Hết ngày nghỉ hè, cuối tháng tám tôi trở lại nhà trẻ, người ta đã tin cho tôi hay là có một đứa bé Việt Nam sắp được ông bà Dormant mang tới đây cho chúng tôi nuôi. Tôi táy máy mở tủ hồ sơ A B C D G H… Đây rồi chữ của bà mẹ nuôi viết ngoằn ngoèo « on m’a confié l’enfant le 10 Juin 2010… etc… » (Người ta trao cho tôi đứa con ngày 10 tháng 6 năm 2010…) Theo giấy tờ của bảo sanh viện và của viện mồ côi, người ta không biết cha nó là ai, người ta chỉ tìm thấy mẹ nó là một cô gái quê lên thành thị kiếm việc làm ăn; cô có mang gần ngày và chuyển bụng cùng lúc đang đói quá, người ta có thói quen cho cô ăn một chút gì để cô có sức sanh đứa bé ra đời. Khi chúng tôi đón nhận, con tôi bé quá 2kg6 và chào đời đúng 15 ngày. Nó nhỏ xíu nhưng điều đó không quan hệ gì miễn là nó có đủ các bộ phận và trái tim vẫn còn đập nhịp nhàng OK! Và chúng tôi, hai chúng tôi rất sung sướng và có cảm giác sinh được con và mang về đây từ một bảo sanh viện ở thật xa xôi. Chúng tôi đặt tên con là François Dormant và sẽ làm adaptation -- hội nhập -- vào nhà trẻ tuần lễ từ 1 đến 4 tháng 9 năm 2010. OK ! Cám ơn. »
Hai ông bà đó, ông bà Dormant ở ngay phía bên kia đường, đối diện chúng tôi, không xa lắm, tòa nhà họ ở đối diện với sân chơi sol souple của nhà trẻ. Lúc mùa hè, trời đẹp, họ vẫn đứng ngoài hàng rào nhìn lũ trẻ con nô giỡn trong sân. Chúng nó nhảy nhót hay xúc cát tạt vào người nhau. Họ nhìn say mê. Họ từng ao ước có một đứa con. Họ cũng hay để ra chút ít thời giờ nói chuyện trời trăng đất hỡi với đám con nít phá như quỷ ở vườn trẻ. Nhất là bà ta, Madame Chantal Dormant, bà có thể thuộc tên từng đứa, đây là Shara, Antoine, kia là Clément, Yaphar… Trên cầu tụt là Jessica, Clara. Đằng cuối sân là ba kiện tướng phá nghịch nhất: Nicolas, Louis và Adrien. Adrien lúc nào cũng đỏ chói như gà chọi.
Nhà trẻ chúng tôi tọa lạc ở một khu yên tĩnh thoải mái, bên hông nhà thờ Saint Gervais, quận Tư Paris, phía bên kia là một nhà in, xa hơn nữa là đại lộ Rivioli huyên náo, nhưng những tiếng động quá tầm tai, chỉ vang vọng rì rầm nho nhỏ những tiếng xa xa xen kẽ thoang thoảng vài tiếng kèn xe cấp cứu vụt đi thật mau.
Vâng, hai ông bà Dormant là hàng xóm của crèche. Đã có một năm bà làm việc với chúng tôi với tư cách là phụ tá tâm lý. Bà giải quyết những khó khăn của phụ huynh và nhân viên. Bà đã xin được nhà ở miễn phí cho mẹ con Abigail lúc đầu từ Phi Châu sang. Bà đã lo được khoản phụ cấp sữa Progestemil cho mấy đứa bé phải nuôi ăn theo tiêu chuẩn không được ăn thịt và không được ăn ngọt. Nhưng cũng có lúc mớ kiến thức thuần sách vở của bà đem áp dụng vào việc cấp bách qua việc nuôi một tập thể con nít đông đúc và phức tạp không nổi, nên ít lâu sau bà xin chuyển qua một công việc khác.
