Lò cứ cháy và nhân dân vẫn chật vật kiếm cơm hằng ngày. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Hai tuần qua, tình hình đốt lò chống tham nhũng của Việt Nam nghe có vẻ căng thẳng và củi to được trưng dụng nhiều hơn, trong đó đáng kể là cựu Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Chu Ngọc Anh. Nhưng, dự đoán sẽ còn nhiều nhân vật nữa, nhiều cây củi gộc, củi bự hơn sẽ vào lò. Nhìn chung không khí đốt lò khá là “rực rỡ.” Nhưng, trong cái nhìn của nhân dân thì sao?
Bao nhiêu củi là đủ?Thầy Hùng, một cựu giáo viên, đồng thời là cựu đảng viên Cộng Sản Việt Nam, cựu lãnh đạo ngành giáo dục với thâm niên vừa đi dạy vừa làm lãnh đạo sở gần bốn mươi năm, chia sẻ, “Thực ra, nhìn không khí đốt lo rực rỡ vậy, tôi thấy buồn nhiều hơn là vui!”
"Hiện tại đời sống vẫn không có gì thay đổi... chỉ hy vọng vào tương lai." (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Vì sao thầy lại buồn?”
“Vì mình từng làm lãnh đạo ngành, mình thấu hiểu, mình về hưu và chẳng có gì thân thiết để lại bởi mình làm lãnh đạo mà không được giàu có như người ta, bởi mình không thể như người ta được. Mà trong xã hội này, nói như vậy có vẻ mình đạo đức giả, không ai tin đâu. Thôi kệ, tin hay không cũng vậy. Miễn sao mình ngủ ngon giấc, không có bị giật mình giữa đêm vì sợ chuyện gì đó là được. Vì hầu hết kẻ gian lận, tham nhũng đều bị vậy.”
“Dạ, nhưng thầy vẫn chưa trả lời em câu vì sao thầy buồn khi lò chống tham nhũng rực cháy?”
“Buồn vì mình biết với đà này, rất nhiều đồng nghiệp của mình sẽ nằm trên miệng lò, mối nguy rất cao, và em thử nghĩ, khi mà đụng đâu cũng thấy củi, thì đất nước lấy đâu ra người hiền tài mà xây dựng, lấy đâu ra những cây gỗ không bị dỏm để dựng nhà? Tình trạng hiện nay là đụng đâu cũng sẽ thấy củi, tôi nói chắc một điều như vậy. Và một đất nước mà việc tham nhũng đã thành nếp, thành tiền lệ, thông lệ và truyền thống như vậy thì quá nguy hiểm, không có gì đáng sợ hơn.”
Sau bao năm lò của Tổng Trọng được đốt lên, đời sống người dân vẫn không có gì thay đổi. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Là người từng làm lãnh đạo cấp sở, cũng là cựu đảng viên, liệu cái nhìn của thầy có bi quan quá không?”
“Ồ, không bi quan đâu, tích cực đấy, nếu không muốn nói là rất tích cực. Bởi vì mình phải nhìn trung thực, khách quan để thấy vấn đề. Mà vấn đề của chính trị có hai khía cạnh, hoặc là chính trị tư lợi, hoặc là chính trị vì dân. Yếu tố chính trị tư lợi ở xứ mình quá cao, yếu tố vì dân không có, nên mọi thứ nó rất bất an và khôi hài. Khi nghe tin lò đốt mạnh thì tôi mừng, vì công cuộc chống tham nhũng ráo riết. Nhưng rồi nhìn lại, đâu đâu cũng thấy củi, lại buồn, nhưng rồi lại thêm chuyện khác, đó là dân được gì, bởi vì chuyện đốt lò có vẻ như nhằm mục đích thu về một số thứ, nhưng những thứ ấy không có lợi cho dân mấy.”
Cao ốc, văn phòng, công trình nhà nước cứ mọc và sau một thời gian, một đống củi được tiếp tục cho vào lò. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Vì sao thầy nghĩ nó không có lợi cho dân?”
