Có lần tôi nghe ai đó nói, đại khái là muốn quên một người nào một cách nhanh nhất thì nên có một người khác. Tôi đã phì cười khi nghe câu nói đó, trong bụng nghĩ thầm, làm gì mà đến nỗi phải đi kiếm người mới để quên đi người cũ! Tình yêu chứ có phải cái áo cái quần đâu mà thay đổi dễ dàng, chóng vánh như vậy. Nghĩ cho cùng, tôi phải luôn nhớ đến gương mặt tật nguyền của mình, để không còn mộng mơ gì xa xôi nữa. Một lần đau khổ cũng đủ lắm rồi. Tôi thường tự dặn dò mình như thế.
Nhưng cả tuần trôi qua mà Việt và tôi không gặp nhau, tôi chịu không nổi. Lần này, tôi nhận ra ngay là mình đã yêu Việt mất rồi, chứ không nửa tin nửa ngờ, nửa chấp nhận nửa chối bỏ như tình yêu tôi dành cho Vũ ngày trước. Mặt khác, tình cảm của tôi cho Việt đến thật nhẹ nhàng, tiệm tiến theo thời gian, và dường như tình yêu của tôi đang được đáp đền, chứ không một chiều một hướng như ngày xưa nữa. Giả dụ như trước đây Thuỷ Trúc hỏi thử tôi có tình ý gì với Việt không thì chắc tôi đã dãy nãy lên, gạt ngang gạt ngửa cái ý tưởng kỳ cục đó. Việt là một hình ảnh quá quen thuộc với tôi. Hắn cũng không đẹp trai, chỉ được cái hiền lành và kiên nhẫn. Nhưng, như má tôi thường nói, lửa gần rơm thì có ngày cũng cháy. Thật là đúng phóc. Việt cứ hiện ra trong đời tôi từ từ, từ từ, hết ngày này qua ngày khác, cùng làm với tôi nhiều việc, cùng san sẻ với tôi những điều vặt vãnh trong đời sống hằng ngày. Hình ảnh hiện ra trong đầu tôi mỗi buổi sáng là Việt, mà hình ảnh cuối cùng trước khi tôi chìm vào giấc ngủ cũng là Việt nốt. Có lẽ tình yêu cũng là một thói quen chăng.
Một buổi sáng nọ, tôi không dùng xe đạp mà quyết định thả bộ qua những con đường lặng lờ trong thành phố, những con đường chạy ra biển từ nhiều phía. Tôi đi chầm chậm qua những ngôi nhà nằm im ắng trong nắng hè còn dịu mát của ban sáng, dưới những tàn cây lá sum sê xanh dờn, trong tiếng ve kêu rả rích, buồn buồn và tha thiết. Tôi mang cảm giác của một người vừa bệnh mới dậy, sau những ngày cấm cung trong nhà, ngỡ ngàng thấy lại thế giới bên ngoài, với sinh hoạt bình thường của mọi người, chẳng có gì thay đổi so với những giông bão ngầm trong cuộc sống nội tâm của mình.
Đến một góc đường, tôi chợt nghe tiếng thắng đánh két một cái của ai đó đang đi xe đạp từ phía sau. Tôi giật mình ngoảnh lại. Việt! Anh ăn mặc xuềnh xoàng như mọi ngày, đầu tóc rối bời, và... trời ơi, anh nhìn tôi bằng cặp mắt... tôi phải diễn tả làm sao nhỉ... cặp mắt đỏ ngầu của anh toát ra oán hận, nhớ thương lẫn trìu mến, trìu mến đến độ ngắc ngoải. Việt tiếp tục nhìn tôi trừng trừng, không nói không rằng, trong khi tôi cũng không biết phải phản ứng như thế nào. Phải mấy phút dài lê thê trôi qua như thế, cuối cùng, Việt nói như ra lệnh:
“Lên xe đi!”
