logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 22/09/2022 lúc 12:22:24(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Bữa cơm trưa văn phòng, nàng kể cho mấy người bạn đồng nghiệp rằng, chiều qua, xe lửa trục trặc, nàng mất gần ba tiếng đồng hồ mới về đến nhà. Người bạn đồng nghiệp lắc đầu ngao ngán:



– Trời ơi, em mà phải cực khổ như chị, chắc em bỏ việc luôn.



Nàng cười cười:



– Mình chẳng cảm thấy gì bất tiện cả.



Nàng nghĩ, tiện, không tiện, cũng phải đi làm. Chứ không, chốn này, đất đai đâu, để nói, cạp đất mà ăn. Nàng tự an ủi mình, cũng là một cái thú, đâu phải ai muốn có là được. Mỗi ngày thêm vài tiếng đồng hồ thoải mái, muốn đọc sách, nghe nhạc, ngủ gật hay đơn giản ngó quanh, quan sát thiên hạ, ngái ngủ sớm mai trên đường đến hãng, hoặc xật xừ, đờ đẫn sau ngày dài làm việc. Cô đồng nghiệp khác góp ý:



– Ghét nhất là xe lửa trễ giờ.



Nàng không trả lời. Nàng chẳng thấy phiền hà, cũng chẳng ghét bỏ hệ thống hỏa xa của Đức. Bởi, nhờ xe đến muộn, nàng đã gặp lại người anh của nhỏ bạn cùng lớp thời trung học. Khi bảng thông tin chạy dòng chữ Zug E40 fällt aus. Chuyến xe số E40 bị hủy. Trong khi chờ thông tin tiếp, bao giờ có xe, nhiều người bực bội rủa sả lung tung. Nàng nhủ thầm, mình than vãn tiếng Việt, không ai hiểu, chỉ mình nghe, rồi mình lại bực. Than tiếng Đức, nàng đâu đủ tài năng mà thi thố với những người Đức thứ thiệt. Trời vào hè, ngày dài ra. Chín, mười giờ mặt trời mới lặn. Nàng thản nhiên tìm ghế trống ngồi chờ, đọc tiếp cuốn sách mang theo. Chuyến xe này hủy, sẽ có chuyến sau. Hơi đâu mà nóng giận cho... già người đi. Số người dồn lại nhà ga càng đông. Những tiếng chê bai càng lúc càng tăng cường độ.



Nàng đã xong trang cuối của cuốn sách. Vẫn chưa có thông tin bao giờ tàu chạy. Nàng lấy điện thoại, mắt vừa lướt lướt những trang trên Facebook, vừa trông chừng bảng thông tin của xe lửa. Đến trang có bức tranh thiếu nữ mảnh mai, mặc áo dài vàng, tựa như hình bìa của tờ báo Tuổi Ngọc ngày xưa. Ngón tay nàng dừng lại, không vuốt vuốt mặt kính nữa, ngắm nghía bức tranh, nàng đọc tựa bài thơ: tôi xin lót lá em nằm.



Cám ơn người những sớm mai/ đậu vào tôi giọt nắng say môi hồng/ ơn em mây thả bềnh bồng/ vương tôi tóc rối tỏa nồng hương yêu

(Nguyễn Minh Phúc, 2018)



