Các học sinh cấp ba chơi game trong một quán internet ở Hà Nội hôm 4/1/2018 (hình minh hoạ)
AFP
Bắt đầu từ ngày 1/10 tới, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ bắt đầu trực tiếp thực hiện việc đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về an ninh mạng, theo quy định của Nghị định 53 mới được ban hành hôm 25/8 vừa qua.
Theo quy định của Nghị định này, các trường hợp bị Bộ Công an thu hồi tên miền bao gồm những trường hợp có tài liệu chứng minh là hoạt động của hệ thống thông tin là vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, an ninh mạng; và các hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Trong vòng 24 giờ kể từ khi có yêu cầu, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an phải gửi văn bản yêu cầu đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin.
Luật An ninh mạng của Việt Nam và Nghị định 53 đã vấp phải nhiều sự chỉ trích của quốc tế và các nhà hoạt động dân sự trong nước. Những người phản đối cho rằng các quy định trong Luật và Nghị định mới hạn chế quyền tự do Internet, quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân.
Nghị định 53 bắt các hãng công nghệ phải lưu trữ ngay tại Việt Nam dữ liệu người sử dụng cũng như thành lập văn phòng tại quốc gia này. Cơ quan chức năng có quyền đưa ra yêu cầu thu thập dữ liệu để phục vụ công tác điều tra và yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ xóa nội dung bị cho vi phạm đường lối, chính sách của Chính phủ.
Hôm 9/9 vừa qua, Phòng Thương mại Mỹ, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam cùng với Liên minh Internet Châu Á đại diện cho các hãng công nghệ lớn gồm Google, Meta và Amazon đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính để phản đối quy định bắt lưu trữ dữ liệu và đặt văn phòng tại Việt Nam trong Nghị định mới.
Theo RFA