Nguyên tắc Bảo mật Úc, 13 điều, quy định tổng quát về cung cách quản lý thông tin cá nhân, bao gồm cách thu thập và chia sẻ thông tin với các cơ quan thẩm quyền khác, cũng như cách sử dụng, tích trữ, thông báo hay tiết lộ thông tin ra sao, đều được quy định rõ ràng.
Nói thì nói vậy thôi. Nhưng tôi cũng hiểu rằng ý thức về quyền riêng tư và thông tin cá nhân là chuyện không có dưới chế độ này. Ngoài những điều được cho là “bí mật quốc gia”.
Cuối tuần qua tôi đến thăm một người bạn Việt Nam, tên K. Hai chúng tôi chơi thân với nhau ngay từ khi bước vào ngưỡng cửa đại học. Chúng tôi học chung ngành, và gần như học mọi môn chung với nhau suốt bốn năm đại học. Đi ăn trưa chung, đi coi phim chung, giống như một cặp tình nhân. Có thời gian trong bốn năm đó, tôi có một cô bạn gái, nhưng K vẫn độc thân. Ra trường chúng tôi lãnh bằng chung với nhau. Có thời gian hai chúng tôi cũng làm chung công ty. Khi tôi kiếm được việc, tôi tìm cách đưa K vào làm chung. Sau đó khi K đổi việc tốt hơn, K lại đưa tôi vào làm chung.
Nhưng kể từ khi lập gia đình, và hăng say hoạt động xã hội, mỗi chúng tôi đi mỗi hướng. Tôi mãi mê theo đuổi lý tưởng của mình. Tôi quên mất người bạn chân tình của mình.
Cách đây ba năm, tôi gặp lại K ở một buổi hội ngộ của sinh viên cùng trường đại học. Chúng tôi ôn lại một số chuyện xưa. Rồi hẹn thăm nhau sớm. Nhưng rồi Covid-19 đến, và sau đó cuộc sống lại bận rộn, tôi lại quên K.
Cách đây vài tháng, tôi tình cờ thấy K trên Facebook. Chúng tôi lại nối kết nhau. Tôi hứa sẽ đến thăm K tại tiệm ăn K quản lý. Ban ngày K là kỹ sư công nghệ thông tin, ban đêm K quản lý nhà hàng. Như thế đã nhiều năm.
Đến đó, tôi gặp lại một số bạn cũ, và cũng quen vài bạn mới của K.
Nói chuyện với họ, tôi không ngờ được K vẫn còn quý mến tôi như thuở nào. Chắc K chia sẻ nhiều với họ về tôi, tôi có cảm tưởng vậy.
Một người bạn của K mà tôi gặp tối qua hỏi, nửa đùa nửa thật, rằng tôi biết K rõ không? Tôi chia sẻ rằng tôi biết K hơn 30 năm rồi, và tôi nghĩ tôi hiểu K đủ. Tôi xác định rằng K hiền lắm. Và thành thật. Cả bàn cười ồ lên, bảo tôi đã lầm to. Ba bốn người còn nói “Nó mà hiền à? Nó là quỷ đó”.
Tôi biết họ đùa khi dùng chữ “quỷ”. Nhưng tôi cũng hiểu rằng K không còn ngây ngô, hiền lành như hình ảnh mà tôi có về K hơn 30 năm trước.
Người bạn của K lại hỏi tôi lần nữa, trước mặt mọi người, là tôi có biết K không? Tôi hiểu liền ý anh ta là tôi có biết phái tính của K. Tôi trả lời tôi không biết. Nhưng tôi cũng đùa rằng chắc có lẽ là “Bi”. Anh ta không ngừng ở đó, khẳng định rằng nếu tôi muốn biết thì anh sẽ cho biết. Tôi trả lời nếu K không phiền lòng khi thông tin đó bị tiết lộ, và nếu thông tin tiết lộ đó không gây khó khăn hay làm hại đến K. Tôi cũng nhấn mạnh rằng cho dù K là thế nào đi nữa, nó không thay đổi chút nào cả về tình bạn và mối quan hệ của chúng tôi trước đây.
Tôi cảm thấy cuộc nói chuyện về một vấn đề riêng tư của bạn tôi, tuy có mặt ở đó nhưng không phải từ đầu đến cuối, là đã đi hơi xa và đã xâm phạm vào lãnh vực cá nhân của người khác rồi. Nên tôi không thoải mái. Những người đang nói ở đây đều là người có trình độ, trưởng thành ở bên này, và hiểu được phần nào về phạm trù riêng tư.
