Các học sinh trong kỳ thi tuyển sinh tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh minh họa. AFP
Hôm 6 tháng 10 năm 2022, một bài viết có tựa “Hơn trăm triệu mua đề thi IELTS 'thật': Có người 'trúng tủ'!” trên báo Thanh Niên nêu tình trạng mua, bán đề thi công khai trên mạng. Nhiều thí sinh và giáo viên biết đến tình trạng này.
IELTS được viết tắt từ International English Language Testing System, tạm dịch là Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế được sáng lập bởi 3 tổ chức ESOL thuộc Đại học Cambridge, Hội đồng Anh và tổ chức giáo dục IDP (Úc) vào năm 1989. Đây là bài thi nhằm đánh giá khả năng ngôn ngữ, tư duy và kiến thức tiếng Anh của thí sinh trong môi trường học thuật, làm việc.
Theo một số chuyên gia trong ngành giáo dục, điều đáng nói ở đây là chuyện gian lận xảy công khai mà không bị ngăn chặn. Đó là dấu hiệu của một xã hội không lành mạnh.
Mới năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chính thức cảnh báo tình trạng nhiều trang thông tin mạo danh bộ này để mua bán bằng cấp giả một cách công khai. Chỉ cần lên mạng xã hội hoặc Google gõ cụm từ “dịch vụ làm bằng đại học” sẽ cho ra một loạt những trang làm bằng đại học, cao đẳng, chứng chỉ các loại…
Tháng 3 năm nay, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành khám xét hàng chục địa điểm làm giả giấy tờ, bằng lái xe. Công an thu giữ hàng trăm bằng lái xe giả và tem có in chữ “Tổng cục Đường bộ Việt Nam”.
Đây là một sự thực khá phổ biến. Chuyện gian lận là chuyện hiếm ở một xã hội lành mạnh, còn ở Việt Nam thì nó thành một căn bệnh ăn sâu vào xã hội. Bây giờ muốn sửa chữa thì rất khó và có lẽ phải mất rất nhiều thời gian. Càng để lâu thì bệnh càng trở nên trầm trọng, càng phổ biến và mọi người càng coi đó là chuyện bình thường. Những người trung thực sẽ ngày càng hiếm. Một cái đáng buồn nữa là nó xảy ra liên quan thi cử, liên quan đến giáo dục. Có nghĩa là cả thế hệ trẻ bị nhiễm. Nó ảnh hưởng toàn xã hội. -Tiến sĩ Xã hội học Phạm Quỳnh Hương Tuy việc làm giả tài liệu, con dấu là hành vi vi phạm pháp luật theo Điều 341 Bộ luật Hình sự về “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” với khung chịu hình phạt từ 3 đến 7 năm tù giam, nhưng thị trường làm giả này vẫn diễn ra sôi động như chưa từng bị cấm.
Chỉ trong ba tháng đầu năm 2020, ít nhất ba vụ việc liên quan bằng cấp giả bị truyền thông trong nước phanh phui.
Vụ thứ nhất là 83 giáo viên dạy lái xe tại 5 cơ sở đào tạo tại TP.HCM dùng bằng cấp giả. Vụ thứ hai là bà Đinh Thị Loan dùng bằng dược sĩ, bác sĩ giả để hành nghề bác sĩ tại khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Vụ thứ ba là khi triệt phá đường dây làm giả con dấu tài liệu, công an Thừa Thiên - Huế phát hiện nhiều cán bộ có đặt hàng làm bằng giả, chứng chỉ giả ở đường dây này.
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Quỳnh Hương cho hay, đây là vấn nạn đã ăn sâu vào xã hội và con người Việt Nam:
“Thực sự đấy là chuyện rất là buồn và là một vấn nạn rất là nan giải. Chuyện gian lận trở thành phổ biến và xã hội chấp nhận, coi đó là chuyện bình thường không ai xử lý thì đó là điều vô cùng nguy hại cho xã hội. Bởi vì cả xã hội như thế thì còn ai là người làm ăn chân chính nữa?
Đây là một sự thực khá phổ biến. Chuyện gian lận là chuyện hiếm ở một xã hội lành mạnh, còn ở Việt Nam thì nó thành một căn bệnh ăn sâu vào xã hội. Bây giờ muốn sửa chữa thì rất khó và có lẽ phải mất rất nhiều thời gian. Càng để lâu thì bệnh càng trở nên trầm trọng, càng phổ biến và mọi người càng coi đó là chuyện bình thường. Những người trung thực sẽ ngày càng hiếm.