Êm đềm, thơ mộng quá chừng. Tên tác giả Nguyễn Minh Phúc, nghe quen quen. Nàng chợt nhớ, nhỏ bạn có người anh cùng tên tác giả. Nhỏ bạn kể, anh của nhỏ làm báo, làm thơ. Nàng loanh quanh trong sân nhà Nguyễn Minh Phúc đọc thêm vài bài thơ khác. Bài nào cũng dễ thương. Khi mọi người ào ào lên xe lửa, nàng vội rảo bước theo. Nàng nghĩ, về nhà, nhất định phải dò la tông tích của Nguyễn Minh Phúc. Nàng mằn mò rất lâu. Vừa sử dụng các “thành tựu khoa học kỹ thuật” về Facebook để bắt liên lạc với tác giả Nguyễn Minh Phúc. Vừa vận dụng ngôn ngữ “ngoại giao”, viết đôi dòng giới thiệu làm quen, để lỡ có nhầm lẫn, không đến nỗi... quê một cục. Có chí thì nên, người xưa nói không sai. Anh Nguyễn Minh Phúc xác nhận là anh của nhỏ bạn. Anh Phúc biết các chị của nàng. Anh Phúc cùng vài người bạn thân từng là khách dài hạn của tiệm sách và quán cà phê của Mạ nàng. Gặp lại người quen cũ, dẫu gặp “ảo”, nàng vui lắm. Anh Phúc nhắc đến những người bạn của anh, có cùng những ngày tháng lãng đãng thơ và nhạc. Phút tay bắt, mặt mừng trôi qua, đôi dòng thư đi, tin lại. Rồi thôi. Nàng thỉnh thoảng đọc những bài thơ rất thơ trên Facebook của anh Nguyễn Minh Phúc. Anh Phúc và nàng, cả hai đều có những bận rộn riêng. Cho nên, tái ngộ xong, coi như để đó.



Nàng có chuyến du lịch 10 ngày ngang dọc nước Nam Phi. Lịch trình dày đặc với lên núi, xuống phố, ra biển, vào rừng... Ngày nào cũng thú vị với nhiều ấn tượng đẹp về đất nước Nam Phi. Trong thời gian này, điều kiện vào internet không dễ dàng. Có dịp, nàng vào nhanh WhatsApp, đọc tin nhắn gia đình và viết mấy câu hỏi thăm. Nàng chẳng hề nhớ nhung wifi như chị bạn đi cùng, đến đâu cũng lo ngay mật mã để vào internet.



Chương trình ngày thứ Bảy đầy ắp, từ bình minh đến hoàng hôn. Sáng sớm, cả nhóm trực chỉ Mũi Hảo Vọng. Từ tháp hải đăng ở cực tây nam châu Phi, nàng mê mẩn nhìn xuống những làn sóng của Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương giao nhau. Cuối ngày, mọi người được tùy nghi sử dụng buổi tối ở khu phố Waterfront của thành phố Cape Town. Về đến khách sạn khá khuya. Mệt nhoài, tâm trí vẫn còn đầy ắp ấn tượng của biển trời, núi non, cây cỏ, phố phường. Nàng vội vàng mở máy nói vài lời gởi cho con. Nơi góc nhỏ của điện thoại, nàng thấy dấu hiệu có tin nhắn của NMP. Anh Phúc kể, anh bệnh thời gian qua, nên không liên lạc. Nay, sức khỏe tạm ổn. Anh Phúc bảo, bỗng nhiên, anh nhớ nhiều những ngày tháng với người bạn chí thân, anh Trầm Thụy Du. Đèn trong khách sạn vàng mờ mờ. Trước đó, mắt nàng trĩu nặng vì buồn ngủ. Nhưng câu chuyện anh Phúc kể, đã níu, đã giữ mắt nàng không rời màn ảnh bé tí của điện thoại.



Anh Phúc nói, giờ đây chép lại bài thơ của anh Trầm Thụy Du gởi cho nàng, anh Phúc cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Cuối cùng, anh Phúc thực hiện được chuyện anh Trầm Thụy Du nhờ, dẫu muộn màng.



Như chiếc lá cuối mùa rơi lặng lẽ/ buổi tàn thu đường phượng lá vàng bay/ anh vẫn còn lang bạt cuối chân mây/ mơ phố xá với nụ cười em gái ...nay anh chỉ còn chút hồn đầy mộng/ nhớ ngày xưa như nhớ một vầng trăng

(như nhớ một vầng trăng...* Trầm Thụy Du – 1975)



