Thanh niên Nga trong độ tuổi quân dịch tìm mọi cách chạy sang nước khác sau khi Putin ra lệnh động viên. Ảnh chụp đường đến trạm biên phòng Verkhny Lars ở biên giới Gruzia, ngày 28/09/2022. AP
Chừng như Vladimir Putin không hề cân nhắc lợi hại trước khi tiến đánh Ukraina, và cũng không chuẩn bị một kế hoạch B trong trường hợp thất bại. Giới tinh hoa Nga bắt đầu nhận ra những điều này, lòng tin rạn vỡ. Cuộc xâm lăng Ukraina còn gây ra hai làn sóng di tản, một triệu người đã bỏ quê hương mà đi. Họ mang theo không chỉ những kỷ niệm, mà cả những mảnh tương lai của đất nước mình.
Ngồi quá lâu trên ngôi cao, Putin tách rời thực tế Phân tích « Những rạn vỡ của quyền lực Putin », Le Figaro nhận thấy tổng thống Nga sau 22 năm nắm trọn quyền hành, dường như hoàn toàn bị cắt đứt với thực tại. Putin cho tổ chức buổi lễ huy hoàng trên quảng trường Đỏ để mừng việc sáp nhập bốn vùng của Ukraina, trong lúc đó quân Nga phải chạy bán sống bán chết khỏi Lyman - một trong bốn vùng đất bị biến thành đất Nga trên giấy. Theo lẽ thông thường, một khi chiếm xong mới nhập vào được, đằng này Putin sáng tác ra kiểu sáp nhập tuy vẫn chưa kiểm soát nổi. Le Monde tiết lộ thêm, lẽ ra nếu được rút lui thì lính Nga không chết nhiều như thế trong trận Lyman, nhưng Putin muốn cho buổi lễ được trọn vẹn...
Bài diễn văn của Vladimir Putin hoàn toàn là kỹ thuật thao túng tâm lý, quy trách nhiệm cho đối thủ về những sai lầm của mình cách tố ngược. Ông ta nói rằng phương Tây đã tấn công Nga, trong khi chính ông đã khởi động cuộc chiến hôm 24/02, và chẳng ai tin nổi Ukraina có thể đe dọa được một cường quốc nguyên tử như Nga.
Đành rằng phương Tây đã mở rộng NATO và trừng phạt Matxcơva sau khi Crimée bị chiếm năm 2014, nhưng vẫn tiếp tục đầu tư và buôn bán với Nga. Mùa hè 2021, thủ tướng Đức khi rời chức vụ đã đích thân đến Matxcơva chào từ biệt tổng thống Nga. Khi gặp Vladimir Putin ở Genève hôm16/06/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden đã mang đến một món quà quý, đó là chấp nhận đường ống Nord Stream 2 nối Nga với Đức thông qua biển Baltic. Nhưng Putin đã « tự bắn vào chân mình » khi ngang nhiên xua quân xâm lược Ukraina.
Không hề có kế hoạch B, giới tinh hoa ngỡ ngàng Giờ đây Nga không còn có được công nghệ phương Tây, đành trở thành chư hầu của Trung Quốc. Khi không thể hiện đại hóa quân đội và kỹ nghệ, nhiệm vụ đầu tiên của một nhà lãnh đạo là phải nhận ra điều đó, và kế tiếp phải tránh những cuộc phiêu lưu quân sự. Ngược lại, Putin đi tấn công một nước láng giềng mà quân đội từ tám năm qua đã được Mỹ và Anh trang bị, huấn luyện. Nhìn chung, khi sắp ra một quyết định chiến lược quan trọng, ít nhất phải cân nhắc lợi hại trước đã. Chừng như Vladimir Putin không hề làm bài toán này, và cũng không chuẩn bị một kế hoạch B trong trường hợp quân Nga thất bại trước Ukraina.
Tệ hại nhất cho Putin là giới tinh hoa Nga bắt đầu nhận ra những điều này. Lòng tin đối với nhà lãnh đạo cao nhất bị rạn vỡ, quyền lực của Putin bị lung lay. Hàng trăm ngàn thanh niên Nga đã chạy ra khỏi nước để tránh bị bắt lính, cơ quan an ninh không thể hoặc không dám đóng hoàn toàn biên giới với Gruzia và Kazakhstan. Truyền thông nhà nước nay nói đến những thất bại của quân đội và về chiến tranh, chứ không còn gọi là « chiến dịch quân sự đặc biệt » như đã bị bắt buộc.
Những rạn vỡ về quân sự, an ninh, truyền thông báo trước sự sụp đổ của quyền lực Nga chăng ? Riêng về quân sự, 300.000 quân dự bị ít huấn luyện và kém trang bị liệu có thể đảo ngược tình hình trên chiến trường ?
