Gần 30 năm đã qua rồi kể từ ngày đầu tiên tôi cầm bút viết truyện ngắn mang phong cách hài đầu tiên: “Chết ngoài kế hoạch”. Một chuyện mà nếu không “may mắn” được sinh ra và lớn lên trong lòng xã hội chủ nghĩa thì chắc chắn không ai có thể viết nổi bởi trí tưởng tượng dù có phong phú đến mấy đi chăng nữa cũng không thể tưởng tượng ra những chi tiết sống động, kịch tính, bi hài, lộn ẩu một cách không thể ngờ như vậy.
Xưa ông bà mình bảo: “Sinh có hạn, tử bất kỳ”…cái chết đến một cách tự nhiên như cây cỏ hoa lá, chim muông. Sinh ra rồi phát triển, thịnh vượng và suy tàn. Vậy mà dưới cách điều hành của lãnh đạo đảng, sinh đẻ phải nằm trong kế hoạch đã đành vì “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, nhưng cỏ đã bi sự ngu dốt, tham lam, quỷ quyệt của các quan đồng chí lấn át, tàn phá hết, nên theo kế hoạch mỗi gia đình chỉ có hai con là điều tạm coi là khoa học, hợp lý, nhưng chết cũng phải nằm trong kế hoạch thì quả là sự nghịch lý, ngu dốt đến không thể hiểu nổi. Ấy thế, nó vẫn tồn tại suốt cả một thời gian dài như thể một chân lý vĩnh hằng của cuộc sống trong xã hội cộng sản lúc bấy giờ.
Bình thường “nhà nước làm chủ” nên khi con dân chết sẽ được nhà nước bố thí cho cái gọi là hòm áo quan , xô màn, xe đưa tang v.v Nhưng không may chết vào đầu tháng, khi kế hoạch bán các loại hòm, vải niệm đã hoàn thành mà hàng mới chưa kịp phân phối thì người chết cứ việc nằm đấy chờ các…hủ tục của đảng và nhà nước. Nếu không chỉ còn nước bó chiếu cho vào xe ba gác chở ra nghĩa địa làng chôn. Ngược lại, nếu gặp ngày đông tháng giá, các cụ rủ nhau đi vãn, mới chỉ ngoài ngày hai mươi của tháng mà các loại quan tài đã bán hết thì số phận những thây ma này cũng chẳng may mắn hơn được. Vì vậy những cái chết lưng chừng vào đầu tháng hoặc cuối tháng đều phải gắn thêm ba chữ “ngoài kế hoạch” vào, và người nhà chỉ còn nước khóc dở, mếu dở, vì những quy định ngặt nghèo, oái ăm của đảng cộng sản …Cùng là cái chết, sự chết nhưng cái chết trong và ngoài kế hoạch lại khác nhau một trời, một vực, như con đẻ với gã ăn mày vậy. Nếu là đám tang của con đẻ( tức trong kế hoạch) thì số người đưa ma có thể chật làng, ngập xóm, dòng người như một cơn lũ cuốn trôi tất cả dạt sang hai bên đường, đến mức người đi ô tô, xe đạp, xe máy đều phải ngừng lại vì không còn chỗ nào mà luồn lách được nữa. Ngược lại đám ma của gã ăn mày ( tức chết ngoài kế hoạch) thì tứ cố vô thân, người đưa lèo tèo, vì không thể chờ đợi quan tài hoặc xô màn trong tiêu chuẩn của nhà nước cấp được, đành phải đưa tang ra đồng chôn lấp qu loa …Cụm từ “ chán chẳng buồn chết” hoặc “chết ngoài kế hoạch” ra đời từ ngày đó và tồn tại đến tận hôm nay, khi cơ chế quan liêu bao cấp không còn nhưng những quan niệm lệch lạc, bảo thù, trì trệ, dốt nát đui mù của đám lãnh đạo cộng sản vẫn tồn tại như một điều tất yếu khách quan của cuộc sống tại Việt Nam. Đặc biệt là những vùng quê tăm tối, nơi chỉ có ánh sáng của đảng dọi chiếu chứ người dân không hề biết đến khái niệm “đài địch” hay mạng internet trái chiều, “phản động”.
