Ông Hoàng Đức Bình (giữa bên trái) tại phiên toà ở Nghệ An hôm 6/2/2018. AFP
Dân biểu Julian Pahlke của Quốc hội Liên bang Đức trong bài phỏng vấn gần đây khẳng định, "bảo vệ môi trường không phải là một tội phạm" và sẽ yểm trợ cho một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam cho đến khi ông này được trả tự do.
Hồi tháng 1/2022, Dân biểu Julian Pahlke, thuộc khối Liên Minh 90/Đảng Xanh tuyên bố bảo trợ cho ông Hoàng Đức Bình (hay còn gọi là Hoàng Bình), người bị tuyên án 14 năm tù giam vì đã tường trình về thảm họa môi trường do Nhà máy Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra hồi năm 2016.
Bài phỏng vấn Dân biểu này đăng trên trang mạng của Quốc hội Liên bang Đức hôm 27/7 được tổ chức VETO! Mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền dịch lại sang tiếng Việt.
Theo đó, ông Julian Pahlke cho biết bản thân đã viết thư cho Đại Sứ quán Việt Nam tại Đức và yêu cầu Nhà nước Việt Nam trả tự do tức khắc, vô điều kiện cho ông Bình, cũng như tôn trọng những quy ước tối thiểu của Liên Hiệp quốc về việc đối xử với tù nhân hay còn gọi là Quy ước Nelson Mandela.
Ông kêu gọi Việt Nam thực thi những cam kết của mình về nhân quyền, trong đó có sự tôn trọng các quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp như được qui định trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị.
Với việc nhận bảo trợ nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, Dân biểu Julian Pahlke nói ông sẽ yểm trợ cho đến khi tù nhân lương tâm này được trao trả tự do và phục hồi danh dự.
Pahlke là Dân biểu Đức thứ hai nhận bảo trợ cho Hoàng Đức Bình. Trong nhiệm kỳ quốc hội trước, bà Margarete Bause thuộc khối Liên Minh 90/Đảng Xanh đưa ông Hoàng Đức Bình vào chương trình bảo trợ.
Chương trình bảo trợ tù nhân lương tâm là sự mở rộng của chương trình “Dân biểu bảo trợ cho dân biểu.” Nói về chương trình này, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài, người từng được bảo trợ bởi dân biểu Đức và hiện đang sống tị nạn tại nước này, nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:
“Việc bảo trợ cho nhà hoạt động nhân quyền hay môi trường trên thế giới là một chuyện mới đối với Quốc hội Đức. Trước đây, Quốc hội Đức thông qua một nghị quyết bảo vệ cho đồng nghiệp của họ là dân biểu hay thượng nghị sỹ ở các quốc gia độc tài- chương trình Dân biểu bảo vệ cho Dân biểu. Năm 2017, tổ chức VETO! vận động Quốc hội Đức không chỉ bảo vệ cho dân biểu mà còn người hoạt động chính trị và nhân quyền ở các quốc gia khác."
Ông Đài, người đồng sáng lập Hội Anh em Dân chủ và hiện là chủ tịch của tổ chức này, cho biết nhiều nhà hoạt động Việt Nam đã và đang được bảo trợ bởi chương trình này, trong đó có chính ông, ông Nguyễn Bắc Truyển, bà Đỗ Thị Minh Hạnh, và Hoàng Đức Bình.
Nói về hiệu quả của việc bảo trợ tù nhân lương tâm, ông Đài, người được Dân biểu Marie-Luise Dott bảo trợ, nói: “Bản thân tôi thấy được ngay hiệu quả của nó, là khi những người an ninh điều tra làm việc với tôi thì họ chắc là do bức xúc quá họ hỏi tôi ‘Ông có quan hệ như thế nào với Đức mà họ gây áp lực với chúng tôi khiếp như vậy?’”
Trong vai trò là thành viên chính thức của các Ủy ban Châu Âu, Uỷ ban Nội vụ và Quê hương, và thành viên dự khuyết của Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Liên bang Đức, Dân biểu Pahlke nói rằng trong vụ án của ông Hoàng Đức Bình, toàn bộ quá trình tố tụng, từ cáo trạng cho đến tuyên án và điều kiện giam giữ đã vi phạm các công ước của Liên Hiệp quốc.
Với ông, “Bảo vệ môi trường không phải là một tội phạm” và tuy thảm họa môi trường tại Việt Nam ở cách nước Đức thật xa nhưng “mọi thứ đều có liên quan và có trách nhiệm liên đới với nhau. Cuộc khủng hoảng về khí hậu và những vấn đề về môi trường đều không bị giới hạn trong biên giới của mỗi nước.”
Không chỉ yêu cầu Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho ông Bình, Dân biểu Pahlke còn ưu tiên chú ý đến việc cải thiện điều kiện giam giữ.
Theo ông, ông Bình cũng như nhiều tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam đang bị giam giữ tại những nơi cách gia đình thật xa trong điều kiện sống vô cùng hà khắc, vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc căn bản của một nhà nước pháp quyền.
Ông phê phán việc nhà nước Việt Nam luôn dùng mọi cách để đàn áp những người đối lập và hoạt động bảo vệ nhân quyền, cũng như lợi dụng những năm tháng tù để đày đoạ họ.
Vị dân biểu Đức giải thích về sự bảo trợ nhà hoạt động Hoàng Đức Bình trên một bình diện rộng hơn, đó là “Nếu muốn thay đổi những vấn đề về khí hậu và môi trường, chúng ta phải yểm trợ sự dấn thân của những người hoạt động trên khắp thế giới và cần hỗ trợ cho sự lớn mạnh của một xã hội dân sự ở mọi quốc gia.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, việc nhận bảo trợ chỉ là bước đầu tiên trong tiến trình đấu tranh đòi tự do cho người được bảo trợ, và hiệu quả của việc này cần có nhiều yếu tố, trong đó cách vận động của người nhận bảo trợ đóng vai trò quan trọng.
Ông nói người nhận bảo trợ cần tranh thủ mọi cơ hội để thúc giục các cơ quan của nhà nước Đức gây áp lực lên nhà nước Việt Nam bên cạnh việc trực tiếp nêu vấn đề này trong mọi cuộc tiếp xúc với đại diện của Việt Nam.
Ngoài dân biểu Đức, nhiều Dân biểu và Thượng nghị sỹ ở Hoa Kỳ cũng nhận bảo trợ cho người hoạt động Việt Nam, như trường hợp Dân biểu Alan Lowenthal bảo trợ cho luật sư Nguyễn Văn Đài, ông Nguyễn Tiến Trung và nhà báo của Đài Á Châu Tự Do là ông Nguyễn Văn Hoá, Thượng nghị sĩ Ben Cardin bảo trợ cho ông Cù Huy Hà Vũ, và gần đây nhất là Dân biểu Ro Khanna nhận bảo trợ cho nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo Phạm Đoan Trang.
Theo RFA