Điển hình là trường hợp mẹ thằng Clément bị « séropositif » lúc nào cũng đợi bà ở cửa ra vào với cặp mắt đỏ hoe nhòa lệ. Cha nó lúc nào cũng có mùi rượu. Ngày nào chúng tôi cũng phải ẵm nó lên lầu cao nhất dỗ dành cho nó uống mấy cữ thuốc, thơm nồng nặc mùi đường… 18 tháng, rồi 21 tháng, rồi 2 năm không có gì thay đổi trong những kết quả xét nghiệm. Mẹ nó vẫn nước mắt lưng tròng, bà can ngăn gì nổi. Nỗi buồn to như trái núi, bà ví bà như con kiến gió bò bò trong hoang vu. Nơi đây là con Constance. Chuyên viên khóc đêm đòi ăn đêm. Đến độ hàng xóm phải báo động. Bà đã nói với mẹ nó: Con nít ăn đêm, khóc đêm, không ốm đau là do vòi vĩnh được chiều. Nó muốn mẹ nó tới. Vậy thì tốt hơn là nên để bố nó mang bình sữa vô cho nó. Con bé đã phản ứng thế nào ư?
Thiệt đúng là nó không ưng nhìn thấy bố nó ban đêm, nên nó đã liệng biberon xuống đất và khóc ngất. Mẹ nó tiếp tục mất ngủ nhiều đêm. Sau cùng nó phải về quê ở với bà ngoại nó. Ở quê nó ngủ yên tĩnh ngon lành. Bà ngoại nó điện thoại phàn nàn ở thành phố nhà trẻ không biết nuôi trẻ! Nhưng khi về lại Paris, nó lại chứng nào tật nấy. Riết rồi có ai hỏi thăm, mẹ nó héo hắt cười cười: « Thôi đừng nói chuyện đó nữa, tôi chán ngấy rồi, đợi chừng khi nó 18 hay 20 tuổi nó sẽ ngủ ngon. »
Đừng bi quan quá thế chứ, nó là đứa bé bình thường, đẹp gái. Vâng nó rất bình thường, duyên dáng, trừ cái tật quấy đêm.
Trước khi Chantal xách áo ra đi, bà đã để ra cả giờ đồng hồ ngồi nói chuyện, vỗ về, khuyên nhủ Constance. Con bé gầm gừ cái đầu gật gật đến hay. Rồi bà làm một vòng giã từ mọi người. Trước khi khép cửa sắt ra vào, bà còn lưu luyến nói vừa đủ cho tôi nghe:
-- Nó đẹp quá, con bé dễ thương ghê, da thịt nó thơm làm sao. Nếu chúng tôi mà có một đứa con như vậy thì chồng tôi, Pierre, sẽ sung sướng vô ngần và chúng tôi hai đứa sẽ tình nguyện thức đêm cả đời với nó.
-- Tôi nghe nói ông nhà là bác sĩ sản khoa mà, nghề nghiệp khoa học và kinh nghiệm hiểu biết không giúp ích gì được cho ông sao?
Bà bùi ngùi ngó lên cành lá sum suê:
-- Không được gì cả em ạ. Khoa học là cái quái gì, khoa học rất nhỏ nhoi bên cạnh cái tự nhiên trời ban cho chúng ta. Nhưng điều đó không quan trọng em à. Chúng ta sẽ tìm ra một giải pháp, đang tiến hành đấy. Tụi DASS muốn làm khó dễ ư? Không cần, chúng tôi sẽ đi thật xa, Colombie hay Việt Nam để tìm kiếm mang về đây một đứa con của riêng chúng tôi. Rồi em sẽ thấy, nó xinh xinh lắm.
Tôi không quên cầu chúc ông bà sớm thành công.
Quả nhiên khi trời cuối tháng 9 trở lạnh, một ngày mùa thu, lá vàng lối vào rơi lác đác trên sỏi trắng bà Dormant khoan thai tiến về phía cổng nhà trẻ, rue de l’Orme, bước chân lạo xạo, có tiếng chuông gọi cửa hơi vội vàng và sau cùng bà đặt trước mặt tôi một đứa bé Á đông, rất Á đông, da nó vàng khè: François!
-- Đó con trai chúng tôi đó, nó đã đến đây, con tôi và cũng là đồng hương của em.
Tôi quan sát thấy bé cố làm bộ bình thản nhưng tôi quả là rất xúc động: mới bé tí đã xa mẹ rồi. Thật ra nó không đẹp với cặp mắt ti hí, cằm hơi hô và tay chân gầy guộc, một chân to, một chân bé bị bó bột thấy tội nghiệp.
-- Con tôi không lai gì cả, nó hoàn toàn là Việt Nam, tôi vừa nói nó là đồng hương của em đấy!
