logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 01/10/2022 lúc 11:48:43(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Chị Ngâu ăn xong món bún thịt nướng chán chê, còn lại một ít thì không ăn nổi nữa. Chị đẩy những đĩa đồ ăn thừa sang một bên. Nhà hàng này nổi tiếng với món bún chả Hà Nội của miền Bắc dù nhà hàng ở thành phố Sài Gòn miền Nam. Chồng chị, anh Cheng vừa đứng lên đi về phía cuối nhà hàng tìm nhà vệ sinh, chỉ còn hai mẹ con chị trước mặt bàn với bát đĩa, và đồ ăn thừa ngổn ngang. Thằng Vàng của chị mới lên 4 tuổi chỉ ăn mấy miếng thịt nướng với bún rồi quay ra uống nước ngọt, nhất định không ăn thêm miếng thịt nào nữa. Chị cũng nâng ly nước ngọt và bâng quơ nhìn quanh, ánh mắt chị dừng lại nơi hình ảnh 2 người ăn xin ngay bàn khách bên cạnh bàn chị. Một thằng bé và một bà già đang túm áo nó như sợ bị bỏ rơi hay đi lạc mất nhau.



Thằng bé chìa tay xin tiền, thực khách bàn ấy có người móc túi dúi cho nó ít đồng, nhưng thằng bé chưa vội đi, nó nhanh chóng thu gom những đồ ăn thừa trên bàn và đổ vào trong một cái túi ni lông mang sẵn rồi mới rời khỏi bàn. Khi nó quay mặt ra, tim chị bỗng giật thót lên một cảm giác lạ lùng, hình như thằng bé có cái gì rất gần gũi, quen thuộc với chị? Và khi chị cố tìm cách nghiêng người nhìn bà già thì chị thất thần, chị như chợt lên cơn nhức đầu đến quay cuồng chóng mặt.



Họ đang đi về phía bàn của chị, chị Ngâu hồi hộp, bối rối chỉ sợ anh Cheng về tới, chị vội quay mặt đi hướng khác để 2 người ăn xin này đừng bén mảng đến bàn chị. Nhưng thằng bé đã đứng cạnh chị rồi, tiếng của nó cất lên, van vỉ cầu cạnh:



– Bác ơi, làm ơn làm phước cho cháu xin tiền nuôi bà cháu…



Không thể không quay mặt lại, chị rùng mình thảng thốt vì gương mặt thân quen của thằng bé và bà già thì đang nhìn thẳng vào mặt chị bằng cái nhìn ngay đơ vô hồn. Chị vừa nhẹ lòng vì thoát nỗi lo ngại vừa thêm thảng thốt vì biết bà đã bị mù.



Chị nhanh chóng mở ví tiền rút ra một nắm không cần đếm bao nhiêu dúi ngay vào bàn tay bé nhỏ của thằng bé và run giọng hỏi:



– Cháu lên mấy?



Nhận được món tiền hậu hĩ, thằng bé vui mừng hấp tấp xếp lại những tờ giấy bạc và nhét vào túi quần, cẩn thận cài kim băng mà quên chưa trả lời câu hỏi của người khách sộp. Bà già nãy giờ nghiêng tai lắng nghe và trả lời thay cho cháu:



– Cháu nó 8 tuổi.



Chị run run hỏi tiếp:



– Khổ! Mới có 8 tuổi đầu mà phải đi xin ăn, thế… cha mẹ nó đâu?



Bà già lại nghiêng tai lắng nghe và có vẻ không hiểu gì, chị Ngâu tin chắc bà bị lãng tai, hơn nữa nhà hàng lại ồn ào tiếng nói cười lẫn tiếng nhạc. Chị lặp lại câu hỏi chậm rãi hơn, thì bà mới nghe ra:



– Mẹ cháu chết từ lúc nó lên 3 bác ạ, còn bố nó mới chết vì sốt rét rừng nên bà cháu tha nhau về đây.



– Nhà làm gì trên rừng hở bà?



Đi kinh tế mới ở Lào Cai, được vài năm thì bố nó ngã bệnh sốt rét chết. Hai bà cháu một già một trẻ chẳng làm lụng việc ruộng vườn được thì ở đấy làm gì, nhỡ vướng sốt rét lại khổ thôi.



