Thế rồi cái ngày mơ ước ấy cũng đến, đám cưới thật linh đình, nhạc xập xình mấy ngày liền. Y rạng rỡ hanh phúc, dáng thẳng thớm hãnh diện làm cây tùng bên cô dâu e lệ khép nép. Họ hàng và bạn bè chúc tụng quá trời, hoa lá bày biện khắp trong nhà ngoài ngõ, quà cáp, bao thơ ngập mặt luôn. Y ngỡ mình đang ở thiên đàng, một thiên đàng sung sướng hạnh phúc có thật trên mặt đất. Y thầm nghĩ mình có phước cưới được vợ hiền, cuộc sống phong lưu đầy đủ, đời đẹp như thế thì còn có gì hơn!
Thế rồi những ngày trăng mật cũng qua nhanh như nước chảy qua cầu. Y trở lại mặt đất bước ra khỏi thiên đàng để tiếp tục cuộc sống thực tại, tuy nhiên dư âm mật ngọt của thiên đường vẫn còn nên cứ tủm tỉm cười một mình, mặt mày sáng láng tươi tắn chưa có dấu hiệu gì để nhận biết là khuôn mặt của đời thường. Y thường đọc sách và nhớ đâu đó bên tây hay bên Tàu có danh nhân đã từng nói: “Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu”hoặc giả là “Hôn nhân là dịch bài thơ ra văn xuôi”… Y không tin, y phản bác mạnh lắm. Y bảo: “Chắc khứa lão nói câu ấy bị bà hành quá nên quạu”. Ngay từ hồi còn yêu chưa cưới vợ, y đã tin chắc là vị danh nhân nào nói câu đó hoàn toàn sai, chỉ vì ông ta không được hạnh phúc trong đời sống vợ chồng.
Thế rồi thời gian qua mau như nước chảy mây bay, trăng mật ong dần dần chuyển thành mật gấu, mật cóc, mật cá trắm...Y thấm dần, cứ như thể mưa dầm thấm lâu, sự cảm nhận thẩm thấu mật gấu của y cũng thế, từ từ từng chút một, ấy vậy mà cũng đến lúc đầy lên tận cổ.
Thực tình mà nói thì vợ y cũng xinh, mắt môi thanh tú, dáng nhỏ lưng ong, đã thế hay lam hay làm, đảm đang chăm chỉ, thủy chung, đứng đắn, đo ngắn cắn dài, ghen dai nhớ kỹ, tính toán chi li, diễn suy bá láp, rập khuôn thủ cựu… hễ y mà ra khỏi nhà là lập tức điện thoại cầm tay đổ chuông liên hồi, vợ gọi tới tấp, bất kể giờ giấc nơi chốn mà y đang có mặt. Y từng nhắc vợ đừng gọi khi đang bận họp, vợ không quan tâm. Khi đang lái xe, vợ cũng mặc kệ. Vợ gọi là gọi, nhiều lúc đang nhậu với bạn bè, vợ gọi gắt quá. Bạn nhậu cười: –
– Rồi, bà lớn đang nóng ruột, mẹ thằng cu sợ bố thằng cu ngửi hoa bắt bướm.
Bạn nhậu ghẹo quá, y bèn tắt điện thoại cá nhân, đêm ấy về, vợ không mở cửa, y phải dùng chìa khóa phụ để mở cửa vào, cả mấy ngày sau tổ uyên ương lạnh như hang băng của gấu tuyết. Vợ đóng mặt lạnh như hình sự điều tra. Y phải thấp giọng hạ mình xuống năn nỉ:
– Em yêu, anh chỉ nhậu với bạn bè thôi mà! Hổng có bướm hoa gì hết ráo.
Y kì kèo năn nỉ mãi vợ mới chịu mở miệng, lên giọng:
– Tại sao anh không bắt phone?
– Em gọi nhiều quá, bạn bè ghẹo nên anh mới tắt máy.
– Anh coi bạn hơn vợ à?
– Đâu phải vậy, bạn là bạn vợ là vợ, sao mà so sánh được hả?
– Anh trọng ăn nhậu bù khú bạn bè hơn vợ ở nhà, vậy anh theo bạn nhậu luôn chứ về làm gì?
– Hổng phải đâu em, vợ là nhất rồi nhưng sống ở đời cũng cần có bạn bè giao tiếp chứ!
– Bạn gì? Toàn bọn ăn nhậu dê xồm, uống đã đời rồi gái gú bậy bạ ai mà biết.
– Trời, nhậu vui thôi em, rất trong sáng, hổng có gái gú ghệ gì đâu.
