Bà Đào Hồng Lan - Bí thư tỉnh Phú Thọ, giờ đảm nhận vai trò Quyền Bộ trưởng Y tế.
Ông Nguyễn Phú Trọng: "Phải chọn người đúng, chính xác chứ không vội vàng. Vì vội vàng đưa người nào đó kế tục ngay nếu không chín chắn thì lại chọn không chính xác, nhỡ tiêu cực thì sao."
Tuần rồi, cả hệ thống truyền thông chính thức lẫn mạng xã hội cùng tập trung bàn luận về những nhân vật tuy cũ nhưng vừa được lựa chọn, sắp đặt vào các vị trí mới: Bà Đào Hồng Lan - Bí thư tỉnh Phú Thọ, giờ đảm nhận vai trò Quyền Bộ trưởng Y tế (1) và ông Trần Sĩ Thanh – Tổng Kiểm toán Nhà nước, giờ đảm nhận vai trò Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và chắc chắn sẽ được Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phồ Hà Nội... “bầu” làm Chủ tịch thành phố này (2).
Dù hi vọng hay nghi ngại, thiên hạ vẫn bị cuốn vào biển thông tin, nhận định về bà Lan – người mà trước nay, sự nghiệp cá nhân chỉ xoay quanh hoạt động đoàn thể và lĩnh vực lao động. Đảng CSVN không thèm giải thích vì sao lại chọn một người thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm về đặc điểm cũng như nhược điểm của lĩnh vực y tế tại Việt Nam để cải tổ, nâng cao hiệu quả hoạt động của một ngành tuy liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh nhưng đang khủng hoảng toàn diện như y tế.
Giống như vậy là ông Thanh – nhân vật chỉ trong 16 năm được lựa chọn, bổ nhiệm 11 lần làm lãnh đạo đủ loại lĩnh vực (Phó Bí thư, Bí thư, Phó Chủ tịch, Chủ tịch HĐND một số tỉnh. Một số ban của BCH TƯ đảng như Ban Kinh tế, Ủy ban Kiểm tra. Kho bạc Quốc gia. Tập đoàn Dầu khí. Văn phòng Quốc hội. Kiểm toán Quốc gia) – và vì vậy một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam mới khái quát đó là người... chẳng ngồi ở vị trí nào đủ lâu để có thể thấy hiệu quả từ khả năng quản trị, điều hành của ông!
Có một điểm cần lưu ý là bất kể thế nào thì đa số dân chúng cả tán thành lẫn phản đối việc lựa chọn, bổ nhiệm bà Lan, ông Thanh đã cùng quên cần truy vấn trách nhiệm của cá nhân, tổ chức từng lựa chọn, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long làm Bộ trưởng Y tế và ông Chu Ngọc Anh làm Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch thành phố Hà Nội! Trước đã thế và giờ cũng y hệt như vậy, sự chú ý của người Việt vào trách nhiệm lựa chọn, bổ nhiệm sai gây hậu quả nghiêm trọng nhanh chóng bị pha loãng và lãng quên!
**
HĐND tỉnh Bắc Ninh sắp tổ chức miễn nhiệm vai trò Chủ tịch HĐND tỉnh của bà Đào Hồng Lan, bà Lan cũng sẽ thôi đảm nhận vai trò Trưởng Đoàn Đại biểu của dân chúng Bắc Ninh tại Quốc hội. Tương tự, HĐND thành phố Hà Nội sẽ sớm “bầu” ông Trần Sỹ Thanh làm Chủ tịch thành phố Hà Nội và nhân vật từng được dân chúng Lạng Sơn “bầu” làm đại biểu của họ tại Quốc hội sẽ tự động chuyển thành đại biểu của dân chúng Hà Nội tại Quốc hội mà không cần bận tâm dân Lạng Sơn muốn gì, dân Hà Nội nghĩ gì.
Ai cũng biết tại sao, thỉnh thoảng các cơ quan dân cử từ địa phương (HĐND tỉnh, HĐND thành phố) đến trung ương (Quốc hội) vốn luôn cố gắng uốn éo để thể hiện chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân lại đột nhiên tạm ngưng biểu diễn, hối hả trút bỏ xiêm y ngay trên sân khấu chính trị, rùng rùng chuyển động theo các quyết định lựa chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm từ giới lãnh đạo đảng song vẫn không ngừng khăng khăng khẳng định bảo vệ, bảo đảm... “quyền làm chủ của nhân dân”.
Tin bổ nhiệm bà Lan, ông Thanh đến cùng lúc với tin Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội phạt một người đàn ông 47 tuổi khoản tiền là 7,5 triệu đồng vì “dùng tài khoản mạng xã hội Facebook đăng tải nội dung sai sự thật về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu xem xét kỷ luật hai lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo Hà Nội…” (3). Người bị phạt không phải là người đầu tiên và duy nhất đăng tải... “những nội dung chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm chứng” về sắp đặt nhân sự ở thời điểm này.