Như một phản xạ, tôi riu ríu leo lên ngồi phía sau của chiếc xe đạp cũ kỹ. Việt đạp phóng đi, tôi vòng tay ôm eo anh, ngả nhẹ đầu vào khoảng lưng rộng phía trước, nghe nồng ấm mùi da thịt đã chớm bắt đầu quen thuộc với tôi. Tim tôi như rã rời, một cảm giác rã rời, bải hoải một cách dễ chịu. Niềm đau như được mơn trớn, vỗ về. Việt chở tôi qua không biết bao nhiêu là con đường thân quen trong những góc của thành phố tôi đã từng đến, đã từng đi, nhưng thật tình thế giới chung quanh như nhạt nhoà trong cơn chếnh choáng của tôi. Cảm giác của tôi bây giờ không phải là những gì tôi nhìn hay nghe thấy, mà chỉ là những cảm xúc oà vỡ từ bên trong, cộng với mùi da thịt gợi lên những gần gụi mà tôi chỉ mới bắt đầu biết đến.
Những tháng ngày kế tiếp của tôi diễn ra y như trong những cuốn sách dành cho tuổi mới lớn mang tên loài hoa tím, không khác gì mấy với buổi dạ tiệc tưng bừng, hào nhoáng mà cô bé lọ lem bàng hoàng hân hưởng, trong lòng chỉ nơm nớp sợ đồng hồ nửa đêm lạnh lùng gõ lên mười hai tiếng, để con bé số phận hẩm hiu phải vội vã tháo chạy về trước khi cỗ xe lộng lẫy trở thành trái bí xù xì.
Mùa hè trôi qua hình như nhanh hơn mọi lần, và mùa thu tiếp bước với tốc độ cũng không kém phần vội vã. Ngày tiếp ngày, Việt và tôi đắm đuối vào những giây phút bên nhau, ở khắp nơi trong thành phố biển nhỏ bé này. Lúc thì chúng tôi vui đùa với nhau trong làn nước mát rượi của biển xanh, rồi nằm lim dim dưới ánh nắng hè chói chang, biết rằng cận kề có một kẻ đang nghĩ đến mình. Những câu hát trước đây tôi cho là vô nghĩa, hay thậm chí còn có phần độc ác, thì bây giờ mỗi lời hát, mỗi âm điệu đều làm tôi rung động sâu xa, “Ngồi kề bên nhau cất tiếng ca, say tình chan hoà... Mình yêu nhau thì có lúc gần nhau...” Ôi, Hạ Vàng Biển Xanh! Có phải bài hát đó là dành riêng cho chúng tôi không nhỉ.
Tắm biển xong, tôi và Việt thường vào cái quán quốc doanh bên kia đường biển để “thưởng thức” những tô phở lạt lẽo, lõng bõng vài miếng thịt dai ngắt, hay những ly cà-phê đắng với hương vị nhạt thếch. Nhưng có hề gì, đó là những món sơn hào hải vị đối với hai đứa tôi, khi đang hạnh phúc thì làm gì, ăn uống gì, nghe thấy gì cũng là vui, là ngon, là đẹp cả. Việt thường phì phèo hút những điếu thuốc sợi đen mang những cái tên thô kệch như Lao Động hay Vàm Cỏ, bay mùi khét lẹt. Mỗi khi tôi rủng rỉnh chút tiền từ việc dạy kèm mấy đứa con nít, tôi thường mua cho Việt vài điếu thuốc lá lẻ, có đầu lọc của ngoại quốc, có tên gọi sang cả hơn, Dunhill hay Rothman, và cả ba số 5 nữa. Trong khói thuốc thơm tho của bọn tư bản giãy chết, Việt và tôi nghe như tình yêu cũng đậm đà hơn nhiều.
Hay những buổi trưa nắng đứng bóng, thành phố như uể oải trong giấc ngủ vội vàng, Việt và tôi đạp xe qua Hòn Chồng, trốn chạy thành phố ngột ngạt. Chúng tôi sánh bước bên nhau, leo qua những mỏm đá gập ghềnh đã nằm ở đây từ trăm năm trước. Đôi lúc, như có truyền giao cách cảm, hai đứa chợt ngoảnh mặt vào nhau, trao vội cho nhau một nụ hôn bất ngờ. Nấp dưới một kẽ hở giữa hai mỏm đá, chúng tôi lại tiếp tục hôn nhau, cho đến có kẻ nào tình cờ bước ngang bắt gặp, chúng tôi mới rời nhau ra, khúc khích cười mắc cỡ.