Putin khó giữ được quyền lực sau thất bại Về việc sử dụng vũ khí nguyên tử, các đồng minh Trung Quốc và Ấn Độ coi là cấm kỵ. Kremlin biết rằng dù chỉ dùng đến « vũ khí chiến thuật », Mỹ sẽ trả đũa nặng nề và toàn thế giới sẽ lên án.
Le Figaro cho biết cựu giám đốc CIA, tướng bốn sao David Petraeus khi trả lời phỏng vấn kênh ABC về khả năng Putin sử dụng vũ khí nguyên tử, đã khẳng định cho dù Kiev không phải là thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương, sự đáp trả của Hoa Kỳ và NATO là cần thiết. NATO có thể « trừ khử » các lực lượng quy ước của Nga trên chiến trường cũng như tại Crimée bị chiếm đóng. Toàn bộ chiến hạm Nga trên Hắc Hải cũng sẽ bị phá hủy.
Nguy cơ chiến tranh lan ra ngoài khu vực vẫn còn đó, Pháp có lý khi duy trì đối thoại để tránh khả năng này. Nhưng làm thế nào ra khỏi khủng hoảng, Putin làm sao giữ được quyền lực trong tình thế hiện nay ? Trong lịch sử, hiếm khi một chế độ độc tài sống sót sau khi thất bại về quân sự.
Nga còng lưng với gánh nặng chiến tranh Libération hôm nay chạy tựa trang nhất về sự kiện đương kim bộ trưởng Tư Pháp phải ra tòa, Le Figaro quan tâm đến hiện tượng người Pháp không còn đặt công việc lên trên tất cả. Về thời sự quốc tế, Le Monde nói về một vòng hai bất định giữa Lula và Bolsonaro trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil, Les Echos nêu ra một cảnh báo mới cho châu Âu về khí đốt, còn La Croix chạy tít « Nước Nga, gánh nặng chiến tranh ».
Theo nhật báo công giáo, lệnh động viên là một cú sốc mới cho nền kinh tế Nga, mà cho đến nay vẫn chịu đựng được những hậu quả của trừng phạt quốc tế. Số liệu chính thức nói rằng 300.000 người sẽ bị gọi nhập ngũ, nhưng tờ Novaia Gazeta cho biết, thật ra có đến 1,3 triệu người phải vào lính. Dù sao đi nữa, những hậu quả của loan báo động viên hôm 21/09 đã thấy ngay trước mắt. Chẳng hạn ở Yakoutie thuộc miền đông bắc, cả một đội ngũ công nhân vừa ra khỏi hầm mỏ đã bị trực tiếp đưa đến ủy ban quân sự. Có những bác sĩ cấp cứu, giáo sư đại học, kỹ sư vi tính nhận được lệnh động viên, nhiều nhà máy ở Ural kêu cứu vì thiếu nhân viên…
Nếu chỉ tính đến con số 300.000, thì cứ 100 dân số hoạt động nam giới ở Nga có 1 người phải ra chiến trường. Tác động đặc biệt nặng nề ở nông thôn, nguồn nhân lực cho ngành xây dựng. Chưa kể một số lớn những người trốn không đến nơi làm việc để khỏi phải nhận lệnh nhập ngũ. Tất cả khiến lao động càng thiếu hụt, cản trở hoạt động sản xuất cũng như thương mại. Cộng thêm ít nhất 260.000 người đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia, Kazakhstan, hầu hết là thanh niên có học vấn. Trong khi đó dân số là một trong những điểm yếu của Nga, mỗi năm giảm đi 400.000 người vì số sinh thấp. Thế hệ 20-30 tuổi cũng chính là lớp chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì tỉ lệ sinh đẻ giảm xuống vào lúc Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Cấm vận công nghệ : Kỹ nghệ quốc phòng lao đao Chính quyền nói rằng trừng phạt quốc tế không làm gì được, Nga « chẳng mất gì cả » vì chiến tranh. Tuy nhiên theo La Croix, sở dĩ đến nay Matxcơva còn trụ được là nhờ Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong thời gian đầu vẫn mua dầu khí của Nga, lượng cung giảm dẫn đến giá tăng. Nhưng sắp tới nguồn thu này sẽ không còn, Matxcơva phải bán rẻ cho Trung Quốc và Ấn Độ.