Nàng tưởng như đang lần giở cuốn sách nằm quên trên kệ tủ gần nửa thế kỷ. Những trang sách ố màu thời gian kể chuyện về nàng, một thiếu nữ vào tuổi mộng mơ. Kể chuyện về anh và người bạn của anh, những thanh niên vừa tuổi đôi mươi, ở tỉnh lỵ miền trung. Năm ấy, nàng đang tuổi mười ba, mười bốn, nàng đang nhí nhảnh, theo gió mưa em đi hát xây mộng cho người, trên cánh thơ tuyệt vời hát yên vui cõi đời. Nhà của nàng có quán cà phê, nơi có nhiều văn nhân, thi sĩ lui tới. Anh thường đi trong nhóm ba người. Cả ba người đều là thi sĩ, nàng nghĩ vậy. Nàng đã đôi lần nghe lóm, nhớ lén những câu thơ các anh ngâm nga cho các chị của nàng.



Cơn lốc dữ 1975 đã đẩy cuộc sống gia đình thiếu nữ xuống cùng cực, điêu đứng, đã cuốn đi những giấc mơ xinh của thiếu nữ. Cơn lốc đã làm những thanh niên hụt hẫng, chới với. Những mơ ước hoài bão của tuổi trẻ bỗng chốc vụt mất. Một sớm, một chiều, anh và người bạn, đang là những học sinh trung học, chuẩn bị khoác áo sinh viên, bỗng nhiên thành những người mất phương hướng trong cuộc sống. Không lâu sau, anh và người bạn chí thân lụng thụng trong bộ cánh bộ đội. Rời xa thị xã nhỏ bé, có nhà sách quen ở đường Phan Bội Châu, có quán cà phê vườn ở đường Quang Trung. Bỏ lại sau lưng gia đình, trường lớp. Cũng may, người bạn chí thân luôn đồng hành cùng anh.



Lần nọ, bộ đội đóng quân ở mũi Ba Tân Gân, một địa điểm ở một bán đảo gần Quảng Ngãi. Biết bạn mình được sắp về phép, anh rủ bạn ra ngồi hiên sau trại lính chuyện trò. Anh và người bạn ngồi bên nhau, thật lâu, cả hai trầm ngâm. Mãi lúc sau, anh lên tiếng, phá tan sự yên lặng:



– Mày về phép, có đi đâu không?



– Chỉ có ba ngày. Tao về ở nhà, cho bà già vui.



Anh rút trong túi tờ giấy học trò, có bài thơ anh làm. Thuở ở trường, anh là trưởng ban báo chí. Bạn bè vẫn trầm trồ nét bút rồng bay phượng múa của anh. Anh bỗng buồn buồn, nhớ bài hát vui vui anh nghe những năm trước, thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay. Mấy tháng làm bộ đội, đã làm tâm hồn anh mệt mỏi, cằn cỗi. Chữ viết đâm ra nguệch ngoạc. Anh nhỏ giọng:



– Mày đến quán cà phê Uyên, đưa thư này cho Thúy. Nhớ đưa tận tay nhe.



Anh gọi là thư, nhưng chỉ vẻn vẹn bài thơ. Chứ không có thêm chữ nào, để bài thơ thành lá thư.



Người bạn về đến nhà, ngồi chơi với cha mẹ một lúc. Bà mẹ rạng rỡ, lăng xăng nghĩ nấu món ăn đãi đằng con trai. Người bạn vội đạp xe đến quán cà phê. Thị xã Quảng Ngãi bé tí. Có lẽ còn nhỏ hơn Pleiku của thi sĩ Vũ Hữu Định. Người bạn đến, chỉ gặp Mạ của nàng. Nàng phải theo trường lớp đi đào kênh, đắp đập đâu đó.



Hôm cuối cùng, người bạn lại ghé quán cà phê, trước khi trở về đơn vị trình diện. Người bạn vẫn không gặp nàng. Thuở ấy, không có điện thoại để nhắn tin. Người bạn không dám đưa thư cho Mạ nàng. Người bạn bỏ bài thơ trong phong bì dán kín. Tính tìm cô giúp việc, nhờ cô chuyển. Vờ hỏi bâng quơ, người bạn mới biết, gia đình nàng đã phải cho tất cả người giúp việc nghỉ làm, sợ bị mang tiếng tư bản bóc lột. Người bạn áy náy lắm, vì không làm tròn việc anh nhờ, dù chỉ là việc bé cỏn con. Người bạn biết anh đang lóng ngóng chờ tin. Về lại đơn vị, người bạn ngài ngại trả phong bì có bài thơ cho anh. Anh thất vọng lắm. Anh rầu giọng:



– Mày giữ giúp. Lúc nào có dịp, trao cho Thúy.



