Oleg Orlov, Yan Rachinsky REUTERS - SHAMIL ZHUMATOV
Phương Tây đồng loạt hoan nghênh giải Nobel Hòa bình 2022 vinh danh hai tổ chức phi chính phủ Nga và Ukraina và nhà đối lập Belarus. Trong khi đó, Nga hoàn toàn im lặng, thậm chí siết chặt gọng kềm với tổ chức Memorial.
Giải Nobel Hòa Bình 2022 nhìn nhận công lao của tổ chức phi chính phủ Nga Memorial, của Trung Tâm Ukraina bảo vệ các quyền dân sự (Center for Civil Liberties) và của nhà đối lập Belarus Ales Beliatski đang bị giam cầm. Cả ba đều đang phải đương đầu với những đe dọa từ những thế lực muốn họ phải mãi mãi im lặng.
Tổng thống Hoa Kỳ hôm 07/10/2022 hoan nghênh Ủy Ban Nobel Na Uy đề cao vai trò của các tổ chức xã hội dân sự cưỡng lại những « hành vi hù dọa và đàn áp ». Joe Biden nhấn mạnh giải Nobel Hòa bình năm nay nhắc nhở « ngay cả những thời khắc đen tối của chiến tranh, những hành vi hù dọa và các chiến dịch đàn áp vẫn không thể nào xóa nhòa nguyện vọng chung của nhân loại được sống trong khuôn khổ luật pháp và được sống trong danh dự ». Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên Twitter gửi lời chúc mừng đến những « nhà bảo vệ nhân quyền không ngơi nghỉ của châu Âu », xem họ là những con người « xây dựng hòa bình luôn được nước Pháp yểm trợ ».
Ukraina đương nhiên đã rất phấn khởi với giải Nobel Hòa Bình năm nay. Chánh văn phòng tổng thống Volodymyr Zelensky, Andrii Yermak trên Telegram viết : « Dân tộc Ukraina hôm nay là những con người xây dựng hòa bình ». Một số tiếng nói khác tại Kiev, như cố vấn của tổng thống Zelensky, ông Mykhailo Podoliak, lại lấy làm tiếc là tổ chức Center for Civil Liberties được vinh danh cùng với đại diện của hai quốc gia khác là Nga và Belarus, những quốc gia đang « tấn công » Ukraina.
Về phần mình, vợ nhà đối lập Belarus Ales Beliatski, bà Svetlana Tikhanovskaia, xem giải Nobel Hòa Bình là bằng chứng thế giới đang « hỗ trợ một nước Belarus tự do ». Anatoli Glaz, phát ngôn viên của chính quyền Loukachenko, đương nhiên chỉ trích Ủy Ban Nobel đã mượn danh nghĩa « hòa bình » vì mục tiêu chính trị.
Nga hoàn toàn im lặng về giải Nobel Hòa bìnhTrong khi đó tại Matxcơva, không có nhân vật tên tuổi nào công khai lên tiếng về việc tổ chức nhân quyền Memorial được đồng trao giải Nobel Hòa bình. Không những thế, ngành tư pháp Nga vừa ra lệnh tịch biên các cơ sở của tổ chức này ở trung tâm Matxcơva.
Từ thủ đô Nga, thông tín viên Paul Gogo tường trình:
Họ ra khỏi tòa án Tverskoi ở Matxcơva khi trời đã vào đêm. Các thành viên cuối cùng của Memorial chưa chọn sống lưu vong lại bị thua trong một vụ kiện mới. Họ đã từng bị ghép là nhân viên nước ngoài, rồi bị thanh lý nhanh chóng hai cơ sở của tổ chức. Hai vụ này đã xảy ra vào tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay.
Hôm qua, tòa án đã ra phán quyết về việc tịch biên hai cơ sở mà Memorial có từ đầu. Các thành viên của tổ chức đã dự trừ tình huống này, cho nên họ đã đem đi cất giấu các tài liệu quý giá.
Từ năm 1989 đến nay, tổ chức Memorial vẫn nỗ lực cung cấp các tư liệu để người dân Nga hiểu rõ về lịch sử nước họ, về những vụ đàn áp chính trị đẫm máu. Tổ chức này kể từ nay bị cấm hoạt động ở Nga.
Mừng sinh nhật 70 tuổi hôm qua, tổng thống Vladimir Putin đã không nói một lời nào về giải Nobel. Để biện minh cho cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraina, bản thân ông đã viết lại lịch sử nước Nga và đó chính là điều mà tổ chức Memorial vẫn chống lại từ hơn 20 năm qua.
Trước tòa tối qua, trong một phiên xử mà không có một phóng viên Nga nào đến dự, các thành viên của Memorial đã trích dẫn một câu nói của nhà đấu tranh nhân quyền nổi tiếng Andrei Sakharov: “ Hòa bình, tiến bộ, nhân quyền là 3 mục tiêu mà chúng ta không thể tách rời.”
Theo RFI