Biểu tượng của Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 23/1/2019. Reuters
Hội nghị Trung ương 6 sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ quyết định Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.” Đây là công việc tiếp tục thể chế hoá nhà nước dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản, đặt trong mối quan hệ “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” nhưng “phải bảo đảm vai trò lãnh đạo, cầm quyền” của độc đảng với “quyền làm chủ của Nhân dân”…
Nỗ lực thể chế hoá từ Đổi mới 1986 đã chứng tỏ ‘sức dẻo dai’ của chế độ Đảng Cộng sản lãnh đạo chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Bị ràng buộc bởi ý thức hệ CNXH giáo điều, quá trình này đã chỉ giới hạn ở cải cách thể chế kinh tế cho đến khi thể chế chính trị không còn phù hợp và rơi vào bất ổn trầm trọng, trong đó hiện trạng tồi tệ của quan hệ “tư bản thân hữu” đang thay thế việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN.
Tư bản thân hữu“Chủ nghĩa tư bản thân hữu” là thuật ngữ được sử dụng ban đầu để mô tả nền kinh tế Philippines dưới chế độ độc tài Ferdinand Marcos. Nó chỉ ra một hệ thống kinh tế trong đó các doanh nghiệp phát triển nhanh không phải là kết quả của hoạt động kinh doanh tự do, mà là kết quả thu được từ tích luỹ tài sản, trong đó có nhiều nguồn thu nhập ‘khủng không chính đáng’, thông qua sự cấu kết giữa tầng lớp kinh doanh và tầng lớp chính trị. Mối quan hệ này diễn ra khi quyền lực nhà nước bị thao túng… Giới đại gia Việt trải nghiệm con đường thành công của họ rằng 70% nhờ quan hệ và chỉ 30% là năng lực và, rằng phải ‘kiên trì’ nuôi quan hệ thân hữu: với lãnh đạo cấp phường khi doanh nghiệp còn nhỏ, với cấp quận khi trưởng thành và với cấp thành phố hay trung ương khi đã đủ lớn mạnh…
Khi các quan hệ tư bản thân hữu trở nên nghiêm trọng và phổ biến trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thì khái niệm nhà nước tư bản thân hữu xuất hiện. Nền kinh tế chuyển đổi sang thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản như ở Trung Quốc và Việt Nam tạo ra mô hình phát triển mà sự vận hành của nó không sớm thì muộn cũng sẽ phải đối mặt với mâu thuẫn ngày càng căng thẳng giữa hai hệ giá trị đối nghịch, CNXH và CNTB. Và, như một hệ quả, một nhà nước tư bản thân hữu bén rễ, ăn sâu và phình to tồi tệ. Giáo sư chính trị học Minxin Pei, Đại học Claremont McKenna, Hoa Kỳ đã mô tả “Tư bản thân hữu Trung Quốc” (2016) rằng, đó là nơi tham nhũng phát triển mạnh mẽ, mua quan bán chức, câu kết giữa lực lượng thực thi pháp luật với tội phạm có tổ chức… và, hậu quả là chính thể nhà nước dần suy yếu.
Nông dân căng biển phản đối lấy đất nông nghiệp của dân cho công trình xây dựng khu Ecopark ở Hưng Yên hôm 20/4/2012. Reuters
Thực trạng tồi tệThực trạng nhà nước tư bản thân hữu ở Việt Nam là tồi tệ vì hậu quả để lại là nghiêm trọng và bị ‘lên án’ là vô đạo đức vì các quan chức Đảng và Chính phủ đã bị mua chuộc. Trước hết, nó bất công khi các chính trị gia ‘chiếm đoạt’ tiền của dân chúng, nhưng không phải vì lợi ích công cộng. Thứ hai, nó vô cùng lãng phí, các kiểu ‘hoa hồng’, ‘lại quả’ hay ‘quà hối lộ’… để có được hợp đồng ‘giá cao’ rõ ràng là một sự lãng phí tiền thuế của người dân. Thứ ba, nó cám dỗ các chính trị gia vi phạm pháp luật, suy thoái đạo đức. Ngoài ra, khi chủ nghĩa tư bản thân hữu tràn vào chính phủ, hệ thống chính trị nó làm biến dạng nền kinh tế, cản trở cải cách khu vực công và chuyển đổi thị trường… và, tác động vào xã hội đến mức làm hỏng các lý tưởng kinh tế, chính trị và xã hội…
Trường hợp minh hoạ điển hình là vụ án ‘Việt Á’ đã và đang diễn ra, làm rúng động chính trường Việt Nam bởi tính chất ‘lũng đoạn nhà nước.’ Sự liên kết trục lợi của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ y tế, trong bối cảnh đại dịch đã nâng khống giá bộ kít xét nghiệm ‘bán’ cho các trung tâm bệnh tật CDC các tỉnh thành phố trong cả nước, cùng nhau chia chác chênh lệch ‘khủng’. ‘Mánh làm ăn’ này được ‘trợ giúp’ bởi một hệ thống quan chức lãnh đạo các cấp từ địa phương đến trung ương.
