Mẹ tôi tính đi lấy chồng vào dịp xuân này, mẹ tôi tính đến Tết là sẽ về nhà chồng.
Hình như mẹ tôi đã ra khỏi nhà. Tôi không còn nghe tiếng động tịnh nào, cũng không còn tiếng bước chân nhè nhẹ kéo lê trên sàn nhà. Bà đã ra khỏi nhà rồi, bà đi đánh tennis với Skyle, có lẽ, người tình của bà. Hôm nay hơi lạ, từ 7 giờ sáng thức dậy, mẹ tôi đã sửa soạn hí hửng như một đứa bé con lâu ngày mới được đi chơi. Độ này mẹ tôi như một con người mới. Bà hồi xuân hơi trễ? Bà ngây thơ vô tội một cách đáng yêu, dĩ nhiên là đối với tôi thôi. Có lẽ vậy. Tôi thấy tôi người lớn và mẹ tôi đổi chỗ cho tôi, bà trở thành con nít, một thiếu nữ trẻ thì đúng hơn. Tôi kính trọng tình cảm náo nức của mẹ và thấy mẹ trong sáng như ở tuổi 18 vừa lớn lên. Bà trẻ ra yêu đời và hầu như hết hẳn bệnh tật, một số bệnh mãn tính và cấp tính bà đeo sẵn như món trang sức cố hữu từ ngày còn ở Việt Nam.
Bà đổi mới, đổi mới như thoát xác, không e dè, không sợ sệt, không ngại ai bình phẩm. Bà giờ là một con người mới, mới từ hình thức đến nội dung. Tôi xin phép nói theo nhà Phật: Bà đã hóa kiếp, hóa thân ! Cha tôi lui vào căn phòng thiền của ông. Không vui không buồn, ông sống bình thản với hàng chồng sách vở. Ông viết, đọc, hết ngày này sang ngày khác. Ông như quên cuộc sống xung quanh. Ông im lặng, thỉnh thoảng chỉ nói với chúng tôi những điều cần thiết. Nhưng ông không buồn.
Cuối tuần có bác Bẩy, bạn cũ của ông ghé chơi, ông vui vẻ đón bác. Tôi thấy bác Bẩy mang tới một hai gói gì nho nhỏ. Cha tôi bày ra hai cái đĩa, xuống bếp lấy hai đôi đũa, hai cái ly và chai rượu. Thế rồi họ rì rầm nói chuyện tới khuya.
Gia đình tôi như thế đó! Một gia đình Việt Nam sống ở Mỹ mất hết cả phong độ Việt Nam. Chúng tôi có thể sống được ở đây, hòa nhập được vào xã hội Mỹ này để kiếm tiền, để đi học, đi làm nhưng chúng tôi chưa hẳn thấm nhuần được cái hay ho của người bản xứ, mà hình như chúng tôi đang xa dần dần nền tảng gia đình Á Châu! Không biết rồi những thập niên tới chúng tôi sẽ đi về đâu? Sẽ tấp vào những bờ bến mới nào ở đâu? Hiện tại thì chúng tôi sống biệt lập tình cảm dù vẫn ở cạnh nhau.
Mẹ tôi đi làm đều. Mẹ tôi là cột trụ gia đình. Cha tôi yếu không thể làm việc thường xuyên. Mẹ tôi kiếm khá đủ tiền trang trải tiền nhà, tiền chợ, tiền học hành cho chúng tôi. Bà làm việc suốt tuần. Thứ bẩy bà đi chợ mua cả đống đồ hộp gồm thịt, rau, cá và nước uống. Xếp đầy trong tủ lạnh và trong ga-ra.
Xong bà viết một bản tin trên trang giấy mang dán trước cửa bếp, đại ý ai muốn ăn một thứ gì tự soạn lấy, nói là sửa soạn chứ chỉ việc khui đồ hộp và hâm nóng là sẵn có ăn ngay. Mẹ tôi chu đáo lắm. Chúng tôi cần mua sắm gì, sách vở, áo quần, tiền túi cứ ghi lên bảng đó, cuối tháng bà thỏa mãn ngay. Ngày cuối tuần còn lại, mẹ tôi ra ngoài và sống với người tình của bà. Ít khi nào chúng tôi gặp mẹ và cha một lần. Chúng tôi bốn anh em, tôi có 3 anh trai và tôi là gái, chúng tôi rất ít, hiếm lắm một cuộc họp mặt gia đình như xưa.
