Hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã bị biến chất khi đánh đồng “bảo vệ Tổ quốc” với “bảo vệ Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin”. Bằng chứng này đã xuất hiện nhan nhản trên các cơ quan báo chí chính thống của đảng từ giữa năm 2022.
Trước hết hãy đọc: “Quan điểm về bảo vệ Tổ quốc được Đảng ta khẳng định trong Đại hội XII là sự trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới và từ tư duy, phát triển lý luận đến tổng kết thực tiễn của Đảng, nhất là 30 năm đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vừa qua.” (Quốc phòng toàn dân, ngày 13/06/2016)
Tạp chí Quốc phòng Toàn dân (QPTD) viết tiếp: “Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng để tổ chức, lãnh đạo và chỉ đạo sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.” (QPTD, ngày 13-06-2016)
Tạp chí này cũng lặp đi lặp lại nhiều lần rằng “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, hay: “Mục tiêu chung là bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.” Sáu năm sau, Cơ quan Tuyên giáo (TG), chuyên nghề bào vệ tư tưởng đảng đã lập lại rằng: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) thông qua đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.” (TG, ngày 25/8/2022)
Nhưng đồng thời, cơ quan này cũng thừa nhận: “Thời gian qua đã xuất hiện một số ý kiến muốn tách rời chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí còn tìm cách luận giải cho rằng chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh mới phù hợp với cách mạng Việt Nam, còn chủ nghĩa Mác-Lênin là “tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền thống dân tộc”, không phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và đã bị chối bỏ ở nơi quê hương của nó, “du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử”.
Bị phê phán như thế là oan hay cố tình đổi trắng thay đen như Tuyên Giáo vẫn lu loa hay sao? Nên nhớ khi ông Hồ thành lập đảng CSVN tháng 3 năm 1930 thì bên cạnh Chủ nghĩa dân tộc và chủ trương giành độc lập thì ông cũng đã lấy Chú nghĩa Cộng sản làm nền tảng cho cuộc đấu tranh chống phát xít và chủ nghĩa thực dân để đạt mục tiêu kháng chiến. Tư tưởng Cộng sản ông Hồ du nhập vào Việt Nam từ Nga và từ Trung Cộng thời bấy giờ đã gặp sự chống đối mãnh liệt của các đảng phái quốc gia và trí thức yêu nước.
Như vậy, sự đối lập với tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh đã có từ đầu Thế kỷ 20 chứ không phải mới đây. Có khác chăng là sự chống đối ấy trong nhân dân càng ngày càng gay gắt và quyết liệt hơn, vì tính áp đặt và cưỡng chế của đảng cũng đã gia tăng để tiếm quyền làm chủ đất nước của dân và dành độc quyền lãnh đạo đất nước. Hành động bất hợp hiến này lại được “luật hóa trong khoản 1 của Điều 4 Hiến pháp năm 2013, theo đó: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Nhưng Hiến pháp lại dựa trên Cương lĩnh “xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011” khi đảng tự chế ra tuyên ngôn: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.”
Rồi Đảng lại tự khoác cho mình chiếc áo lãnh đạo khi viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn.”
Nhưng lịch sử đã chứng minh “không có ai trong nhân dân đã bầy tỏ khát vọng của mình để chọn Chủ nghĩa ngoại lai Cộng sản” mà chính ông Hồ Chí Minh đã “cõng rắn cắn gà nhà” từ năm 1930.
Thậm chí đảng còn gắn cả Điều lệ đảng năm 2011 vào để tự biên tự diễn: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội.”
Như thế thì còn gì quyền dân mà đảng cứ bô bô cái miệng “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của dân,do dân và vì dân” ?
ĐẤU TRANH KHÔNG NGỪNG NGHỈ
Đó là lý do tại sao đã có một bộ phận không nhỏ người dân và trí thức trong và ngoài nước đã chống chế độ phi dân chủ của đảng CSVN, khiến đảng phản ứng gay gắt: “Việc tuyên truyền, xuyên tạc về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tách rời chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí cho rằng “Tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin” là một âm mưu rất tinh vi, xảo quyệt, nằm trong những mưu toan đó của các thế lực thù địch, phản động và thực chất không có gì mới.” (TG, ngày 25/08/2022)
Tại sai lại “không có gì mới”? Cái mới mà Tuyên giáo cố tình che đậy là đã có “một số không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống” và “tự diễn biến, tự chuyển hóa” không còn tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối, chính sách của đảng nữa.