Hình như có người hỏi để được dịp trút nỗi lòng, bà gìa kể lể tiếp:



– Về quê thì ruộng nương nhà cửa không còn, mà chỉ thêm buồn vì cảnh cũ người xưa, nên bà cháu quyết không bao giờ bén mảng về quê, mới vào Nam tha phương cầu thực như thế này.



Chị ái ngại hỏi:



– Hình như mắt bà kém lắm?



– Tôi chẳng còn nhìn thấy gì nữa, mắt mờ, tai nghễnh ngãng từ lâu rồi, không có tiền đi bác sĩ khám mắt và thuốc thang, lại khóc nhiều vì thương con thương cháu nên tăm tối mù lòa luôn. Cũng đành cái số…



Trong lúc bà nó nói chuyện, thằng bé không bỏ phí thì giờ, nó vơ vét những thức ăn thừa đổ vào túi ni lông và gói ghém lại cẩn thận, sợ những thức ăn thơm ngon này sẽ rơi mất. Chỉ trong chớp mắt, những đĩa bát đã sạch trơn. Xong nó kéo tay bà nó:



– Đi bà ơi, bàn bên kia có nhiều người lắm.



Chị Ngâu chưa biết nói sao, muốn níu chân thằng bé lại dù chị không biết phải làm gì hơn trong lúc này thì anh Cheng về đến, nhìn thấy nét mặt chị còn ngơ ngác anh hỏi:



– Gì thế em?



Chị gượng cười nhìn chồng:



– Có gì đâu anh, hai bà cháu thằng bé ăn xin vừa xin tiền và lấy hết những thức ăn thừa này. Em cảm thấy thương xót cho họ thôi.



Anh dăn dò:



– Lần sau đừng để họ đến gần, đám xin ăn bao giờ cũng bám vào chúng ta để cầu cạnh.

*



Trưa về nằm nghỉ trong khách sạn sang trọng, giường nệm êm ái, máy lạnh mát mẻ với thằng bé Vàng đang ngủ ngon bên cạnh, chị Ngâu vẫn không chợp mắt cho giấc ngủ trưa được. Anh Cheng đang bận đi họp với đối tác làm ăn. Anh Cheng là giám đốc một công ty ở Singapore, làm ăn với vài công ty bên Việt Nam từ nhiều năm nay, nên chuyện về Việt Nam với anh rất thường xuyên. Do nhu cầu công việc và đi lại Việt Nam nhiều lần, ở lại nhiều ngày nên anh Cheng có thể nói tiếng Việt Nam, nhất là từ khi kết hôn với chị Ngâu thì khả năng nói và hiểu tiếng Việt của anh đã hoàn chỉnh hơn.



Chị Ngâu quay cuồng với những hình ảnh quá khứ của mấy năm về trước. Ngày ấy chị còn là cô thôn nữ làng Chuông, nhà nghèo nhất nhì trong làng, nhưng chị cũng xinh đẹp nhất nhì trong làng, có nhiều anh con trai để ý chị, nhưng ở tuổi mới lớn, tâm hồn ngây thơ, chị Ngâu chưa biết kén chọn so đo, chị yêu anh Cư người cùng làng và nhà cũng nghèo như nhà chị. Bố anh mất sớm, mẹ anh ở vậy từ thời son trẻ để nuôi con, nên chỉ có anh Cư là người con duy nhất, đủ để nối dõi, thờ cúng tổ tiên ông bà.



Hai mẹ con có hai sào ruộng, ngày làng xã phân chia ruộng đất theo đầu người, mẹ anh góa bụa, nghèo nàn, thân cô thế cô không họ hàng để nương tựa nhờ vả và không tiền bạc đút lót cho quan làng quan xã, nên mảnh ruộng xấu nhất làng không ai thèm nhận họ đã phân phối cho hai mẹ con. Anh Cư có chiếc thuyền con, ngày ngày anh lưới cá bên sông Nhuệ, mẹ anh đem mớ cá ra chợ bán, mua lấy bó rau bìa đậu hai mẹ con cũng sống qua ngày. Thỉnh thoảng chị Ngâu ra gặp anh bên bờ sông ấy để chuyện trò và khi về thể nào anh Cư cũng cho chị mấy con cá sông, có hôm được vài con cá mè, cá trắm, hay con cá chép to, hôm nào ít cũng có mớ cá mường bé bé bằng ngón tay nhưng tươi rói, chỉ kho được một nồi nhỏ cũng đủ làm chị bồi hồi cảm động. Chị càng yêu anh vì thế.



