Ngày Father’s Day năm nay, lần đầu tiên anh chị em chúng tôi thiếu vắng Ba. Tháng sáu Canada thời tiết đẹp, tôi ngồi bên vườn sau nhà, tưởng tượng bên nghĩa trang Moore ở thành phố Arlington, Texas, phong cảnh đẹp đẽ với những con đường trải sỏi dưới hàng cây Magnolia to cao xòe bóng mát, chắc đang nở những hoa trắng thơm hương tinh khiết và bên những ngôi mộ, là thảm cỏ xanh có ngọn nước phun lên mặt hồ tung bọt trắng xóa, Ba đang nghỉ ngơi trong không gian và thế giới êm đềm đó.
Tôi đã từng kể về xuất xứ cái tên Kim Loan của tôi, lẽ ra tôi tên Thoa như Má tôi muốn, nhưng Ba đã... nhẹ dạ vô tư nghe theo lời ông nhân viên hộ tịch, muốn tôi được mang tên của nàng ca sĩ “Căn Nhà Ngoại Ô” đang nổi như cồn lúc bấy giờ. Sau này có lần tôi nói đùa với Ba:
– Tại Ba đó, con có hai tên, mà cái tên Kim Loan chả có gì đặc biệt!
Ba bảo:
– Tên ca sĩ nổi tiếng mà còn khiếu nại gì chớ!?
Chắc rằng nàng ca sĩ ấy có giọng ca ngây thơ nũng nịu, khuôn mặt đẹp xinh lắm nên chẳng riêng gì Ba tôi, mà còn nhiều ông bố bà mẹ khác đã lấy tên nàng đặt tên cho con gái của mình, bằng chứng là khi tôi đi thi Đại Học bên Việt Nam, cả cái phòng thi của tôi, hơn 50 thí sinh đều có tên “Thị Kim Loan” chỉ là khác nhau họ Nguyễn, Lê, Trần, Phạm mà thôi! Ui chao, nổi tiếng đâu chả thấy, chỉ thấy tên mình... đại trà bao la vô số kể, như cá cơm được mùa!
Má tôi mất sớm, đôi khi Ba lo việc cơm nước phụ với bà chị Cả, mà hễ Ba nấu món gì là chúng tôi mê mẩn tới đó, dù chỉ là món đơn giản như canh bí, rau muống xào tỏi. Những ngày vừa hết Tết còn ngán với thịt mỡ bánh chưng, sau đó Ba tôi gom hết các hũ dưa chua, hành muối, củ kiệu, cùng nồi thịt kho tàu còn dư, nấu thành một món canh dưa thập cẩm ngon thần sầu, có đổi cao lương mỹ vị tôi cũng không chịu đâu nhé.
Hồi Ba mất, tháng 8 năm 2021, tên bạn học cũ nhắn tin: “Xin chia buồn cùng bạn về sự ra đi của người Bố vô địch cờ tướng quận Gò Vấp!”
Ái chà, hắn hơi nói thách, chớ Ba tôi cũng là vô địch Cờ Tướng, mà chỉ cỡ cấp phường khóm thôi. Đó là niềm đam mê vô bờ bến của Ba. Ba có thể ngồi đấu cờ tại quán cafe của gia đình tôi cả ngày, quên cả ăn cơm. Có lần Ba chạy xe đạp đi chợ, sau khi mua xong các thứ, Ba dắt xe ra ngoài cổng chợ thì thấy đám đông vây quanh một bàn cờ tướng, người ta đặt một thế cờ khó mời các “cao thủ” vào giải, Ba liền hào hứng “nổi máu anh hùng” nhảy vào bàn cờ, rộn ràng những tiếng góp ý của các “quân sư” ồn ào cả một góc đường , một hồi sau, tàn cuộc cờ thì chiếc xe đạp và mớ thức ăn đã không cánh mà bay! Hôm sau tôi đi học, thằng bạn cùng lớp khoe:
– Hôm qua tui chứng kiến Ba của bà oai phong lẫm liệt tại bàn cờ, ai cũng trầm trồ nể phục, vì đã giải một nước cờ hóc búa, mọi người vỗ tay khen ngợi rần rần!
– Ừa, rồi sau đó ông có chứng kiến... hồi kết, lúc Ba tui mất chiếc xe đạp có còn “oai phong lẫm liệt” nữa không? Còn mấy chị em tui phải chạy ra xóm mua mấy trái trứng về chiên cơm ăn cho xong bữa.
Một lần khác, Ba chạy xe gắn máy đến miệt Long Khánh thăm người làng xưa, đến chiều chạy xe về, đỗ ngay cổng nhà, kêu chúng tôi ra lấy trái mít đem vào, nhưng khi chúng tôi mừng rỡ chạy ra thì chẳng thấy mít ở đâu, thì ra trái mít đã rớt ở dọc đường mà Ba không hề hay biết, vẫn cứ phăng phăng lái xe trên xa lộ. Mấy bà hàng xóm bu lại bảo:
– Ba của chúng mày là người đàn ông vô tư vô lo nhất trần đời!
