VIDEO Đại dịch Covid-19 và chiến tranh Ukraina đã khiến thương mại thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu như từ đầu những năm 2000, phi toàn cầu hoá được xem là một giả thuyết, thì đến nay dường như xu hướng này đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Phải chăng toàn cầu hoá đã chấm dứt, nhường chỗ cho một xu hướng phát triển mới về kinh tế và cả về chính trị ?
Thuật ngữ phi toàn cầu hoá được cho là xuất hiện từ thế đầu thế kỷ XXI, do nhà xã hội học Philippines Walden Bello đưa ra, trong cuốn sách “Deglobalization, ideas for a New World Economy” (Phi toàn cầu hoá, những ý tưởng cho một nền kinh tế thế giới mới). Theo ông Bello, phi toàn cầu hoá không phải là một bước lùi và cũng không đặt dấu chấm hết cho thương mại quốc tế, mà chỉ là tìm cách rút ngắn các chu trình sản xuất. Xu hướng này xuất phát từ những bất cập và thiếu quy định rõ ràng, dẫn đến việc mất kiểm soát thị trường, đặc biệt là ở những nước mới trỗi dậy. Phi toàn cầu hoá tố cáo quyền lực, chỉ trích của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) hay Tổ Chức Kinh Tế Thế Giới (WTO).
Tại Pháp, khái niệm phi toàn cầu hoá xuất hiện vào năm 2011 trong các bài phát biểu của chính trị gia Arnault Montebourg và sau đó được nhà kinh tế Jacques Sapir phát triển trong cuốn sách“Démondialisation” ( Phi toàn cầu hóa ) xuất bản cùng năm. Vào thời điểm đó, phi toàn cầu hoá được xem là một giả thuyết. Thế nhưng, trong những năm gần đây, vụ tắc nghẽn ở kênh đào Suez, việc các nước đóng cửa biên giới vì đại dịch và cuộc chiến tranh ở Ukraina, đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng quan trọng của thế giới, hạn chế dòng chảy của các mặt hàng thiết yếu như vi mạch điện tử, khí đốt và thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thương quốc tế.
Các nước tích cực tham gia, thậm chí là phụ thuộc vào thị trường thế giới, trở thành những nước dễ bị tổn thương nhất. Dường như đó là những lời cảnh tỉnh về những tác động của toàn cầu hoá từ 40 năm qua. Theo nhà kinh tế học Jacques Sapirs, ngay từ những năm 2000, các tác động tiêu cực của toàn cầu hoá đã vượt hơn những lợi ích mà xu thế này mang lại.
Vậy phi toàn cầu hoá là gì ? Khái niệm này đã thay đổi từ nhiều năm qua. Trong bối cảnh hiện nay, có thể hiểu đó là chủ nghĩa bảo hộ, là việc đưa ra mức thuế quan cao hơn để tính đến chi phí môi trường và xã hội của hàng hoá, giảm vận chuyển hàng hoá ở khoảng cách xa, thúc đẩy sản xuất tại địa phương, áp dụng lại các biện pháp kiểm soát vốn nhằm giảm ảnh hưởng của tài chính đối với nền kinh tế toàn cầu…
Nhà kinh tế học Jacques Sapir, giám đốc nghiên cứu tại trường l’École des Hautes Études en Sciences Sociales (EHESS).
RFI : Phi toàn cầu hoá xuất hiện từ bao giờ ? Jacques Sapir : Phó chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới, kinh tế gia Carmen Reinhart vào năm 2021 từng nói rằng khủng hoảng Covid-19 là chiếc đinh cuối cùng đóng vào “cỗ quan tài” toàn cầu hoá. Vậy nếu đại dịch Covid-19 là sự kiện cuối cùng thì đâu là sự kiện đầu tiên đánh dấu sự tàn lụi của toàn cầu hoá ? Theo tôi đó là một chuỗi các sự kiện, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Tiếp theo đó là hàng hoạt các chính sách, chiến lược của một số quốc gia, bắt đầu đưa ra lập trường “chống toàn cầu hoá”, không hoàn toàn chấm dứt giao thương quốc tế, mà là dần dần rút khỏi một thị trường toàn cầu khổng lồ, thay vào đó là đi tìm kiếm các thoả thuận riêng.
