Ảnh tư liệu : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh ngày 04/02/2022. AP - Alexei Druzhinin
Thứ Hai, ngày 05/09/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua học thuyết đối ngoại mới dựa trên khái niệm « Russian World - Thế giới Nga ». Theo đó, Matxcơva tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia văn hóa Slave, Trung Quốc và Ấn Độ và xa hơn nữa là thắt chặt quan hệ với Trung Đông, châu Mỹ Latinh và châu Phi.
Học thuyết đối ngoại mới, còn được gọi là « chính sách nhân đạo », dài 31 trang, cho rằng nước Nga phải « bảo vệ, gìn giữ và thúc đẩy các giá trị truyền thống và hệ tư tưởng của thế giới Nga ».
Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, dù được trình bày như là một chiến lược của « quyền lực mềm », nhưng học thuyết mới này đề cập đến nhiều ý tưởng liên quan đến chính trị và tôn giáo Nga. Một số nhân vật chủ trương đường lối cứng rắn đã sử dụng những ý tưởng này để biện minh cho hành động Nga xâm chiếm một số vùng lãnh thổ của Ukraina và sự hậu thuẫn của Nga đối với hai vùng ly khai thân Nga ở phía đông Ukraina.
Học thuyết mới có đoạn ghi : « Liên bang Nga ủng hộ những đồng bào định cư ở nước ngoài trong việc công nhận quyền của họ, bảo vệ các lợi ích của họ và để duy trì bản sắc văn hóa Nga của họ ». Chính sách đối ngoại cũng nêu rằng các mối liên hệ giữa nước Nga và đồng bào của mình định cư ở nước ngoài sẽ cho phép Matxcơva « củng cố hình ảnh quốc gia dân chủ nỗ lực tạo lập một thế giới đa cực trên trường quốc tế. »
Cuối cùng, học thuyết mới về đối ngoại khẳng định Nga phải tăng cường các mối quan hệ hợp tác với các nước văn hóa Slave, Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như là phải thắt chặt các mối liên hệ với Trung Đông, châu Mỹ Latinh và châu Phi. Và nhất là Matxcơva cũng phải phát triển các mối quan hệ với các vùng ly khai Abkhasia và Nam Ossetia tách ra từ Gruzia, các nước cộng hòa ly khai tự phong Louhansk và Donetsk ở phía Đông Ukraina
Theo RFI