Sông Doubs, biên giới tự nhiên giữa miền đông nước Pháp và miền tây Thụy Sĩ cạn trơ đáy do hạn hán, nắng nóng, ngày 22/07/2022. © AFP/Fabrice Coffrini
Dân số tăng vượt tầm kiểm soát, nhu cầu sử dụng nước tăng, không chỉ trong đời sống hàng ngày, mà cả trong nông nghiệp và các ngành công nghiệp, kèm theo đó là biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt … khiến nguồn tài nguyên nước sụt giảm.
Những yếu tố nói trên khiến nước trở thành một loại của hiếm và ngày càng đắt. Những căng thẳng, nguy cơ xung đột về nguồn nước - “vàng xanh”, “dầu lửa mới của thế kỷ XXI” ở nhiều nơi trên thế giới dường như không thể tránh khỏi. RFI Tiếng Việt tổng hợp một số bài viết trên báo Le Figaro về nạn khan hiếm nước sạch và nguy cơ nổ ra các cuộc chiến giành nguồn nước trên thế giới.
Nghịch lý mang tên nước Lượng nước trên Trái đất vẫn tương đối ổn định (1.386 tỷ km3 nước), nhưng trong đó chỉ có 3% là nước ngọt và 0,3% là nước ở trạng thái lỏng. Tuy nhiên, xu hướng biến đổi khí hậu đang làm biến đổi vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên. Trong bài viết “Thế giới đối diện với bóng ma về các cuộc chiến tranh do nước” trong chuyên mục Giải mã ngày 18/08/2022, Le Figaro trích dẫn các chuyên gia, theo đó nhu cầu tiêu dùng nước của con người, thực vật và động vật nay dường như đang vượt quá lượng nước sẵn có trong tự nhiên.
Diane D’Arras, chủ tịch Hiệp hội Nước Quốc tế (IWA) nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhận định “Những quốc gia không trong tình trạng căng thẳng về nước thì không có gì phải lo lắng nhiều. Trái lại, ở những nơi vốn đã khan hiếm nước, thì việc thiếu nước trở thành một chủ đề rất nhạy cảm, dễ làm nảy sinh xung đột”. Quả thật, trữ lượng nước ngọt trong tự nhiên được phân bố không đồng đều trên thế giới, nếu không muốn nói là có sự chênh lệch rất lớn. Chẳng hạn, trữ lượng nước trong tự nhiên ở Iceland là 500.000m3/người/năm, trong khi con số này ở dải Gaza chỉ là dưới 60m3.
Các quốc gia lớn trên thế giới cũng không thoát khỏi cảnh khan hiếm nước. Theo chuyên gia của Quỹ nghiên cứu chiến lược, Frank Gallant, Ấn Độ là một ví dụ. 85% nước sinh hoạt và 60% nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp được khai thác từ các tầng nước ngầm. Và Ấn Độ gần như đã cạn kiệt toàn bộ nguồn nước ngầm. Nước ngầm được bơm hút lên nhiều tới mức không thể được bù lấp đầy trong mùa mưa. Đến năm 2030, 21 thành phố trong số các đô thị lớn nhất của Ấn Độ sẽ không còn đủ nước sạch cho dân cư.
Nhìn rộng ra toàn cầu, tính từ năm 1980, cứ sau mỗi năm, lượng nước thế giới tiêu thụ lại tăng 1%. Đến năm 2050, nhu cầu nước toàn cầu dự kiến sẽ tăng 20-30%. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, 2 tỷ người sống ở những quốc gia mà lượng nước được sử dụng nhiều hơn lượng nước có sẵn trong tự nhiên. 4 tỷ người, tức 2/3 dân số thế giới, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng ít nhất một lần mỗi năm.
Abou Amani, giám đốc phụ trách mảng khoa học về nước tại UNESCO, nhận định : “Vẫn còn những điều không chắc chắn về các mô hình khí hậu và thủy văn trong tương lai, nhưng các nguồn nước sẽ bị phân bổ ngày càng chênh lệch. Nhu cầu nước tăng sẽ ngày càng tạo ra áp lực về nguồn nước và thật không may, các căng thẳng chỉ ngày càng gia tăng”.
Nghịch lý ngày càng lớn khi các chuyên gia ghi nhận lượng mưa đã tăng lên trong 50 năm qua. Bernard Barraqué, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Phát triển Quốc tế, Viện nghiên cứu quốc gia Pháp, lưu ý các giai đoạn khô hạn có xu hướng trở nên khô hạn hơn, trong khi đến mùa mưa thì những cơn mưa lại lớn hơn, dữ dội hơn, gây ra vô số thiệt hại và nước ngầm cũng không được tích tụ hợp lý. Hiện nay, hơn 90% thiên tai có liên quan đến nước. Hạn hán và lũ lụt đều tác động sản xuất nông nghiệp.
