Thủ tướng Úc, Anthony Albanese.
Có thể nói, mô hình chính trị của Úc rất thu hút. Nó linh hoạt, gọn nhẹ và hiệu quả. Ngay cả khi không có chính quyền, guồng máy này vẫn hoạt động mà không có vấn đề đáng kể nào, vì nó dựa trên hiến pháp và pháp luật có sẵn.
Cách đây đúng một tháng, người dân Úc đã bầu chọn một chính quyền mới vào ngày 21 tháng Năm. Đảng Lao động đã lên thay thế sau khi Liên Đảng (Đảng Cấp tiến và Quốc gia) cầm quyền ba nhiệm kỳ, từ năm 2013 đến 2022.
Chỉ hai ngày sau bầu cử liên bang Úc, dù lúc đó chưa rõ Lao động sẽ lãnh đạo một chính quyền đa số (majority government, tức phải có hơn 75 ghế tại Hạ viện) hay một chính quyền thiểu số (minority government, không chiếm được đa số trên 151 ghế Hạ viện nên phải chia sẻ quyền lực với những đảng nhỏ hay dân biểu độc lập), Thủ tướng Anthony Albanese đã cùng Ngoại trưởng Penny Wong liền bay đến Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ (QUAD, gồm Mỹ, Úc, Nhật và Ấn). Hộ tống hai người này là những chuyên viên hàng đầu của các bộ thủ tướng, ngoại giao, quốc phòng và những cơ quan liên hệ khác để bảo đảm rằng họ nắm vững vấn đề, tham khảo khi cần thiết, và lấy những quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng.
Bình thường thời gian chuyển giao quyền lực từ chính quyền cũ sang chính quyền mới cũng mất ít nhất một, hoặc hai, tuần để có thời gian sắp xếp nội các, trình lên Tổng Toàn quyền và làm lễ tuyên thệ chính thức. Tuy nhiên, vì hội nghị thượng đỉnh của Bộ Tứ đã được chuẩn bị từ trước và hơn nữa, mọi quyết định từ nay thuộc về tân chính phủ, nó sẽ không có ý nghĩa hay giá trị nào để cựu Thủ tướng Scott Morrison và cựu Ngoại trưởng Marise Payne tham dự thay cho chính phủ mới. Ngoài ra, vì tầm quan trọng của vai trò Bộ Tứ trong địa chính trị hiện nay, Albanese và Wong không thể bỏ lỡ cơ hội này để chứng minh sự quan tâm của chính quyền mới và nhất là không muốn Mỹ hay đồng minh đặt vấn đề nào đối với lập trường hay thái độ của chính quyền mình.
Khi máy bay cất cánh rời phi trường Canberra để bay đến Nhật chính xác vào lúc 12 giờ 10 phút 32 giây, thứ Hai 23 tháng Năm, Thủ tướng Albanese và Ngoại trưởng Wong chỉ mới chính thức đảm nhận vai trò này được 3 tiếng 5 phút. Đến ngày 1 tháng Sáu, toàn nội các của Albanese mới chính thức tuyên thệ.
Trước khi lên máy bay, Albanese đã có buổi họp báo với giới truyền thông Úc. Qua giới truyền thông, chính quyền dân cử chính thức trình bày những gì mình định làm và lý do, hầu để giải đáp mọi thắc mắc, nếu có, từ giới truyền thông. Nếu người dân không nắm rõ những điều này, không có chính quyền dân cử nào tồn tại. Không có tự do truyền thông/báo chí, dân chủ sẽ không thể tồn tại và cũng chẳng có ý nghĩa gì. Trong thời đại tràn ngập thông tin, kể cả thông tin giả và thất thiệt, họp báo với mọi cơ quan truyền thông hay phỏng vấn với một cơ quan truyền thông nào về các vấn đề cấp bách không chỉ là cơ hội để giúp người dân hiểu những vấn đề chính trị và những chính sách hay quyết định khó khăn của chính quyền. Nó còn là cơ hội để chứng minh khả năng lãnh đạo của mình để tiếp tục thu phục sự ủng hộ của người dân.
Tóm lại, tư duy và cung cách điều hành và lãnh đạo của chính thể dân chủ là vậy. Họ phải liên tục chứng minh sự xứng đáng của mình trong vai trò đó. Đồng thời họ phải chứng minh mình có khả năng lãnh đạo để lèo lái quốc gia vượt qua những thử thách trước mặt.
Chuyến đi Nhật thật ngắn nhưng quan trọng. Dù chính quyền Lao động hay Liên Đảng, Trung Quốc là mối đe dọa đến an ninh quốc gia, và những giá trị và lối sống dân chủ, không chỉ riêng Úc mà toàn vùng và thế giới. Do đó quản lý mối quan hệ với Trung Quốc là một thử thách của mọi chính quyền, bất kể xu hướng chính trị là gì. Albanese xác định rằng chính quyền do ông lãnh đạo sẽ giữ vững lập trường đối với Trung Quốc và sẽ bảo vệ quyền lợi và giá trị của nước Úc.