Vốn là người có máu văn chương từ nhỏ nên khi tận mắt chứng kiến những cảnh bi hài, lộn ẩu này ,tôi không thể không viết , dù chỉ là sự “viết ngoài kế hoạch”. Vì khi đó tôi đang là giáo viên cấp III của đảng, là đoàn viên, là chủ nhiệm, lao động tiên tiến v.v…Nhưng trong lòng xã hội chủ nghĩa, cái được phép thì nhợt nhạt, vô hồn, chẳng có chút giá trị, ý nghĩa gì, còn cái bị cấm đoán lại trở nên lôi cuốn và hấp dẫn vô cùng… Thế là từ chuyện “chết ngoài kế hoạch” đầu tiên, bao nhiêu những chuyện …ngoài kế hoạch khác ra đời, hết chuyện này rồi chuyện khác , ngày này sang ngày khác. Việc giảng dạy của tôi khi đó chỉ là phụ, viết mới là việc chính, như cánh nhà giáo nhăn răng vẫn hay đùa: “ đậu phụ là chính, mỳ chính là phụ”. Xét trong trường hợp của tôi, không phải chân ngoài dài hơn chân trong nữa mà là ngòi bút dài hơn cục phấn, bàn viết quan trọng hơn bục giảng. Tôi có thể ngồi bất kỳ đâu để viết, trong ghế đá bệnh viện, khi đi thăm người ốm, nơi chờ ô tô bus, giữa chạ người ô hợp v.v Thay vì câu thơ Tố Hữu mà tôi phải nhồi vào đầu học sinh thì tôi tự sưả ý, sửa lời để lấy làm châm ngôn sống cho mình:
Viết viết mãi bàn tay không ngừng nghỉ
Cho cuộc đời sinh động , sáng tươi hơn
Cho quả tim đập mạnh mẽ yêu đời
Cho ý tưởng nhà văn ngời sáng mãi …
Tất nhiên ngoài lý tưởng được thể hiện mình ra còn thêm một sự khuyến khích vật chất nữa là số tiền còm của bài viết, dù chỉ là văn chương hạ giới rẻ như bèo, nhưng so với số đồng lương dạy học, nó vẫn còn gấp hai, gấp ba. Chính xác hơn một tháng chỉ cần được in một bài thì tôi đã có thêm một tuần lương rồi, cho nên ngoài những bài viết “ngoài kế hoạch” mà tôi phải “để giành đến hôm nay “ mới cho ra mắt bạn đọc, còn có những bài “trong kế hoạch” khác giúp tôi có thể đảm bảo nhu cầu tối thiểu của cuộc sống: “ăn cơm rau để vật nhau với trẻ” hơn hẳn những giáo viên bình thường khác cả trên hai phương diện vật chất và tinh thần
Khi cho ra đời những chuyện này từ 1985, trước ngày cộng sản “đổi mới”, cũng như bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật trong nước, tôi không hề đoán định được số phận của nó, chỉ biết viết để mà viết, cho nguôi nỗi lòng tâm trạng mình, và thỉnh thoảng lúc hứng lên lại truyền tay cho vài ông bạn tạch tạch sè nào đó vốn sạt nghiệp vì cách mạng, căm hận cách mạng đến tận xương tận tủy. Tuy số chuyện viết từ ngày bao cấp bị rơi vãi, thất thoát khá nhiều, tôi phải triển khai thêm rất nhiều tác phẩm khác để bù lại những đứa con đã mất, song dù thế nào, đứa con tinh thần của tôi ắt không phải là một thứ ngụ ngôn chính trị, cũng không phải là một vật trá hình hiểm độc, mà ngược lại nó là những tác phẩm phản ánh rõ nét nhất hiện thực trong cuộc sống xã hội chủ nghĩa. Thay vì ca ngợi rẻ tiền, bốc thơm lãnh đạo, ca ngợi thần tượng Hồ Chí Minh mà trong trường Đại học chúng tôi vẫn được học là “phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa” thì bản thân tôi có thế nào viết như thế, không bẻ cong ngòi
bút, không uốn éo vòng vo, không ám chỉ phúng dụ mà…ngang bằng sổ thẳng, còn cao trào, gay gắt, thực tế hơn hiện thực phê phán đối với xã hội phong kiến. Nói chính xác hơn, Nguyễn Công Hoan viết về đống rác cũ trước ngày cách mạng tháng Tám thì tôi viết về đống rác mới tồn tại ngay trong lòng xã hội chủ nghĩa do sự lãnh đạo tài tình có một không hai của đảng cộng sản Việt Nam.
