CPJ kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang, ngày 16/8/2022.
Vài ngày trước khi nhà báo Phạm Trang Đoan được đưa ra xét xử phúc thẩm, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà, đồng thời loan báo rằng bà sẽ được vinh danh tại lễ trao giải tự do báo chí vào tháng 11 sắp tới.
Ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao Đông Nam Á của CPJ cho biết trong một tuyên bố hôm 16/8: “Nhà chức trách Việt Nam không nên bác kháng cáo của nhà báo Phạm Đoan Trang về bản án 9 năm tù đã tuyên vào tháng 12 năm ngoái và hãy trả tự do cho bà mà không có các điều khoản hoặc điều kiện làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc của một nhà báo”.
“Việt Nam càng sớm thả tất cả các nhà báo mà họ đang giam cầm, thì nước này càng sớm được coi trọng với tư cách là một tác nhân toàn cầu có trách nhiệm”, ông Crispin cho biết thêm.
Ngoài ra, CPJ còn cho biết rằng bà Trang sẽ được vinh danh tại lễ trao giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế của tổ chức này tại Thành phố New York, Hoa Kỳ vào ngày 17/ 11/2022, “để ghi nhận lòng dũng cảm của bà trong việc đưa tin khi phải đối mặt với sự ngược đãi”.
Vào ngày 14/7, CPJ công bố rằng bà Trang được vinh dự trao giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế (IPFA) năm 2022, mà theo đó tổ chức này “đưa ra ánh sáng sự xuống cấp trong môi trường tự do báo chí của Việt Nam, một trong 5 quốc gia có số lượng nhà báo bị bỏ tù nhiều nhất trên thế giới”.
Nhà báo Phạm Đoan Trang bị Việt Nam kết án tù hồi cuối năm ngoái theo cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự - một điều luật mà giới hoạt động và các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là mơ hồ.
CPJ thống kê rằng tính đến năm 2021, có 24 nhà báo đang bị giam giữ sau song sắt ở Việt Nam, bao gồm cả bà Trang, chỉ vì những gì họ viết ra.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong các luật sư bào chữa cho bà Trang, thông báo trên Facebook rằng các luật sư vừa có buổi tiếp xúc với thân chủ hôm 15/8 tại một trại giam ở Hà Nội và cho biết rằng bà sẽ ra tòa phúc thẩm vào ngày 25/8. Luật sư này cho viết thêm rằng sức khỏe của bà “không được ổn” và bà sẽ không nhận tội tại phiên phúc thẩm sắp tới.
Chính quyền Việt Nam cáo buộc nữ nhà báo 44 tuổi này có hành vi “tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, thông qua các hoạt động như trả lời báo chí quốc tế, viết sách, điều hành các trang mạng, kích động chống đối, kêu gọi biểu tình, lật đổ chế độ…
Truyền thông trong nước cho rằng sau khi bà Phạm Đoan Trang bị bắt, “các tổ chức chống đối ở nước ngoài đã dùng các chiêu bài cũ, lên tiếng đòi trả tự do cho đối tượng”.
Trang Công an Nhân dân (CAND) của Bộ Công an Việt Nam cho rằng hành động kêu gọi này “là sự can thiệp trắng trợn vào điều tra, truy tố, xét xử tội phạm của pháp luật Việt Nam”.
Theo VOA