Có lẽ vì ngày xưa Má tôi đảm đang quá, Ba đi làm Cảnh Sát Quốc Gia, còn Má trông coi cả tiệm giải khát, nuôi một bầy con tám đứa, Ba chỉ phụ hợ má lúc sáng sớm khi chuẩn bị mở quán. Mà nào Ba vô tư, trên đường đi làm ngang qua đường Mạc Đỉnh Chi thấy người ta mang con cái vào học Hội Việt Mỹ, Ba cũng nhanh chân vào tìm hiểu rồi ghi danh cho các anh của tôi lần lượt vào học, nếu không có biến động tháng 4 năm 1975 thì chắc chắn cũng đã đến lượt tôi rồi.
Mà nào Ba vô tư, bữa đó ba đang ngồi đánh cờ tướng trong nhà vơi ông bác ruột của tôi. Hai ông già chưa phân thắng bại gần một ngày trời, tôi đứng sớ rớ gần đó với khuôn mặt sưng phồng đỏ vì bôi thuốc lang-ben quá liều lượng. Ai dè Ba nhìn thấy, bỏ bàn cờ kêu tôi lại gần hỏi nguồn cơn. Tôi vừa khóc nức nở vừa trình bày rằng, vì muốn da mặt mau hết lang ben nên tôi lỡ mạnh tay tra thuốc ào ào, những tưởng sẽ mau hết lang ben, nhưng ngược lại nó làm da tôi rát bỏng, đau đớn. Nghe xong Ba nổi nóng, mắng tôi một trận, rồi săm soi khuôn mặt tôi, bắt tôi ngày mai theo Ba đi bác sĩ để tìm cách cứu làn da của tôi, kẻo tôi mang sẹo. Vậy đó, mê cờ mà Ba sẵn sàng bỏ ngang chỉ vì sợ còn gái cưng bị... xấu!
Ba qua Mỹ lúc tuổi hơn 60. Ba vẫn xin đi làm hãng cho đến ngày nghỉ hưu. Đến tuổi 80 Ba vẫn chạy xe đạp loanh quanh gần nhà. Mỗi khi gia đình chúng tôi từ Canada qua thăm, ba hăng hái đạp xe ra Phước Lộc Thọ mua trái cây, bánh mì, mua thêm vài tờ báo Việt Ngữ cho tôi đọc. Thuở đó, các tài xế vùng Bolsa có phải dừng xe ngay ngã tư nhường đường cho một ông già mảnh mai, tóc bạc trắng, áo quần mũ nón chỉnh tề, đạp xe bon bon với túi trái cây và mấy tờ báo, thì đó chính là Ba tôi đấy.
Qua tuổi 90, Ba không còn chạy xe đạp, một phần vì mắt kém, và cũng vì phản xạ chân tay đã chậm, dù sức khỏe vẫn còn tốt, chưa phải uống một viên thuốc bệnh nào, không bị “ba cao một thấp” như các cụ lớn tuổi khác. Ba thường bảo, sống tới tuổi này là quá đủ rồi, nên mỗi ngày còn lại của Ba là mỗi ngày sống rất vui vẻ, ăn uống nghỉ ngơi để... chờ ngày về gặp Ông Bà tổ tiên.
Những ngày tháng cuối đời, Ba về ở Arlington, Texas vì có đông con cháu hơn bên California.
Tôi nhớ, lúc ông nội tôi mất khi tôi mười tuổi. Trước lúc nhập quan, bà nội tôi dặn dò đám con cháu: chút nữa các cháu nhớ khóc thật to vào, càng to càng tốt, gào lên kể lể nữa nhá.
Trong đám tang của Ba, chúng tôi bảo nhau, mừng cho Ba đã sống 95 năm đầy đủ một kiếp người, chưa bao giờ sống trong viện dưỡng lão, không dầm dề bệnh tật trong hospital, không đớn đau triền miên, nên chúng tôi đã làm theo lời dặn của Ba khi sinh thời, là hãy đón nhận chuyện ba ra đi, và celebrate 95 năm cuộc đời của Ba, để Ba ra đi thanh thản, không vướng bận ngậm ngùi.
Thế nên, tại nhà quàn, sau nghi thức phát tang, hai đứa cháu trong gia đình ngồi vào cây đàn piano (của nhà quàn có sẵn) và hát liên tục những bài tình ca êm ái, nhẹ nhàng tỏa bay như làn khói hương nơi bàn thờ, làm nhạc nền mỗi khi có khách đến viếng, và ngày hôm sau tại nghĩa trang, bên cạnh những giọt nước mắt xúc động của phút tử biệt khi hạ huyệt, chúng tôi đã cùng cất tiếng hát. Hát cho người ra đi và hát cho những người ở lại:
“...Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày...” (nhạc TCS)
Father’s Day 2022
Kim Loan
*Trùng chủ đề