“Về lý thuyết thì chống tham nhũng sẽ có lợi cho dân lắm chứ. Nhưng với nhân dân, mọi cái phải cụ thể, ví dụ như đời sống hằng ngày được thoải mái, giá cả giảm bớt, mọi thứ đừng ngột ngạt, mọi thứ đừng bất an, mọi thứ cho cảm giác an toàn, hạnh phúc. Nhưng rồi đâu có vậy, tại Việt Nam, mọi thứ đang tăng giá vùn vụt, mọi thứ luôn trong tình trạng bắt buộc, thậm chí hạ lệnh một chiều.”
“Hạ lệnh một chiều? Em chưa hiểu điều thầy vừa nói, thầy có thể bàn sâu hơn một chút giúp em không?”
“Thì em thấy đấy, việc tiêm vaccine là một lựa chọn có tính cá nhân, người ta có quyền chọn tiêm hoặc không tiêm khi vaccine vẫn còn ở dạng thử nghiệm và nó chưa chắc đảm bảo ngăn được dịch. Thế nhưng tại Việt Nam, rất nhiều nơi đưa vào diện bắt buộc, bắt người ta phải chích, nếu không chích thì không được ra khỏi nhà, hoặc thậm chí bị đe nẹt, bắt bớ, rồi trường hợp chọt mũi test, ui là khổ. Bây giờ nghĩ lại thấy hãi hùng, chẳng ra làm sao cả. Chính cái cơ chế độc tài và đặt đảng viên trên một khối quyền lợi đã giúp họ tác oai tác quái dễ dàng.”
Thời giá tăng, thời phẩm giảm, nỗi lo thời đại không của riêng ai. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Vậy, lẽ nào việc đốt lò triệt để không phải là lần này?”
“Đúng rồi, cứ chặt củi cho vào lò trong khi cả một cánh rừng đều là củi thì câu chuyện sẽ khó vô cùng, vấn đề cốt lõi vẫn không được giải quyết, một khi cái lõi, hay nói đúng hơn là cái nọc của ung nhột không được dứt bỏ, thì mọi việc bên ngoài cũng chỉ làm tạm thời thôi.”
“Theo thầy, đâu là ung nhọt?”
“Đây là vấn đề tế nhị, khó nói và có nói cũng chẳng giải quyết được. Nhưng dẫu sao tôi cũng hi vọng vào thế hệ trẻ, những lớp người được học hành, có tầm nhìn khá hơn thế hệ trước và đặc biệt là họ đã chứng kiến, họ là những con cá trong lờ, họ hiểu.”
Không phải ai cũng có thể yên giấc giữa lúc lò càng lúc càng hừng hực lửa. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Thầy ơi, ý niệm về con cá trong lờ thật thú vị, xin thầy mở rộng?”
“Thế hệ của chúng tôi, là những con cá ngoài lờ, nghĩa là chúng tôi sống hoàn toàn trong cơ chế kinh tế tập trung bao cấp và ước mơ chạm tay vào kinh tế thị trường, vào thế giới tư bản. Khi nhà nước mở cửa kinh tế năm 1986 thì cơ hội mở ra thật nhiều nhưng đồng thời tai ương cũng lắm bởi vì cái định hướng xã hội chủ nghĩa đằng sau đuôi đã giúp cho giới cán bộ đảng viên có quyền hơn người bình thường, có nhiều đặc lợi khó nói. Và chúng tôi, những con cá ngoài lờ cứ như vậy mà xông vào cái lờ tham nhũng, vật dục, hưởng thụ và băng hoại. Bây giờ con cháu đã nhìn thấy vấn đề, hoặc là chúng đồng lõa, hoặc là chúng phản tỉnh. Và đương nhiên khuynh hướng phản tỉnh sẽ rất cao, bởi qui luật tự nhiên mà, chẳng con cá nào ưa ở trong lờ cho dù trong đó có nhiều thức ăn. Thế hệ bây giờ đang ở trong cái lờ xã hội đầy nhiêu khê và rắc rối. Tôi tin rằng tương lai sẽ không đến nỗi nào!”
Nhân dân thấy gì? Những nụ cười hạnh phúc (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Thử tìm hiểu về cảm xúc của người dân, đặc biệt hiệu ứng đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc chống tham nhũng, trong vấn đề mối tương quan giữa đời sống và chống tham nhũng, chị Tuyền, một giáo viên đang dạy học ở Quảng Nam, chia sẻ, “Thực tế thì đời sống vẫn không có gì thay đổi, hiện tại chưa thấy gì, chỉ hi vọng vào tương lai thôi!”