Hai ngày sau khi Albanese và Wong trở về lại Úc, bao nhiêu việc quan trọng đang chờ đợi. Lạm phát là mối đe dọa đến an sinh xã hội của người Úc cũng như toàn cầu. Và chỉ hai tuần lên nắm quyền, chính quyền Albanese đã phải đối diện với thử thách lớn lao: khủng hoảng năng lượng. Trong lúc này, Úc đang là mùa đông nên mọi người đều dùng ga và điện nhiều hơn. Trong khi đó, các vùng phía đông như tiểu bang New South Wales và Queensland đang bị thiếu hụt năng lượng trầm trọng. Kể từ cuối năm 2021 khi các nhân viên bắt đầu trở lại làm việc ở văn phòng, nhu cầu năng lượng càng gia tăng. Covid cũng là một nguyên nhân cản trở sự cung cấp năng lượng và sự vận chuyển của bao hàng hóa khác. Thêm vào đó là chiến tranh Ukraine, mà Nga là một trong những quốc gia xuất cảng dầu và ga lớn nhất. Vì thế, ít nhiều gì thì trên bình diện toàn cầu, Úc cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Không đủ năng lượng cung cấp, giá thành tăng vọt, và người dân bình thường không thể đài thọ. Các nhà máy sản xuất năng lượng bằng than phải hoạt động trong thời gian tạm thời để đắp vào cho đủ nhu cầu cung cấp. Đây là điều mà chính quyền Albanese không hề muốn, vì đảng Lao Động có xu hướng và cam kết mạnh mẽ đối với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Năng lượng mới, Chris Bowen, đổ lỗi cho chính quyền Liên Đảng để lại hệ quả tai hại này. Bowen biện luận rằng, vì Liên Đảng thiếu tầm nhìn và nhất là thiếu chính sách đầu tư đúng mức vào năng lượng tái tạo. Hơn nữa, nếu để cho thị trường tự quyết định thì nó sẽ dẫn đến hậu quả như đang xảy ra. Nghĩa là, trong thời đại nay để cho bàn tay vô hình (invisible hand của Adam Smith) quyết đoán thì cũng không xong. Có quá nhiều rủi ro không lường được. Vì vậy mà chính quyền liên bang và tiểu bang cũng phải có chính sách và trách nhiệm để can thiệp hầu duy trì một nền kinh tế thị trường dựa trên nguyên tắc cung cầu. Ngày 15 tháng Sáu, chính quyền Albanese đã lấy quyết định cho ngưng thị trường năng lượng quốc gia để giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung và nguy cơ mất điện. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Úc mà chính quyền ra tay can thiệp vào thị trường năng lượng như thế.
Tại Úc, tiến trình chuyển tiếp từ chính quyền cũ sang mới xảy ra nhanh gọn. Từ lúc công bố bầu cử đến khi thay thế chính quyền thường chỉ diễn ra trong vòng năm sáu tuần. Thủ tướng đương nhiệm có quyền tuyên bố ngày tuyển cử bất cứ lúc nào, thường là sau hai năm nhậm chức, hoặc vài tháng trước khi nhiệm kỳ ba năm chấm dứt. Mọi đảng chính trị phải ở trong tư thế chuẩn bị vận động bầu cử vì trung bình, chỉ có bốn đến sáu tuần. Bầu cử xong, khi kết quả thắng bại đã rõ, bên bại gọi điện thoại chúc mừng bên thắng, và bên thắng cũng ghi nhận nỗ lực và đóng góp của bên bại. Hai ngày, như trong trường hợp Albanese, hay một hai tuần, là lễ tuyên thệ nội các mới. Thủ tướng và bộ trưởng, cũng những cố vấn và nhân viên đặc biệt của họ, sẽ thay thế. Trong khi đó, những người đứng đầu guồng máy của các bộ và cơ quan chính quyền (department/agency) hoàn toàn giữ nguyên vẹn. Những người đứng đầu các bộ và cơ quan được bổ nhiệm, hay thay thế, vào thời điểm khác, khi nhiệm kỳ mỗi 5 năm của họ chấm dứt. Họ không thuộc đảng phái nào cả. Đúng ra là họ phải có lập trường phi chính trị (apolitical) thì mới thích hợp với vai trò đó. Vai trò và nhiệm vụ của họ là phục vụ chính quyền đương nhiệm, bất kể đó là đảng nào hay xu hướng chính trị nào. Tất cả các công chức Úc đều phải có lập trường phi chính trị như thế để hoàn thành trách nhiệm bằng tinh thần phục vụ công chúng (public service).
Có thể nói, mô hình chính trị của Úc, qua tiến trình chuyển tiếp đề cập như trên, rất thu hút. Nó linh hoạt, gọn nhẹ và hiệu quả. Ngay cả khi không có chính quyền, guồng máy này vẫn hoạt động mà không có vấn đề đáng kể nào, vì nó dựa trên hiến pháp và pháp luật có sẵn. Vai trò của nội các chính quyền là để lèo lái con thuyền. Nhưng ngay cả khi họ chỉ lèo lái, lãnh đạo chính trị phải có bản lãnh và tài năng để mang lại hiệu quả nhất cho quốc gia. Sự tương quan giữa chính trị và guồng máy nhà nước, hay hành chánh, là hai chiều và luôn có sự tương kính nhau để chạy tốt. Khi guồng máy đã tốt rồi, vấn đề còn lại là do người lèo lái. Guồng máy chính quyền trong sạch, khỏe mạnh và hiệu quả phải nên là ưu tiên xây dựng và phát triển của mọi quốc gia.
Phạm Phú Khải (VOA)