Hơn 20 năm trước tôi yêu tha thiết cuộc đời này và cũng vì đớn đau, xa xót mà phải cầm bút viết ( nếu không muốn xé quần, xé áo hóa điên trước sự thực trần trụi trong xã hội mình đã nhìn thấy, hoặc biến bệnh viện tâm thần làm địa chỉ cư trú suốt đời), nên tôi viết để giải tỏa mọi ẩn ức của mình. Hơn nữa, tôi cũng hiểu bản chất văn chương không phải sự gây gổ, nên hoàn toàn không có lòng thù hằn, không có sự gầm rú thác loạn, không có những tràng chửi rủa độc địa, tất cả là một sự hài hứớc, bởi với tôi hài hước bao giờ cũng là sự khôn ngoan, là phấn hương trên gương mặt trần trụi, ô trọc, thậm chí bẩn thỉu của cuộc đời, đồng thời còn là đặc thù của chuyện cười nữa, bởi không có nó, không thể gọi là chuyện cười mà chỉ là truyện ngắn hoặc truyện dài được thôi
Nhà văn Phong Thu( tác giả chuyên viết cho thiếu nhi tại Việt Nam) vốn yêu quý tôi như một người bạn vong niên, sau khi xem đủ ba cuốn sách tôi viết về Hồ Xuân Hương, từ “Khúc khích Xuân Hương”, “Ba mươi sáu cái nõn nường Xuân Hương”, “Lạm bàn thơ Hồ Xuân Hương” khẳng định: “Dù cho Trần Khải Thanh Thủy có là nhà Xuân Hương học thì cái làm nên Trần Khải Thanh Thủy vẫn là những chuyện ngắn mang phong cách hài”. Thậm chí ông còn bỏ ra một ngày giời chỉ để mắng tôi vì sự lạm dụng chi tiết cười nhiều qúa. Tại sao lại không biết chắt lọc nó ra để từ một chuyện viết thành 4,5 chuyện ngắn dài khác nhau để vừa có tiếng lại có cả bốn lần miếng nữa v.v.
Dùng văn chương để lột tả, giúp bạn đọc hiểu được bản chất xã hội chủ nghĩa, tôi tin mình đã làm tròn được một phần thông qua hai tập chuyện cười này mà bản thân nó – gồm hơn một trăm chuyện bi hài , lớn nhỏ, thực sự là những bông hoa đời bật lên từ mầm chồi nhầy nhụa, nhớp nháp của cây độc tài xã hội chủ nghĩa. Một cây độc tài sớm muộn cũng bị người dân và thời cuộc đốn đổ trong nay mai, nhưng dư âm của nó để lại trong mỗi tâm hồn bản thể của 90 triệu người dân thì không thể quên được. Dù đi đâu và xa cách bao lâu, dù xuống tận chốn âm ti địa ngục, buộc phải ăn cháo lú diêm vương( cho quên hết tội lỗi trên đời đi) vẫn phải nhớ cảnh rau cháo qua ngày ở địa ngục xã hội chủ nghĩa Việt Nam suốt hơn 80 năm trời qua.
Cuốn chuyện này cũng là để tưởng nhớ tới nhà văn Phong Thu, người đã chia sẻ cùng tôi rất nhiều về mọi mặt của văn chương cũng như thế sự tại đất nước mặt trời lặn, nơi tăm tối cuối cùng của thế gian này. Hy vọng nhận xét của ông sẽ đúng được phần nào. Điều làm nên tôi, điều neo đậu trong bến bờ tâm cảm của bạn đọc chính là chuyện ngắn mang phong cách hài mà tiêu biểu là hai tập chết ngoài kế hoạch lần này. Thành thật mong bạn đọc đón đọc và ủng hộ nó.
© Trần Khải Thanh Thủy (Danchimviet)
Điện thoại : 916- 248-3414
Hoặc gửi check theo địa chỉ :
Trần Khải Thanh Thủy
8021 – Betty Lou Dr
Sacramento CA 95828