Hình ảnh vệ tinh cho thấy rõ các chi tiết trên chiến trường gần thành phố Severodonetsk, Ukraina, ngày 06/06/2022. AP
Cuộc chiến tranh tại Ukraina cho thấy một cuộc cách mạng trong lĩnh vực không gian đang diễn ra. Không có sự hỗ trợ của hàng trăm vệ tinh có điều khiển, chủ yếu của Hoa Kỳ, quân đội Ukraina không thể kháng cự được với đội quân xâm lược Nga. Châu Âu không có được một hệ thống hạ tầng như vậy nên phải nỗ lực gấp bội để bảo đảm chủ quyền của mình.
Trong khói lửa của cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraina, một trong những bài học chủ yếu mà các quân đội rút ra chính là trên bàn cờ không gian. Dù là quan sát, nghe lén, định vị mục tiêu hay truyền dữ liệu, lĩnh vực không gian đã trở thành chìa khóa của các trận chiến trên mặt đất.
Đã từ lâu, các vệ tinh được đưa vào phục vụ cho quân đội. Nhưng ở Ukraina, vệ tinh đã được sử dụng phổ biến hơn nhiều. « Tổng thống Ukraina, Zelensky sẽ không bao giờ giữ liên lạc được với các binh sĩ và nhân dân của ông nếu không có kết nối internet qua các vệ tinh », Michael Schoellhorn, lãnh đạo tập đoàn Airbus Defense and Space, khẳng định.
Trước Quốc Hội Mỹ, tướng David Thompson của binh chủng không gian Mỹ US Space Fore, đã nhấn mạnh vai trò cốt yếu hiện nay của các vệ tinh thương mại trong những cuộc xung đột quân sự và sức bền của các chùm vệ tinh nhỏ ở quỹ đạo thấp.
Chuyên gia Valery Rousset, tác giả cuốn sách « Chiến tranh trên bầu trời mở, Irak 1991, chiến thắng mơ ước » nhận định :« Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, vào những năm 1990, người ta tính được tất cả có hơn 80 vệ tinh phục vụ cho liên quân quốc tế. Giờ đây, người ta có gấp 10 lần số đó ! Ukraina trở thành cuốn sách về bầu trời mở, hình ảnh vệ tinh đang trở nên bình thường hóa ».
Hỗ trợ trực tiếp của Lầu Năm GócNhờ các vệ tinh, từ Lầu Năm Góc, Washington có thể chỉ dẫn cho các binh lính Ukraina cắm chốt ở đâu, bắn vào chỗ nào. Và như vậy những người lính được huấn luyện sơ đẳng vẫn có thể tấn công mục tiêu bằng vũ khí chống tăng hoặc phòng không, đặc biệt là khi tên lửa được sử dụng có chức năng "bắn và quên", tức tên lửa tự tìm mục tiêu.
Nhiều nhà quan sát thắc mắc, tại sao quân đội Nga không gây nhiễu thêm các mạng liên lạc của Ukraina trong cuộc tấn công vào Kiev? Nhất là khi từ trước cuộc xâm lược, Nga đã thành công trong việc "hack" một vệ tinh viễn thông ViaSat, khiến đối phương phải lo sợ điều tồi tệ nhất.
Tuy nhiên, hai ngày sau cuộc tấn công của Nga, để duy trì thông tin liên lạc, Ukraina đã cầu cứu chùm vệ tinh quỹ đạo thấp Starlink do Elon Musk triển khai. Gần 11 nghìn bộ thiết bị kết nối với các vệ tinh Starlink đã được gửi đến và triển khai, giúp cho khoảng 150 nghìn người Ukraina tiếp tục kết nối internet hàng ngày.
Chùm vệ tinh, một cuộc cách mạng Với hơn 2300 vệ tinh trên quỹ đạo, hệ thống Starlink hiện tại dường như không thể phá hủy được, dù có mất vài vệ tinh cũng không đủ làm cho hệ thống bị hỏng. « Rất khó để gây nhiễu một chùm gồm hơn 2000 vệ tinh. Chùm vệ tinh là một bước đột phá lớn và mang tính cách mạng », chuyên gia Valéry Rousset ghi nhận.