Với bản năng nghề nghiệp tôi làm quen:
-- Chào François, khỏe không? Được mẹ cưng hà. Đây là nhà của chúng ta. Nay mai cha mẹ đi làm việc, cưng sẽ ở đây, cưng sẽ có vô số bạn bè để chơi và để đánh nhau, chịu chưa?
Thằng bé nhìn, chân tay quơ quơ trong không khí, nó thích thú, hình như vậy, nhận ra ngay nét thân quen gần gũi trên khuôn mặt da vàng của người đối diện. Bà Dormant rất bén nhạy, bà đọc được ngay ánh mắt tò mò của tôi và sau đó ngồi lại khá lâu, tâm sự, thì ra ông bà đã liên lạc nhiều lần về Sài Gòn để làm giấy tờ xin con nuôi, người ta đồng ý và hứa hẹn, gửi cả cho bà tấm hình một đứa bé bụ bẫm, khỏe mạnh kháu khỉnh. Hai ông bà dành mùa hè đi đón con với bao nhiêu quà tặng xách nặng trên tay. Nhưng tới nơi người ta đã đổi, đưa cho ông bà một bé sơ sinh còm cõi và có tật ở chân. Ông bà bối rối nhìn nhau vài giây phút, ông có ý giận kéo bà về khách sạn bảo để thu xếp hồi hương. Nhưng sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, lòng nhân từ đã thắng, cả hai quyết định quay lại nhận đứa bé xíu xiu nầy, vì nó đau yếu, vì nó cần đi để được săn sóc hơn. Bà bảo âu cũng là định mệnh đưa đẩy sắp đặt, Pierre xót xa xoa nắn cái chân vặn vẹo teo gầy của con và bảo về Paris, sẵn thầy, có thuốc rồi ba má sẽ lo chạy chữa cho con. Con sẽ chạy nhanh hơn ba.
Bà khoe có học được mấy tiếng Việt « Mình ơi! Mình ơi » để gọi chồng, « con ơi! con ơi » để gọi François. Bà cũng hớn hở nhờ tôi thỉnh thoảng nói cho nó nghe vài câu tiếng Việt. Ở người đàn bà đó toát ra sự sung sướng vô hạn, bà không ngừng kể chuyện Việt Nam. Nhưng tôi nghe ơ hờ, tôi xấu hổ về sự dối trá mà tôi linh cảm lờ mờ dù ở nơi xa xăm ấy, vẫn có chút gì ràng buộc.
Chantal vui câu chuyện không để ý, vô tình bà đặt câu hỏi:
\-- Nầy em, ở bên Việt Nam ấy mà, có nhiều người giàu có lắm, không con, sao họ không nuôi các bé mồ côi nhỉ? Không biết rồi con nuôi có ngoan, có chăm học, có vâng lời không? Có nghĩ tới cha mẹ không?
-- Con nuôi như con đẻ, bà đừng hỏi vậy chứ. Bà quên bà là chuyên viên tâm lý kia mà.
-- Chết rồi, tôi sung sướng quá thành ra hơi bất thường hôm nay. Em không buồn tôi chứ?
-- Không bao giờ, để khi nào có thì giờ, tôi sẽ kể cho bà nghe một câu chuyện con nuôi trong gia đình tôi. Giờ thì tạm biệt, tôi phải đi làm việc.
Bà ta siết chặt tay tôi nhiều lần rồi mới buông lơi.
*
« Hồi đấy tôi đâu mới 5,6 tuổi, lơ mơ chuyện nhớ chuyện quên. Nhưng tôi nhớ ông nội tôi đã nuôi chú Thi làm con nuôi từ bao giờ bao giờ chẳng biết. Chú đến trước tôi đến sau, trong cái đại gia đình ông nội tôi. Nghe nói bố mẹ chú đâu đã đã chết đói từ tháng ba năm Ất Dậu 1945, từ cái năm Nhật đảo chính Pháp, rồi Pháp đảo chính lại Nhật trên đất nước Việt Nam ta.
Ông bà mang chú về làm con nuôi cũng để phụ giúp việc nhà. Cha mẹ tôi thì đã đi học xa. Chú không chịu đi học vì khi về nhà tôi chú đã làm mõ cho làng. Chú Thi tôi hiền lành, cục mịch, ai cũng bảo chú lừ đừ cứ như ông từ giữ đền.
