Reuters
Chính quyền Hà Nội được nói đang ráo riết tuyên tuyền, vận động bằng nhiều hình thức để có thể sở hữu chiếc vé trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025, được dự kiến bỏ phiếu vào ngày 11/10 sắp tới tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.
Ráo riết vận độngBáo chí Nhà nước, cùng với cổng thông tin điện tử của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, tháng vừa qua liên tục đưa nhiều bài viết ca ngợi tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đồng thời đăng bài phản bác lại những cáo buộc mà cộng đồng Quốc tế lên án Chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Có thể kể, trên Tạp chí Xây dựng Đảng hôm 30/9 có bài viết tựa đề "Việt Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ”. Hoặc, Mạng báo Vietnamplus có hai bài viết với tựa “Việt Nam chú trọng hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ quyền con người” và “Việt Nam sẵn sàng đóng góp nhiều hơn cho công việc của Liên hợp quốc”.
Mới nhất hôm 3/10, trên báoVOV thuộc Đài tiếng nói Việt Nam có bài “Việt Nam cam kết đóng góp tích cực khi trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc”.
Không cần nêu cụ thể nội dung của những bài báo đó ca ngợi điều gì, tuy nhiên với những tựa đề khá “tô hồng”, có thể thấy Chính phủ VN đang dùng truyền thông như “cánh tay phải” để ca ngợi vai trò, nhiệm vụ của Đảng CSVN, Chính phủ VN và cả guồng máy chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, ủng hộ vai trò và hoạt động của Hội đồng Nhân quyền trên nguyên tắc bình đẳng, đối thoại và hợp tác xây dựng.
Song song với đó, Chính phủ Việt Nam vừa thông qua một đề án có tên gọi “Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam”, được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành vào ngày 30/9.
Những động thái vừa nêu của Chính quyền Hà Nội diễn ra vào lúc chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến kỳ bỏ phiếu bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 và năm nay Việt Nam đã một lần nữa tham gia ứng cử.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc tổ chức BPSOS - một tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam - nói với RFA rằng Hà Nội đang rất muốn giành được một ghế trong Hội đồng Nhân quyền, bởi vì:
“Trước hết, họ (chính quyền VN - PV) thể hiện được họ là một thành viên của Hội đồng nhân quyền, như vậy cũng là một dấu ấn rằng họ là một chế độ tôn trọng nhân quyền, “có làm sao thì người ta mới đối xử với mình như vậy”. Đó là cái hình ảnh mà họ muốn trưng dẫn ra bên ngoài đặc biệt là với người dân ở trong nước”
Một ý kiến khác nhìn nhận về vấn đề của Việt Nam trong lần ứng cử này là Luật sư Nguyễn Văn Đài. Ông cho rằng:
“Nhà nước Cộng sản Việt Nam tìm mọi cách để ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ với mục đích chính trị là chính, chứ họ sẽ không có bất kỳ một đóng góp nào trong việc bảo vệ nhân quyền cho chính người dân Việt Nam, cũng như là bảo vệ nhân quyền chung cho các dân tộc khác ở trên thế giới.”
Tình hình nhân quyền không cải thiệnViệt Nam thông báo ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ hồi tháng 4/2021.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng đánh giá kể từ đó cho đến nay, tình hình nhân quyền Việt Nam không những không có cải thiện, mà thậm chí là còn tệ thêm đi. Ông giải thích:
“Đặc biệt là mới đây Việt Nam đã phải trải qua một cuộc khảo sát của Liên Hiệp Quốc về quyền của trẻ em, mà qua đó rất nhiều chứng cứ đã được trưng ra rằng Việt Nam đã vi phạm ngay cả quyền của trẻ em. Ví dụ như vụ ở “Thiền am bên bờ vũ trụ”, các chú tiểu gần như là bị khủng bố, tinh thần rất nhiều lần.
Ngoài ra, ông Thắng cho rằng Chính phủ Việt Nam đã bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ vì đã xâm lược Ukraine, cũng là một tì vết trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Mới đây, trong báo cáo về nạn buôn người toàn cầu năm 2022 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 19/7/2022, Việt Nam bị xếp vào nhóm các nước hạng ba, là hạng thấp nhất. Trước đó, trong Báo cáo nhân quyền năm 2021 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hôm 12/4/2022 đánh giá Việt Nam là một quốc gia độc tài, một đảng cầm quyền và cuộc bầu cử Quốc hội không tự do cũng không công bằng, có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng cử viên do Đảng Cộng sản xét duyệt kỹ.
Hôm 17/9, tám tổ chức nhân quyền quốc tế gởi một thư ngỏ cho Đại diện Thường trực các Quốc gia thành viên của Hội đồng LHQ, kêu gọi không bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Khả năng VN trúng cử?Nhận định về việc Việt Nam sẽ có bao nhiêu cơ hội trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ như hồi năm 2014, tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng cho rằng cơ hội rất thấp. Ông giải thích:
“Nhưng mà năm nay, tôi thấy Việt Nam ít có cơ hội hơn kỳ trước. Bởi vì những kỳ trước là Việt Nam là độc diễn.
Nhưng mà năm nay thì lại khác, đã có sáu ứng viên cho khu vực Á châu Thái Bình Dương và riêng Đông Nam Á thì Malaysia đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ cho đến năm 2024 lận. Không những vậy, rất có thể Thái Lan cũng sẽ công bố mình là ứng cử cho Hội đồng nhân quyền này…
Cho nên tôi nghĩ rằng năm nay Việt Nam sẽ phải “trần ai” lắm thì may ra mới vào được Hội đồng nhân quyền LHQ.”
Còn Luật sư Nguyễn Văn Đài thì cho rằng Việt Nam vẫn có khả năng giành được một vé trở thành thành viên chính thức của Hội đồng này và đó là điều, theo luật sư Đài, rất nguy hiểm:
“Đó là một điều rất nguy hiểm đối với người dân Việt Nam. Và hành vi đàn áp đối với các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do đi lại ở… trong nước sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới, nếu họ được vào Hội đồng Nhân quyền.”
Trong khi đó, tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng lại cho rằng, nếu VN trúng cử cũng có mặt lợi:
“Tôi nghĩ rằng nếu Việt Nam được vào thì cũng đặt Việt Nam vào một cái thế là phải làm gương tốt cho các quốc gia khác khi mình là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền. Và do đó, những vi phạm của họ sẽ được chiếu rọi bằng “đèn pha” của Liên Hiệp Quốc và họ không thể tránh né được.”
Theo RFA