Bận rộn. Ai cũng bận rộn. Ba anh tôi, một đi làm, hai còn đi học trung học. Ai cũng có việc riêng của mình, thì giờ chênh lệch nhau. Mọi người vội đi vội về, tắm rửa, ăn gấp gáp, ngủ, nghỉ rồi thức dậy, lại ra đi. Thỉnh thoảng, gặp mặt chào hỏi vài câu rồi tránh lối nhường nhau, kẻ đi trước, người đi sau, đi hết. Họ bỏ tôi bơ vơ một mình.
Tôi ở đây chứng kiến họ xoay tròn vòng vòng, mẹ và ba anh tôi. Họ là những con rối, thay nhau đến và đi, đi và đến, như mấy cái hình nộm xoay xoay trong lồng đèn kéo quân làm tôi chóng cả mặt! Cha tôi đứng riêng và tách biệt. Ông khép kín trong thư phòng. Có lúc tôi tức mình, gõ cửa vào phòng. Nhưng tôi không thể ở lâu bên cha tôi được vì ông không để ý gì đến sự có mặt của tôi. Có lúc tôi cũng muốn dọn một phòng tự tu cho tôi. Nhưng không lâu, tôi phải nhẩy vọt ra vì tôi thích nhìn những chiếc xe hơi qua lại trên con đường xa xa vòng vèo bên ngọn đồi trước nhà tôi. Tôi cũng thích ngắm những rặng hoa đào rung rinh đón gió. Tôi thích ngó bà đầm hàng xóm mang chăn mền ra giũ giũ ngoài nắng, và tôi thích thấy những người già co ro đi dạo dưới đường. Tôi cần xem lũ trẻ con đu xích đu và đi xe đạp trong công viên nho nhỏ. Nếu không có họ tôi đã hóa đá, có lẽ, từ mấy năm nay rồi!
Tôi cũng không muốn đi học nữa, tại vì việc tôi đi học hay không đi học đối với cha mẹ tôi như không cần thiết và dửng dưng. Tôi đến trường vài tuần rồi chán, tôi tự cho phép tôi ở nhà ít ngày, rồi không biết làm gì hay ho hơn, tôi lại đi học trở lại, thầy cô tôi hỏi tại sao? Tại tôi “bệnh” kèm theo một cái giấy nghỉ bệnh, đơn giản thôi, nói sao cha tôi làm cho tôi vậy.
Thỉnh thoảng có những lá thư từ Việt Nam của thân thuộc bay sang, đây là gia vị thay đổi tí chút cho cuộc sống, tôi vừa đọc vừa đoán, lơ mơ nhưng rốt cuộc tôi cũng hiểu. Họ chỉ muốn xin đồ vì họ thiếu thốn quá, có người thiếu thật sự, có người thiếu giả dối! Họ sống với cộng sản mà! Tội nghiệp cả nước đi ăn xin thì ai có thể cưu mang mãi mãi được. Những lá thư đó lạc hậu quá rồi. Mẹ tôi đã chán nản cái chuyện đó, ngựa nản chân bon rồi, nên bà không thèm đọc. Chỉ còn tôi là ngồi táy máy đọc như chơi ô chữ. Chú Bẩy là ai? Dì Năm? Dượng Tám? Chịu, trí nhớ tôi lù mù, hạn hẹp, và bao năm tháng đã xa mờ và tôi đã lớn lên ở đây.
Có lần tôi nghịch ngợm nhấc máy điện thoại, bấm đại số của dì Năm ở bên kia bờ đại dương, máy kêu ù ù o o một vài giây, rồi có tiếng hỏi gắt gỏng: “Quỷ sứ, ác ôn không, đứa nào đó, bây kêu giờ này, tao vừa ngủ, mới 2 giờ đêm há…” Tôi hoảng quá bỏ vội cái máy xuống, đi ra ngoài phòng. Thôi dẹp dẹp, không phải việc của mình. Giờ đây nhiều thay đổi lắm, ai biết tôi là ai, mà tôi làm gì có tiền đâu gởi về, tôi lớn rồi, tôi còn là con bé Sáu lùn lếch thếch mang gà mèn đi mua nước đá cục như những năm xưa nữa đâu, có chăng tôi còn nhớ là lối hẻm bên hông nhà tôi có bán nhiều thứ bánh ngon lắm, bánh xèo tôm chấy, bánh cuốn nhân tôm thịt, bánh bột lọc in nguyên con tôm, chè bà ba, chè đậu đỏ bánh lọt. Mấy thứ đó ở quê ngon hơn ở Mỹ này.