Hoặc có những ngày lười lĩnh không muốn đi đâu, Việt và tôi quấn lấy nhau trên căn gác ở nhà anh. Dưới nhà là một cái quán nhỏ ba má anh buôn bán những món lặt vặt để sống qua ngày. Chúng tôi thường ra ngồi ở cái bao lơn hẹp trên gác, nhìn mông ra những căn nhà lô nhô kế cận, chỉ chừa ra vài khoảng trống bất ngờ để lộ khoảng trời xanh hiếm hoi. Rồi lại hôn nhau, lại thủ thỉ những lời vô nghĩa, và cười phá lên vì những điều vô nghĩa đó.
Có hôm, Việt chợt bảo:
“Ngày trước, Ti thích thằng Vũ lắm phải không?”
Không biết từ lúc nào, Việt đã đổi qua gọi tôi là Ti và xưng là anh. Tôi đoán anh dùng chữ cái đầu tiên của tên tôi để gọi như trong tiếng Anh. Tôi thích cách xưng hô mới mẻ này lắm. Nó như một kiểu mật mã riêng giữa hai chúng tôi. Tôi chỉ là Ti với anh, chỉ với mình anh thôi. Tôi thoáng đỏ mặt:
“Anh cũng biết sao?”
“Sao lại không biết!”
“Như vậy là anh cũng có để ý đến Ti?”
Việt quàng lấy vai tôi:
“Ti không biết chứ hồi đó anh đã thích Ti rồi, nhưng lúc nào bên Ti cũng có thằng Vũ...”
Tôi giụi đầu vào vai anh, để cho cử chỉ đáp lại thay cho lời nói.
Tôi ít tập đàn hơn, và càng ít viết nhật ký hay làm thơ hơn trước. Có lẽ, đối với tôi, nhật ký chỉ là nơi để tôi than mây khóc gió, và thơ thẩn cũng chỉ để tôi trút những muộn phiền vào đó. Có lẽ, hạnh phúc làm người ta trở nên “nông cạn”, hai chữ này Việt thích dùng để chê bai những kẻ thiếu cuộc sống nội tâm hay không ưa sách vở. Việt mê đọc sách lắm, chẳng kém gì tôi. Anh đã ngốn biết bao nhiêu cuốn sách của thời trước 75 may mắn còn sót lại, như tập thơ Mưa Nguồn của Bùi Giáng, hay cuốn Triết Lý Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học của Phạm Công Thiện. Anh còn thích những câu thơ đầy hoài niệm của Hoài Khanh:
Rồi em lại ra đi như đã đến,
Giòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù.
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng,
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
Hay bốn câu thơ khác:
Người con gái chợt về đây một bận,
Con đường câm bỗng sáng ánh diệu kỳ.
Tôi lẩn trốn bởi thấy mình không thể,
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi.
Tôi còn nhớ những lần nghe anh đọc những câu thơ đó, tôi ôm lấy anh nói:
“Việt đừng đọc những câu thơ buồn đầy ám ảnh đó nữa, Ti sợ lắm.”
Việt siết chặt tay tôi, rít một hơi thuốc dài, rồi phả khói vào mặt tôi, làm tôi ho lên sặc sụa. Tôi như muốn chết ngộp, nhưng chết một cách sung sướng trong làn khói thuốc yêu thương đó.
*
Việt rủ tôi lên Võ Cạnh chơi. Võ Cạnh là một thôn nhỏ nằm về phía nam của thành phố Nha Trang. Bà nội anh có một căn nhà vườn trong thôn đó. Dĩ nhiên là tôi sốt sắng nhận lời. Dạo này má tôi thấy tôi đi chơi liên miên với Việt, bà biết chuyện gì đang xảy ra. Ái ngại nhìn cô con gái tuổi vừa lớn đang yêu, bà cũng không biết phải làm gì hơn là nói bóng gió:
“Con gái đi chơi với con trái phải ý tứ nghe con, đừng để máy bay vượt bức tường âm thanh đó!”
Tôi nghe má dặn dò như vậy mà không khỏi cười thầm trong bụng. Ngày xưa, má học tới bằng sơ học yếu lược rồi nghỉ ở nhà, phụ ông ngoại tôi trông coi một tiệm sách. Má không học cao, không đọc sách nhiều, chẳng hiểu làm sao biết được hiện tượng vật lý của phi cơ vượt bức tường âm thanh để dùng ví von với chuyện trai gái!
