Một điểm kiểm soát an ninh gần Quảng trường Đỏ, Matcơva. Quảng trường Đỏ đóng cửa trước khi công bố kết quả "trưng cầu dân ý" tại bốn vùng đất của Ukraina. Các cuộc trưng cầu này bị quốc tế lên án. Ảnh chụp ngày 29/09/2022. REUTERS - EVGENIA NOVOZHENINA
Ngày 21/09/2022, tổng thống Nga bất ngờ ra lệnh động viên bán phần, dự kiến huy động cấp tốc thêm hàng trăm nghìn binh sĩ cho cuộc chiến tại Ukraina. Cùng với quyết định trưng cầu dân ý tại bốn vùng đất chiếm đóng ở Ukraina và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, quyết định động viên nói trên đánh dấu chính sách leo thang chiến tranh tại Ukraina của điện Kremlin.
Nước Nga sẽ đi về đâu với bước leo thang này ? Ngay sau quyết định của tổng thống Vladimir Putin, chỉ trong vòng ít ngày, hàng trăm nghìn người Nga đã tìm cách rời khỏi Nga bằng mọi phương tiện có thể. Biểu tình phản chiến nổ ra khắp nơi trên đất Nga. Một số nhà quan sát so sánh tình hình hiện nay tại Nga với đêm trước các cuộc cách mạng Nga năm 1917. Sử gia Françoise Thom (*) có bài trả lời phỏng vấn báo Atlantico, nhan đề ‘‘La Russie face à un scénario 1917 ?’’ (đăng tải ngày 26/09/2022). RFI xin giới thiệu.
***
Atlantico: Trong lúc tổng thống Nga thông báo động viên một phần đối với 300.000 người Nga, một số dữ liệu dường như cho thấy là điện Kremlin có thể huy động đến một triệu binh sĩ, được tổ chức thành ba đợt. Liệu dân chúng Nga có nổi dậy chống lại chính sách động viên quy mô lớn như vậy không ? Françoise Thom: Lịch sử cho ta biết rằng, bên dưới vẻ bề ngoài đầy uy lực của chế độ độc tài tại Nga, tình trạng hỗn loạn là không xa. Chúng ta đã thấy tại Ukraina hai khía cạnh tiêu biểu của nhà nước Nga, thường bị đánh giá thấp ở nước ngoài. Thứ nhất là khuynh hướng dàn dựng các ảo ảnh, hay ‘‘tung hỏa mù’’, nếu ta muốn dùng cụm từ này. Thứ hai là thực trạng vô chính phủ chìm khuất bên dưới hệ thống quan liêu. Tuyên bố về quân đoàn 3 lực lượng dự bị được thông báo rầm rộ trong mùa hè vừa qua (với khoảng 140.000 binh sĩ sẽ được huy động) trên thực tế chỉ là một dạng ‘‘đồ giả Potemkine’’ (diễn đạt nhắc đến sự tích nhiều mô phỏng kiến trúc hào nhoáng đã được dựng lên để làm hài lòng nữ hoàng Nga Catherine II cuối thế kỷ XVIII - người dịch).
Nhiều vũ khí ‘‘không đâu có trên thế giới’’ mà chính quyền Putin quảng bá trên thực tế chỉ có đủ cho các cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ. Phong cách tổ chức hỗn loạn có tính truyền thống của Nga cũng đã lộ ra một cách thê thảm hồi tháng 3/2022, với dòng xe tải vô tận nằm chết dí do thiếu xăng và lốp. Trong hiện tại, chúng ta thấy tình trạng hỗn loạn không bút nào tả nổi, bùng lên với làn sóng bắt lính đầu tiên, được tổ chức theo mô hình cuộc Đại Thanh Trừng của chế độ Staline năm 1937. Bộ Quốc Phòng ấn định số lượng lính cần huy động cho các địa phương, còn các địa phương làm tất cả để hài lòng cấp trên: một cuộc săn người thực sự đã diễn ra, bất cứ đàn ông nào dưới 60 tuổi cũng đều bị bắt đi. Nhiều cuộc thăm dò dư luận bí mật cho thấy uy tín của Putin sụt giảm mạnh.
