Dương Phục-Vũ Thanh Thủy và ‘Tình Yêu-Ngục Tù và Vượt Biển’ “Tình Yêu-Ngục Tù & Vượt Biển” – hồi ký của hai cựu phóng viên chiến trường Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, cũng là hai người bạn đời đã đi qua những giai đoạn khốc liệt, đau thương nhất của dân tộc này – thật sự cuốn hút người đọc hơn những điều người ta thường nghĩ.
Có ai đó nói với tôi rằng, “Những gì có trong quyển hồi ký chắc cũng chả khác mấy với những điều mà nhiều người đã viết trước đây, vì cũng có từng ấy sự kiện, ngày 30 Tháng Tư, rồi đi tù, rồi vượt biên. Nghe hoài, đọc hoài, thấy ai cũng như ai.”
Vợ chồng cựu phóng viên chiến trường Vũ Thành Thủy và Dương Phục cùng Hồi Ký “Tình Yêu-Ngục Tù và Vượt Biển” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Lời nhận xét đó cho thấy một điều: Họ chưa bao giờ cầm trên tay quyển sách, để có thể lật giở từng trang, để có thể đọc bằng mắt, và rồi bằng cả tâm tư của những người cùng màu da giọng nói về cảnh ngộ rất riêng của một con người, hai con người, nhiều con người, trước khi có thể hiểu một cách tường tận và thấu đáo hơn về cả dân tộc này với tất cả những oan khiên, nghiệt ngã mà họ đã trải qua.
Dĩ nhiên, cảm nhận về hồi ký “Tình Yêu-Ngục Tù & Vượt Biển” vẫn là của riêng mỗi người đi cùng kinh nghiệm sống, nhưng nỗi niềm, suy nghĩ của Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đưa đến việc hình thành tác phẩm này khiến chúng ta cảm thấy trân trọng hơn những con người của một thế hệ được xem là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử mà bất kỳ ai cũng không mong có sự lặp lại.
Quyển sách viết trong mấy chục năm
“Chúng tôi viết quyển sách này trong mấy chục năm, kể từ hồi đi vượt biển năm 1979, cứ viết lai rai, không có gì gấp rút,” Dương Phục, người đàn ông đã qua tuổi 70, từng là phóng viên chiến trường Đài Phát Thanh Sài Gòn & Quân Đội, mở đầu câu chuyện nói về quyển hồi ký.
Vũ Thanh Thủy, người phụ nữ có gương mặt đẹp cùng đôi mắt nhiều u uẩn, trình bày chi tiết hơn, “Tôi bắt đầu viết từ Tháng Chín, 1979, trên tàu vượt biên. Khi lênh đênh trên biển, cũng như lúc trên đảo Koh Kra, Thái Lan, thì đã hứa rằng sẽ không bao giờ quên những điều này, phải ghi lại những điều này, vì nó hãi hùng ngoài sức tưởng tượng của mình.”
Cứ thế, họ viết, trong hơn 35 năm.
Phóng viên Vũ Thanh Thủy cùng những hình ảnh những ngày ở đảo Koh Kra, Thái Lan. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
“Cho đến năm 2015,” theo nhà báo Dương Phục, “tất cả mới được gom góp, đúc kết lại. Bởi viết một cuốn sách mà như ba cuốn sách, giai đoạn phóng viên chiến trường hồi chiến tranh Việt Nam, rồi giai đoạn đi tù Cộng Sản, rồi giai đoạn vượt biên, cứ như ba trường đoạn khác nhau được ghép lại cùng nhau.”
Điểm độc đáo đầu tiên của hồi ký “Tình Yêu-Ngục Tù & Vượt Biển” nằm ở chỗ “cả hai tác giả cùng viết mà không cần liên lạc với nhau. Mỗi người viết chuyện của chính mình, sự kiện diễn ra trước mắt mình, rồi ghép lại, một khúc của Phục, một khúc của Thủy.”
Phần xúc động nhất của phóng viên Dương Phục khi dàn trải tâm tư mình chính là ở những dòng viết về hành trình vượt biển, vì “phải chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng.”
