Hoa hậu Myanmar Han Lay
Hoa hậu Myanmar, vốn lên tiếng phản đối chế độ quân sự ở đất nước mình và bị kẹt tại sân bay Thái Lan, cho biết cô thấy nhẹ nhõm nhưng vẫn giữ thái độ phản đối sau đến Toronto hôm 28/9.
Cô Han Lay đã thu hút sự chú ý toàn cầu hồi năm ngoái với bài phát biểu trong cuộc thi hoa hậu về các cuộc đàn áp chết chóc của quân đội nhằm vào các cuộc biểu tình chống chính quyền quân sự. Sau khi ở Thái Lan một năm qua, cô đã không được cho nhập cảnh trở lại sau khi ra khỏi Thái Lan một thời gian và đã phải ở tại sân bay Bangkok trong nhiều ngày. Cô đã lên mạng xã hội khẩn nài là đừng đưa cô trở về Myanmar.
“Kể từ khi đến được đây, tôi thấy an toàn và những lo lắng của tôi đã biến mất,” cô nói với Reuters qua điện thoại từ sân bay quốc tế Toronto, nơi cô đang chờ nối chuyến bay đến miền đông Canada. “Tôi luôn ủng hộ nền dân chủ Myanmar; Tôi sẽ luôn ủng hộ nhiều nhất có thể”.
Cô gái 23 tuổi này, tên thật là Thaw Nandar Aung, cho biết cô sẽ sống ở Prince Edward Island, một tỉnh ngoài khơi Đại Tây Dương của Canada, với sự hỗ trợ của chính phủ nhưng không nói rõ cô sẽ ở đó bao lâu hay tình trạng di trú của cô ở Canada là gì.
Các quan chức nhập cư Thái Lan đã từ chối cho cô nhập cảnh trở lại hồi tuần trước sau một chuyến đi ngắn đến Việt Nam, nói rằng cô đang sử dụng giấy tờ không hợp lệ. Han Lay đến Toronto qua ngả Seoul, trên một chuyến bay của hãng Korean Air.
Myanmar đã bị bao trùm trong bạo lực kể từ khi quân đội lên cầm quyền hồi đầu năm ngoái, với các cuộc đụng độ giữa chính quyền quân sự và các nhóm dân quân liên minh với chính phủ đối lập và các nhóm ủng hộ dân chủ. Chính quyền cũng đàn áp các nhóm ủng hộ dân chủ và thanh niên, các nhà hoạt động, chính trị gia, người nổi tiếng và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Một giám đốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết các lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar đang sử dụng quyền kiểm soát hộ chiếu như vũ khí chống lại quyền đi lại quốc tế của công dân.
“Những hành động như vậy cần bị lên án rộng rãi, và các chính phủ trên khắp thế giới nên đề phòng phe quân phiệt sử dụng các chiến thuật tương tự đối với các nhà bất đồng chính kiến ở nước ngoài dùng hộ chiếu Myanmar để đi lại trong tương lai,” ông Phil Robertson nói trong một tuyên bố.
Theo VOA