Sau những ngày vui bên nhau ở biển cả xanh rờn hay trong những quán cà-phê với tiếng nhạc xập xình, tôi thực sự thích thú với chuyến đi về miền thôn quê với Việt. Ngả đầu vào lưng anh, tôi miên man nhìn những cánh đồng lúc ấy lúa hãy còn con gái, hít đầy mùi thơm của đồng ruộng vào hai buồng phổi. Đi qua một khoảng dài trên Quốc Lộ số 1, Việt rẽ xe vào một vùng thôn quê tương đối vắng vẻ. Nhà bà nội của Việt đúng là một căn nhà điển hình của miền quê Trung phần. Phía trước là khoảng sân rộng, bà phơi đầy những cái bánh tráng tự tay bà làm lấy.
Việt dựng xe, dắt tôi vào nhà chào bà nội:
“Nội! Con về chơi nè. Có Thuỳ Linh bạn con nữa nội.”
Bà nội của Việt trông khoảng 80 tuổi, móm mém trả lời:
“Lâu dữ mới ghé nội há con. Con nhỏ này là bạn con hả?”
Tôi lễ phép vòng tay chào bà. Bà cười hiền hoà:
“Ờ, hai đứa ở đây chơi. Thằng Việt ra đằng sau hái dừa xuống cho bạn con uống. Trưa trưa rồi bà nội dọn cơm cho bây ăn.”
Việt háy mắt với tôi, nắm tay tôi lôi ra đằng sau nhà. Khoảng vườn sau của bà nội rộng mênh mông, đủ thứ cây ăn trái: dừa, xoài, mãng cầu, vú sữa, khế, ổi... có cả mấy cây me cao chót vót. Việt bảo mỗi năm tới mùa me chín, bà nội kêu bạn hàng vô hái, trả mỗi cây vài trăm bạc, về bán lại lời cả mấy chục lần.
Ngó trước ngó sau không thấy bóng bà nội đâu, Việt bạo dạn ôm hôn tôi một cái. Tôi mắc cỡ đẩy anh ra. Việt cười tít mắt, cởi áo ra, xắn hai ống quần, kiếm một con dao gần góc bếp sau nhà rồi thoăn thoắt leo lên cây dừa, chặt xuống hai trái to bằng đầu người. Tôi nhìn Việt làm hết những việc đó bằng cặp mắt thán phục. Hôm nay, Việt như là một người khác mà tôi chưa thấy bao giờ. Anh lanh lẹn chặt dừa, vạt hết lớp vỏ xanh bên ngoài một cách thành thạo, rồi khoét một cái miệng trên chóp trái dừa, đủ để ụp một cái ly vào rồi dốc ngược lại cho nước dừa chảy qua. Hai đứa tôi ngồi nhâm nhi ly nước dừa ngọt ngào, rồi Việt lại hí hoáy lấy muỗng nạo lớp dừa non bên trong ra, cho vào ly của mỗi đứa. Tôi nghe những mảng dừa non tan êm ái trên đầu lưỡi, say say nhẹ nhàng với hương vị trái cây của miền quê yên ả. Tiếng chim ríu rít đâu đó trong những tàng cây. Mặt trời chưa đứng bóng mà tôi đã nghe tiếng gà trưa gáy trong sân sau của bà nội. Tôi quay qua nhìn Việt:
“Ở miền quê thích quá, Việt ơi!”
Khi nắng đã lên cao, tiếng bà nội trong nhà gọi hai đứa vào ăn cơm. Chúng tôi bước vào bếp, vừa lúc bà nội đang lễ mễ bưng nồi cơm ra để xuống cái bàn tre. Tôi mau mắn chạy lại bếp, giúp bà nội mang ra tô canh rau ngót và dĩa cá bông lau kho mượt mà, rồi so đũa, bới cơm ra chén. Ba bà cháu ngồi ăn cơm trong không khí lặng tờ của miền quê. Thỉnh thoảng, bà nội hỏi thăm về ba má Việt, hay hỏi tôi con cái nhà ai. Tôi ăn cơm chưa bao giờ thấy ngon miệng như hôm ấy, nghĩ đến câu Cơm lành, canh ngọt, thấy sao mà đúng quá đỗi.