Bỗng nhiên, các chùm vệ tinh quỹ đạo thấp trở thành yếu tố chủ chốt của quân đội. Trong việc quan sát, các chùm vệ tinh khác như Planet hay BlackSky cho tần số hình ảnh, trong khi đó các vệ tinh quân sự cho hình ảnh độ phân giải rất cao dành cho các trận chiến quan trọng hơn. Trong việc truyền dữ liệu và internet, Starlink và các chùm vệ tinh khác cũng đóng vai trò quân sự chưa từng có.
Trung Quốc đe dọa StarlinkTrung Quốc không nhầm khi thông báo tiến hành các nghiên cứu để phá hủy chùm vệ tinh như của Elon Musk, mà giờ đây Trung Quốc xếp trong lĩnh vực quân sự. Các đơn vị của Ukraina sử dụng Starlink để giúp kết nối với các đồng minh trong các trận chiến.
Trong tương lai, không một ai nghi ngờ việc các vệ tinh nhỏ có thể bị phá hủy hay bị gây nhiễu, chẳng hạn bằng các loại vũ khí laser, nhưng hiện tại với số lượng lớn, hệ thống này khó có thể bị đánh sập hoàn toàn, theo đánh giá của tướng Thompson.
Trong quân đội Pháp, nhiều người nhấn mạnh là sự kết nối và mạng xã hội đang làm thay đối bàn cờ chiến tranh không chỉ trên phương diện tác chiến, mà còn trên phương diện thông tin và tuyên truyền. Người ta cũng ghi nhận sự sáng tạo của người Ukraina để chuyển đổi các ứng dụng dân sự sang sử dụng quân sự. Như vậy họ có thể biến các điện thoại thông minh của họ thành một công cụ tình báo.
« Ứng dụng dân dụng Diia dùng để lưu trữ các giấy tờ chính thức như giấy phép lái xe, hộ chiếu v.v… đã được các công dân Ukraina chuyển hướng sử dụng để cung cấp thông tin cho chính phủ về tình trang hạ tầng cơ sở của đất nước và sự xuất hiện của quân Nga », một viên tướng của Pháp ghi nhận.
Một thí dụ khác, ứng dụng nhận diện Clearview cũng được sử dụng để giúp các nhà điều tra các tội phạm chiến tranh và để báo cho các bà mẹ Nga về cái chết của con họ.
Đẩy mạnh xây dựng chùm vệ tinh của Châu ÂuLiệu Elon Musk sẽ là vị cứu tinh của Ukraina ? Chúng ta không nên phóng đại, theo các chuyên gia bộ Quân Lực Pháp. Kết nối là cần, nhưng chủ yếu vẫn là khả năng xử lý và sắp xếp trật tự các thông tin, xác định đâu là trọng tâm quân sự.
Nhưng việc vệ tinh trở nên phổ biến trên chiến trường đã giúp cho việc chiến đấu ngày càng được kết nối sâu rộng. Một đại tá lục quân Pháp nhận định: « Trong tương lai, chúng ta cần những vệ tinh và con người được trang bị không chỉ vũ khí đạn được mà cả các điện thoại thông minh »,
Ở vào giai đoạn này, cuộc chiến tranh tại Ukraina đã cũng cấp đầy đủ lý do cho dự án mà Thierry Breton, ủy viên Châu Âu, đang bảo vệ để trang bị cho Liên Hiệp Châu Âu một chùm vệ tinh riêng biệt. Không một nước Châu Âu nào có thể một mình tạo dựng được một hệ thống hạ tầng cơ sở trong không gian như vậy. Giá thành của hệ thống đã được Ủy Ban Châu Âu định giá tối thiểu là 6 tỷ euro cho một chùm vệ tinh gồm khoảng 300 chiếc, được đặt trên các mặt quỹ đạo khác nhau. « Châu Âu đã rất chậm trễ, phải tính từng ngày, cần phải làm nhanh », lãnh đạo tổ hợp Airbus Defense and Space nhấn mạnh.
Bộ Quân Lực Pháp đã khẳng định : « Starlink và thế hệ vệ tinh đầu tiên là một hình mẫu, bây giờ chúng ta cần phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở của mình, hiệu quả nhất có thể với những liên lạc vệ tinh để bảo đảm chủ quyền của chúng ta ».
(Theo Les Echos)