Với cựu phóng viên báo Tin Điển, Dân Ý, Sự Thật, Thần Phong Vũ Thanh Thủy thì “Giai đoạn 30 Tháng Tư là giai đoạn rất đau lòng.”
“Nói chung viết hồi ký thì phần nào cũng xúc động, vì phần nào cũng khiến mình sống lại thời điểm đó. Giai đoạn 30 Tháng Tư là giai đoạn rất đau lòng. Khi viết về thời thơ ấu, mình lại có cái xúc động nhẹ nhàng khi nhớ lại quá khứ tuổi thơ với gia đình, cha mẹ, anh em. Giai đoạn sống dưới chế độ Cộng Sản có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất, khó khăn hơn cả giai đoạn vượt biển, khó khăn hơn là giai đoạn gặp hải tặc. Bởi vượt biển hay hải tặc thì mình biết chẳng bao lâu sẽ chấm dứt, hoặc mình sống hay chết. Nhưng giai đoạn bốn năm sống dưới chế độ Cộng Sản thì mình không biết ra sao, không có sự hy vọng nào, không biết bao giờ kết thúc. Thành ra nói giai đoạn nào xúc động nhất thì khó nói,” bà giải thích thêm.
Những điều lạ lùng và bí ẩn đã xảy ra
“Câu chuyện nào ông thấy lạ lùng nhất trong cuộc đời khi nhìn lại hết năm tháng đã qua?” Tôi hỏi nhà báo Dương Phục.
Bên chiếc bàn làm việc tại văn phòng của Radio Saigon Houston, cựu phóng viên chiến trường ngày nào từng được mệnh danh là “chai lỳ, xông xáo,” nói một cách điềm tĩnh, “Với tôi, tại sao lại có chữ tình yêu ở đây?”
Ông tiếp tục, “Dù là chiến trường đổ máu, mình chứng kiến bao nhiêu cái chết trước mắt. Rồi ngục tù, bao nhiêu bạn tù chết, vượt biển thì bao nhiêu người bị ném xác xuống đại dương. Nhưng vượt lên hết, mình để chữ tình yêu lên cao nhất, tại vì mình thấy tất cả những may mắn nếu không có Chúa chắc chắn là không có gì hết. Tình yêu này là tình yêu của Thượng Đế với con người, tình yêu giữa con người với con người.”
“Có những điều kỳ lạ xảy ra, có thể có người sẽ chỉ trích tôi, nhưng tôi không sợ bị chỉ trích, vì ngay cả trong chốn ngục tù cũng có một người cán bộ Cộng Sản tử tế với mình. Đó là sự rung động của con người. Hay trong số hải tặc cũng có ‘thằng’ hải tặc tử tế chứ không phải ‘thằng’ hải tặc nào cũng khốn nạn cả, thành ra mình nghĩ có sự rung động giữa tình người, tình yêu,” ông nói, như đang chiêm nghiệm lại những gì đã qua.
Với Thanh Thủy, “Điều đặc biệt nhất khi nhìn lại những biến cố, sóng gió đã qua chính là những điều may mắn xảy ra mà nếu người nào khác kể cho tôi nghe thì chắc chắn tôi không tin, không thể nào ngờ được. Đến giờ đó vẫn là những điều bí ẩn đối với tôi. Không thể nào giải thích được.”
Những “bí ẩn” đó được kể lại khá chi tiết trong phần VI “Trốn Chạy và Vượt Biển” và phần VII “Hải Tặc” của hồi ký
Phóng viên chiến trường Dương Phục tại đài Radio Saigon Houston, Texas (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
“Điều tôi nhận ra là trong những con người xấu, rất xấu, vẫn có những điều tốt tồn tại, để mình không thất vọng. Có những điều rất lạ, như khi đám hải tặc kéo phụ nữ đi hãm hiếp, con bé ba tháng tuổi của tôi bị bỏ nằm vất vưởng giữa mưa gió, vì ai cũng bỏ chạy, thế mà một tên hải tặc đi ngang đã dừng lại cởi áo nó đắp cho con bé. Không thể tưởng tượng được,” bà nêu một dẫn chứng về những điều đặc biệt mà bà có cơ hội nhìn thấy.
