Có thể những người Việt ở xa theo dõi chuyện chính trường nước Mỹ từng nghe qua cái tên Alex Jones qua nhà dẫn chương trình nổi tiếng John Oliver, khi ông nhắc và ví một youtuber gốc Việt như là một Alex Jones Việt Nam.
John Oliver chỉ muốn cho khán giả Mỹ hiểu hơn hoạt động, bản chất và sự dối trá của người youtuber gốc Việt khi ví với Alex Jones, hơn là so sánh khả năng và tầm ảnh hưởng. Bởi Alex Jones là một nhân vật tầm cỡ và khôn ngoan hơn nhiều so với người youtuber gốc Việt xoàng xĩnh kia.
Alex Jones, 48 tuổi là một tay truyền thông cực hữu tại Texas, người bị xem đã sử dụng chương trình radio và trên mạng của mình để tung vô số các thuyết âm mưu, tin tức bịa đặt, nhất là dưới thời Donald Trump. Với hàng triệu khán thính giả nghe qua hàng trăm đài radio phát lại mỗi ngày tại Mỹ, Alex Jones tạo ra được ảnh hưởng của mình và công ty InfoWars của ông ta bán được hàng chục triệu đô la các loại "cao đơn hoàn tán" (nutrition supplement) mỗi năm.
Alex Jones đưa ra các thuyết âm mưu về mọi chuyện, từ những vụ khủng bố tại Mỹ như vụ 911 là do chính phủ Mỹ dàn dựng cho đến vụ xả súng sát hại 20 học sinh và sáu thầy cô giáo tại trường tiểu học Sandy Hook thuộc tiểu bang Connecticut vào năm 2012 cũng là chuyện dàn dựng. Sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2020, Alex Jones là một trong những tay cực hữu tiếp tục tung các tin bịa đặt về "gian lận bầu cử".
Quyền tự do ngôn luận vốn được bảo vệ nên những chương trình và ảnh hưởng của Alex Jones ngày càng bất chấp mọi điều. Những khán thính giả của Jones cũng không khác hơn những khán thính giả cánh hữu gốc Việt: họ đều là những người thích được nghe những điều họ thích nghe, cho dù chúng là điều hoang tưởng hay bịa đặt.
Chơi dao có ngày cũng bị đứt vốn. Alex Jones quá tự tin hay chưa phân biệt được giữa quyền tự do ngôn luận và sự mạ lỵ, tấn công vào người khác.
Các thuyết âm mưu, thực chất là những lời xảo trá về vụ nổ súng Sandy Hook hay các vụ khác là "dàn dựng", là "chuyện xạo", "tin giả" của phe muốn kiểm soát súng, hay thực sự là "không có ai bị chết"... dù là những câu chuyện hoang tưởng nhưng chúng vẫn xem như quyền suy nghĩ và phát biểu của mỗi người. Cho dù mức độ phi lý đến cỡ nào.
Nhưng khi Alex Jones tấn công cả vào các gia đình nạn nhân, xem nỗi mất mát, đau thương của họ chỉ là chuyện "đóng kịch", là "các kịch sĩ giả mạo"... thì đó là sự xúc phạm đến danh dự của các gia đình nạn nhân.
Tin tức đôi ngày qua như nhiều người đã theo dõi, theo sau bản án 4.1 triệu đô la bồi thường về thiệt hại vật chất (compensatory damages), Alex Jones vừa bị buộc phải bồi thường thêm 45.2 triệu đô la cho gia đình một học sinh bị thiệt mạng trong vụ Sandy Hook về thiệt hại tinh thần (punitive damages), vốn thường nặng nề hơn mức thiệt hại vật chất.
Lưu ý là để bị mức phạt này, bồi thẩm đoàn – là những người được luật sư hai bên cùng đồng ý chọn lọc và không mang thành kiến với bất cứ phía nào, tất cả phải hoàn toàn đồng thuận. Trong vụ này là 12 bồi thẩm viên đã bàn luận để có chung kết luận sau khi nghe các đối chất và chứng cứ tại tòa.
Đây là vụ kiện đầu tiên và còn ít nhất là hai vụ sắp tới mà Alex Jones phải đối mặt. Các luật sư bên nguyên đơn cũng đã trình ra tòa các hồ sơ tài chánh cho thấy Alex Jones có ý định tẩu tán tài sản cũng như khai phá sản hãng của mình nhằm trốn tránh việc bồi thường. Điều này không dễ, như không dễ chạy tội của mình đã gây ra. Bởi phần lớn các tòa buộc kẻ bồi thường phải cung cấp bảng khai báo tài sản, tài chính đầy đủ nếu không muốn bị ghép tội man khai hay xem thường tòa án.
Trước vụ kiện, Alex Jones bảo vụ kiện là một cuộc tấn công vào "quyền tự do ngôn luận". Quan tòa phán rằng, chốn công đường không phải là như trên sô, ý không phải muốn nói gì cũng được hay tự tung tự tác. Alex Jones cuối cùng cũng thú nhận là tin vụ nổ súng là có thật, đã nói xạo và xin lỗi gia đình nạn nhân. Alex Jones nói trước khi bị tuyên án rằng, "Tôi nhận mình đã sai. Tôi nhận là đã phạm lỗi lầm. Tôi nhận là đã theo các thông tin bịa đặt nhưng không cố ý. Tôi xin lỗi các gia đình. Bồi thẩm đoàn hiểu điều này mà. Những gì tôi làm với các gia đình là sai nhưng tôi không cố ý".
Nhưng đã muộn vì lời xin lỗi không đủ để trốn chạy trách nhiệm của mình.
Đây là vụ án dân sự nên phán quyết có nặng nề hay không thì cũng dừng lại ở trách nhiệm tài chánh. Nhưng những man khai trong những đối chất hữu thệ hay các dính dáng đến hình luật mà Bộ Tư Pháp có thể xem xét thì có thể dẫn đến án tù một khi đủ bằng chứng.
Còn vô số những kẻ như Alex Jones sẽ phải ra hầu tòa và chịu trách nhiệm về những gì mình đã gây ra. Luật sư của các nạn nhân bảo rằng, "Ngôn luận là tự do nhưng anh phải trả giá cho những xảo trá" (Speech is free but lies you have to pay for).
Âu đó cũng là lời cảnh báo cho những kẻ đã hay đang còn tiếp tục nói láo và vu khống, mạ lỵ người khác.
Nhã Duy