Chúng ta đã chứng kiến những gì mà cựu tổng thống Mỹ Donald Trump làm. Đó là việc quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ. Hay cuộc trưng cầu dân ý của Vương Quốc Anh về việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu và cách thức mà chính phủ của Boris Johnson rời khỏi khối này. Thêm vào đó là các hiện tượng khác thiên về kinh tế hơn: các quốc gia tìm cách giảm phụ thuộc và xây dựng tính tự chủ, dần thoát khỏi ràng buộc với thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh này, đại dịch Covid-19 bùng nổ. Chính đại dịch đã cảnh tỉnh thế giới, khiến giới chính trị nhận thức được rằng mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia - được phát triển trong giai đoạn toàn cầu hoá, có nhiều bất cập và điểm yếu. Và cuộc khủng hoảng Ukraina chỉ làm trầm trọng hơn và làm quá trình phi toàn cầu hoá diễn ra nhanh hơn.
RFI: Vậy theo ông, điều gì sẽ xảy ra khi quá trình phi toàn cầu hoá được đẩy nhanh hơn bởi cuộc chiến ở Ukraina? Thế giới sẽ phát triển theo hướng nào ? Jacques Sapir : Cuộc khủng hoảng địa chính trị ở châu Âu mà chúng ta đang trải qua hiện nay để lại nhiều hậu quả, không chỉ là những vấn về liên quan đến kinh tế quốc tế. Những gì mà chúng ta có thể thấy rõ ràng đó là, nếu muốn duy trì một thế giới, mà ở đó các quốc gia phụ thuộc chặt chẽ vào nhau. Trong trường hợp này, không thể loại bỏ một quốc gia - nhà xuất khẩu lớn về nguyên liệu thô như Nga.
Thế giới sẽ phân khúc theo nhóm các nước hợp tác riêng với nhau. Đó là việc quay trở lại giao thương theo các khối. Xu hướng này được tạo ra bởi các lệnh trừng phạt kinh tế hơn là bởi các quyết định chính trị. Tôi cho rằng sự năng động của các khối này có thể trở thành xu hướng phát triển của thế giới trong những năm tới, tức là một thế giới đa cực.
Nếu như vào những năm 1990-2000, giai đoạn “thăng hoa” của toàn cầu hoá, quyền lực của các quốc gia suy giảm và chuyển vào các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, hay Liên Hiệp Châu Âu ở châu Âu, thì hiện nay, với đại dịch Covid-19 và khủng hoảng Ukraina, chúng ta có thể thấy một xu hướng đang trỗi dậy đó là Nhà nước pháp quyền. Theo tôi, điều này hoàn toàn căn bản. Quyền lực quay trở lại vào tay của mỗi Nhà nước, các nhân vật trung tâm chủ chốt của nền kinh tế và chính trị quốc tế.
Thế giới có thể sẽ chuyển sang một hệ thống liên minh và chiến lược. Chúng ta có thể thấy sự trở lại của các kết nối giữa các quốc gia qua các hiệp ước, thoả thuận song phương, đa phương. Tức là các quốc gia hợp tác với nhau và không bị áp đặt bởi các quy định quốc tế. Ví dụ như là sự hùng mạnh của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. NATO không phải là một tổ chức đa quốc gia có cơ cấu hành chính vượt ra ngoài ranh giới mỗi quốc gia, mà là một tổ chức có tư cách pháp lý quốc tế riêng.