Bà Thanh Thủy tâm sự, “Sau mấy mươi năm, khi ngồi đọc lại toàn bộ những gì đã viết, tôi sáng lên nhiều điều. Chúng tôi viết quyển này không phải với cái đầu mà bằng cả trái tim, như một món nợ mà mình phải trả mà phải trả một cách trung thực, như có người nói ‘không được nói Việt Cộng là tốt, vì tất cả chúng đều xấu,’ nhưng thực tế không phải vậy, vẫn có người tốt.”
“Ngay ở trong phòng làm việc của mình, tôi treo tấm hình đảo Koh Kra, để mỗi khi bực mình chuyện gì, tôi nhìn vào đó để thấy rằng không có gì phải phàn nàn nữa hết, bởi khi mình đã đi qua những điều này thì những cái khác đều là chuyện nhỏ. Rồi mình cũng nhìn ra có những sự sống đáng sợ hơn cái chết, nhất là trong hoàn cảnh mình biết là sẽ chết mà không biết chết khi nào, rồi mình biết sẽ bị cái này sẽ bị cái kia, nhưng không biết lúc nào sẽ xảy ra,… những điều đó đáng sợ hơn sự chết rất nhiều,” người phụ nữ chứng kiến quá nhiều giông tố trong đời, suy ngẫm.
Bà cho rằng, “Khi con người còn có hy vọng, thì bất cứ chuyện gì rồi cũng có thể vượt qua.”
Tác phẩm để lại cho thế hệ sau
Cựu phóng viên Thanh Thủy chia sẻ, “Năm 1988 khi ký hợp đồng phim với Sterling Lord Literary Agency ở New York và hợp đồng sách với Robert Barnett, luật sư chuyên về tác quyền tại Washington D.C, chúng tôi mới lại nhìn thấy sự quan trọng của sự chính xác trong câu chuyện này. Vì câu chuyện này đâu còn là của riêng mình nữa, mà là câu chuyện của nhiều người, của cả dân tộc mình. Khi đó chúng tôi nghiêm túc hơn trong việc viết, trong việc sưu tập tài liệu.”
“Chúng tôi viết trong tư cách của một chứng nhân chứ không phải là viết tiểu thuyết. Chúng tôi là phóng viên, không phải nhà văn nên tất cả đều là sự thật, không phải hư cấu, thành ra cần nhấn mạnh để con cháu biết, đây là những sự kiện,” phóng viên Dương Phục nói.
Cũng trong tâm tình đó, ông cho rằng, “Đây là quyển sách để lại cho thế hệ sau.”
“Mục đích chính của cả hai vợ chồng khi viết là để lại cho mấy đứa con, mấy đứa cháu. Chúng lớn lên ở đây nên không biết bằng cách nào thế hệ ông bà bố mẹ mình đến đây, nó chỉ nghe loáng thoáng là đi vượt biển nhưng nó không biết chi tiết. Nó nghe loáng thoáng bố mẹ ông bà đi tù nhưng mà nó không biết tù gì… Thế nên chúng tôi viết để cho thế hệ sau biết. Ngay cả con chúng tôi, tôi cũng muốn chúng biết tại sao chúng có mặt ở đây,” ông nhấn mạnh.
Nhà báo Thanh Thủy khẳng định, “Nếu mình không trải qua nỗi bất hạnh sẽ không hiểu nổi hạnh phúc. Nếu mình không đi qua những khổ đau, mình sẽ không trân quý được cuộc sống. Đó là những thông điệp mà tôi muốn chia sẻ với mọi người.”
Ngọc Lan/Người Việt
Hồi ký Tháng Tư đen- Dương Phục và Vũ Thanh Thủy VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO [YOUTUBE]http://www.youtube.com/watch?v=xQV8qTSn_-&feature=player_embedded[/YOUTUBE]
VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO VIDEO