Cơm nước xong, Việt pha cho bà nội bình trà bông lài, rót cho bà một tách còn nóng hôi hổi, sau đó hai đứa tôi hưởng xái hai tách còn lại. Bà nội uống hết tách trà rồi vào trong nghỉ trưa. Việt và tôi bưng hai tách trà ra ngồi trước hàng hiên, vừa thổi vừa hớp từng ngụm trà nhỏ, thơm phức mùi bông lài tự tay bà nội ướp lấy. Khung cảnh quanh tôi bình dị quá, nhưng không hiểu sao tôi thấy nó chính là buổi dạ tiệc huy hoàng mà tôi là cô Ti lọ lem và Việt là hoàng tử mà tôi không đời nào tưởng tượng ra nổi.
Việt cất tiếng, phá tan sự yên lặng giữa hai đứa:
“Ti có muốn ra bờ sông chơi với anh không? Sông gần đây lắm, đi bộ năm bảy phút là tới.”
Hình như tôi có khẽ giật mình:
“Ở đây cũng có sông hở Việt?”
Việt cười xoà:
“Ti của anh học địa lý Việt Nam mà không biết là ở nước mình, hầu như chỗ nào cũng có sông ngòi hay sao?”
Anh nói tiếp:
“Ở vùng này có con sông Cái chảy qua, đến khúc thôn xã này thì nó lại có tên riêng là sông Tắc. Cũng đẹp lắm. Ti đi với anh ra đó chơi nhe.”
Tôi lắc đầu. Thôi, tôi không muốn thấy con sông nào trong đời tôi nữa. Dòng sông trước kia tôi về ở Phước Thiện quê Vũ, tôi đã muốn quên đi. Việt đừng cho tôi thấy dòng sông nào nữa hết.
Thấy tôi im lặng, tuy không hiểu vì sao, Việt cũng nói xuôi xị:
“Nếu Ti không thích thì mình cứ ngồi đây chơi. Để bớt nắng một chút rồi anh chở Ti về.”
Dẫu sao đi nữa, tấm bản đồ trong trí nhớ của tôi cũng đã ghi lại cái tên Võ Cạnh đầy kỷ niệm êm đềm sau chuyến đi đó, kể cả tên dòng sông mà tôi chưa một lần đến. Hơn nữa, chuyến đi này cũng khác hẳn lần tôi về thăm Vũ ở miền quê của anh, nơi tôi mang đến một tình yêu tuyệt vọng, để rồi ngậm ngùi mang đi. Còn trong chuyến đi này, Việt đã dành cho tôi trọn vẹn tình cảm của này, đáp lại tình yêu nồng thắm của tôi với anh. Mong sao đây sẽ là một ký ức đẹp còn mãi với tôi về sau này.
*
Mùa xuân sắp tới. Mấy cây mai trước nhà ông ngoại tôi cần lặt lá mới sớm trổ bông cho kịp Tết. Việt rất chịu khó, ngày ngày ghé nhà tôi phụ tôi lặt lá mai. Năm nay, tôi thấy Tết có một ý nghĩa mới lạ, sâu xa. Hay là anh cho em mùa xuân? Tôi cặm cụi làm một cái thiệp xuân bằng tay dành riêng cho Việt, trong đó tôi trịnh trọng ghi: “Gởi anh một mùa xuân mới, cùng tất cả những gì của riêng Ti dành cho anh.” Rồi mùa xuân vui tươi trở về, chẳng khác gì những cảm xúc dạt dào trong hồn tôi. Tuy vậy, những ngày Tết lại là những ngày tôi và Việt ít gặp nhau, vì đứa nào cũng bận rộn với việc nhà, khó mà lẻn ra ngoài đi chơi với nhau như những ngày thường. Tối tối, tôi nằm trên giường, đợi giấc ngủ đến, tất nhiên là nghĩ đến Việt, thầm hỏi không biết giờ này anh cũng có đang nghĩ đến mình hay không.