“Không thay đổi, nghĩa là sao, tôi vẫn chưa hiểu ý cô cho mấy?”
“Nghĩa là giá cả vẫn cứ leo thang, điều đó cho thấy rằng chính phủ vẫn chưa bù giá được cho nhân dân để đời sống nhân dân dễ chịu hơn. Nói chung, hiện tại vẫn chưa thấy có gì lạ. Nghĩa là xăng vẫn tăng giá đều đều, vùn vụt, mọi thứ vẫn cứ leo thang theo xăng. Và chẳng có hi vọng gì. Nhìn chung là chẳng có hi vọng gì!”
“Ngành giáo dục cũng đầy rẫy thị phi và cục bộ, tệ nạn. Tôi vẫn hi vọng rằng đến một lúc nào đó, củi giáo dục đốt sáng, lấy lại công bằng cho nhiều thầy cô bị ép chế, để các thầy cô đủ tự tin mà đứng lớp, mà giảng dạy đúng với sứ mệnh nghề giáo. Chứ hiện tại, có quá nhiều trắc ẩn, thầy cô vẫn là giới thấp cổ bé miệng. Đó là chưa muốn nói tới một vấn đề khác, vấn đề thời giá và thời phẩm. Thời giá đã lấy đi rất nhiều thời phẩm của thầy cô nói riêng và con người nói chung.”
Hy vọng vào tương lai khi những con cá đã thấy trước lờ. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Thời giá và thời phẩm nghĩa là sao cô?”
“Thời giá thì anh biết rồi, nhưng thời phẩm, đó là cách nói nôm na của chúng tôi về phẩm hạnh của con người trong thời đại mà anh/chị ta đang sống. Phẩm hạnh của con người là thứ không thể đánh đổi, một khi bị mang ra đánh đổi thì nó không còn là phẩm hạnh nữa. Mà hiện tại, người ta đánh đổi nhiều lắm, vì cái chức Hiệu Phó, rồi Hiệu Trưởng, rồi những cái chức khác, người ta chấp nhận tất tần tật. Điều ấy mang lại hệ lụy to lớn vô cùng. Đến khi gượng lại thì không kịp nữa rồi. Thử nghĩ, một đất nước mà toàn những chuyện sai lầm không thể gượng được thì tương lai nó ra sao. Mà suy cho cùng, tương lai phụ thuộc vào hiện tại, vào bây giờ. Nếu như người dân cứ phải sống thấp cổ bé miệng, sống trong thân phận của kẻ chịu đựng và thắt lưng buộc bụng như vậy mãi, sống trong cảnh bị vặt lông công khai như vậy hoài thì lớn sao nổi, đất nước lớn sao được!”
Những khu phố, làng xã văn hóa liên tục mọc lên và những quan tham liên tục vào lò. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Hiện tại, đời sống sau dịch của nhà giáo như thế nào, cô có thể chia sẻ thêm chút đỉnh không thưa cô?”
“Hiện tại chả có gì để nói, vì lẽ hầu như mọi người ai cũng khổ, nhưng tôi vẫn không hiểu được là tại sao sau dịch, các dịch vụ ăn nhậu lại rất đắt đỏ và có vẻ như chạy hàng, trong khi đó mọi thứ như xăng, dầu, điện, nước đều tăng giá. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, bởi vì sau nhiều năm dịch giã, đứng hết mọi thứ nhưng ăn nhậu lại phình ra. Như vậy có gì đó bất an và bất cân xứng trong đời sống con người, có gì đó bất chấp và liều lĩnh… Điều này đáng lo buồn lắm. Và chuyện chống tham nhũng, dường như chẳng lấy lại được gì cho nhân dân trong khi người chịu thiệt thòi nhất trong vấn nạn tham nhũng lại là nhân dân. Nhìn đời sống chúng tôi lúc này thì sẽ hiểu!”
Chẳng biết lò lửa cháy đến đâu khi khắp rừng đều là củi. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Lò của ông Trọng vẫn đang cháy hừng hực, củi càng lúc càng to. Nhưng hình như với người dân, đó chỉ là chuyện đáng mừng trong nội bộ đảng, nó không liên quan đến nhân dân cho mấy!
Nguyên Quang/ Viễn Đông