Trong suốt gần 4000 năm lịch sử của nước ta, bên cạnh ngày lễ Tết Nguyên Đán còn có ngày lễ hội Trung Thu dành cho các trẻ em. Lễ hội Trung Thu được cử hành hằng năm vào ngày rằm tháng Tám âm lịch. Vào ngày này, trẻ em thường nhận được quà tặng từ cha mẹ, ông bà để cử hành lễ hội Trung Thu. Phần nhiều quà tặng các em thích nhất là những lồng đèn có hình ngôi sao, cá chép, con gà trống, con thiên nga, con bướm... hay lớn hơn có hình con rồng dài, cái đầu con lân.
Trong đêm lễ hội Trung Thu, trẻ em ca hát tưng bừng, mừng vui, những ca khúc cổ truyền “Tết Trung Thu rước lồng đèn đi chơi/Em rước đèn đi khắp phố phường/ Em múa ca trong ánh trăng rằm/ Đèn ông sao với đèn cá chép/ Đèn thiên nga với đèn bươm bướm/ Em rước đèn này lên đến Cung Trăng/ Em múa ca vui đón chị Hằng... Chẳng những thế, theo nhạc sỹ Lê Thương, trong bài hát “Thằng Cuội” các cháu còn rủ rê cả chú Cuội: “Lặng yên ta nói cho Cuội nghe/ Ở cung trăng mãi làm chi/ Bóng trăng sáng ngà/ Có cây đa to/ Có thằng Cuội già ôm một mối mơ...” Khi được sung sướng ca hát nhảy múa các cháu cũng không quên những bạn tí hon, “Các con dế mèn/ Suốt trong đêm khuya/ Hát xẩm không tiền/ Nên nghèo xác xơ/ Đền công cho dế nỉ non/ Trời cho sao chiếu ngàn muôn....” Phải chăng ánh sáng đêm trăng vào lễ Trung Thu là một ân phúc, là người bạn Trời cho các cháu trong ngày vui, “Sáng rơi xuống đồi/ Sáng leo lên cây/ Sáng mỏi chân rồi sáng ngồi xuống đây/ Cùng trông ánh sáng cười vui/ Chị em ta hãy đùa chơi/ Các em thích cười/ Muốn lên cung trăng/ Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang...” Thật là tuyệt vời các cháu coi ông Trời như là bạn có thể hỏi mượn cái thang để leo lên cung trăng để thăm chị Hằng và rủ rê chú Cuội xuống trần nhảy múa ca hát cho vui. Tại sao vây? vì các cháu là tương lai của ông bà cha mẹ, là niềm tin yêu của nhân loại, niềm kiêu hãnh của ông Trời?
Các em bé chia từng đàn, từng nhóm, nhảy múa ca hát, múa Lân, múa Rồng dọc theo các đường phố, các nhà chùa, các đền đài. Các cháu cũng xin phép được múa Lân, múa Rồng trước cửa nhà của tư nhân, của các thương gia, với niềm tin sẽ đem lại cho họ nhiều may mắn, sức khỏe, tiền tài, thịnh vượng. Đổi lại các tư gia, các thương gia cho các cháu một món tiền gọi là “tiền hên” như là biểu tượng lòng tri ân của họ đối với các cháu.
Bên cạnh những cái lồng đèn rực rỡ, sáng ngời, món “tiền hên”, cha mẹ ông bà còn cho các cháu những cái bánh Trung Thu ngon lành thơm phức làm từ bột pha đường và lòng đỏ của trứng gà. Bổ bánh trung thu ra làm hai, người ta thấy cái nhân là nửa lòng đỏ trứng gà, tượng trưng cho mặt trăng tròn và sáng của đêm Trung Thu.
Mặc dầu lễ hội Trung Thu hầu như chỉ dành riêng cho các trẻ em, nhưng trong thực tiễn nó tạo nên cơ hội giao tiếp cởi mở giữa các thế hệ xã hội và gia đình. Lễ hội Trung Thu còn là nguồn cảm hứng sâu sắc sản sinh sức mạnh của lòng tin yêu đoàn kết, cảm nhận, chẵng những giữa con người với con người mà còn là giữa con người với thiên nhiên ngay cả với thằng Cuội, chị Hằng, ánh sáng, và con… dế mèn.
Đào Như