Những chiếc xe hơi bốc cháy trên đường phố thủ đô Kiev, Ukraina vì trúng hỏa tiễn của Nga, ngày 10/10/2022. REUTERS - VALENTYN OGIRENKO
Từ nhiều tuần qua, chiến tranh diễn ra trên mặt đất, bằng pháo, xe tăng, bộ binh. Nhưng từ hôm thứ Hai 10/10/2022, Nga thay đổi chiến lược, bắn tên lửa ồ ạt vào các cơ sở hạ tầng dân sự thay vì quân sự. Hỏa tiễn địa-không đang trở thành vấn đề hàng đầu trong cuộc chiến, để khẩn cấp bảo vệ những thành phố trọng yếu của Ukraina. Ba nước Hoa Kỳ, Đức, Tây Ban Nha đang đi đầu trong việc cung cấp cho Kiev các hệ thống chống lại hỏa tiễn của Nga và drone Iran.
Hai ngày tấn công, Nga tiêu tốn 400-700 triệu đô laMột đợt hỏa tiễn thứ hai lại đánh vào Ukraina, sự kiện này được các báo đồng loạt đưa tin. Hơn một chục quả S-300, thường dùng để chống lại máy bay và tên lửa, đánh vào thành phố Zaporijia vẫn bị oanh kích thường xuyên từ một tuần qua. Tại Kiev, còi báo động rền vang suốt năm tiếng đồng hồ nhưng rốt cuộc không có hỏa tiễn nào rơi xuống thủ đô.
Tuy Kremlin tuyên bố ngày thứ hai tấn công « ồ ạt », nhưng số tên lửa xem ra ít hơn nhiều so với hôm trước (gồm 83 hỏa tiễn Kh-101, Kh-55, Kalibr, Iskander và 24 drone tự sát của Iran). Hôm thứ Ba, chỉ có ba thành phố trong đó có Lviv bị 28 hỏa tiễn nhắm vào (trong đó 20 quả bị chặn, theo Kiev), bắn đi từ các chiến hạm ở Hắc Hải và các phi cơ trong không phận Nga.
Tạp chí Forbes ước tính đợt tấn công từ hôm thứ Hai khiến Nga tiêu tốn khoảng 400 đến 700 triệu đô la. Điện bị cúp tại 3.500 địa điểm trên toàn quốc đã được tái lập gần hết, chỉ còn 300 nơi mất điện. Có 11 cơ sở hạ tầng năng lượng bị thiệt hại, thủ tướng Ukraina kêu gọi người dân hạn chế tiêu thụ điện nhất là trong giờ cao điểm.
Các nhà lãnh đạo G7 họp khẩn qua video, loan báo ủng hộ Ukraina lâu dài « cho đến khi nào còn cần thiết ». Tổng thống Volodymyr Zelensky, khách mời của cuộc họp, đề nghị được cung cấp các hệ thống chống tên lửa để thiết lập được một « lá chắn trên không ». Từ nhiều tháng qua Kiev đã đòi hỏi loại phương tiện này, và đã nhận được một số giàn phòng không nhưng không đủ. Vào đầu cuộc xâm lược Ukraina có thể tự vệ với các hỏa tiễn SA-11 và S-300 thời Liên Xô, nhưng nay mọi việc đã khác.
« Chúng tôi không còn sợ nữa ! »Đặc phái viên Le Monde tại Kiev nhận thấy đợt hỏa tiễn đánh vào trung tâm các thành phố khiến người Ukraina lại có cùng cảm giác u ám của những ngày đầu tiên bị xâm lăng. Ở Kiev hôm qua, những người bị thương trên đường phố được cấp cứu tại chỗ, các xe cứu thương chạy khắp nơi, lính cứu hỏa lo chữa lửa, hàng ngàn người dân lại đến tránh bom ở métro và các hầm trú ẩn. Tuy nhiên có hai điểm khác biệt : không có những đoàn xe tăng tiến về Kiev, và lòng tin của người Ukraina về một chiến thắng lại càng vững chắc sau gần 8 tháng chiến tranh.
Người cảnh sát đứng gác trước tòa tháp 101 mà mặt tiền bằng kính bị vỡ vì hỏa tiễn Nga, nói : « Putin cứ việc lên cơn động kinh, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục sống bình thường ». Mặt đường đầy những mảnh tôn và thủy tinh, một vũng máu lớn thấm dần xuống lề đường. Mikhail, một thợ điện làm việc gần đó cho biết có lẽ nạn nhân không sống nổi vì đôi chân gần như bị tiện đứt. Phía sau anh, khoảng hơn một chục người bị thương ngồi chờ, và lần lượt được nhân viên cấp cứu chăm sóc. Mikhail, văn phòng đã tan tành vì vụ nổ, khẳng định : « Điều cốt yếu là tống cổ được bọn xâm lược. Putin muốn gây kinh hoàng, nhưng chúng tôi chẳng còn sợ ông ta nữa. Sắp tới Ukraina sẽ có được các hệ thống chống hỏa tiễn, và tất cả chỉ còn là kỷ niệm ».
