Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen được cho là đàn áp khốc liệt các nhà báo có tiếng nói chỉ trích
Các nhà báo Campuchia đang đối mặt mối đe dọa ngày càng tăng và bị ngăn cản thực hiện công việc của họ trong bối cảnh ngày càng có nhiều hạn chế tự do báo chí và các quyền công dân và quyền chính trị, văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Campuchia cho biết trong tuần này.
Phúc trình của cơ quan này của Liên Hợp Quốc, được công bố vào ngày 3/8, mô tả tình hình tự do báo chí ở Campuchia từ tháng Một năm 2017 cho đến cuộc bầu cử địa phương được tổ chức hồi tháng Sáu năm nay. Những kết luận trong phúc trình cho thấy các quyền dân chủ trong nước đã liên tục đi xuống.
Các tác giả phúc trình cho biết truyền thông nước này đang ở trong tình trạng nguy hiểm khi Campuchia chuẩn bị bầu cử một lần nữa trong năm nay và vào năm 2023. Họ nói các nhà báo trong nước phải đối mặt với áp lực và quấy rối, chủ yếu thông qua hệ thống tư pháp hình sự.
Phúc trình đã phỏng vấn và khảo sát 65 nhà báo. Phát ngôn nhân về nhân quyền Jeremy Laurence nói với VOA rằng 80% những nhà báo được khảo sát nói họ đã chịu sự giám sát và can thiệp trong quá trình làm việc.
“Trong nhiều năm nay, chính quyền Campuchia đã tích cực thông qua luật hạn chế không gian dân sự nói chung ở Campuchia và các quyền tự do báo chí nói riêng,” Laurence nói.
“Luật pháp và các công cụ khác đã được vận dụng để cho phép giới chức kiểm duyệt và đặt các nhà báo và những người khác dưới sự giám sát và mở rộng khả năng của chính quyền nhắm vào những người làm truyền thông và quyền tự do ngôn luận thông qua chính các tòa án.”
Laurence cho biết văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Campuchia đã ghi lại các vụ việc của 23 nhà báo kể từ tháng Một năm 2017, vốn đã phải đối mặt với các cáo buộc hình sự về thông tin sai lệch, phỉ báng hoặc kích động vì công việc của họ.
“Phạm vi quyền hạn rộng lớn để chặn thông tin và trừng phạt những tội không cụ thể, nên bị loại bỏ,” Laurence nói.
“Cái mà tôi đề cập cụ thể là các đạo luật - luật được đưa ra về COVID-19 và nghị định được đưa ra hồi đầu năm về việc thiết lập cổng Internet.”
Luật về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cho phép chính phủ áp đặt các hạn chế để hạn chế dịch bệnh lây lan. Nó quy định các khoản tiền phạt lớn và án tù lên đến 20 năm. Các nhà báo phản đối các biện pháp phòng chống dịch và đưa tin về nó có thể bị phạt tiền và bị trừng trị.
Nghị định về cổng Internet, nếu được thực thi, sẽ quản lý tất cả dòng truy cập vào và ra khỏi Campuchia. Các quan chức nhân quyền cảnh báo nghị định này cho chính phủ quyền lực rộng rãi để chặn thông tin và trừng phạt các tội danh không xác định.
Theo VOA