Những lá thư Việt Nam ấy, những món ăn ngon lành ấy gợi nhớ căn nhà Việt Nam của chúng tôi ở đường Trương Tấn Bửu, gợi nhớ trong tôi cuộc sống của gia đình tôi mấy chục năm trước.
Độ ấy mẹ vẫn kể cho tôi nghe chuyện của mẹ, tôi không mấy chú ý lúc đầu. Nhưng ngày qua ngày, lớn lên tôi lại thích nghe, vì bản tính tò mò con nít sắp lớn, thích biết chuyện người lớn. Nhứt là người lớn ấy lại là mẹ mình.
Mấy lúc gần đây mẹ bận rộn. Mẹ sắp đi lấy chồng. Người không còn thì giờ kể thêm một lần nào nữa. Tôi cũng muốn quên mà cũng muốn nhớ, lúc muốn nhớ tôi góp nhặt lại đầy đủ chi tiết vì mẹ tôi cứ bảo làm đàn bà con gái khổ lắm ! Khổ là khổ như thế nào?
Mười bẩy tuổi mẹ lấy cha tôi. Mẹ đi lấy chồng sớm để tránh bà ngoại sau khó khăn. Về nhà chồng mẹ ngây thơ vụng dại, nhưng có bố ở tuổi chín chắn ở tuổi tam thập nhi lập, mẹ tin bố vì tìm đúng chỗ dung thân. Bố thương mẹ và kín đáo bảo bọc. Cuộc sống đầm ấm tình cảm nhưng rất đạm bạc đến nghèo nàn. Bố tôi dậy học, đồng lương rất khiêm nhường. Sao cái xã hội Việt Nam, nghề dậy học ai cũng quý mà đồng lương quá ít ỏi. Mẹ tôi không thể đi làm phụ bố vì học hành dang dở. Vả lại bà bận con mọn, liên tiếp sáu năm liền với sự ra đời của bốn anh em tôi. Làm sao mẹ tôi đi làm phụ bố tôi nổi.
Cái nghèo quả là truân chuyên hết chỗ nói. Tôi oán hận cái nghèo và nhắc tới nó ở mọi khía cạnh tôi vẫn rưng rưng muốn khóc. Và ở một phía rất nhỏ của tôi thôi, mẹ tôi kể rằng mỗi lần bà sinh nở, không có tiền mua thịt nạc kho tiêu, chỉ ăn cơm với muối rang mặn nên mặt cứ vàng khè. Phải đợi tới cuối tháng có lương của ba tôi mới mua được ít thịt ba rọi. Bữa cơm ba tôi ngồi lấy đũa tách riêng từng chút thịt nạc kho lùa vô chén cơm của mẹ tôi, còn da heo và thịt mỡ chia đều cho anh em tôi. Mẹ tôi ăn từ từ nhẩn nha, chờ chồng quay đi, bà gắp vội thịt trong bát chia cho các con. Cứ thế có mấy lát thịt chạy qua chạy lại khắp lượt mọi người.
Thời đó, 1970-1975, mà đối với gia đình tôi, rau muống là xa xỉ phẩm. Mẹ tôi chỉ dám mua rau lang, rau dền, rau càng cua về luộc lấy nước chan cơm ăn để có sữa cho con bú. Bố tôi, một ông giáo dạy học nhiều năm, trong vùng Phú Nhuận ai cũng biết bố tôi nghèo, nghèo từ khi mới đến nhận lớp dậy, cho đến lúc có vợ và có 4 con.