Chẳng bao lâu họ lấy nhau, đám cưới nhà nghèo chỉ có miếng cau trầu, vài đĩa kẹo uống nước trà cũng gọi là tiệc cưới. Chị có thai và đẻ ra một thằng con trai, nhà nghèo quá, chị âu yếm đặt tên con là thằng Xu cho hợp với gia cảnh nhà chị chỉ có tiền xu, chẳng có tiền bạc của nả gì khác, nhưng thằng Xu của vợ chồng chị thì vô giá, vì chị yêu nó lắm. Nhà thêm đứa con thêm chi tiêu và tình yêu ngây thơ năm trước đã thành tình vợ chồng mấy năm đủ va chạm với thực tế.



Chị Ngâu đã biết lo xa tính toán, chị thấy dân trong làng đua nhau vào Nam tìm việc làm để đổi đời, cho dù đi ở đợ cũng sướng hơn ở quê làm ruộng, được ăn trắng mặc trơn tại nhà chủ, ra dáng thị thành hẳn ra. Chị bàn tính với anh Cư, muốn hai vợ chồng vào Nam trước, để thằng bé Xu cho bà nội trông, khi nào tạm ổn định thì về quê bán hết nhà cửa ruộng nương để di cư vào miền Nam.



Nhưng anh Cư không cùng chí hướng với vợ, anh vẫn muốn ở làng quê, an phận đời sống nghèo với một mảnh ruộng, một mái nhà lá đơn sơ và một chiếc thuyền cũ ọp ẹp cũng đủ nuôi cả nhà không chết đói, mà ấm tình làng quê. Chị Ngâu nghe tin những người làng ở trong Nam kể về mà sốt cả ruột, vợ chồng cái Thà chỉ một mẹt lòng lợn mỗi buổi chợ mà kiếm khá tiền, anh Bân đi làm phụ xế cho xe tải, chị Pháo làm công cho một cửa hàng bán vật liệu xây dựng, v.v… Nghề nào cũng kiếm ra tiền cả.



Chỉ có nhà chị quanh quẩn với ruộng, mà ruộng không mất mùa cũng chẳng đủ ăn, ruộng xấu nên tốn nhiều tiền phân bón, lại tiền thuế má. Với chiếc thuyền lưới lên vài con cá bé tí và môi sinh càng ngày càng cạn kiệt thì có ngày thuyền cũng phải lìa sông thôi. Chị Ngâu càng đốc thúc chồng thì anh Cư càng phản đối, từ bé đến lớn anh chỉ quanh quẩn trong làng nên e ngại không dám bước ra cuộc đời ngoài luỹ tre làng.



Hai vợ chồng trở nên xung khắc mỗi ngày mỗi nhiều, anh đâm ra uống rượu, rượu vào thì lời ra rồi cãi nhau, hễ chị Ngâu to tiếng thì anh Cư cũng to tiếng hơn và anh đánh vợ. Họ chửi nhau, đánh nhau, có lần, bà mẹ anh Cư can không nổi đã phải chạy ra ủy ban xã nhờ can thiệp kẻo chúng nó giết nhau mất. Chị Ngâu đã chán cảnh đói nghèo, chị oán hận chồng ngu dốt không biết mở mắt ra theo thời.



Một buổi trưa, khi anh Cư còn đang lênh đênh chiếc thuyền trên sông Nhuệ để lưới cá, thì chị Ngâu xuống bếp gặp bà mẹ chồng đang lúi húi đun nấu gì đó, căn bếp đầy khói và mùi rơm ẩm chưa khô làm chị cay cả mắt. Chị nói:



– Mẹ trông thằng Xu, con về bên mẹ con có tí việc.