Dòng đời ngược xuôi, xô đẩy nàng đi, càng lúc, càng xa mãi quê nhà. Cả anh và người bạn không gặp lại nàng. Anh vẫn ở nơi tỉnh lỵ nhỏ bé, nhưng rất thân thiết ấy. Người bạn lưu lạc đến mãi tận cùng của đất nước. Hai người rất ít liên lạc với nhau. Nhưng trong tâm tưởng, vẫn là đôi bạn thân, từ tuổi hoa niên cho đến khi vào tuổi cao niên. Người bạn vẫn giữ bài thơ của anh và canh cánh trong lòng nỗi băn khoăn, không thực hiện được chuyện anh gởi gắm. Người bạn buồn thảng thốt, khi biết tin anh lâm trọng bệnh, giã từ cõi tạm khi anh vừa qua tuổi 60. Người bạn nghĩ, sẽ có dịp nói đôi lời tạ lỗi trước vong linh của anh.



Ngày ấy, phải chi có duyên, nàng đã được đọc bài thơ trong chữ viết tay rất lả lướt của anh. Nếu vậy, có lẽ nàng ngượng ngùng, lúng túng, lí nhí nhờ người bạn nhắn gởi lời cám ơn anh và gởi lời thăm anh. Cũng có lẽ, nàng chép vội mấy câu thơ gởi anh.



Vẫn lặng lẽ để anh nghe vừa đủ/ Vẫn thờ ơ cho rủ hết màn the/ Vẫn mỉm cười rồi vẫn lấy tay che/ Cho cặp mắt bỗng nhiên mười sáu tuổi

(Bài thơ còn lại, Hoàng Anh Tuấn)



Mãi bây giờ, khi anh đã yên nghỉ nơi miền vĩnh phúc, nàng mới biết đến những vần thơ anh viết tặng nàng. Nàng đốt nén hương lòng, thầm nói với anh lời cám ơn.



Ban chiều, tít tận cực nam của châu Phi, ở Cape Town, trong lúc đi dạo quanh khu phố Waterfront, tình cờ, nàng được mời nhìn vào viễn vọng kính để thấy nửa vầng trăng. Vừa dán mắt vào ống kính, nàng nghe lời cắt nghĩa của người chủ viễn vọng kính. Vầng trăng đó, là vệ tinh cho trái đất. Rời mắt khỏi ống kính, ấn tượng còn lại trong trí nàng, mặt trăng chỉ là một khối đất đá tròn tròn, cách địa cầu gần 400 ngàn cây số. Chỉ vậy thôi.



Mấy tiếng đồng hồ sau, những dòng chữ li ti trên điện thoại đã giúp nàng đi ngược lại những ngày tháng của nhiều thập niên trước. Nàng thấy lại một khoảng đời nhiều biến động. Ngày tháng đó, cuộc sống của anh, của nàng bị bủa vây bởi biết bao nhọc nhằn, thống khổ. Nhưng anh vẫn cho nàng được làm “em gái giữa tim anh“. Anh đã viết những câu thơ thật đẹp cho nàng.



Ngay lúc này, nàng bỗng nhớ tha thiết một vầng trăng.


Hoàng Quân
_________________

Trích lời ca trong các nhạc phẩm:

Tuổi Mộng Mơ của nhạc sĩ Phạm Duy

Tình Thư Của Lính của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

* Bài thơ chép lại theo trí nhớ của thi sĩ Nguyễn Minh Phúc, một người bạn của thi sĩ Trầm Thụy Du. Trong bài thơ có vài chữ, câu khác với bài thơ Nhớ Một Vầng Trăng đăng trong trang web Sắc Màu Thời Gian.
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.129 giây.