Tôi nghĩ rằng một phần vì tánh của mình, phần khác do công việc chuyên môn, nên tôi đã tập thói quen bảo vệ và tôn trọng thông tin cá nhân một cách tối đa có thể. Chuyện công: cái gì tôi cũng thắc mắc, hiếu kỳ, muốn biết. Chuyện tư: tôi giữ kẻ, khoảng cách, ngại hỏi. Ai tin tưởng quý mến kể tôi nghe thì tôi lắng nghe. Nghe xong hiếm khi nào tôi nói lại cho ai, kể cả vợ hay con, nhất là khi nó là vấn đề tế nhị. Ở sở làm cũng vậy. Ra ngoài xã hội tôi cũng thế. Trừ khi nào thông tin riêng tư đó ảnh hưởng lên sự an toàn, lên sức khỏe tâm thần, lên cuộc sống của chính người đó hay của người khác, lúc đó tôi mới lấy quyết định cần chia sẻ để bảo vệ lợi ích tốt nhất trong hoàn cảnh đó.
Trong suốt phần nói chuyện này, K vẫn đi qua đi lại, vẫn phục vụ khách hàng, và chắc chắn nghe được phần nào về những gì đang bàn. Nhưng K vẫn vui vẻ như không có chuyện gì.
Trước khi về, tôi được biết rằng K là người đồng tính. K cũng biết tôi biết. K đã công khai chuyện này nên không còn là bí mật gì cả. Chỉ vì tôi không để ý, và luôn tôn trọng sự riêng tư của bạn mình, nên không hỏi bạn. Chúng tôi ôm nhau chào tạm biệt.
Trên đường về, tôi suy nghĩ nhiều về K, và vấn đề thông tin cá nhân. Tôi nhận thấy phần lớn người Tây phương ý thức rõ về thông tin cá nhân. Họ tôn trọng quyền (human rights) và thông tin cá nhân của người khác. Thông tin công cộng họ chia sẻ tối đa, thông tin cá nhân họ bảo vệ tối đa. Nguyên tắc này tôi nghĩ nó đến từ truyền thống và văn hóa lâu đời của Tây phương, đặc biệt là nước Anh, mà từ đó lan tỏa mọi nơi. Nhưng nó cũng được khắc ghi trong luật rõ ràng. Chính quyền thuộc mọi cấp, từ liên bang, tiểu bang/lãnh thổ và địa phương như tại Úc, chẳng hạn, đều tuân thủ một cách nghiêm khắc.
Ở cấp liên bang, Nguyên tắc Bảo mật Úc, 13 điều, quy định tổng quát về cung cách quản lý thông tin cá nhân, bao gồm cách thu thập và chia sẻ thông tin với các cơ quan thẩm quyền khác, cũng như cách sử dụng, tích trữ, thông báo hay tiết lộ thông tin ra sao, đều được quy định rõ ràng. Chính quyền là nơi đầu tiên phải có trách nhiệm bảo vệ tối đa những thông tin này. Tuy rất cẩn thận, do đó mọi nhân viên công quyền đều phải được huấn luyện kỹ lưỡng về luật lệ này, thỉnh thoảng vẫn có những trường hợp sai sót hay sơ ý để thông tin bị tiết lộ, gọi chung là Data Breach. Giá phải trả, kể cả tài chánh, là không nhỏ. Chính quyền Úc từng tốn gần một triệu đô la chỉ cho phí pháp lý, chưa kể những thiệt hại khủng khiếp khác mà không thể dùng tiền để đo lường, khi thông tin của 10,000 người tầm trú bị vô tình tiết lộ vào năm 2014.
Trong sinh hoạt cộng đồng người Việt, điển hình là tại Úc, tôi thấy đại đa số dường như không có quan tâm gì về phạm trù riêng tư, hay bảo mật. Phê bình ai, họ thường lôi ra bao chuyện cá nhân của người khác để nói mà nó cũng chẳng liên hệ gì đến việc đang bàn. Dường như mục tiêu chủ yếu là để đặt vấn đề về động cơ và uy tín của đội tượng đang bàn luận. Đây là một trong những lý do mà tôi cho rằng các sinh hoạt tập thể của người Việt khắp nơi bị soi mòn. Khi làm việc chung, khác ý kiến, quan điểm hay tính khí là hết sức bình thường. Tuy nhiên cần phân biệt những vấn đề sau đây. Một, đâu là lằn ranh giữa công và tư để không vượt qua, hay đi quá đà? Hai, đâu là sự khác biệt giữa phê bình và chỉ trích, giữa con người và sự việc, giữa ý kiến chủ quan và cách nhìn khách quan? Ba, đâu là nhu cầu xả xú bắp, một điều tự nhiên trong cảm xúc con người, và đâu là những tác hại có thể có khi lọt đến tai người khác, hay kẻ xấu? Sau cùng, điều rất quan trọng là mục tiêu mình nói ra là để đạt được gì? Nếu không nói ra thì có phải là có lợi hơn không?