Nhưng cũng còn tùy lúc, có lúc chú rất nhanh nhẹn, có lúc từ tốn trong công việc làm. Nhưng nói chung chú làm việc luôn tay. Lúc mùa màng, chú trông coi thợ gặt hái, thu thóc, bổ kho. Lợn gà nhà nuôi do một tay chú sớm tối trông nom. Tát ao, tát đìa, thả cá, đơm đó, khơi ngòi, ruộng thấp vườn cao không ai ngoài chú. Chú vui vẻ làm mọi việc trong nhà, quán xuyến, việc của ông bà mà chú cứ coi như việc của chính chú. Chú chỉ lờ đờ vào chập khuya, sau khi đã sảng khoái hít xong vài hơi thuốc lào say khướt.
Có nhiều lần mê man như vậy, chú ngã quỵ và ngủ đêm ngay trong bếp. Khi tờ mờ gà gáy sáng, bà và má tôi sợ hãi giã gừng rượu, vừa cạo gió vừa gọi mãi chú mới tỉnh dậy. Chú vươn vai, có sao đâu, trời sinh trời dưỡng.
Chúng tôi rất quý chú. Vào những dịp sau mùa gặt, rảnh rỗi chú bỏ công làm cho chúng tôi những con diều thật lớn. Chú khéo tay, tỉ mỉ bẻ cạnh và phất diều giấy bản dán bột nếp quậy đặc quánh. Diều càng lên cao, tiếng sáo diều càng vi vu êm ru. Chú chạy trước, tụi tôi theo sau. Vòm trời bé thơ ngày ấy mênh mông vô tận và sung sướng là nhờ chú. Có ngày chú bẻ bắp, nướng ở ruộng. Chúng tôi cùng ăn bên gốc rạ còn lởm chởm chạy dài xa tắp, mất hút ở tận chân trời chạng vạng đầy ráng màu vàng cam.
Khi chú đến tuổi lập gia đình thì ông bà tôi cưới cô Tím con gái ông thầy cúng của làng cho chú. Ông tôi năn nỉ mãi không thì ông Nhan không chịu gả con, ông cứ bảo chú là con ông chứ không làm mõ cho làng nữa. Rồi chú ra ở riêng, ông bà xây cho chú một mái nhà nhỏ sau đình làng. Bao quanh nhà chú đầy nhiều cây thầu dầu lá xanh và cành tía. Mỗi lần có lễ chạp hay cúng đình, chú Thi say mê ngồi nghe bố vợ chú vừa đàn vừa hát cung văn. Chú say mê tiếng đàn cúng lễ như độ trước say mê thuốc lào vậy. Có điều mấy lúc sau nầy, vợ chú, cô Tím lại thỉnh thoảng giựt giựt khủyu tay chú đứng lên hầu nước quan viên đến dự lễ.
Cô Tím và chú Thi cùng làm đồng cho bà tôi, họ vừa làm riêng một số ruộng ông bà chia cho. Cuộc sống kể là có bát ăn bát để dù họ vất vả quanh năm với cảnh:
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.
Cuộc sống êm ái kéo dài đâu được ba bốn năm thì không may chiến tranh Việt Pháp tràn lan, dằng dai và không phân định. Năm 1954 trận Điện Biên Phủ kết thúc, Việt Minh kéo về thành phố và ra mặt tràn ngập đồng bằng châu thổ sông Thái Bình, hầu như toàn miền Bắc. Năm 1955, cha mẹ tôi ở luôn ngoài tỉnh, không lai vãng về quê nữa. Ông tôi đi đi về về từ quê ra Hải Phòng nhiều lần thúc giục bố tôi mang gia đình về làng, lo làm ruộng vì bà tôi vừa ngã bịnh mất. « Người ta bảo hòa bình rồi, nhân dân quê quán đâu về đó mà làm ăn xây dựng quê hương ». Lời bác Hồ dạy và cán bộ tuyên truyền nói ra rả hằng ngày, hằng đêm.
