Demonstrators celebrate after entering into the Presidential Secretariat, after President Gotabaya Rajapaksa fled, amid the country's economic crisis, in Colombo, Sri Lanka July 9, 2022. REUTERS - DINUKA LIYANAWATTE
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rũ trách nhiệm khi tìm cách rời Sri Lanka sống lưu vong nhưng không thành. Ông để lại cho 22 triệu dân khối nợ nước ngoài 51 tỉ đô la, theo thẩm định vào tháng 04/2022, một nền kinh tế kiệt quệ, cạn nhiên liệu và khoảng 80% người dân phải bỏ bữa vì thiếu lương thực.
Sự kiện người dân tràn vào dinh tổng thống “thứ Bẩy ngày 09/07/2022 sẽ lưu lại trong lịch sử” Sri Lanka. Việc tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố từ chức ngày 13/07, chấm dứt nhiều thập niên cai trị của gia tộc Rajapaksa, đã mở ra “một chân trời mới”, là điều kiện “cần” nhưng chưa “đủ” vì theo báo chí Sri Lanka, “con đường dài và ghập ghềnh hướng đến phục hồi kinh tế” mới chỉ bắt đầu.
Đối lập khó khăn thành lập chính phủKhó khăn đầu tiên là ổn định lại cỗ máy điều hành đất nước. Cuộc bầu cử tổng thống được dự kiến diễn ra ngày 20/07. Thời gian quá gấp rút cho các đảng đối lập nhỏ đàm phán đề cử gương mặt xứng đáng. Tiếp theo là thành lập chính phủ đa đảng mới, được trang The Hindu đánh giá là “một trọng trách” “rất khó khăn do phe đối lập Sri Lanka bị chia rẽ và nhiều đảng đối lập, dù có hợp lực, cũng không có đa số nghị viện”.
Ngược lại, đảng của gia tộc Rajapaksa (Sri Lanka Podujana Peramuna), chiếm đa số ở Nghị Viện, “từ chối hạ mình trước phe đối lập” vì muốn đưa người lên thay thế. Và “đây là mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định của Sri Lanka”, theo nhận định của Nishan de Mel, giám đốc tổ chức Verité Research ở Colombo, được Le Monde trích dẫn.
Thừa hưởng đất nước phá sản Trong trường hợp “phe đối lập thành lập được chính phủ và được các nghị sĩ ủng hộ, thì họ kế thừa một nền kinh tế đang sụp đổ, không có biện pháp mầu nhiệm nào”. Thực vậy, Sri Lanka chìm trong khủng hoảng từ nhiều năm qua. Du lịch, lĩnh vực mang lại nguồn ngoại tệ cho hòn đảo, bị thất thu vì hàng loạt vụ khủng bố dịp lễ Phục Sinh năm 2019 (khiến ít nhất 156 người chết), tiếp theo là đại dịch Covid-19.
Ngoài ra phải kể đến hàng loạt thất sách được chính quyền triển khai trong khi không có biện pháp bổ trợ : giảm thuế mạnh vào tháng 12/2019 khiến ngân sách Nhà nước mất 1/3 nguồn thu ; tháng 04/2021 đột ngột cấm nhập khẩu hóa chất với lý do chuyển đổi sang nông nghiệp sạch khiến mất mùa. Nhưng nguyên nhân sâu xa đẩy Sri Lanka ngập trong nợ bắt nguồn từ những năm 2005-2015 dưới thời tổng thống Mahinda Rajapaksa, anh cả của tổng thống vừa bị lật đổ, khi vay tín dụng của Trung Quốc để xây dựng những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, bị coi là vô dụng, theo nhật báo Le Monde ngày 12/07.
Đến tháng 04/2022, chính quyền Colombo tuyên bố mất khả năng thanh toán nợ để tập trung vào nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Theo tờ Sunday Times ngày 10/07, trong vòng 4 năm tới, Sri Lanka phải thanh toán nợ hơn 4 tỉ đô la hàng năm. Chính phủ mới sẽ phải làm như nào để vừa bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm cho người dân, vừa phải đàm phán nợ với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) ?
Cải tổ bộ máy quản lý kinh tế theo yêu cầu của FMI ? Theo phân tích của nhà sử học Eric-Payl Meyer, chuyên về Sri Lanka, trên đài RFI ngày 12/07, trước mắt “Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ nhưng trong một chừng mực nhất định về khan hiếm xăng dầu, lương thực hoặc phân bón”. Trung Quốc khẳng định vẫn viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Sri Lanka từ nhiều tháng nay và tiếp tục theo sát những diễn biến mới nhất ở nước láng giềng bạn hữu.
Ở quy mô rộng hơn, đất nước trong tình trạng phá sản sẽ phải đàm phán trên thế yếu với các định chế tài chính quốc tế, như với FMI, về vấn đề nợ. Sri Lanka sẽ phải “thắt lưng buộc bụng”, cải tổ bộ máy quản lý kinh tế theo những yêu cầu của “chủ nợ” và điều này có thể gây rạn nứt trong nội bộ các chính đảng đối lập dù hiện tại tất cả đều sẵn sàng tìm giải pháp giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Trung Quốc, bị coi là nguyên nhân sâu xa đẩy Sri Lanka ngập trong nợ, dường như muốn phủi tay, đẩy trách nhiệm cho các định chế tài chính quốc tế (FMI, Ngân Hàng Thế Giới). Theo các nhà quan sát Trung Quốc, được Global Times trích ngày 11/07, các chủ nợ thương mại và các tổ chức tài chính đa phương là những người cho vay chính đằng sau khối nợ nước ngoài của Sri Lanka.
Cuối cùng, để tránh xảy ra thêm một cuộc chiếm dinh tổng thống, tầng lớp chính trị gia và lãnh đạo Sri Lanka cần phải cải thiện được niềm tin của người dân. Biện pháp được Jayadeva Uyangoda, chuyên gia khoa học chính trị, đưa ra là “phải tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới để Nghị Viện phản ánh được ý kiến của xã hội và để chính phủ mới có được sự ủng hộ của người dân nhằm triển khai những cải cách của FMI”.
Theo RFI