Hay thật, nghèo mà sao đẻ nhiều con cái như vậy? Tết Tết, chúng tôi hau háu chờ phụ huynh học trò mang đến nhiều đòn bánh tét và nhiều hộp mứt đủ màu. Họ nhân hậu quá, chứ tuyệt nhiên có bao giờ bố mẹ tôi dám mua đồ ăn Tết. Quần áo tụi tôi chuyền nhau mặc đến sờn rách. Nhưng những chuyện nhì nhằng gì trong nhà cũng không thảm bằng chuyện mẹ tôi đi ăn quà. Người ăn một bát bánh canh có tôm khô, giò heo và tiết. Tôi nhớ mẹ tôi cứ kể và nước mắt cứ rơi lã chã là mẹ tôi thèm ăn một tô bánh canh từ lâu lắm rồi, từ ngày có mang anh tôi kia, nhưng lần nào bà cũng nhịn thèm. Vì tiền mua một bát bánh canh là tiền chợ cho cả nhà một ngày đó, thì bà thèm quay quắt, lý trí không còn thắng nổi.
Ngồi trong nhà nghe tiếng rao mà mẹ ứa nước miếng, nhưng không dám ăn ở nhà. Sáng hôm sau, xách giỏ ra chợ mua rau, mẹ tôi lại gặp ngay chị bán bánh canh quái quỷ ngồi ngay cổng chợ. Bà hóa liều, ngó trước ngó sau, thấy không có ai quen, bà làm bạo mua một chén ăn vội vàng, húp cạn láng không còn một chút nước. Ngon quá chừng!
Tội thay, lúc bà vừa trả tiền đứng lên, thì có bà nội tôi thấy, nội cự nự mẹ là mua về nhà mà ăn, đàn bà ăn quà giữa chợ, ăn vụng chồng con, không hay đâu. Mẹ tôi vừa xấu hổ, vừa tủi thân, giận và uất. Về nhà bà khóc và ói. Trong cơn buồn xót xa, bà nhìn thấy tất cả sự hèn hạ, khó khăn của nỗi cơ hàn!
Đi làm thì mẹ không đủ bằng cấp nghề nghiệp. Làm lao công thì mẹ bảo lương không đủ trả người giữ con và quán xuyến việc nhà. Muốn đi buôn thúng bán mẹt, không có vốn, vay mượn ư? Ai dám cho người nghèo vay? “Thằng cho vay là thằng dại, Thằng trả lại là thằng ngu!” Những ý tưởng lộn xộn làm mẹ tôi đau ốm mất ít ngày. Khi ốm no bò dậy, mẹ quyết định nhờ cô hai Tuyết dắt bà đi làm phu sở Mỹ ở Long Bình. Nhà cửa bà thuê người thu vén. Bà xông đi như vũ bão, ai có cản cũng không được.
Đời sống chúng tôi vài tháng sau và những ngày sau đó khá hơn. Được ăn cơm với canh và cá thịt. Mỗi lần trái gió trở trời, lỡ mà ốm đau chúng tôi đã được nhìn thấy ông bác sĩ và những viên thuốc tây, thay vì lúc trước toàn là cạo gió bầm lưng và uống nước gừng, nước xả nóng cổ kinh hồn. Cũng có lời khen, cũng có lời chê bai, bình phẩm, nhưng mẹ tôi đi sớm về trễ, đâu có thì giờ để ý. Cha tôi chăm sóc chúng tôi hơn và luôn luôn tận tụy, “gõ đầu trẻ” là nghề của chàng. Mẹ tôi có thêm tiền, cha tôi cũng không có gì thay đổi. Nói vậy chớ áo quần ông cũng tươm tất hơn một chút và đồng nghiệp nhìn ông, có người khé né hơn. Nhưng mặc cái áo mới, ông cũng ngại ngùng, tính ông dè dặt kín đáo.
Hai năm sau, cha mẹ tôi mua lại căn nhà đã thuê đã ở từ bao lâu. Ông bà xây cất lại khang trang hơn vì tụi tôi đã lớn lên một chút. Ba mẹ cũng ít còn eo sèo nhau nữa. Cuối năm 1974 bắt sang 1975, đúng lúc nhà tôi đi lần lần ra cuối đường hầm thì không may tiếng súng giao tranh quốc cộng ở quê hương mỗi ngày mỗi tiến về gần thành phố hơn và quyết liệt hơn. Tết 1974 qua đi, cộng sản mù quáng và tàn ác pháo kích lung tung vào các thành phố, nhất là thủ đô Sài Gòn. Cả Miền Nam lên cơn sốt. Cộng sản lấn chiếm đến nơi rồi. Những gia đình có thế lực và giàu có đã lần hồi di tản ra ngoại quốc.
