Quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự giữa CSTQ, Đài Loan và Hoa Kỳ tại Đông Á luôn là một vấn nạn cho giới quan sát viên, chính khách toàn thế giới từ năm 1949, sau khi Mao Trạch Đông chiến thắng tại lục địa và Tưởng Giới Thạch rút ra đảo quốc Đài Loan.
Tuy nhiên kể từ sau chuyến thăm viếng đảo quốc này của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi ngày 2 tháng 8 năm 2022 thì tình hình trở nên vô cùng khẩn trương.
Ngoài tập trận liên tục quanh đảo quốc, phóng phi đạn qua vòm trời nhiều thanh phố lớn, cấm nhập cảng 100 mặt hàng từ Đài Loan, thì quan trọng nhất là CSTQ chính thức từ bỏ sách lược thống nhất Đài Loan bằng phương thức hòa bình. Từ nay sách lược thống nhất đảo quốc này có thể xảy ra bằng vũ lực.
Dĩ nhiên Đài Loan tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ và lượng vũ khí Hoa Kỳ cung cấp cho Đài Loan chỉ tăng chứ không giảm.
Tuy nhiên đối với một nhà độc tài với tham vọng làm hoàng đế TQ như Tập Cận Bình, liệu Đài Loan có phải là “điểm” tức trọng điểm tấn công thực sự, hay chỉ là “diện”, tức trá hình bề nổi?
Một khi thời cơ đến thì “điểm” nào thực sự sẽ bị tấn công? Trong trường hợp đó thì quốc gia nào sẽ là trọng điểm tấn công thực sự của họ Tập? Liệu Việt Nam sẽ trở thành ứng viên thích hợp nhất cho mũi dùi của TCB hay không?
Để trả lời các vấn nạn này, chúng ta phải phân tích nhiều khía cạnh, nhất là động cơ hành động của TCB và CSTQ.
Trước hết tham vọng trường trị của CSTQ tuy xây dựng trên nhiều cơ sở, từ quân đội đến công an, nhưng quan trọng nhất vẫn là kích động tinh thần quốc gia cực đoan cố hữu của người Trung Hoa.
Điều này không lạ. Những nhà độc tài và những đảng phái toàn trị đều phải sử dụng yếu tố này, từ Thành Cát Tư Hãn, đến Mussolini, Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình. Vắng bóng yếu tố dân tộc cực đoan, thì các tham vọng bá quyền đã chết từ trong trứng nước.
Câu hỏi thứ nhất là nếu tấn công Đài Loan, TCB sẽ gặp những trở lực nào?
Trước hết, nhân dân Đài Loan đại khối vẫn là Hán Tộc. Tấn công Đài Loan là huynh đệ tương tàn và không thỏa mãn được nhu cầu dân tộc cực đoan vốn căn cứ trên sự thống trị của một dân tộc thượng đẳng trên một dân tộc thấp hèn hơn.
Thêm vào đó, cái giá của sự tấn công Đài Loan bằng vũ khí quy ước thực sự quá cao, nếu không nói là có thể chiến bại vì tuy Đài Loan kém về lượng vũ khí, nhưng phẩm chất lại vượt trội vì xuất phát từ Hoa Kỳ.
TCB chỉ có xác xuất thắng cao nếu sử dụng võ khí nguyên tử. Tuy nhiên sự chọn lựa này hoàn toàn đi ngược với khái niệm dân tộc quá khích và có thể mang tính hủy diệt hai chiều nếu Đài Loan chế tạo được vũ khí hạt nhân, hoặc mua được loại vũ khí này.
Thêm vào đó, Đài loan có sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các nước Tây Phương. Nhật Bản và có thể Nam Hàn cũng là những đồng minh đáng tin cậy.
Ngược lại, nếu tấn công Việt Nam, TCB sẽ gặp những thuận lợi nào?
Trước hết, mục tiêu của họ Tập không nhất thiết phải là tiến chiếm toàn bộ Việt Nam mà chỉ cần gậm nhấm từng phần nhỏ.