Bà ngước nhìn con dâu, hiền hòa:



– Ừ, con đi đi, mẹ đang om lại nồi cá kho dưa hôm qua, cũng đủ cho bữa cơm chiều nay.



Rồi bà chép miệng than:



– Rơm còn ướt khói mù mịt cả ra…



Chị tần ngần chưa chịu đi:



– Cháu nó đang ngủ, chốc nữa mẹ nhớ mặc quần cho thằng Xu nhé, nhỡ quên thì chiều xuống lạnh đít nó.



Bà cười âu yếm khi nghĩ đến thằng cháu nội 3 tuổi:



– Mẹ biết rồi, cái thằng hễ ngủ trưa là đái dầm nên cứ phải ngủ truồng thế. Mà từ nhà mình về nhà mẹ con là đầu làng đến cuối làng việc gì con phải dặn dò như đi đâu xa không bằng?



Chị cắp nón và đi ra sân:



– Ấy là con quen mồm dặn thôi.



Nhưng ngay lúc ấy thì thằng bé Xu hiện ra ở ngưỡng cửa sau gần bếp, nó mới ngủ dậy, mặt còn ngái ngủ, khóc lè nhè. Thằng bé đứng khóc, cái bụng ỏng ưỡn ra nên hai mông nó như teo tóp lại. Thằng bé thấy mẹ cắp nón sắp đi, nó giơ hai tay ra đòi bế và khóc gọi thành tiếng:



– Mẹ… mẹ…



Tiếng gọi đứt quãng trong tiếng khóc hờn, chị bỗng thấy quặn lòng, định quay lại ôm con, mặc quần cho con rồi ra sao thì ra. Nhưng bà mẹ chồng đã từ trong khói bếp, từ trong mái bếp thấp lè tè chui ra. Bà nựng nịu cháu:



– Xu của bà ngoan nào, ra bà mặc quần rồi bà cho Xu ăn củ khoai lang luộc nhé.



Nghe bà nói củ khoai, thằng Xu nín khóc, nó quên mẹ, hai mắt nó sáng lên theo bà nó vào bếp. Thế là chị Ngâu nhanh chân bước đi, nếu không chị chẳng còn cơ hội nào mà dứt ra được khỏi thằng Xu nữa. Chị không về ngôi nhà mẹ chị ở cuối làng, mà chị đi xa hơn. Cuối cùng chị đã lên chuyến xe lửa Bắc Nam, để vào thành phố Sài Gòn. Chuyến tàu chiều ấy có người đàn bà rất trẻ ngồi thu lu trong lòng ghế, lòng buồn rười rượi, như người vô hồn chị quay mặt ra khung cửa toa tàu để nhìn cảnh vật đang lùi dần, lùi dần phía sau, có nghĩa là chị càng lúc càng lìa xa quê quán, xa mái gia đình. Rồi hình ảnh thằng Xu đứng ở ngưỡng cửa khóc giơ tay đòi bế hiện ra, chị đau đớn như dao cắt vào thịt da. Nước mắt chị tuôn rơi nhạt nhòa, chị nghẹn ngào kêu lên liên hồi hai tiếng “Xu ơi…”



Chị chẳng thiết gì đến ăn uống hay nhìn mọi người đồng hành xung quanh, chị cứ khóc cho đến khi mệt mỏi, người chị như lả đi, chị thiếp vào giấc ngủ vẫn thấy thằng Xu của chị cởi truồng đang đứng khóc giơ tay đòi bế và tiếng gọi “Mẹ… mẹ…” vang lên nhức nhối trong đầu óc chị. Trong giấc mơ chị lại tha thiết gào lên: “Xu ơi…”



Chị Ngâu vào Nam, lang thang cả ngày ngoài đường phố để tìm việc làm, chị tránh không muốn gặp những người cùng làng vì sự ra đi kiếm cơm của chị như trốn chạy, như một sự lừa dối chồng con và cả bà mẹ chồng nhân hậu. Đói khát bơ phờ mất mấy ngày thì chị xin được chân rửa bát trong một nhà hàng, chị đã sung sướng mơ đến ngày dành dụm được khá tiền sẽ về quê thăm thằng Xu, chị sẽ xin lỗi anh Cư và năn nỉ rủ chồng chịu vào miền Nam sinh sống lập nghiệp, cả nhà chị lại đâu vào đấy cho lương tâm chị bớt áy náy, bớt cắn rứt vì rời xa đứa con bé bỏng của mình.