Cha tôi không về quê, ông không ưa cộng sản, ngỏ ý ở lại Hải Phòng sửa soạn di cư vào Nam, ông khuyên ông nội nên đi với gia đình con cái vì tình hình nông hội ấm ớ không biết sẽ ra sao. Nhưng ông nội không chịu. Ông viện cớ già rồi còn bỏ quê hương bản quán mà đi xa có ích gì. Ông cũng nại lý do còn ruộng vườn đăng đăng đê đê, còn hương hỏa mồ mả ông bà, hương khói, dứt áo ra đi sao đành. Còn thằng Thi, ông lẩm bẩm suy tính, rồi cãi cọ với bố mẹ tôi và ông bỏ về làng một mình.
Chú Thi tôi vẫn cư ngụ ở sau đình làng. Chú cứ như ông hộ pháp giữ đình vậy. Thu vén quét dọn sân đình sạch sẽ. Chú kém học và không hiểu lắm tình hình chính trị biến đổi. Chỉ biết chẳng bao lâu chú vô sản được cách mạng tôn vinh làm đồng chí trong ủy ban nhân dân xã Thái Thụy.
Nhưng chú nghe nhiều hơn nói, và không biết nắm được tin tức ra sao, chú cứ kín đáo nằng nặc khuyên ông di cư vào Nam. Ông gắt gỏng với chú y như gắt gỏng với bố mẹ tôi, ông còn nghi ngờ chú muốn tống khứ ông khuất để hưởng gia tài. Bố và con nuôi hầm hừ gây gổ với nhau. Mỗi lần ông quay về: « Tôi đã nói lần nầy ra Hà Nội, thì ông ở lại đó luôn và xuôi nam với gia đình anh cả, tại sao ông còn về đây làm gì? Khổ quá ».
-- Nhà ông, ông về, cả thằng Thực với thằng Thi, hai thằng nầy, con đẻ con nuôi, chúng mày cá mè một lứa. Chúng mầy lấy quyền gì cấm ông về?
-- Chả lấy quyền gì cả. Ông đi ngay đi nếu ông muốn sống. Đi ngay, tôi xách đồ phụ ông. Con tiễn chân ông ra bến đò Diêm Điền ngay bây giờ. Con ở lại đây coi chừng nhà cửa cho ông. Hai năm nữa ông về còn nguyên.
-- Ông không đi thì sao? Ông tôi vẫn bướng bỉnh.
-- Thì chúng sẽ bắt tôi giết ông, khổ lắm, nói mãi. Nào đi, mau mau lên, tôi dẫn ông đi thôi. Năm 1945 thoát chết đói, giờ ông muốn chết vì giặc cộng sản ư? Chú giậm chân tỏ ý phản đối hăng.
-- Thế chúng nó xúi biểu mầy giết thầy, mầy cũng nghe lời chúng nó giết thầy? Giọng ông êm dịu hơn với chú.
-- Con làm sao giết thầy, nhưng mà nếu con không ưng giết thầy, chúng sẽ giết con trước rồi chúng tự giết thầy sau. Có mà trời cứu! Thôi thầy cứ đi đi là hơn. Chú khẩn khoản van nài.
Ông tôi suy tính giây lâu. Tiếng con mèo đi nhè nhẹ bên cối xay lúa cũng làm hai bố con giựt mình. Tình hình đã nguy hiểm lắm rồi. Nhưng ngay đêm đó thì hai ông con không lén ra khỏi nhà, sợ an ninh cộng sản theo dõi rình bắt lại.
Hai, ba ngày sau là phiên chợ Tết Nguyên Đán, người người nô nức đi chợ mừng xuân theo lệnh đảng. Nam nữ nắm tay nhau, trong đó có hai cô tôi, nắm tay nhau nhảy hòa bình Sol-Đố-Mì tình tang ở trên mặt đê. Ông tôi cải dạng lái buôn heo, trà trộn trong đám bạn hàng từ chợ Giành, chợ Hồi đi đông và lũ lượt đi từng đoàn ven đê, rồi lẻn được lên đò sang huyện khác. Trong lúc lầm lũi trốn đi, ông đã trông thấy đồng chí con nuôi ông ăn mặc đồ bộ đội đằng đằng sát khí, hách dịch đi kiểm tra người lên phà, xuống phà ngay bến Diêm Điền. Ông sợ, nhưng chú Thi cố ý tránh ông, ông ở bên đông thì chú tiến thẳng sang bên tây. Ông lần xuống phía nam chú lại lách lên phía bắc. Khi hấp tấp lủi được lên bờ, ông không dám quay người nhìn chú, gằm mặt, kéo nón thấp xuống, đi thật lẹ như chạy. Đi một đoạn đường khá xa, bớt nguy hiểm, ông cho tay vào túi thì vô tình đụng phải tờ giấy mềm mềm gấp đôi, đó là tấm giấy thông hành do ủy ban an ninh địa phương đã cấp cho ông tự bao giờ để đi tìm con ở xa về, nào ông có hay và cũng không dự trù.