Sự gậm nhấm này rất có lợi cho TCB trên nhiều phương diện. Nếu họ Tập xua quân chiếm một vài đảo thuộc quyền kiểm soát của CSVN tại Trường Sa thì họ có thể chiến thắng dễ dàng, không gây bất cứ một khủng hoảng quốc tế nào và không mấy hao binh tổn tướng. Trong tâm thức của nhân dân TQ, Việt Nam chỉ là bọn nam man cần được thuần hóa và dạy cho bài học. Đánh Việt Nam như thế, họ thỏa mãn được nhu cầu dân tộc quá khích của người Hoa trong nội bộ TQ, mà không gây sóng gió trên trường quốc tế
Việt Nam với sách lược quốc phòng 4 không lạ lùng, sẽ không có sự ủng hộ của bất cứ một cường quốc nào trong cuộc chiến Việt-Trung. Sách lược gặm nhắm của CSTQ thực ra đã được tiến hành từ lâu vẫn thanh công mỹ mãn. Chính vì thế một nửa Thác Bản Giốc, Hoàng Sa, một phần Trường Sa, Ải Nam Quan và nhiều nghìn cây số vuông lãnh thổ- lãnh hải đã được nhượng cho TQ mà không gây bất cứ biến động nào. Sau khi gậm nhấm toàn bộ Trường Sa, TQ có thể vói tay chiếm trọn đảo Phú Quốc chẳng hạn và từ từ tiến gần lục địa Việt Nam.
Ngoài sách lược quốc phòng không giống ai của CSVN, còn có 2 khuyết điểm nữa khiến CSTQ có thể dễ dàng chiến thắng. Một là khuynh hướng bảo thủ mù quáng, và tham nhũng chấm mút trong hàng ngũ chóp bu của đảng, khiến quân đội CSVN phải chi phí tiền tỷ của ngân sách quốc gia, mua các chiến đấu cơ, tàu ngầm và vũ khí của LB Nga, thay vì từ Hoa Kỳ và các nước Tây Âu.
Bây giờ cuộc chiến tại Ukraine chứng minh tính yếu kém của công nghệ chiến tranh Nga trước vũ khí của khối Liên Âu và Hoa Kỳ. Tuy vũ khí của CSTQ cũng phát xuất từ LB Nga, nhưng với những tiến bộ vượt LB Nga về điện tử, TQ đã nâng cao phẩm chất của vũ khí qua mặt LB Nga.
Hậu quả là trên chiến trường, VN sẽ thảm bại triệt để trước bá quyền TQ.
Khuyết điểm trí mạng thứ nhì là địa lý của chúng ta có bờ biển dài và lục địa mỏng. CSVN từ lâu, quá bảo thủ, bị ảnh hưởng của chủ thuyết quân sự Mao Trạch Đông lỗi thời, đã chú trọng tối đa vào bộ binh và phớt lờ hải quân cũng như không quân hiện đại. Ngược lại, CSTQ đã buông bỏ binh pháp Mao Trạch Đông, hiện đại hóa hải quân và không quân từ lâu. Trong một hoàn cảnh xung đột vũ trang, hải quân và không quân hiện đại của TQ sẽ dễ dàng khống chế vòm trời và duyên hải Việt Nam.
Sau cùng, vì quyền lợi, quyền lực và sự sống còn của đảng, người CSVN chắc chắn sẽ chấp nhận thà mất nước hơn mất đảng, như tập đoàn này đã chủ trương trong quá khứ.
TCB và đảng CSTQ là những cáo già. Họ luôn thấu hiểu lẽ tồn vong, tương tranh trong thiên hạ.
Phân tích như trên, chúng ta có thể lập luận vững chắc rằng: trong thực chất, tranh chấp địa chính trị tại vùng Đông Á và Đông Nam Á, đối với CSTQ, thì đảo quốc Đài Loan chỉ là “diện” và Việt Nam thực sự mới là “điểm”, tức trọng điểm tấn công hầu duy trì bá quyền và sự trường trị của hoàng đế Tập Cận Bình tại Trung Quốc.
LS Đào Tăng Dực