Chị chăm chỉ rửa bát chưa được bao lâu thì bà chủ “thăng chức” cho chị, vì thấy chị vừa trẻ vừa xinh, chị được bà chủ cho mặc quần áo đẹp để làm nhân viên phục vụ nhà hàng, bưng đồ ăn thức uống cho khách. Nhờ có những cô phục vụ trẻ đẹp như chị mà nhà hàng giữ chân được nhiều loại khách, dù khách thường hay khách sang. Nơi đây chị gặp anh Cheng thường đến ăn uống với bạn bè, mỗi lần Cheng đến là chị Ngâu được bà chủ điều động ra tiếp khách, vì anh Cheng có vẻ mến chị. Dần dần anh Cheng và chị Ngâu biết nhau hơn, thân nhau hơn.



Một hôm anh mời chị Ngâu tham dự sinh nhật của anh, chỉ có một mình chị Ngâu là khách mời, vì anh không muốn chia sẻ không gian thân tình ấy cho một người khác nữa, ngoài chị. Chị Ngâu đành nhận lời, chị muốn làm vừa lòng bà chủ nhà hàng vì anh Cheng là khách sộp thường xuyên của bà hơn là vì anh. Buổi sinh nhật được tổ chức tại phòng khách sạn nơi anh tạm trú, anh hân hoan bên chị và cao hứng uống rượu khá nhiều. Trong cơn say rượu anh Cheng say tình luôn, anh đã thố lộ tình yêu với chị. Cảm động và vị nể, chị đã yếu lòng sa ngã, chỉ một lần trao thân đêm ấy mà chị Ngâu mang thai, anh Cheng đã ân cần cầu hôn chị, vì dưới mắt anh cũng như bà chủ nhà hàng chị Ngâu vẫn là một cô gái quê trinh nguyên. Hơn nữa, anh Cheng ngủ với chị trong cơn say thì anh nào phân biệt được gái có chồng hay chưa. Chị trẻ đẹp và thật thà như thế!



Cha mẹ chị không thể gả con gái lần nữa, họ không thể làm điều bất nghĩa ấy, nhưng thương con gái họ đành vào Sài Gòn gặp con và anh Cheng, đưa ra lý do không muốn gả con xa cho người nước ngoài, nhưng chị Ngâu đã trưởng thành, chị cứ quyết định theo ý của mình. Chị Ngâu theo anh Cheng về quê anh, mới biết anh con nhà trung lưu ở Singapore, là giám đốc một công ty và thường xuyên ở Việt Nam vì công việc. Chị sinh ra thằng con trai, nét mặt giống Cheng như hai giọt nước, khỏi cần đi thử máu Cheng cũng thừa biết nó là máu mủ của anh. Cheng đặt tên cho con theo dòng họ anh, nhưng tên ở ngoài chị gọi nó bằng tên Việt Nam, là thằng Vàng giàu sang, ngược lại với thằng Xu một thời nghèo khổ của chị.



Người Hoa quý con trai, nên thằng Vàng được ông bà nội, cha và cả bên nội cưng quý như vàng, vì đây là đứa cháu nội đầu tiên của họ. Cheng đem vợ con về sống ở Singapore cho gần bên nội, chỉ thỉnh thoảng Cheng mới đưa vợ con theo chuyến công tác ngắn ngày ở Việt Nam. Anh Cheng rất yêu vợ, thương con, chị Ngâu như chiếc lá trôi theo dòng đời, một dòng đời êm ái và hoa gấm. Hạnh phúc trong tình yêu của chồng mới, chị đã nguôi ngoai và quên đi hình ảnh anh Cư người chồng cũ, chị đã quên đi bà mẹ chồng nhân hậu, nhưng chị không thể dễ dàng quên đi thằng con nơi chốn quê nghèo tội nghiệp.