« Không còn sợ nữa », đó là câu nói nghe được khắp nơi trên đường phố Kiev. Cư dân lại tránh bom trong các trạm xe điện ngầm, nhưng ở đó họ hát quốc ca và những bài hát truyền thống. Ngay sau loạt vụ nổ, nhiều người dân thủ đô lại tận dụng một ngày mùa thu nắng ấm trên băng ghế công viên hay trong những quán cà phê. Tổng thống Volodymyr Zelensky không chờ đợi đến buổi tối để gởi thông điệp video như thường lệ, mà bước hẳn ra đường phố ở gần Dinh, tuyên bố : « Chúng ta sẵn sàng đối mặt với bọn khủng bố ».
Dưới hỏa tiễn, Quốc Hội Ukraina vẫn họp Còn đối với những người đại diện của dân ? Le Figaro cho biết « Dưới hỏa tiễn, Quốc Hội Ukraina vẫn họp bình thường ». Theo Hiến Pháp, Rada tức Quốc Hội có 450 dân biểu, nhưng hiện có 30 chiếc ghế bỏ trống. Đó là do sau khi Crimée bị Nga sáp nhập và Donetsk, Luhansk bị chiếm đóng, không thể tổ chức bầu cử ở những vùng này; bên cạnh đó cũng có những kẻ tham nhũng và phản bội. Năm dân biểu trốn sang Côte d'Azur (Pháp) hay Israel, tám người khác chạy sang Nga.
Kẻ phản quốc nổi tiếng nhất là nhà tài phiệt Viktor Medvedchuk. Năm 2004 lúc còn là dân biểu, ông ta đã đề nghị Vladimir Putin đỡ đầu cho con gái. Trong những ngày đầu xâm lược, Medvedchuk được cho là sẽ được Matxcơva đưa lên làm tổng thống bù nhìn nếu chiếm được Kiev. Chỉ ba ngày sau khi quân Nga tràn sang, ông ta định chạy sang Nga nhưng đến 12/04 bị tình báo Ukraina bắt được lúc đang giả làm một người lính, đợi lực lượng Nga đưa đi đào thoát. Bằng chứng cho thấy sự quan trọng của Viktor Medvedchuk đối với Kremlin : tháng Chín ông ta được trao đổi với Nga, Ukraina nhận về tất cả các chỉ huy cao cấp của tiểu đoàn Azov bị bắt khi đang bảo vệ Mariupol.
Một dân biểu khác là Oleksiy Kovalev, thuộc đảng của Zelensky, vẫn ở lại Kherson sau khi Nga chiếm. Đầu tháng Năm, khi có bằng chứng là Kovalev hợp tác rất tích cực với quân chiếm đóng, ông ta bị khai trừ và tước quốc tịch. Ngày 28/08 hai vợ chồng bị bắn chết. Cũng như vụ ám sát con gái lý thuyết gia cực đoan Nga Alexandre Douguine, vụ nổ cầu Kertch, Ukraina chưa hề nhận trách nhiệm, nhưng rõ ràng những kẻ phản bội phải trả giá đắt. Matxcơva thì vẫn tìm cách mua chuộc. Hai trong số bốn người được Vladimir Putin « bổ nhiệm » làm thống đốc bốn vùng bị tự tiện sáp nhập, là cựu dân biểu ở Rada.
Một nữ dân biểu đối lập cho biết trước cuộc họp, họ hội ý để đạt được đồng thuận. Vì lý do an ninh, các dân biểu không muốn lưu lại quá lâu trong trụ sở Quốc Hội. Bà và một số đồng nhiệm nằm trong danh sách bị Nga tìm cách sát hại. Người ta ngưỡng mộ tổng thống Zelensky vì ông vẫn ở lại Kiev vào đầu cuộc xâm lăng, nhưng Quốc Hội cũng vậy : các dân biểu hôm đó vừa hát quốc ca vừa rơi lệ. Hôm thứ Hai, lúc hỏa tiễn liên tục rơi xuống thủ đô, Rada vẫn không hề đóng cửa.
Nga còn bao nhiêu tên lửa ?Dự trữ hỏa tiễn của Nga là vấn đề được đặt ra sau loạt tấn công ồ ạt vừa rồi. Phải chăng ước tính về số tên lửa mà Matxcơva đang có là quá thấp so với thực tế ? Hồi năm 2019, Viện FOI của Thụy Điển đánh giá Matxcơva trữ khoảng 1.300 hỏa tiễn đạn đạo và hành trình tân tiến (Iskander, Totchka-U, Kh-101, Kh-555…).