Những hiện tượng ‘thân hữu’ như “nhóm lợi ích”, “doanh nghiệp sân sau”, “bảo trợ chính trị”, “thái tử đỏ”… và, mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi như “đất đai”, “tài nguyên thiên nhiên”, “tài sản công”… đã được chỉ ra từ những năm 2010, đặc biệt sau sai lầm chính sách tăng trưởng nóng vội dựa vào các tập đoàn nhà nước. Đối tượng thụ hưởng chủ yếu là các quan chức chính phủ, họ đã trở thành tầng lớp cai trị ‘giàu có’ trong bộ máy đặc quyền đặc lợi trong khi hậu quả mà người dân là cuối cùng phải gánh chịu…
Lối thoát nào?Thực trạng trên khiến diễn biến chính trị quyền lực đang phức tạp và căng thẳng. Củng cố nội bộ, chống tham nhũng đang được ưu tiên. Số vụ án và quan tham do trung ương quản lý bị trừng phạt tăng lên. Nhiều vụ án có tính chất tư bản thân hữu nghiêm trọng như Việt Á, Cục lãnh sự, FLC, Tân Hoàng Minh, AIC Group… được đưa vào diện Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, tiêu cực quản lý. Các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực “vẫn tinh vi, phức tạp” như Đảng nhận định.
Mặc dù chiến dịch “đốt lò” được cam kết vẫn tiếp tục đẩy mạnh, nhưng những hậu quả và hiệu ứng trái chiều, thậm chí có phản ứng mang tính chất chính trị, đang thu hút sự chú ý: tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" khó khắc phục; giải ngân gói hỗ trợ chậm chạp; đầu tư công trì trệ kéo dài; thiếu thuốc men và thiết bị y tế và hiện tượng ‘bệnh nhân xin về chờ chết’; số công chức, viên chức bỏ việc tăng lên; đòi hỏi cải cách tiền lương và tăng biên chế; bệnh viện công xin dừng ‘tự chủ’…
Như một đặc trưng có nguồn gốc từ mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, “nhà nước tư bản thân hữu” tồi tệ và phình to là hệ quả của sự gia tăng tham nhũng kinh tế kéo theo tham nhũng chính trị mang tính hệ thống. Chính phủ độc tài Ferdinand Marcos đã bị lật đổ. Trong chế độ dân chủ, các chính phủ bị thay đổi bởi người dân, nhưng dưới chế độ Đảng Cộng sản toàn trị, Chính phủ do Đảng quyết định, bởi vậy cải cách là tự chỉnh sửa thể chế nhưng vẫn duy trì chế độ. Tuy nhiên, để có lối thoát trước thực trạng quan hệ thân hữu tồi tệ, đề án trên cần đột phá như “Đổi mới lần hai”, trong đó nhấn mạnh cải cách chính trị sao cho phù hợp với sự phát triển của thị trường và thay đổi mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường sao cho những thể chế được thiết lập thúc đẩy thị trường lành mạnh, nhà nước tinh gọn và hiệu quả, quyền làm chủ của nhân dân phải thực chất.
Thật khó hình dung về “nhà nước pháp quyền XHCN” khi Đảng Cộng sản vẫn kiểm soát tất cả. Một nhà nước dân chủ và cộng hoà phải là kết quả tất yếu của quá trình phát triển thị trường lành mạnh. Rõ ràng rằng, Việt Nam dân chủ cộng hoà được xác định sáng suốt bởi các nhà lập quốc năm 1945. Tiếc là tầm nhìn đã bị che khất bởi ‘thiên đường’ XHCN. Cải cách chính trị ở Việt Nam sẽ như thế nào và liệu có dẫn đến chính thể như vậy?
TS. Phạm Quý Thọ (RFA)