https://s.rfi.fr/media/d...056a97e36/jacques-2.webp Nhà kinh tế học Jacques Sapir, giám đốc nghiên cứu tại trường l’École des Hautes Études en Sciences Sociales (EHESS). © Ảnh do Jacques Sapir cung cấp
RFI : Vậy phải chăng toàn cầu hoá đã đi đến hồi kết? Như vậy thì kinh tế quốc tế sẽ bị ảnh hưởng ra sao ? Jacques Sapir : Theo tôi, khái niệm toàn cầu hoá đang chết dần chết mòn, nhưng cần phải lưu ý, toàn cầu hoá kết thúc không có nghĩa là giao thương quốc tế chấm dứt. Lịch sử cho thấy ngay cả trong những giai đoạn cực kỳ bảo thủ, thương mại quốc tế vẫn phát triển. Các quốc gia đóng cửa, “tự vệ”, nhưng không có nghĩa là ngừng giao thương với các nước khác. Bảo hộ mậu dịch không ngăn chặn sự phát triển của xu hướng tự cung tự cấp. Nhưng không phải tự dưng mà có hai khái niệm khác nhau, mô tả hai tình huống khác nhau.
Chủ nghĩa bảo hộ đó có nghĩa là một đất nước tự bảo vệ mình, nhưng vẫn tiếp tục giao thương với láng giềng, trong khi một nước tự cung tự cấp hoàn toàn trên thực tế chưa bao giờ tồn tại. Theo tôi, chủ nghĩa bảo hộ đang phát triển mạnh hơn nhiều và có vẻ như không hẳn gây ra trở ngại ở một mức độ nào đó đối với thương mại quốc tế.
Ví dụ, vào năm 1914, thế giới bị bao trùm bởi chủ nghĩa bảo hộ. Thế nhưng, trên thực tế, Đức và Pháp là hai khách hàng lớn nhất của nhau. Điều này không hề ngăn chặn cuộc chiến 1914 - 1918.Nhưng đây là một vấn đề khác. Theo tôi, chúng ta đang quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ, mà ở đó các chuỗi cung ứng đa quốc gia đã tồn tại. Tức là một sản phẩm nào đó được sản xuất ở một nước nào đó khác, nhưng có thể những kết cấu/thành phần của sản phẩm được gia công hay lắp ráp ở một nước thứ ba, thậm chí là nước thứ tư.
Tôi cho rằng chúng ta sẽ quay trở lại thời kỳ mà các sản phẩm được sản xuất tại địa phương, theo cơ cấu sản xuất của mỗi quốc gia. Dĩ nhiên, các nền kinh tế vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô, nhưng rất có thể sẽ tìm cách tự sản xuất một phần nguyên liệu phải nhập khẩu. Chúng ta có thể thấy một hình thức hỗn hợp trong việc làm ra một sản phẩm, tức là một phần nào đó của sản phẩm được sản xuất ra trong nước, còn phần khác thì được nhập khẩu từ các nước khác - giữa những nước có quan hệ hợp tác với nhau.
RFI: Vậy với xu hướng phi toàn cầu hóa, một tổ chức như Liên Hiệp Châu Âu liệu có thể sống sót? Jacques Sapir : Theo tôi Liên Âu có thể tồn tại nếu hiểu được tầm quan trọng của sự đa dạng trong khối, và theo hướng này, thay vì đi tìm một mô hình kiểu mẫu để áp dụng đối với toàn bộ các nước thành viên, thì nên chia sẻ một số giá trị chung, những nguyên tắc và lợi ích mà không thể chia sẻ với bất cứ quốc gia nào khác. Nước nào cũng có những ưu tiên riêng và vạch ra hướng phát triển riêng. Ví dụ như về chính sách môi trường, Pháp và Đức có nhiều điểm khác biệt. Cả hai quốc gia đều có chính sách chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, Đức từ chối phát triển năng lượng hạt nhân bất chấp việc gia tăng nhu cầu về năng lượng hoá thạch để sản xuất điện, từ than đá nhập khẩu của Ba Lan hay khí đốt của Nga. Trong khi đó Pháp lại hướng đến tự chủ năng lượng quốc gia và phát triển năng lượng hạt nhân. Đó là hai chiến lược khác nhau, và tôi cho rằng không cần thiết phải cố gắng hài hoà điều này.
Theo RFI