Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người đang giữ chức danh mà nữ streamer đã đề cập đến trong câu nói bị cho là "xúc phạm lãnh đạo cấp cao".
Một nữ streamer khá có tiếng trên mạng xã hội tại Việt Nam đang bị Cục An ninh mạng của Bộ Công an truy tìm sau khi đưa ra những lời bình luận được cho là “xúc phạm lãnh đạo” trong một buổi phát hình trực tiếp trên nền tảng Facebook Gaming.
“Những người xem phim 18+ nhiều thường hơi hói. Ok không? … chắc mấy bác chủ tịch nước ở nhà chả làm cái mẹ gì suốt ngày ở nhà xem phim 18+ nên là bác ấy hói hết, đầu… còn tóc luôn, vài cọng lơ hơ hiểu không? Tại làm ăn… gì đâu, chả làm ăn gì, suốt ngày ở nhà xem phim 18+…”, đoạn video lan truyền trên mạng ghi lại câu bình luận được cho là của nữ streamer Milona đã “xúc phạm” đến lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
Milona (tên thật là Nguyễn Thị Thanh Loan, sinh năm 1996) được xem là một nữ “hot streamer” trong game Liên Minh Huyền Thoại, với kênh YouTube hơn 1 triệu người theo dõi và một lượng fan đông đảo.
Vào chiều 26/8, đại diện Cục An ninh mạng, thuộc Bộ Công an, xác nhận với báo chí về việc đang phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm nữ streamer trên để phục vụ cho việc điều tra về những phát ngôn “xúc phạm lãnh đạo cấp cao” của cô.
Trước đó vào buổi sáng cùng ngày, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết đang “xác minh, xử lý” đối với nữ streamer có những phát ngôn “thiếu chuẩn mực, xúc phạm lãnh đạo cấp cao”.
Kể từ khi Luật An ninh mạng gây tranh cãi của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2019, rất nhiều người dùng mạng xã hội đã bị xử phạt từ hành chính đến phạt tù vì những nội dung trên đăng trên mạng của họ.
Gần đây nhất, nữ CEO của Công ty Cổ phần Đại Nam – bà Nguyễn Thị Phương Hằng – đã bị bắt giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” sau một thời gian liên tục tổ chức các buổi livestream chỉ trích nhiều người trên mạng xã hội.
Ngoài ra, một số nhà hoạt động cũng bị bắt giam, phạt tù vì những nội dung chống tiêu cực, chỉ trích Đảng Cộng sản, lãnh đạo, chính quyền… Nhóm phóng viên của Báo Sạch, các nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, Lê Dũng Vova, Nguyễn Lân Thắng… đều bị bắt giam vì những cáo buộc liên quan đến các nội dung đăng trên trang mạng xã hội.
Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng Luật An ninh mạng của Việt Nam là một bước lùi khi hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân, trao công cụ cho giới cầm quyền bóp nghẹt không gian ít ỏi mà người dân có được để chia sẻ những ý kiến cá nhân của họ, vi phạm quyền riêng tư khi yêu cầu các nhà cung cấp phải lưu dữ liệu người dùng ở trong nước và xác thực, cung cấp các dữ liệu này cho chính quyền mà không cần có lệnh của tòa án.
Theo VOA