Từ ngày chị bỏ chồng con vào Nam, bố mẹ chị cũng xấu hổ với làng xóm. Bán xới nhà cửa ruộng vườn để về quê mẹ của chị rất xa lập nghiệp, để giã từ quá khứ. Ở làng quê, người ta sống bằng danh dự cần thiết như cơm áo, cha mẹ chị không thể muối mặt ở làng quê mình để nghe tiếng chê bai, bàn ra tán vào và nhất là nhìn cảnh bên thông gia neo đơn trống vắng từ khi chị ra đi không hẹn ngày về.



Với lý do cha mẹ không hài lòng và lạnh nhạt, chị liên lạc rất ít với cha mẹ, vì muốn giấu giếm tung tích trước kia của chị để bảo vệ hạnh phúc gia đình hiện nay. Lần cuối cùng chị nghe tin từ cha mẹ là anh Cư đã theo vài hộ dân làng đưa mẹ già con mọn lên Lào Cai khai hoang kinh tế mới khi ở làng quê cuộc sống anh đã thực sự kiệt quệ. Dòng sông Nhuệ vẫn còn đó, nhưng chiếc thuyền của anh Cư đã quá mục nát, anh không có tiền để sửa chữa vá víu thêm nữa.



Từ đó cha mẹ chị không dõi theo tin tức nhà anh Cư nữa, chị và anh Cư đã đường ai nấy đi, thằng Xu là con là cháu họ thì họ phải lo. Cha mẹ chị muốn quên đi cũng như chị đã muốn quên đi. Giá mà chị nghe tin anh Cư lấy vợ có lẽ chị sẽ vui hơn, yên tâm hơn. Ít ra trong nhà cũng có một người đàn bà trẻ, gánh vác việc nhà, chăm lo cho anh Cư, còn thằng Xu đã có bà nội yêu thương chăm sóc rồi.



*



Trưa hôm sau, bằng giờ hôm qua lúc gia đình chị ăn món bún chả thịt nướng, chị dắt thằng Vàng ra nhà hàng ấy trong lúc anh Cheng bận đi công việc. Chị vào trong gọi vài món ăn cho có lệ rồi chờ đợi, chị luôn nhìn khắp nhà hàng tìm kiếm bóng dáng hai bà cháu thằng ăn xin hôm qua…



Nhưng chị đợi mãi và cuối cùng thất vọng đi ra ngoài, gặp hai đứa bé ăn xin khác vừa từ trong nhà hàng đi ra, hai đứa khoảng mười hai, mười ba tuổi, chị liền vẫy lại hỏi:



– Này cháu…



Hai thằng bé chạy lại mừng rỡ:



– Dạ, cô Hai cho con xin ít tiền cô Hai.



– Cho con luôn cô Hai, từ sáng tới giờ con đói bụng quá.



Chị Ngâu ân cần móc tiền ra:



– Cho hai cháu với điều kiện cho cô hỏi thăm một chút được không?



Hai đứa trẻ bụi đời cùng nhanh nhẩu:



– Được chớ, cô hỏi bao lâu cũng được mà.



– Cô cứ hỏi con biết là nói liền cho cô nghe.



– Hôm qua cô ăn trong nhà hàng này, có gặp thằng bé ăn xin đi với bà nó. Các cháu có biết hai bà cháu này không?



Một thằng đáp ngay:



– Cháu biết nè, bà già đó bị mù, là bà nội của thằng nhỏ đó.



Chị Ngâu mừng rỡ:



– Đúng rồi, sao hôm nay hai bà cháu không ra đây xin ăn?



Thằng bé còn lại bây giờ mới lên tiếng:



– Tưởng ai, chớ thằng bé với bà già đó con cũng biết luôn. Nó bị thanh tóan rồi!!!



Chị Ngâu hốt hoảng và ngạc nhiên:



– Thanh toán? Ai đã làm gì nó?