Bố mẹ tôi thì thầm bàn tán nhiều ngày nhiều đêm báo chí Sài Gòn đăng tải cảnh Nam Vang ở Miên bị pháo kích đẫm máu, dân miền nam càng kinh hoàng thất đảm. Nay mai đây Sài Gòn sẽ chịu chung số phận thủ đô Cam Bốt?
Cha tôi có ý định ở lại quê hương, vả lại bà nội tôi già cả không muốn ra đi. Nhà tôi không giầu có để có thể tự túc. Cha mẹ tôi giằng co bàn tán. Có lúc đã cãi nhau to tiếng. Tiếng súng nổ càng gần hơn, gần thật gần đến nỗi cả hai không dám cãi qua cãi lại xô xát nhau nữa.
Cuối cùng mẹ tôi cứ dứt khoát mang cả nhà ra đi. Cha tôi nhường vì thấy tình hình quá nguy kịch! Mẹ tôi đi ra đường rồi lại về nhà rất nhiều lần. Rồi một ngày gần sát cuối tháng 4 may mà chưa quá muộn, mẹ tôi dắt được cả nhà vào phi trường Tân Sơn Nhứt.
Nhờ một chiếc xe của sở Mỹ mẹ tôi làm việc, nhờ ông Kyle, người đồng nghiệp của mẹ tôi lái, cả nhà tôi thoát được nhiều vòng rào kẽm gai kiên cố và cả biển người tội nghiệp, nhốn nháo ở cổng trại Phi Long, trực chỉ ra phi đạo, hướng về chiếc phi cơ khổng lồ Mỹ chờ sẵn.
Tôi nhớ như in, mẹ tôi vội vã lắm, bà rất tháo vát và nhanh nhẹn, nhỏ bé trong bộ áo quần cũ nát. Cái sắc tay giấy tờ, chỉ có thế, bà luôn đeo bên sườn. Kyle và mẹ tôi trao đổi vài câu nói vội vàng. Tôi có cảm giác mẹ đang chỉ huy việc di tản. Bà gọi là đi tản cư! Đi mau lên, lẹ lên…
Chúng tôi, 4 đứa bé được lên cầu thang trước tiên, cha tôi đi theo chúng tôi, theo sau là bà nội kéo chéo áo vừa đi lên vừa lau nước mắt. Mẹ tôi lên sau cùng. Kyle lên sau rốt. Một vài người nữa đi tập hậu. Máy bay đầy nhóc người và nhấp nhổm rồ máy, chạy lướt để cất cánh. Hình như có nhiều tiếng súng bắn theo. Chúng tôi ra đi như có phép mầu của bà tiên phù hộ.
Rồi mấy chục năm qua đi như gió lốc!
Thời gian đi vùn vụt mà mình không có cách nào nắm bắt. Kyle và mẹ tôi vẫn làm chung sở. Ông không có vẻ gì là đáng ghét, nhưng ông không thể đến gần chúng tôi như những đồng hương Việt Nam. Bây giờ anh em tôi đã lớn. Mẹ tôi vào tuổi 63, 64 gì đó. Vì bà đang xin về hưu. Cha tôi già nua, nay ông được 75, 76 tuổi. Ông vẫn đi lại khó khăn, nhưng ý nghĩ còn khá minh mẫn tuy có một đôi khi lẩn thẩn. Nhưng ông không quên nhắc chừng mẹ tôi là hãy nghiêm chỉnh thi hành những điều khoản bất thành văn mà bà đã cam kết trong “hiệp định di tản“ ngày nào… với người thi ơn cho chúng tôi.
Vì lẽ đó, mùa xuân này, mẹ tôi đi lấy chồng. Tôi biết nói gì nữa đây, hỡi trời?
Tôi không trách ai cả, kể cả trách cha trách mẹ. Lòng tôi rưng rưng như tuyết rơi ngoài trời, hoa tuyết… hoa tuyết đọng nước, những giọt nước đọng đầy trên cửa kính… lăn dài xuống… xuống mãi.
Chúc Thanh