Quan trọng nhất là cấm vận công nghệ khiến Matxcơva phải tìm mua ở những nguồn không chính thống. Các công ty Nga vội vã lập chi nhánh ở Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Kỹ nghệ quốc phòng đặc biệt khó khăn. Viện Royal United Service Institut của Anh khi nghiên cứu 27 hỏa tiễn và hệ thống vũ khí tịch thu được, nhận thấy đến 2/3 bộ phận là của phương Tây. Nga đành phải nhập hàng điện tử tiêu dùng, lấy chip bán dẫn ráp vào vũ khí, nhưng còn phải mất thời gian lập trình lại…
Lạm phát hiện nay khoảng 15 %, lương của người Nga vốn thấp lại còn sắp bị đánh thêm thuế để phục vụ chiến tranh. Cuộc chiến ở Ukraina càng kéo dài thì Nga càng hao tốn, và đó cũng là mục đích của phương Tây.
Nhân tài lưu vong, nước Nga lãng phí tương lai Nhìn rộng hơn, trong bài « Nước Nga lãng phí tương lai như thế nào », Les Echos nhận thấy cũng như xưa, Matxcơva tiếp tục làm cho giới tinh hoa phải bỏ nước ra đi. Cuộc xâm lăng Ukraina đã gây ra một làn sóng di tản hồi tháng Hai, và loan báo động viên vào tháng Chín đã tạo thêm một đợt đào thoát thứ hai. Khoảng một triệu người gồm nam, nữ, trẻ em đã bỏ quê hương mà đi. Họ mang theo không chỉ những kỷ niệm và hy vọng, mà cả những mảnh tương lai của đất nước mình.
Bởi vì những người lưu vong thường là có học; các kỹ sư, lập trình viên, nhà nghiên cứu có khả năng tài chánh để ra đi. Đành rằng mọi người đều bình đẳng, nhưng có những con người có thể góp phần làm thay đổi thế giới. Apple chẳng bao giờ ra đời nếu không có sự sáng tạo của Steve Jobs (cha là người Syria nhập cư).
Nga đã đi theo truyền thống cách đây hơn một thế kỷ : truy quét giới tinh hoa. Cuộc cách mạng 1917 làm các nhà quý tộc phải lưu vong, và sau đó Lênin lập những trại cưỡng bức lao động để cải tạo không chỉ tội phạm hình sự mà cả tù chính trị. Stalin mở rộng quy mô những địa ngục này, thường được gọi là « Gu-lắc » (Goulag).
Những « kẻ thù nhân dân » làm nên thịnh vượng cho đất nước Ít nhất 11 triệu người đã bị đưa vào 474 trại cải tạo, con số này thậm chí có thể gấp đôi. Trong đó có những « kẻ thù của nhân dân », gồm trí thức, giáo sư, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp, kỹ sư, tất cả bị nghi ngờ hoạt động phản cách mạng.Theo một báo cáo chính thức của Liên Xô năm 1954, đã phát hiện gần 4 triệu « kẻ thù nhân dân » và 2,4 triệu bị đày vào gu-lắc, 800.000 lưu vong và 600.000 người bị hành quyết.
Những người phản kháng chế độ bị tố cáo là ăn bám, bị đuổi việc, bị tống vào trại tâm thần. Nhà vật lý Andrei Sakharov, cha đẻ bom H chẳng hạn bị cô lập, không được tiếp xúc với đồng nghiệp. Nhưng rồi các nhà khoa học tên tuổi dần dà được rời khỏi đất nước. Có thể kể Mikhail và Eugenia Brin, hai nhà toán học lỗi lạc gốc Do Thái, sau thời gian bị đàn áp rốt cuộc đã được visa đi Mỹ, nơi cậu bé Sergei Brin lớn lên và gặp gỡ Larry Page, thành lập Google.
Hai kinh tế gia Gerhard Toews và Pierre-Louis Vezina nhận thấy Liên Xô đã tự đánh mất nhiều cơ hội. Sau khi các trại cải tạo được giải tỏa, nhiều tù nhân làm lại cuộc đời ngay tại địa phương vì không có người thân nơi khác. Sáu mươi năm sau, những vùng có các trại cải tạo nhiều « kẻ thù nhân dân » nhất đã trở nên thịnh vượng nhất, lương cao hơn những nơi khác và đèn đuốc sáng rực ban đêm. Các cựu tù nhân đã chuyển giao cho con cháu năng lực trí tuệ và văn hóa của họ.
Nước Nga ngày nay tiếp tục truyền thống trù dập những tài năng, vì vậy kém thế trong các ngành công nghiệp mũi nhọn. Liên Xô là nước đầu tiên gởi người lên vũ trụ, nhưng chưa bao giờ xây dựng nổi kỹ nghệ hàng không, ngược lại Trung Quốc từng bước một đã sản xuất được chiếc máy bay thương mại đầu tiên C919. Theo tác giả, các nước châu Âu không muốn cấp visa cho người Nga chạy trốn sang, cần nhớ rằng thu hút chứ không xua đuổi người tài là một trong những chìa khóa để thành công.
Theo RFI