– Ai àm biết được nhóm đàn ông mấy anh, ngoài bàn nhậu thì sáng mà trong phòng tối hù, coi chừng có ngày bị si đa, giang mai, lậu… à nha.
Có những ngày sau buổi làm việc, y đi tập gym cho khỏe mạnh, bớt uể oải sau những giờ ngồi lì ở văn phòng. Vợ chẳng những không thông cảm mà lại còn mỉa mai:
– Tập tành gì? Bày đặt đi gym để đàn đúm, hổng chừng đi riết rồi thành bóng xà bang.
Vợ nói mặc vợ, y cứ đi tập gym sau mỗi buổi làm, vợ nói riết mỏi miệng thì thôi. Y tham gia mấy nhóm văn thơ trên mạng, cũng sáng tác tối tạo dăm ba bài thơ cho vui vẻ, nâng cao thẩm mỹ và đời sống tinh thần. Vợ thấy thế dè bỉu:
– Văn thơ ấm ớ phù phiếm, toàn mấy trự lãng mạn rồi ngoại tình tư tưởng, thủ dâm tinh thần…
Nghe riết rồi quen, tuy nhiên nhiệt huyết tham gia hoạt động xã hội cũng tiêu tan, Y đi làm về nằm nhà ôm tivi hay laptop cho nó lành, ấy vậy mà cũng không yên với vợ. Vợ nghi ngờ:
– Dạo này thường xuyên siêng lên mạng quá hén! Chắc là tìm gà tơ, mèo non hay nạ dòng? Suốt ngày chát chít tầm phào vô tích sự!
Đến nước này thì y giơ hai tay kêu trời, thiếu điều khóc rống lên ba tiếng rồi cười khàn ba hơi như những chí sĩ chịu oan khốc vì quốc gia đại sự.
Thế rồi cuộc sống cứ như thế, những cuộc chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh liên miên, ba ngày tiểu chiến bảy ngày đại chiến. Y cố sức nhịn nhục nhưng vợ chẳng biết điều, càng ngày càng làm già. Y muốn ấm êm trong gia đình nhưng vợ ngỡ mình là bà chủ nên ngày càng quá quắt, nhiều lúc y thấm mệt muốn buông mà vợ lại không hiểu nên càng quản chặt hơn. Tiền bạc tiếng là của chung nhưng vợ giữ khư khư như mèo giấu cứt, mỗi tuần vợ nhét vào bóp của y một khoản nhỏ đủ để cà phê thuốc lá thôi. Nhiều lúc y muốn làm việc nọ việc kia hay giúp người này người khác thì đành bó tay, hễ đụng đến tiền là vợ tru tréo lên làm như đói kém khổ sở ngay lập tức vậy.
Một hôm y định nói với vợ về quê thăm bà già ít ngày, vợ y lập tức dảnh mỏ:
– Bày đặt thăm bà già, bả sờ sờ ra đó chứ có mất cộng lông nào, chẳng qua là lấy cớ đề về thăm con mèo hồi xưa chứ gì.
Y không muốn nói gì nữa, biết có nói cũng vô ích, chỉ tổ hại thần mệt thân, nói với cái đầu đông đặc của vợ thà nói với đầu gối của mình còn hơn, trong người tức tối bực bội, một khoảnh khắc vô thức y lầu bầu:
– Phụ nữ trước khi cưới là con mèo dễ thương mướt mát, sau khi cưới về thì thành sư tử hết ráo, xù lông trông dữ như cọp beo, mè nheo như vịt cạp.
Vợ nghe thấy, lập tức giãy đành đạch:
– Anh nói ai sư tử? Ừ, tui là sư tử đó thì sao? Tui sư tử tại vì anh dê xồm, heo nọc.
Y không tranh cãi với vợ, chỉ nói khơi khơi như thể bâng quơ:
– Con mèo nhỏ nhẻ khiến người ta thương, sư tử xù lông gầm gừ chỉ tổ khiến người ta ngán mà thôi! Khôn ngoan thì cứ làm con mèo ỏn ẻn vẫn hay hơn là sư tử
– Tui làm sư tử để giữ hạnh phúc gia đình, tui mà hổng xù lông nhím thì mấy con mèo, mấy con gà móng đỏ khác nó đã phá nát gia đình rồi.
– Sư tử nào giữ được hạnh phúc gia đình? Nó khiến cho hạnh phúc bỏ chạy thì có!
– Vậy giờ anh muốn gì?
– Chẳng muốn gì ngoài hạnh phúc ấm êm như lúc trước.