Một cái đáng buồn nữa là nó xảy ra liên quan thi cử, liên quan đến giáo dục. Có nghĩa là cả thế hệ trẻ bị nhiễm. Nó ảnh hưởng toàn xã hội.”
Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, chuyện gian lận nó trở thành bình thường đến nỗi ở một số nơi, nếu không gian lận sẽ là chuyện lạ.
Buổi lễ cấp bằng giáo sư và phó giáo sư tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội ngày 24 tháng 12 năm 2012. Ảnh minh họa. AFP
Người ta còn nhớ câu nói của cựu trưởng phòng khảo thí Diệp Thị Hồng Liên, tại phiên sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình hôm 14 tháng 5 năm 2020 rằng, có nhiều trường hợp gian lận mà mình không làm theo sẽ khó vì “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. “Thẳng lưng” ở đây được hiểu theo nghĩa bóng, là sự ngay thẳng, chính trực, biết phân biệt phải trái đúng sai, làm điều phải và đứng về phía lẽ phải.
Đầu năm học 2021-2022, truyền thông Nhà nước đưa tin Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện hàng chục giáo viên đang dạy học trên địa bàn huyện Cư Kuin sử dụng bằng tốt nghiệp THPT, bằng cử nhân giả.
Ngoài giáo viên sử dụng bằng cấp giả bị phát hiện, tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm 9 tháng 11 năm 2020 về tình trạng mua bán giấy tờ giả trên mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận ngay trong đội ngũ cán bộ cũng có nhiều người sử dụng giấy tờ giả.
Ngay cả trong lĩnh vực y tế, liên quan trực tiếp đến mạng sống con người cũng có bác sĩ sử dụng bằng giả. Bác sĩ Võ Xuân Sơn từng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy nêu trường hợp một bác sĩ gây mê tại đây sử dụng bằng cấp giả làm việc đến 10 năm mới bị phanh phui do bệnh viện nhận được đơn tố cáo. Ông nói thêm, có những trường hợp dùng bằng cấp giả vẫn không bị phát hiện do lầm lẫn với những bác sĩ học thật, bằng cấp thật nhưng trình độ chuyên môn quá kém.
Như vậy, việc gian lận ở đây nó rất khác với những xã hội lành mạnh. Ở một xã hội lành mạnh thì tất nhiên sự gian dối cũng có thể đẻ ra tiền, đẻ ra quyền, nhưng quy mô nó thấp hơn rất nhiều. Thành ra trong một xã hội mà tham nhũng tràn lan thì gian lận là một căn bệnh của xã hội mà toàn xã hội phải chịu trách nhiệm. - PGS-TS Hoàng DũngViệc sử dụng bằng cấp giả được coi là một hình thức gian lận trí tuệ và vô đạo đức, nhưng thực tế nó đang lan tràn ở Việt Nam.
PGS-TS Hoàng Dũng nói với RFA:
“Mình thấy cái gian lận nó khá phổ biến. Nó có ở nhiều nơi trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Nhưng vấn đề ở chỗ, bằng cấp dỏm nó ít tác hại ở một số các nước khác, còn ở Việt Nam thì nó tác hại lớn. Lý do là nó sinh ra tiền, sinh ra quyền. Trong xã hội, nếu có người mua thì sẽ có người bán. Như vậy, việc gian lận ở đây nó rất khác với những xã hội lành mạnh. Ở một xã hội lành mạnh thì tất nhiên sự gian dối cũng có thể đẻ ra tiền, đẻ ra quyền, nhưng quy mô nó thấp hơn rất nhiều. Thành ra trong một xã hội mà tham nhũng tràn lan thì gian lận là một căn bệnh của xã hội mà toàn xã hội phải chịu trách nhiệm.”
Theo một số nhà quan sát thì chuyện sử dụng bằng cấp giả trong hàng ngũ cán bộ là để thăng quan tiến chức. Nhiều thông tư, quyết định của các bộ ngành Nhà nước ghi rõ các tiêu chuẩn bắt buộc về giáo dục đối với cán bộ, công chức. Một quan chức dùng bằng giả mà vào cương vị lãnh đạo thì chắc chắn sẽ gây hại cho dân, cho nước.
Giáo sư Đặng Hùng Võ từng nói với RFA:
“Cuộc sống bây giờ nó cũng lung tung nên giả hay thật thì người ta trông chờ vào đạo đức con người thôi. Chứ làm một cái bằng giả thì không khó trong thời buổi hiện nay. Tôi cho rằng pháp luật có tác động của nó nhưng cái gốc của vấn đề vẫn là đạo đức.”
Theo RFA