Thế nhưng từ tháng Hai đến nay, Nga đã bắn ít nhất 3.000 hỏa tiễn vào Ukraina. Nhà nghiên cứu Vincent Tourret cho rằng kho vũ khí của Nga đã bị đánh giá thấp, cho dù các loại rốc-kết (Grad, Smerch…) có thể bị cộng vào làm sai lạc số liệu. Theo chuyên gia Dimitri Minic, còn phải tính đến một giới hạn mà quân đội Nga không thể bước qua, để phòng ngừa xảy ra xung đột với NATO.
Phòng không trở thành vấn đề chủ chốt La Croix nhận thấy « Các đồng minh của Ukraina đang chịu áp lực về việc tăng cường hệ thống phòng không », còn Le Figaro cho rằng « Hỏa tiễn địa-không, vấn đề hệ trọng mới trong chiến tranh Ukraina ». Dù cóbắn chận được đến phân nửa, Ukraina vẫn chịu thiệt hại nặng nề.
Tướng Pellistrandi, tổng biên tập tạp chí Quốc Phòng giải thích trên Le Figaro : « Kiev cần tiến lên một bậc cao hơn về phòng không, để tạo lập những vòm bảo vệ » xung quanh các thành phố. Đại sứ Ukraina tại Pháp Vadym Omelchenko nhắc nhở : « Lãnh thổ chúng tôi rất rộng, nhưng phải khẩn cấp bảo vệ những thành phố tối cần cho quốc phòng và kinh tế ». Chẳng hạn thủ đô Kiev hay cảng Odessa, nơi xuất khẩu thực phẩm ra thế giới và Lviv, nơi tập trung viện trợ từ các nước.
Từ nhiều tuần qua, chiến tranh diễn ra trên mặt đất, bằng pháo, xe tăng, bộ binh. Matxcơva có lẽ đã nhận ra các cuộc oanh kích không thể làm rối loạn quân đội Ukraina, nên tiết kiệm dần số hỏa tiễn. Về phía Kiev, lực lượng phòng không khiến các máy bay Nga không dám phiêu lưu, nhất là nhờ loại hỏa tiễn vác vai Manpads rất nguy hiểm cho những phi cơ hay trực thăng bay quá thấp. Nhưng từ hôm đầu tuần, Nga thay đổi chiến lược, nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự thay vì quân sự, từ khoảng cách rất xa. Hỏa tiễn Nga đang thách thức phòng không Ukraina.
« Lãng mạn nhất là Caesar 155 ly »La Croix cho biết có ba nước đang trên tuyến đầu trong việc cung cấp các hệ thống chống lại hỏa tiễn hành trình và đạn đạo của Nga cũng như drone Iran. Hôm nay giàn hỏa tiễn địa-không Iris-T đầu tiên đã được Đức giao cho Ukraina, ba giàn còn lại sẽ đến sau. Hai giàn Nasam do Na Uy sản xuất trong những ngày sắp tới sẽ được Hoa Kỳ tặng cho Kiev, sáu giàn còn lại không thể có được trước 2023. Tây Ban Nha cũng sẽ chuyển giao sáu hệ thống phòng không Spada Aspide, hợp tác chế tạo với Thụy Sĩ và Ý.
Liệu Pháp có tham gia với bộ ba này ? Quân đội Pháp chỉ sở hữu 8 hệ thống địa-không (SAMP-T) Mamba có tầm hoạt động 100 kilomet, và đang được Kiev « dòm ngó ». Một giàn đã đưa sang Rumani để tăng cường lực lượng NATO ở phía đông, số còn lại đang bảo vệ các địa điểm nguyên tử quân sự. Theo nhà nghiên cứu Pierre Grasser, thật ra Paris có thể cung cấp các hỏa tiễn địa-không tầm ngắn Crotale NG và radar giám sát, dễ sản xuất và chuyển giao hơn. Pháp hiện đứng thứ 13 về viện trợ quân sự cho Kiev. François Heisbourg, cố vấn Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng muốn có sức nặng thì phải góp mặt. « Pháp có vị trí như thế nào khi đóng góp chỉ 2 % trong nỗ lực chung của EU và NATO để giúp Ukraina phương tiện chống xâm lược ? »
Paris đang có ý định gởi thêm 6 khẩu đại pháo Caesar - đang trở thành nổi tiếng trên chiến trường - ngoài 18 khẩu đã chuyển giao. Hôm nay bộ Quốc Phòng Ukraina cho đăng lên mạng một video chưa đầy 1 phút. Trên nền bản nhạc « Je t’aime… moi non plus » của Serge Gainsbourg với Jane Birkin, là những cánh hoa hồng, những mẩu sô-cô-la, sông Seine…được chạy dòng chữ « Những cử chỉ lãng mạn có thể mang nhiều dạng. Nhưng nếu bạn thực sự muốn chiếm được trái tim chúng tôi, không gì hơn Caesar 155 ly ». Sau đó là tiếng nổ ầm vang của khẩu đại pháo, câu « Cám ơn nước Pháp », và câu kết « Hãy gởi cho chúng tôi nhiều hơn ! »
Theo RFI