Hình minh hoạ: cổ động viên Việt Nam chúc mừng sau khi đội tuyển bóng đá nam thắng đội Thái Lan trong trận chung kết SEA Games ở Hà Nội hôm 22/5/2022. AFP
Báo cáo của CEOWORLD, được cho là của tạp chí kinh doanh và thương mại hàng đầu thế giới, vừa đăng tải thông tin cho hay Việt Nam tăng 39 bậc và trở thành quốc gia thứ 62 trên toàn thế giới về chất lượng cuộc sống tốt năm 2021.
Ngay sau đó, một bản tin của Thông Tấn Xã VN loan tin tiếp theo rằng VN đạt 78,49 điểm, đứng thứ 62 trong 165 quốc gia có chất lượng cuộc sống tốt.
TTXVN còn kèm bình luận ‘..tăng một lúc 38 bậc là bước nhảy vọt so với thứ hạng 101/171 quốc gia năm 2020’.
Trước đó, một bản tin đăng trên mạng Anh ngữ Vietnam+ tháng 3/2022, loan rằng Việt Nam tăng hai bậc trên bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, từ hạng 79 năm 2021 thành hạng 77 năm 2022.
Theo truyền thông VN, những chỉ số này được tổng hợp từ hơn 150 quốc gia, do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc thực hiện.
Nhà nghiên cứu Đông Nam Á và Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, cho rằng những con số hay thứ bậc về chất lượng cuộc sống tốt hoặc hạnh phúc nhất thế giới không nói lên được điều gì khi mà nguồn của nó thường khiến người ta ngờ vực. TS Hà Hoàng Hợp nói:
“Không có cơ sở gì để nói cả, phải tìm đúng cái nhóm ấy để hỏi tại sao lại tăng như thế. Nếu chỉ so với lúc đang có dịch COVID với hàng chục ngàn người chết đem thiêu không kịp, với lúc này không còn ai chết cả, mọi người khỏe mạnh và cười phơi phới ngoài đường, thì rõ ràng chất lượng cuộc sống có tốt lên thật, đấy là có sự tiến bộ”.
Tuy nhiên, TS. Hợp nói thêm:
“Báo VN vốn hay đăng lại những thông tin của Nikkei Index, một tờ báo Nhật Bản mà suốt thời gian có COVID- 19 đã đăng tin rất xấu về VN và VN không dám nói gì cả, bây giờ đưa tin tốt thì VN lại đăng”.
Về chuyện VN được tăng hai bậc trên danh sách các nước hạnh phúc nhất thế giới, nhà nghiên cứu Đông Nam Á và VN nhận định:
“Tăng lên 10 bậc mà không ai cảm nhận được gì huống hồ hai bậc. Tôi đã không cảm nhận được thì tôi nghĩ nhiều người cũng không cảm nhận được bởi vì tôi rất chú ý đến những chuyện này.”
Qua đó nhà nghiên cứu ĐNA và VN cho rằng những tiêu chí được gọi là đất nước hạnh phúc nhất nhì thế giới gì đó thì cứ nhìn vào hiện trạng VN hai năm qua là rõ:
“Nói rằng thu nhập đầu người trong hai năm qua tăng thì tôi không thấy tăng. Nếu bảo tăng dựa trên GDP thì có nơi tăng có nơi giảm nên không thể xác định được. Về tham nhũng thì càng chống càng nhiều tham nhũng thì lấy đâu ra mà tốt.”
“Điểm thứ hai, bảo người dân được tự do hơn trong việc đưa ra quyết định hay lựa chọn của mình như thế nào thì đấy là những quyền cơ bản để người ta tự kiếm sống, thế nhưng người ta có bị ngăn cản hay không lại là một chuyện khác.”
“Về chuyện tuổi thọ, chả có cơ sở gì để nói rằng hai năm vừa rồi tuổi thọ người Việt tăng lên cả, chỉ thấy chết nhiều đi là vì COVID. Nói như thế để Thông Tấn Xã và báo VN đăng lại là tăng bậc thì không thể nào hình dung được, không thể định nghĩa được”.