Nói xong y bỏ đi, y biết cãi một lúc nữa thì đĩa bay xuất hiện và cảnh quan trong nhà sẽ giống như bề mặt sao hỏa hay mặt trăng. Sự việc cứ cù nhầy dây dưa buông chẳng đặng dứt không ra. Y vẫn thế, vợ vẫn vậy. Vợ kiểm soát từng chi tiết mặc cho y góp ý hay phản đối và ra tuyên bố quan ngại, cực kỳ quan ngại. Y nhiều lần nhắn tin vợ phải bỏ qua tiểu tiết để giữ lấy đại cục, phải thực hiện tứ tốt thập lục hảo thì gia đình mới hạnh phúc và hữu hảo. Ấy vậy mà vợ chẳng nghe, vẫn chứng nào tật đó, thậm chí càng ngày càng quá quắt hơn, khi thì rình mò xem lén trang mạng cá nhân của y, dò từng tin nhắn của mọi người gởi đến, lúc thì nghe lén khi y phone cho người khác. Có khi y vừa lái xe về thì vợ sờ ghế kế bên xem thử có ấm hay không, nếu còn ấm thì tra vấn đã chở con mèo ỏn ẻn hay con gà móng đỏ nào phải không? Vợ còn xem cây kim bình xăng xuống đến đâu, số dặm hôm nay chạy bao nhiêu, nếu nhiều dặm hơn bình thường thì hôm nay đã đi đâu? Rồi vợ kiểm tra xem có rút tiền trong nhà băng hay không, xét chỗ giấu tiền mặt trong nhà có bị mất dấu hay không...Y biết hết cả nhưng cứ giả dại để qua ải. Mặc dù nhịn như vậy, cố giữ như vậy nhưng vợ không hiểu, không chịu từ bỏ làm sư tử. Nhiều lúc y tự an ủi bản thân: “Có lẽ đã trở thành sư tử rồi thì không thể trở lại làm mèo”. Những lúc rảnh rỗi vợ vẫn thường khơi khơi:
– Mấy con mèo ỏng ẻo nhõng nhẽo coi vậy chứ bạc lắm, hết tiền là nó bỏ ngay lập tức!
– Sao em hổng làm mèo mà làm sư tử chi cho mệt vậy?
– Í, đâu có được! Em phải làm sư tử để canh chừng những con mèo đó!
– Em cứ là mèo thì những con mèo khác cũng chẳng dám bén mảng tới đâu!
– Không được! Em phải làm sư tử mới trị được bệnh dê xồm ong bướm…
Thế là sự thể vẫn y nguyên như cái tên nguyễn y vân của y. Y ngán ngẩm dễ sợ, y thấy đời mình đã dịch bài thơ lãng mạn ra văn xuôi rồi, dịch một cách sát nghĩa và trần trụi luôn. Thỉnh thoảng y đùa với bạn bè: “sáng chở cơm đi ăn phở, tối chở phở đi ăn cơm”. Y chỉ có cơm mà là cơm khê nhão mới chết chứ! Trong những lúc bí bách y thầm nghĩ: “Hay là ta đi tìm phở ăn cho bỏ ghét?”nghĩ thế thôi chứ y chưa bao giờ làm vậy. Y thương vợ, thời đại này là thời đại nam nữ bình quyền, thời đại "Lady first". Ngày xưa ông bà mình cũng từng trải kinh qua quá trình dịch bài thơ ra văn xuôi nên đã thấm thía: "Nhất vợ nhì trời”. Ông trời mà còn đứng hàng thứ hai sau vợ thì phải biết, những con sư tử Hà Đông với giấm chua nó ghê gớm như thế nào. Hễ nhớ đến câu “nhất vợ nhì trời”thì y cảm thấy khoái dễ sợ, thấy được an ủi vô cùng. Các cụ tổ Adam nhà mình đã bị các cụ bà Eva hành cho lên bờ xuống ruộng, các lão bà bà ngày xưa cũng đã là những con mèo ỏng ẹo trước khi cưới và trở thành sư tử ngay sau ấy. Nghĩ đến đây y sanh khâm phục khứa lão danh nhân nào đó đã mạnh mồm tuyên bố: “Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu”, tuy nhiên y muốn đính chính tí xíu: Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu nhưng trong mồ ấy lại đầy thú thương đau ai cũng phải trải qua, càng đau thương thì càng thương mà đau và cũng chẳng có khứa lão hay đực rựa nào đủ can đảm từ chối thú thương đau này! Cũng chả có mấy ai thoát khỏi nấm mồ này, may ra chỉ có những vị tu sĩ". Hỡi những chú nhóc tơ mới lớn chớ vội săn cho được con mèo bé bỏng để rồi sớm muộn gì nó cũng biến thành con sư tử Hà Đông một khi dại dột cưới về.
09/22
Tiểu Lục Thần Phong