Vì vậy, Tuyên giáo mới hô hoán lên: “Rõ ràng, tư tưởng, văn hóa là mặt trận hết sức gay gắt, quyết liệt của cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, làm thất bại các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Thực tế cho thấy đang xuất hiện nhiều hơn những mưu toan kích động, xuyên tạc nhằm “hạ bệ thần tượng”, làm nghi ngờ, gây hoang mang, dao động, thậm chí gây chia rẽ, hỗn loạn nhận thức về nền tảng tư tưởng của Đảng trong hàng ngũ những người cộng sản, từ đó dẫn tới mất phương hướng, mâu thuẫn, rối loạn trong tổ chức và chỉ đạo hoạt động thực tiễn, đưa đến những sai lầm, làm mất uy tín, ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng nhân dân và do đó đánh mất vai trò lãnh đạo đối với hệ thống chính trị.”
Nên nhớ vào năm 1991, nhân dân Nga đã nổi lên lật đổ nhà nước Cộng sản để giành lại quyền lãnh đạo đất nước. Đảng Cộng sản Nga tan rã sau 70 năm cầm quyền hà khắc. Cả khối các nước Xã hội Chủ nghĩa Cộng sản Đông Âu cũng sụp đổ theo để lại 4 nước Cộng sản gồm Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba.
Vì vậy, Tuyên giáo đảng CSVN đã kêu gọi phải: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện và đấu tranh phản bác, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, trong đó có âm mưu tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin, là công việc mang ý nghĩa hết sức quan trọng và thường xuyên hiện nay.”
Nhưng công tác này không dễ chút nào vì ngày nay, đảng viên đã biết “mở mắt” đề nhìn xa trông rộng. Họ cũng đã biết “banh tai ra nghe” những điều hay lẽ phải và không còn bị hoang tưởng bởi tuyên truyền gỉa dối của chế độ. Do đó, Tuyên giáo đã cảnh giác: “Đối với đất nước ta sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế ngày càng nâng cao; hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn. Tuy nhiên sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn thách thức, tác động trực tiếp, sâu sắc đến quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng chăm lo, củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. (báo Nhân Dân online, ngày 28/4/2022)
QUÂN ĐỘI-CÔNG AN
Để bảo đảm cho đảng bền vững, Quân đội và Công an đã được lệnh phải “tuyết đối trung thành” và đặt dưới quyền lãnh đạo “trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.” (Đài Tiếng nói Việt Nam . (VOV), ngày 16/08/2022)
Quyết định này được thảo luận trong 2 ngày 18/08/2022 nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng Công anh nhân dân (19/8/1945-19/8/2022) và 17 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Báo Chính cũng phủ viết: “Nhiệm vụ của quân đội và công an không thể rời nhau được vì nó đều có mục đích chung là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ trị an cho nhân dân. Trong quá trình công tác, cần củng cố đoàn kết giữa công an và quân đội, đó là vấn đề nguyên tắc.” (Báo Chính phủ ngày 18/08/2022) .
Báo này tái khẳng định rằng: “CAND và QĐND luôn chung sức, chung lòng, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, kề vai sát cánh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng từng minh định: “Thực tiễn sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta là minh chứng rõ nét "Nhiệm vụ của quân đội và công an không thể rời nhau được vì nó đều có mục đích chung là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ trị an cho nhân dân. Trong quá trình công tác, cần củng cố đoàn kết giữa công an và quân đội, đó là vấn đề nguyên tắc. Quân đội chuyên chống kẻ địch bên ngoài, công an chủ yếu chống kẻ địch bên trong. Hai nhiệm vụ đó không tách rời nhau được và cũng không thể phân chia máy móc" như khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1/1956.”
Sự việc đảng trông chờ vào Quân đội và Công an bảo vệ để tồn tại là điều không mới, vì đảng CSVN đã cảnh giác nhiều lần về bài học sụp đổ của Nga năm 1991 vì khi ấy Quân đội nước này không có lãnh đạo và đứng ngoài cuộc cách mạng của dân Nga.
Do đó, đối với Việt Nam, một lệnh cho Công an theo dõi và đề phòng các biến cố nội bộ đã được ban hành song song với lệnh cho Quân đội phải sẵn sàng chiến đấu chống phá hoại từ bên ngoài.
Nhưng nếu hai nhỉệm vụ này lại được lồng chung với công tác bảo vệ Chủ nghĩa Công sản Mác-Lênin và bảo vệ đảng cầm quyền độc tài thì thật vô nghĩa, nếu không phải là “phản quốc”.
09/022
Phạm Trần