Hình minh hoạ: Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm miễn phí ở chợ Happy Mart ở Hà Nội hôm 16/4/2020 khi kinh tế Việt Nam gặp khó khăn do phong toả vì dịch bệnh COVID-19. AFP
Cùng nêu nhận định của mình về các chỉ số đánh giá VN trong hai năm qua, Giáo sư tiến sĩ Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, hiện là cố vấn tùy thời gian của World Bank Ngân Hàng Thế Giới, cho rằng:
“VN thường đứng khoảng trung bình trên thế giới, kể cả chỉ số về tham nhũng, về số hóa, hành chính hoặc nhiều chỉ số khác, thì Việt Nam luôn thuộc nhóm thứ hai trên tổng các bảng đó.”
Thông thường trong chừng 160 đến 180 nước trên thế giới, VN luôn đứng ở khoảng từ 70 đến 90 tức khoảng giữa của các bảng xếp hạng, TS Đặng Hùng Võ nói tiếp:
“VN tăng hai bậc cũng là dấu hiệu của sự khả quan, của sự tiến bộ. Đương nhiên mỗi một nước phải tốt lên, năm nay phải hơn năm ngoái, nếu không thì ta không thảo luận về chỉ số này làm gì. Nhích lên hai bậc là tốt nhưng mong muốn làm sao có những bước đột phá về hạnh phúc con người.”
“VN vẫn áp dụng cơ chế ‘thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’, tức về nguyên tắc phải tiến bộ hơn’ cơ chế thị trường không mang tính xã hội chủ nghĩa’. Mang tính XHCN là đưa yếu tố cộng đồng mang lại hạnh phúc cho cá nhân nhiều hơn là các kinh tế thị trường khác. Chính như vậy chắc chắn phải có những đột phá mạnh để con người được hạnh phúc trong cơ chế thị trường định hướng XHCN.”
Con đường vươn tới hạnh phúc ở đâu?Được biết trên bảng xếp hạng về chất lượng cuộc sống thì Phần Lan được vinh danh là quốc gia tốt nhất thế giới, kế tiếp là Đan Mạch thứ nhì và Na Uy thứ ba.
Nhật Bản dẫn đầu các quốc gia Châu Á về chất lượng cuộc sống, còn Singapore đứng đầu khu vực Đông Nam Á trên bảng xếp hạng.
Trở lại việc lượng định chất lượng cuộc sống cũng như chỉ số hạnh phúc của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy trình bày quan điểm của ông qua điện thư với RFA:
“Thực ra mà nói thì các chỉ số như chất lượng cuộc sống hay chỉ số hạnh phúc thường không có giá trị gì nhiều để đánh giá sự sung túc của một quốc gia hay mức sống của người dân. Cái khó khăn thứ nhất đó là việc xây dựng khung tiêu chuẩn. Và cái khó khăn thứ hai là chọn mẫu. Vì những khó khăn như vậy cho nên việc tăng hay giảm vài điểm phần trăm nó hầu như không có ý nghĩa gì”.
Muốn biết người dân tự cảm nhận cuộc sống của họ như thế nào thì hãy nhìn dòng người di cư. Nếu cuộc sống nhìn chung ngày càng hạnh phúc thì tình trạng người bỏ quê đi nơi khác mưu sinh sẽ giảm, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ khẳng định:
“Nhưng điều này không thấy xảy ra. Cho đến nay, người dân mỗi ngày vẫn tìm đủ mọi cách để ra đi, mong tìm kiếm một cơ hội phát triển cho cuộc đời và một tương lai cho con cháu.”
“Còn muốn nhìn vào thực tại về sự thịnh vượng của một quốc gia, thì có nhiều cách để nhìn. Một cách thực tế thì hiện nay Việt Nam vẫn là một nước có mức thu nhập thấp so trong khu vực. Ở tất cả các lĩnh vực, VN hầu như không có đóng góp gì đáng kể cho văn minh, khoa học hay công nghệ của thế giới.”
"Đáng buồn hơn, VN vẫn là nước theo thể chế toàn trị trong khi xu hướng của cả thế giới văn minh coi dân chủ là điều hiển nhiên, một tiêu chuẩn xã hội lành mạnh, hạnh phúc”.
Qua đó, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ kết luận, tiềm năng phát triển của người VN bị kềm nén, con đường vươn tới chỉ số hạnh phúc xứng đáng vẫn còn ở phía trước.
Theo RFA