Ông tôi ra đi thoát nạn đấu tố địa chủ đẫm máu năm 1956.
Những năm sau đó ở miền Nam, ông luôn nhắc đến người con nuôi đầy tình nghĩa. Ông tôi sống thêm 20 tuổi nữa. Ông thành lập trại định cư Bắc Tiến. Ông chuyên xách ô đi xin gạo phủ tổng ủy di cư về trại chia đều cho đồng bào đồng cảnh. Những khi nhìn gạo mang về trại, ông rưng rưng nước mắt: « Tội nghiệp vợ chồng thằng Thi, con tôi ở làng, chúng nó làm được hạt gạo thì đổi bát mồ hôi chan xuống bát cơm ».
*
Chuyện chỉ có thế và đã xa rồi, xa vời vợi, không một chút liên hệ gì với hiện tại, nhưng tôi muốn kể cho Chantal nghe để bà thấy thế nào là lòng trung thành của một đứa con nuôi với cha mẹ, đẻ con ra mà nuôi nấng chu đáo là lẽ thường tình, là cái bản năng bẩm sinh. Nhưng không đẻ ra mà nuôi nấng ấp ủ thì còn là một cái gì cao hơn lẽ thường tình. Bên thi ơn cũng như bên thọ ơn, họ có duyên nợ và đã hẹn nhau tự bao giờ, bao giờ thì không ai biết. Cứ thương qua thưong lại là thành mẹ con, cha con như bẩm sinh vì nhân chi sơ tính bản thiện.
Bà nghe xong, chớp mắt, lòng dao động:
-- Ông Thi giờ còn sống không nhỉ? Mùa hè sang năm, François đã được một tuổi. Tôi muốn mang nó trở về thăm Việt Nam. Em có muốn cùng đi hè với chúng tôi không? Chúng ta sẽ làm một chuyến ra Bắc, đi thăm lòng chảo Điện Biên Phủ, viếng vịnh Hạ Long, rồi về em thăm ông Thibault, à ông Thi chứ, em chịu không?
-- Nghe thì dễ, nhưng không phải vậy đâu. Quê tôi hẻo lánh lắm. An ninh không bảo đảm, không thể tới đó dễ dàng như đi Sài Gòn, đi Hà Nội đâu… Trừ phi là có được một cái máy bay trực thăng.
Rồi tôi còn phải học lái máy bay nữa chứ.
Cả hai chúng tôi cười xòa, thông cảm, niềm mơ ước viển vông.
Chantal đưa tay hất ra sau mái tóc bồng bềnh, rơi lòa xòa bên vai, rủ vài sợi xuống cả mặt François, nó đang dùng hai bàn tay bé xíu nghịch những lọn tóc vàng óng ả của mẹ nó.
-- Bây giờ tôi muốn cho nó một cái tên Việt Nam. Tôi muốn gọi nó là Thi, tại sao không?
-- Được đấy, phải hỏi ý Pierre đã.
-- Ô, ông ấy sẽ thích lắm, tôi biết mà.
Rồi họ đi ra, ngoài xa nắng hanh vàng rực rỡ, chói lên những tia nắng cuối mùa, vẫn đậm đà, như còn lại một ngày thu nắng đẹp. Người đàn bà Tây sung sướng bế con đi chậm chậm lần theo hàng cây phong đã gần như trơ trụi lá? Bóng nắng lạc đường loang loáng chờn vờn trên tóc, trên màu áo của bà, đong đưa vẻ thần tiên diệu vợi.
Hai mẹ con nó chắc đang nói chuyện với nhau. Hai cái đầu lắc lư, xích ra hơi xa rồi lại sáp lại sát nhau. Chuông nhà thờ Saint Gervais đổ dồn từng chập, từng chập báo hiệu ngày thứ tư đầu tháng, 12 giờ trưa.
Chúc Thanh.