nước dân chủ, nước nào không dân chủ. Phía các nước châu Mỹ Latinh thì đang phát triển cảm giác ngày càng xa rời một nước hiện không còn bao nhiêu trọng lượng trước những khoản đầu tư từ Trung Quốc. Thế nên, cảm nhận của tôi là ngày nay chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Mỹ Latinh đã bị tê liệt ! »
Giờ đây, dù quá bận tâm với cuộc chiến Ukraina tại châu Âu và quá tập trung cho mặt trận đối đầu tương lai ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng Joe Biden không thể thờ ơ với khu vực phía nam của mình, mà ở đó, theo nhãn quan của Trung Quốc, các vấn đề phát triển kinh tế, di dân và nhà nước pháp quyền đều ràng buộc chặt chẽ với nhau. Và cũng theo Bắc Kinh, Hoa Kỳ từ lâu không còn là một mô hình gương mẫu đáng để noi theo !
Theo RFI