Nhiều nhà phân tích so sánh tình trạng hiện nay với năm 1917. Đâu là sự tương đồng giữa tình trạng hiện nay và giai đoạn trước 1917? So sánh này có giá trị đến mức độ nào? Đối với một chế độ đã suy yếu, do một cuộc khủng hoảng kéo dài nhưng chưa bùng phát, thì các cuộc vận động xã hội rộng lớn luôn là một hiểm họa. Điều đã đúng với nước Nga vào năm 1914 cũng đúng với nước Nga hiện nay. Trong cả hai trường hợp, nhà nước Nga tỏ ra bất lực trong việc tổ chức các nỗ lực phục vụ chiến tranh. Từ mùa thu năm 1914, chiến tranh đã làm lộ rõ sự lơ là của chế độ: sự thiếu hụt lực lượng dự bị có năng lực chỉ huy. Chỉ trong vòng ba tháng, một số lượng lớn sĩ quan chuyên nghiệp bị loại khỏi vòng chiến đấu. Thêm vào đó là tình trạng yếu kém trong bộ phận chỉ huy cao cấp, bởi việc thăng chức chủ yếu là do lòng trung thành với Sa hoàng.
Đến cuối năm 1914, các dự trữ về vũ khí đạn được đã cạn kiệt. Việc thiếu đạn dược làm quân Nga mất thế. Sau các thất bại năm 1915, xã hội Nga chủ động tổ chức chiến đấu. Tuy nhiên, Sa hoàng lo ngại các sáng kiến xuất phát từ giới quý tộc và thị dân. Kết quả là hệ thống quyền lực bị tê liệt. Ngày 5 tháng 9 năm 1915, Sa hoàng Nicolas II nắm quyền trực tiếp chỉ huy Quân đội.
Năm 1915, xã hội Nga tổ chức các hoạt động hỗ trợ tiền tuyến, nhưng đến năm 1916, đến lượt hậu phương cần được lập lại trật tự. Bắt đầu từ tháng 11/1916, lạm phát, bãi công, khó khăn trong các hoạt động cung ứng đã đẩy căng thẳng lên đến đỉnh điểm. Trong một diễn văn tại Hạ Viện Nga (Duma), ông Milioulkov, thủ lĩnh đảng KD (tên gọi tắt của đảng Dân Chủ Lập Hiến theo chủ nghĩa tự do) đã lên án sự phản bội của chính quyền với những lời lẽ dữ dội. Người ta nghi ngờ Hoàng hậu và những người được Hoàng hậu sủng ái đồng lõa với nước Đức. Cánh hữu dân tộc chủ nghĩa liên minh với đối lập theo chủ nghĩa tự do. Quân đội Nga trên chiến trường bắt đầu tan rã. Vào tháng 1/1917 đã có hơn một triệu quân nhân đào ngũ.
Những điểm tương đồng giữa tình hình hiện tại với những năm 1916-1917 là đầy ấn tượng. Cũng cùng một lớp quan chức năng lực thấp có quan điểm chính trị bảo thủ được bổ nhiệm vào các vị trí chỉ huy quân sự. Cũng cùng một tình trạng thiếu sĩ quan. Cùng tham vọng của lãnh đạo tối cao, tổng thống Putin, trực tiếp điều hành các chiến dịch. Cũng cùng một sự bất lực của bộ máy quan liêu trong hoạt động tổ chức các nỗ lực cho chiến tranh.
Ta cũng thấy trong thời gian gần đây, có sự hội tụ về quan điểm, giữa hai phái, phái dân tộc chủ nghĩa cứng rắn và phái tự do, trong việc lên án dữ dội chế độ Putin. Điện Kremlin bị nghi ngờ về tội phản quốc kể từ cuộc phản công của Quân đội Ukraina tại tỉnh Kharkiv, và việc Nga trao trả các tù binh của trung đoàn Azov. Nạn tham nhũng hiện nay thì vượt xa thời Sa hoàng. Người ta thấy là chỉ cần một cú đấm đã đủ làm bẹp mũ quân nhân, các ổ bi bằng nhựa tìm thấy trong xe tăng, các khẩu phần ăn của binh sĩ bị chỉ huy đưa ra bán ở chợ đen.
Trong một hệ thống như chế độ Putin, nơi các bất bình đẳng là kinh hoàng, người ta có thể dự đoán là việc nhiều thành phần dân cư hòa trộn với nhau do lệnh động viên sẽ dẫn đến một không khí thuận lợi cho cách mạng. Trong các gia đình nông dân, dân chúng phẫn nộ về việc con cái của giới thượng lưu không bị bắt đi quân dịch, người ta giận dữ với việc ở hậu phương có những kẻ lợi dụng tình hình để kiếm lợi một cách ô nhục.
Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng xã hội Nga giờ đây ít được tổ chức hơn rất nhiều, ít phân hóa về mặt chính trị hơn nhiều so với xã hội Nga vào cuối thời kỳ Sa hoàng. Bên cạnh đó, còn có một khác biệt lớn. Đó là lãnh đạo Nga Putin hiện nay được thôi thúc bởi một dự án mang tính cách mạng, với mục tiêu phá hủy trật tự thế giới tự do hiện nay, điều mà ông ta thừa hưởng từ chủ nghĩa Bolshevik (tức tư tưởng của đảng cách mạng Marxist–Leninist chủ trương chuyên chính vô sản lật đổ giai cấp tư bản – người dịch). Nền tảng ý thức hệ này mang lại cho chế độ Putin một khả năng kháng cự, và trong hiện tại vẫn có khả năng chinh phục được khá đông đảo quần chúng, điều mà chế độ Sa hoàng trước đây, vào giai đoạn thoái trào, đã không có được.
Tiếp theo quyết định động viên của tổng thống Nga, diễn biến tình hình hiện nay có thể theo cùng một chiều hướng như vào năm 1917, và cùng một cách kết cục như vậy? Đâu là các kịch bản chuyển biến của tình hình hiện nay ? Nếu Quân đội Nga thất bại, chế độ Putin sẽ bị kết án. Tình hình kinh tế sẽ thêm tồi tệ : các trừng phạt kết hợp với việc giới tinh hoa chạy ra nước ngoài là những tác nhân chính. Người ta cũng sẽ chứng kiến việc người Nga đào ngũ hàng loạt, trật tự xã hội sụp đổ với sự xuất hiện của cả một khối lính tráng ô hợp, quân hồi vô phèng, đói khát, gồm đông đảo binh sĩ nhiều lần đào ngũ. Các địa phương bị rút kiệt nguồn lực sẽ nổi dậy chống lại thủ đô.
Ngược lại, nếu như Quân đội Nga có thể tiếp tục tiến lên tại Ukraina, hay trong trường hợp Putin thành công trong việc buộc khối các nước phương Tây phải nhường bước, ép Ukraina chấp nhận đầu hàng nhục nhã nhờ lá bài đe dọa hạt nhân, thì chủ nghĩa bành trướng Nga vốn luôn sẵn sàng tái sinh sẽ lấy lại được thế thượng phong, và nền thống trị của Putin, hay của những kẻ kế thừa ông, đối với nước Nga sẽ được củng cố.
Chính vì vậy chúng ta cần không chậm trễ gia tăng hỗ trợ Ukraina, nếu chúng ta muốn xua tan cơn ác mộng đang đè nặng lên châu Âu. Nước Nga đã luôn luôn tiến hành các cải cách sau các thất bại về quân sự. Một thất bại của Quân đội Nga trước Ukraina sẽ giúp cho tiến trình thoát khỏi chế độ Putin đạt được những bước tiến khổng lồ, có lợi cho tất cả, cho cả chính người Nga. Cũng đừng quên rằng Quân đội Nga, cho dù đã từng tỏ ra ghê gớm với chúng ta, đã bộc lộc những khuyết tật bất ngờ.
Việc tăng cường ồ ạt số lượng binh sĩ là một phản xạ máy móc kế thừa thời Liên Xô. Điểm yếu căn bản của Quân đội Nga hiện nay gắn liền với bản chất của chính chế độ, mà Quân đội là phần biểu hiện ra ngoài. Các sĩ quan không có khả năng đưa ra các sáng kiến riêng, họ phải thực hiện các mệnh lệnh chiến đấu hết sức không phù hợp, do chính điện Kremlin ban xuống. Ngược lại, Quân đội Ukraina là quân đội của một đất nước tự do, họ chiến đấu một cách thông minh. Chính vì vậy mà Putin mơ bình định được Ukraina, buộc dân tộc nổi loạn này phải chấp nhận số phận thảm thương của các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk.
Theo RFI
__________________
Ghi chú (*) Sử gia Françoise Thom là chuyên gia về lịch sử chính trị Nga, về nước Nga thời hậu Xô Viết. Bà là tác giả khoảng 10 chuyên khảo về lĩnh vực này, trong đó có các cuốn ‘‘Beria : Le Janus du Kremlin’’ (Trùm mật vụ Beria: Thần Janus của điện Kremlin) (xuất bản 2013), ‘‘Comprendre le poutinisme’’ (Hiểu chủ nghĩa Putin) (2018) hay ‘‘La Marche à rebours. Regards sur l’histoire soviétique et russe’’ (Ngược dòng lịch sử. Nhìn lại lịch sử Liên Xô và Nga), ra mắt độc giả năm 2021.
Sửa bởi người viết 29/09/2022 lúc 12:11:26(UTC)
| Lý do: Chưa rõ