– Băng đảng nhí đó cô, là cỡ tuổi tụi con. Thằng Bắc Kỳ đó mới vô Nam không có ai giới thiệu mà dám bén mảng tới khu này ăn xin là phạm luật rừng, mấy đứa bụi đời ăn xin trong băng đảng nhí ở đây đã đánh cảnh cáo nó sưng mặt và đuổi nó đi khỏi khu vực nhà hàng này rồi.



Chị tưởng như toàn thân mình sắp qụy xuống, giọng chị nghẹn ngào:



– Giời ơi! Chết thằng bé mất thôi!



Chị cố hỏi thêm:



\– Các cháu có biết hai bà cháu hiện giờ ở đâu không?



– Giang hồ mà cô, nó đi đâu ai biết. Đương nhiên là đi khỏi vùng này nếu không muốn ăn đòn lần nữa, tơi bời hoa lá cành hơn nữa. Sài Gòn này thiếu gì nơi cho bà cháu nó đến ăn xin, cô hơi đâu mà lo.



Chị lại cố nài nỉ:



– Không thể được, không thể được… Các cháu kiếm tìm hai bà cháu nó cho cô đi, mỗi ngày cô sẽ đến đây trả tiền công cho hai cháu để biết tin tức… Trong vòng 3 ngày nữa thôi, chỉ 3 ngày nữa thôi.



Nghe đến tiền công, và nhìn vẻ thất vọng khổ đau của người phụ nữ trẻ đẹp sang trọng, hai thằng bé cũng bùi ngùi:



– Dạ… con sẽ kiếm… Con sẽ dò la hỏi mấy đứa bụi khác xem sao.



Hai thằng bé bỏ đi, để mặc chị Ngâu còn đứng ngẩn ngơ với thằng Vàng. Nó ngây thơ ngước mắt lên hỏi mẹ:



– Sao mẹ khóc?



Chị ngồi thụp xuống ôm con vào lòng và lại khóc nấc lên:



– Xu ơi…



Thằng Vàng vùng vằng nũng nịu:



– Con không tên Xu, con là thằng Vàng mà.



– Ừ, Vàng của mẹ ơi…



Chị đứng lên cố nhịn khóc để gọi xe taxi về khách sạn, ngày mai bằng giờ này chị lại ra đây, chỉ còn 3 ngày nữa chị sẽ theo chồng về Singapore không biết chị có gặp lại bà cháu thằng Xu không? Nếu gặp họ, chị sẽ ôm con thật chặt vào lòng và gọi lên hai tiếng “Xu ơi” như chị đã từng mơ ước và từng gọi thầm trong mấy năm qua. Chị cũng sẽ nói cho bà mẹ chồng biết là chị vẫn còn đây, dù bà đã oán hận chị, xem chị đã chết kể từ ngày chị bỏ chồng con ra đi. Chị sẽ quỳ xuống chân bà xin tạ tội, xin bà hãy mang thằng Xu về quê mẹ của chị, để thằng bé được thêm sự chăm sóc của tình ruột thịt bên ngoại. Chị sẽ tìm cách gởi tiền về nuôi hai bà cháu… Chị khao khát ước mơ này như ngày xưa chị đã khao khát ước mơ bỏ làng quê, bỏ họ để ra đi.



Chị bế thằng Vàng, nó 4 tuổi, hơn tuổi thằng Xu một chút ngày chị rời xa nó. Nhưng hôm nay thằng Vàng trắng trẻo trong bộ quần áo đẹp đắt tiền, chân đi đôi giày xinh, khác với thằng Xu đứng ở ngưỡng cửa, đi chân đất, cởi truồng lè nhè khóc và giơ tay đòi mẹ bế cùng với tiếng gọi “Mẹ… mẹ…” của nó cách đây 5 năm.



Hôm nay lòng chị cũng dùng dằng, cũng đau đớn như hôm ấy. Hôm nay không có khói bếp và mùi rơm ẩm ướt như hôm ấy. Nhưng hai mắt chị vẫn cay xè rồi mờ lệ, trong lòng chị lại nức nở gào lên : “Xu ơi!”



Chiều nay không phải nơi chốn quê nhà,

Không khói bếp, không có mùi rơm ướt,

Sao mắt ai cay, sao lòng thổn thức?

Như phút lìa quê, xa mái tranh nghèo.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.528 giây.