Theo nhà nghiên cứu Franck Galland, thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược, 2/3 lượng nước mưa kịp bốc hơi trước khi chạm đất, chỉ có1/4+ lượng nước mưa đổ vào các dòng chảy và 1/6 lượng nước mưa ngấm được vào các mạch nước ngầm trong lòng đất. Trên thực tế, khi trời mưa ít hoặc đất hút ít nước thì mực nước ngầm cạn kiệt. Trong khi đó, sự tan chảy của các sông băng có thể làm thay đổi dòng chảy của các con sông lớn nhất trên hành tinh.
Nước, nguồn xung đột tiềm tàng Từ năm 2010, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã xếp quyền tiếp cận nguồn nước là một “quyền phổ quát” của con người. Thế nhưng, việc một nguồn nước, dòng chảy nằm trên lãnh thổ các nước khác nhau luôn khiến mọi việc trở nên phức tạp. Chẳng hạn, Singapore lệ thuộc 100% vào nguồn tài nguyên nước của Malaysia. Để thoát khỏi áp lực bị lệ thuộc, trong vòng 20 năm, Singapore đã nỗ lực để phát triển hệ thống giữ nước và tái chế nước. Thế nhưng, không phải nước nào cũng làm được như Singapore.
Mặc dù cho tới nay, thế giới vẫn chưa từng chứng kiến một “cuộc chiến tranh nước”nào, theo đúng theo nghĩa đen, nổ ra, nhưng với 286 dòng sông quốc tế và 468 tầng chứa nước xuyên biên giới mà 153 quốc gia phải dùng chung, nguy cơ xảy ra kiện tụng về nước là vô cùng nhiều. Từ năm 2010 đến 2018, Liên Hiệp Quốc ghi nhận gần 263 cuộc xung đột liên quan đến nước, và 123 vụ mà nước có thể là nguyên nhân trực tiếp gây xung đột. Chuyên gia Franck Galland nhấn mạnh nạn thiếu nước càng làm gia tăng bất ổn về chính trị.
Cũng trên báo Le Figaro, tác giả Jean-Louis Tremblais nhắc lại là cùng với các lý do về lãnh thổ, chính trị và tôn giáo, nước là một lý do gây nhiều xung đột tới mức kể từ năm 2015, Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos thường xuyên đưa vấn đề nước lên đầu danh sách các mối nguy của thế giới. Khi 2 hay nhiều nước có chung một dòng chảy, thì nước nào ở thượng nguồn đương nhiên có lợi thế và bất cứ quyết định đơn phương nào, chẳng hạn về xây đập nước, nhà máy thủy điện hay nắn dòng chảy, đều có thể gây ra một cuộc khủng hoảng.
Đây cũng là điều Cơ quan khoa học về nước tại UNESCO hết sức lưu ý. Giám đốc Abou Amani giải thích : "Thách thức càng lớn vì nước có vai trò thiết yếu trong nhiều lĩnh vực, không chỉ trong sinh hoạt hàng ngày, hay nông nghiệp mà cả trong các ngành năng lượng, công nghiệp … Chia sẻ là điều thiết yếu để bảo đảm hòa bình. Chúng tôi đang nghiên cứu về một hệ thống cảnh báo lũ lụt và hạn hán, hệ thống này sẽ giúp hạn chế căng thẳng ở thượng nguồn".
Các vùng có căng thẳng về khả năng tiếp cận nguồn nước ngày càng gia tăng trên cả 5 châu lục, từ vùng Sahel châu Phi, đến lưu vực sông Danube ở châu Âu, kênh đào Crimée, lưu vực sông Tigre và sông Euphrate giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Irak, sông Indus giữa Ấn Độ và Pakista, thậm chí lan sang cả sông Colorado chảy qua Mỹ và Mêhicô.
Điển hình nhất là xung đột ở lưu vực sông Nil, giữa Ai Cập và Ethiopia, về đập nước lớn có tên là Đại Phục Hưng. Ethiopia, với sự bùng nổ về dân số và kinh tế, hồi năm 2011 đã quyết định xây đập Đại Phục Hưng trên sông Nil Xanh. Ai Cập, vốn lệ thuộc đến 90% vào nước sông Nil Xanh, đã khởi kiện Ethiopia ra trước các tòa án, viện dẫn hiệp ước 1959 bảo đảm cho Ai Cập quyền phủ quyết việc xây dựng ở thượng nguồn sông Nil. Đây được xem là một trong những cuộc xung đột lớn nhất thế giới về nước.
Khi liệt kê hàng chục điểm nóng trên thế giới về nguy cơ xung đột nước, Le Figaro không quên nói đến lưu vực sông Mêkông, một nạn nhân của “cường quốc thủy điện Trung Quốc”. Nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đều chịu tác hại từ việc Trung Quốc xây đập thủy điện ở thượng nguồn. Tuy nhiên, do Bắc Kinh không ký Công ước của Liên Hiệp Quốc về nguồn nước, nên không gì có thể cản trở Trung Quốc.
Theo RFI