Việt Nam phản đối việc bị Mỹ đưa vào danh sách đen buôn bán người Một poster trên đường phố ở TPHCM kêu gọi mọi người cảnh giác và ngăn chặn tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em. Báo cáo mới nhất của BNG Mỹ nói Việt Nam không có nhiều tiến bộ trong việc ngăn chặn buôn bán người.
Việt Nam hôm 21/7 lên tiếng phản bác Báo cáo Buôn bán người mà Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ra, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị cáo buộc có ít nỗ lực trong việc ngăn chặn hoạt động mại dâm hay hỗ trợ lao động nhập cư.
Báo cáo Buôn người 2022, được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 19/7, đặc biệt lưu ý về vụ bê bối cưỡng bức lao động Việt ở Ả Rập Xê Út. Theo báo cáo, chính phủ Việt Nam “không quy trách nhiệm hình sự hay hành chính đối với hai nhà ngoại giao Việt Nam bị cho là đồng lõa trong việc buôn bán công dân ra nước ngoài” cũng như “không thực hiện đủ nỗ lực để bảo vệ nạn nhân trong những trường hợp này.” Bộ Ngoại giao Mỹ còn cáo buộc các cơ quan chức năng của Việt Nam “quấy rối và gây áp lực đối với những người sống sót và gia đình của họ.”
Báo cáo thường niên mới nhất của Mỹ nói rằng chính phủ Việt Nam được cho là đã điều tra và phạt hành chính 10 trong số 20 công ty tuyển dụng và đưa người sang Ả Rập Xê Út, nhưng các quan chức lại không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các công ty này trong việc tiếp tay cho các tội phạm buôn người.
Chính phủ Việt Nam báo cáo sự sụt giảm việc truy tố các tội phạm buôn người trong năm thứ 5 liên tiếp, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Vẫn theo báo cáo, các quan chức Việt Nam thanh sát hàng nghìn cơ sở có nguy cơ buôn bán tình dục nhiều nhất nhưng lại không nhận diện được bất cứ nạn nhân bị buôn bán tình dục nào trong quá trình này.
Việt Nam bị đánh hạ 1 bậc xuống Cấp độ 3 (Tier 3) cùng với 23 quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc và Triều Tiên, với nguy cơ bị hạn chế nhận viện trợ từ Mỹ trong tương lai.
Tuy nhiên, Việt Nam cho rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ – trong đó đánh giá 188 nước và vùng lãnh thổ trong việc phòng chống buôn người, bảo vệ nạn nhân và xét xử những kẻ buôn người – là “không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 21/7 nói rằng “thời gian qua Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người với sự vào cuộc và tập trung cao độ của tất cả các Bộ, ngành và địa phương.”
Bà Hằng còn cho biết Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và các văn bản chính sách, pháp luật về phòng ngừa mua bán người, lao động cưỡng bức, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Về mặt tích cực, Mỹ ghi nhận trong báo cáo mới đưa ra rằng Việt Nam đã thực hiện một số bước để giải quyết nạn buôn người và bắt đầu đánh giá để thực hiện dự thảo sửa đổi luật chống buôn người cũng như hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn so với năm 2020. Một trong số các khuyến nghị mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra là chính phủ Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự để sửa đổi luật chống buôn người.
Theo bà Hằng cho biết, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hôm 18/7 đã cùng các bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao ký quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết tại lễ ký quy chế rằng phần lớn nạn nhân buôn người bị bán sáng các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, 20% sang các nước khác qua đường bộ, hàng không và đường biển. Vị thứ trưởng này được VnExpress trích lời nói rằng từ năm 2011 đến nay, ngành công an đã xác minh, giải cứu hàng nghìn nạn nhân bị mua bán.
Việt Nam kêu gọi Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới để có “đánh giá đầy đủ về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam.”
“Chúng tôi cũng sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ cũng như các bên liên quan về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng nhau triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người,” bà Hằng nói.
Theo VOA