Điều quan trọng hàng đầu trong hoạt động chung vẫn là ý thức, tinh thần trách nhiệm lẫn sự cam kết bảo vệ thông tin cá nhân, trong lẫn ngoài Việt Nam. Nhiều hoạt động này liên quan đến cuộc vận động cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Chế độ cầm quyền bấy lâu nay cài đặt tai mắt khắp nơi. Hơn nữa, họ sẽ làm mọi thứ để tạo ra tin giả, từ tin đánh lạc hướng/đồn nhảm (misinformation) đến tin gây thất thiệt (disinformation). Họ thao túng thông tin bằng mọi giá để đạt cho được mục tiêu, nhất là chia rẽ người cùng chí hướng muốn xây dựng một đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn.
Chính vì thế, tôi cho rằng những người hoạt động và các tổ chức xã hội dân sự cần nhất là nắm bắt thật rõ mọi khía cạnh liên quan đến thông tin: phân loại, phân cấp và quản lý nó. Để bảo mật tối đa về mình, về lực lượng và phong trào dân chủ. Tôi sẽ chia sẻ thêm các khía cạnh này vào dịp khác.
Trước khi kết thúc bài này, tôi xin chia sẻ vài ý kiến liên quan đến câu chuyện của anh Hồ Hoàng Hưng, người được báo chí tại Thái Lan và khắp nơi đưa thông tin sau khi hải quân Thái tìm thấy anh chèo thuyền sang Ấn Độ thăm vợ vào cuối tháng 3 năm nay. Trong khi giới truyền thông Thái và thế giới đề cập đến câu chuyện này như một sự cảm thông, và họ cũng thật sự tận tình giúp đỡ anh, và không nói gì về sức khỏe tâm thần của anh, thì nhiều cơ quan truyền thông Việt Nam lại đề cập nó. Như tờ Dân Việt và tờ Tuổi Trẻ. Những nhà báo này phỏng vấn cha mẹ của anh Hưng, và vài người trong xã, huyện, rồi đăng nó, trong khi đó chưa thấy có nỗ lực nào kiểm chứng thông tin với những chuyên gia y tế, nhất là sức khoẻ tâm thần. Ngay cả thế, việc tiết lộ thông tin này có cần thiết không trong trường hợp này? Nói về thông tin cá nhân, như sức khỏe hay bệnh tình người khác, kể cả sức khỏe tâm thần, và tiết lộ nó, là một vấn đề lớn. Quy định này ở bên Úc hay các nước tiến bộ đều rất khắc khe. Chẳng hạn, dựa trên luật về quyền riêng tư nói trên, cơ quan truyền thông ABC có chính sách tổng quát như sau: “Quyền riêng tư của các cá nhân cần được tôn trọng trong tất cả các nội dung của ABC. Tuy nhiên, để cung cấp thông tin liên quan đến việc thực thi công vụ của một người hoặc về các vấn đề công ích khác, trong một số trường hợp có thể biện minh cho việc xâm phạm quyền riêng tư.”
Điều đáng nói nhất ở đây là bài viết trên báo Tuổi Trẻ lại đi tiết lộ “Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Hộ Kinh Doanh”, liệt kê vốn kinh doanh và bao thông tin cá nhân khác của anh Hồ Hoàng Hưng. Nếu xảy ra tại Úc hay những nền dân chủ pháp quyền thì cơ quan truyền thông này sẽ gặp vấn đề về pháp lý ngay.
Chỉ khi nào một người đang là rủi ro hay nguy hiểm, về an toàn cho chính mình hay an ninh quốc gia, chẳng hạn, thì sự tiết lộ thông tin cá nhân mới chính đáng. Ở đây hoàn toàn không phải như thế. Anh Hưng chỉ làm chuyện có vẻ hơi khác thường.
Nói thì nói vậy thôi. Nhưng tôi cũng hiểu rằng ý thức về quyền riêng tư và thông tin cá nhân là chuyện không có dưới chế độ này. Ngoài những điều được cho là “bí mật quốc gia”.
Phạm Phú Khải (VOA)