Một phần tin đồn mới nhất về lựa chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vừa được “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” gián tiếp công nhận là hoàn toàn... chính xác! Đúng là bà Lan được chọn làm Quyền Bộ trưởng Y tế, ông Thanh được sắp xếp làm Chủ tịch thành phố Hà Nội. Nếu sắp tới, Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đảng chính thức công bố đề nghị lãnh đạo đảng kỷ luật “hai lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo Hà Nội” như tin đã đồn, rồi có sự hoán chuyển nhân sự đảm nhiệm vai trò Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư hai tỉnh Hòa Bình và Quảng Ninh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ,... thì đó chính là một thứ nỗ lực củng cố chứng cứ nhằm tiếp tục chứng minh, nhận thức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền “của dân, do dân, vì dân” về quyền “được biết, được bàn” của dân thua xa những cá nhân... tung tin đồn (4). Không có... “dân chủ XHCN” làm gì có chuyện tin đồn... vừa định hướng dư luận, vừa mở đường cho các hành động chính thức!
***
Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án “buôn lậu”, “nhận hối lộ”, “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” liên quan đến hai viên thiếu tướng và hàng chục sĩ quan cấp tá của Cảnh sát biển, Biên phòng, vừa tuyên phạt ông Nguyễn Thế Anh tù chung thân (5). Viên Đại tá, từng là Cục phó Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Biên phòng kiêm Phó Văn phòng Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quốc gia, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang từng được chọn để giới thiệu cho dân chúng Kiên Giang “bầu” làm một trong những người đại diện họ tại Quốc hội. Sát ngày bầu cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia (HĐBC QG) công bố quyết định cho phép hai ứng cử viên (ƯCV) Nguyễn Quang Tuấn và Nguyễn Thế Anh đổi ý, không ứng cử vì... “lý do cá nhân” và... “lý do sức khỏe”. Vào thời điểm đó (cuối tháng 5 năm 2021), HĐBC QG phủ nhận tin đồn một vừa bị bắt, một sắp bị bắt, thậm chí nhấn mạnh cả hai cùng... “tự nguyện rút lui chứ không phải bị xóa tên khỏi danh sách ƯCV” (6).
Sau đó, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bi khởi tố rồi bị tống giam do “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” (dính dáng đến chuyện thổi giá mua sắm trang bị, thiết bị khi còn làm Giám đốc Viện Tim, gây thiệt hại 40 tỉ). Còn ông Nguyễn Thế Anh thì nhận hối lộ 6,2 tỉ và 560.000 Mỹ kim để giúp đỡ buôn lậu khoảng 198 triệu lít xăng, trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng. Không khó đoán tại sao HĐBC QG lại che đậy sai phạm của ông Tuấn, ông Anh, sắp xếp để cả hai tự nguyện rút lui khỏi cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua. Sở dĩ HĐBC QG dứt khoát không xóa tên hai ông khỏi danh sách ƯCV chính thức vì xưa nay, đảng CSVN buộc dân chúng phải chấp nhận, những cá nhân mà đảng lựa chọn, đặt vào các cơ quan dân cử thông qua... “hiệp thương” đều... “ưu tú, tiêu biểu”! Tất cả những hoạt động liên quan đến bầu cử luôn luôn “khách quan, công tâm, trách nhiệm, đúng quy trình, đúng pháp luật”. Việc không xóa tên ƯCV nào chỉ nhằm giúp hoạt đông bầu cử tiếp tục... “thành công tốt đẹp”!
Bao nhiêu người còn nhớ ông Nguyễn Quang Tuấn, ông Nguyễn Thế Anh suýt nữa trở thành một trong những người đại diện cho... “ý chí, nguyện vọng” của họ tại... “cơ quan quyền lực cao nhất của Cộng hòa XHCN Việt Nam”? Chắc là không nhiều dù đã có không ít trường hợp giống hệt như vậy! Đâu phải tự nhiên mà sau khi có thêm những Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn thản nhiên tuyên bố: Phải chọn người đúng, chính xác chứ không vội vàng. Vì vội vàng đưa người nào đó kế tục ngay nếu không chín chắn thì lại chọn không chính xác, nhỡ tiêu cực thì sao (7). Cứ như là ông và đảng của ông không những vô can mà vẫn còn có tư cách nắm giữ quyền lựa chọn thay cả trăm triệu người Việt! Trong chuyện nhân sự của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, nên nhìn vào từng cá nhân cụ thể để luận bàn đương sự có xứng không hay phải chú ý đến cả thể chế?
Trân Văn (VOA
__________________)
Chú thích(1)
https://laodong.vn/infog...uong-bo-y-te-1068565.ldo(2)
https://vietnamnet.vn/ta...rong-16-nam-2040199.html(3)
https://dangcongsan.vn/c...nghi-ky-luat-615382.html(4)
https://baotiengdan.com/...dong-cung-dinh-cong-san/(5)
https://tuoitre.vn/cuu-t...tu-20220715151712119.htm(6)
https://tienphong.vn/vi-...-the-anh-post1338703.tpo(7)
https://vnexpress.net/to...truong-y-te-4479358.html