Thiên hạ bảo khi nào hết “mồng” thì hết Tết. Mấy ngày xuân qua rồi, tôi hăm hở trở lại cuộc sống thường ngày, chỉ mong sao sớm gặp Việt. Hai đứa lại gặp nhau, lại tiếp nối những ngày vui, những giờ phút thân mật bên nhau. Nhưng... càng ngày tôi càng có cảm tưởng rằng Việt chỉ đến với tôi cho có lệ, như một thói quen chưa bỏ được. Hai đứa vẫn thường xuyên đi chơi với nhau, nhưng Việt có vẻ ít nói hơn trước, hay có nói thì hình như cũng gắng gượng thế nào. Có lẽ Việt đã chán tôi rồi hay sao. Cho đến một hôm, tôi thấy chịu không nổi tình trạng này nữa. Hai đứa đang đi xe đạp trên con đường chạy dọc theo bờ biển. Tôi bảo Việt:
“Anh ghé xuống chỗ bãi biển khúc này đi. Ti muốn nói với với anh một chuyện.”
Việt quay lại nhìn tôi, thoáng ngạc nhiên, nhưng cũng im lặng làm theo lời tôi nói. Anh dựng xe ở một gốc dừa, rồi hai đứa ngồi xuống gần đó. Có lẽ Việt cũng đoán được tôi muốn nói gì. Phải một lúc thật lâu, tôi mới thu hết can đảm lên tiếng:
“Anh chán Ti rồi phải không? Không sao đâu, Ti cũng đoán trước rồi sẽ có ngày này. Ti chỉ không ngờ là nó đến sớm như vậy...”
Tôi ngưng nói vì nghẹn ngào muốn khóc. Hồi giờ tôi chưa khóc trước mặt ai, nên tôi phải cố ghìm nước mắt lại. Nhiều khoảnh khắc im lặng nặng nề trôi qua, Việt vẫn chưa biết phải nói sao. Có lẽ vì tôi đã nói đúng tim đen của anh. Lát sau, tôi định thần lại, lần này nói thong thả hơn:
“Việt đừng bận tâm. Linh chấp nhận tất cả. Chắc chúng ta khó có thể trở thành bạn sau chuyện này, nhưng Linh sẽ cố gắng. Cái gì rồi cũng sẽ qua hết.”
Việt làm thinh, đưa tay nắm lấy tay tôi. Hai đứa ngồi như thế hồi lâu, rồi lặng lẽ đứng lên, quay lại chỗ gốc dừa. Việt chở tôi về nhà anh. Quán vắng người, chắc má anh vừa đi đâu đó. Việt kéo tay tôi chạy nhanh lên gác. Vào phòng, anh đẩy tôi nằm xuống giường, hối hả phủ lên mặt tôi những cái hôn cháy bỏng, những nụ hôn mà về sau này đã dần dần thưa thớt. Tôi lịm người trong niềm hạnh phúc nhỏ nhoi vừa tìm lại, thân xác hân hoan đón nhận những cảm xúc ngập tràn như muốn vỡ oà ra, mê mải...
Hình như sau đó hai đứa đã thiếp đi một lúc. Khi tôi tỉnh giấc, Việt vẫn còn say ngủ. Gương mặt anh trông bình yên, dễ thương quá đỗi. Tôi thở dài ngồi dậy, sửa lại áo quần cho ngay ngắn rồi rón rén bước xuống giường, sợ làm kinh động giấc ngủ của anh. Tôi đi thật nhẹ xuống cầu thang, mắt trông chừng xem có lỡ gặp ba má Việt hay không. May quá, quán vẫn lặng tờ, không có ai ở đó. Tôi chạy vù ra khỏi nhà, nhập vào dòng người thưa thớt đang đi bộ trên vỉa hè trong ánh nắng chiều màu nhạt, dường như chưa tỉnh hẳn khỏi giấc ngủ trưa đến bất ngờ.
Rồi ngày tháng của tôi lại khoác lên khuôn mặt cũ của thuở nào, chẳng khác gì sau chuyến đi Phước Thiện ngày trước. Tôi trở lại với nỗi buồn, tuy lần này đau hơn gấp ngàn lần trước. Việt vẫn đến chơi, tuy không rủ tôi đi đâu xa mà chỉ quanh quẩn ở nhà tôi, chỉ tôi lại những bài tập đàn. Tôi cũng chẳng còn hứng thú gì với chuyện đó là mấy. Những lần ghé chơi của Việt dần thưa thớt đi, rồi sau cùng anh không đến nữa.
Má tôi tinh lắm, có lần gạn hỏi tôi:
“Sao má không thấy thằng Việt tới chơi nữa? Bộ tụi con giận nhau rồi sao?”
Tôi gượng trả lời:
“Giận hờn gì đâu, má. Thích thì tới chơi, không thích thì thôi chứ chẳng có sao hết.”
Má tôi làm thinh, chắc bà cũng thấy tội nghiệp có đứa con gái không gặp may mắn như vậy. Bà quay đi, dường như để giấu một tiếng thở dài không ngăn được.
Còn tôi, mỗi ngày tôi quay cuồng theo một loại cảm xúc khác nhau. Có ngày lòng tôi tràn đầy oán hận. Có ngày tôi buồn rũ liệt. Cũng có ngày tôi thấy lòng khoan dung, muốn tha thứ cho Việt, cho tất cả những ai đã làm khổ người khác. Có lúc tôi thấy khinh bỉ, thương hại cho tất cả những kẻ chẳng hiểu sao lại có thể dứt tình với người khác dễ dàng như vậy. Bọn họ chẳng khác gì những con bò ngặm cỏ ngu ngơ trên cánh đồng. Họ là những con bò vì họ không có trí nhớ, không nhận nhìn ra được những người mà họ đã yêu thương thuở nào.
Tôi tình cờ thấy một cuốn băng cassette cũ, không biết ai đã cho mình. Trong đó có những bài hát rất sến do những ca sĩ hạng C trình bày mà thường ngày tôi không bao giờ thèm nghe. Nhưng táy máy sao không không biết, tôi lại bỏ nó vào cái máy cũ rích, dây couroir đã nhão, làm nó hát lên những lời nhừa nhựa, rất... sến, nhưng lại quá thích hợp với tâm trạng của tôi lúc này:
Những ngày tháng mộng xin trả lại em,
Con đường từng qua giờ hãy quên tên...
Hay là:
Còn lại những gì
sau những ngày thêu hoa dệt mộng,
Còn trao nhau chi
khi chính lòng đã hết chờ mong...
Cha mẹ ơi, tôi đã đổ đốn mất rồi hay sao mà nghe những lời hát sến sủa như vậy cũng xúc động, cũng thấy đau lòng! Hay là trong tận cùng ngăn tim của mỗi người, ai cũng “sến” như thế? Có lần chi lời lẽ văn hoa hay cao siêu mới diễn tả được hết những tâm tình của thế nhân phải không.
Trả lại hết cho anh đó, Việt. Anh giờ chắc đã quên hết rồi, nhưng tôi thì phải cố quên những điều không đáng nhớ. Cả đời tôi sao cứ phải bôi bôi xoá xoá từng chặng như thế nhỉ. Chắc tôi cũng nên hoá thành một con bò không trí nhớ thì tốt hơn.
Có ngày, tôi thức giấc, thấy lòng tràn trề biết ơn Việt, thay vì giận anh. Cám ơn Việt. Cám ơn trời đất. Nhờ anh, tôi đã biết được thế nào là tình yêu. Thêm một lần đau khổ, sau những cảm xúc oán hận, tôi chỉ còn lại lòng biết ơn đối với Việt. Lời bài hát thấm thía của một nhạc sĩ nào đã vỗ về trái tim bị thương của tôi:
Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người,
Tạ ơn ai đã cho tôi còn ngày quên kiếp sống lẻ loi...
Rồi một hôm tôi xuống thuyền vượt biên. Ngồi trên chiếc ghe nhỏ nhốn nháo gần cả trăm người ép vào nhau như cá hộp, tôi ngoảnh lại nhìn đất liền từ từ xa trong tầm mắt. Hờn núi sông anh lạc xứ xa miền. Câu thơ của Bùi Giáng chợt hiện lên trong đầu tôi ngay trong giây phút đó. Ừ, tôi đang hờn núi sông, hờn luôn cả những ai đã làm tôi sầu héo. Xin giã từ quê hương yêu dấu. Giã từ Nha Trang. Giã từ Phước Thiện. Giã từ Võ Cạnh. Giã từ luôn dòng sông tôi chưa một lần tìm đến.
Trần C. Trí