TP New Orleans, Louisiana
New Orleans là một trong những thành phố cảng quốc tế quan trọng của Hoa Kỳ kể từ ngày lập quốc cho tới bây giờ, nằm ở phần cực nam của tiểu bang Louisiana. Có dân số khoảng trên dưới một triệu người, trong đó có một số đông người Việt Nam ta sinh sống tại những vùng ngoại ô thành phố, đa số là người Thiên Chúa giáo, nhưng tôi không biết đích xác số lượng là bao nhiêu.
New Orleans, một trong vài thành phố của Hoa Kỳ có một lịch sử hết sức lý thú. Đây là thành phố mà số lượng đông đảo di dân người Pháp đã từ Âu Châu sang định cư. Họ khởi thủy tập trung lập nghiệp và vẫn còn tiếp tục sinh sống ở đây cho tới ngày nay. Trải qua năm tháng dài gần hai thế kỷ với nhiều đổi thay, họ đã cố gắng giữ lại một phần văn hóa của riêng mình (văn hóa Pháp) như để tô điểm một nét đặc thù cho thành phố New Orleans.
New Orleans nằm bên bờ sông Mississippi, ngay khúc uốn cong nên còn có bí danh là Crescent city. Cứ chiếu theo những biến cố lịch sử, ta thấy ngay rằng, đây là thành phố có nét hòa hợp văn hóa của Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ để cấu tạo nên nét văn hóa đặc thù cho thành phố này như âm nhạc, thức ăn, những ngày lễ hội Mardi Gras hàng năm và những kiến trúc đẹp của ba nền văn hóa ấy.
New Orleans còn nhiều điều khác nữa, có từ thời xa xưa được lưu lại không phải chỉ về lịch sử mà còn cả về mặt phát triển kinh tế từ thời nông trại đến thời kỳ kỹ nghệ hóa sau này, lẫn những biến đổi chính trị của những thời kỳ khác nhau của New Orleans. Chẳng hạn như trong thời kỳ “Nội chiến Nam-Bắc” (1861-1865), quân đội Union của phương Bắc đã chiếm đóng ngay thành phố New Orleans thuộc phe miền Nam vào năm 1862, tức chỉ một năm sau khi cuộc nội chiến xẩy ra. Và dân chúng ở đây phải tuân thủ một chính sách cai trị nghiệt ngã của phương Bắc cho tới năm 1876, kéo dài 14 năm.
Đường Canal tại trung tâm thành phố.
Đến khoảng trưa, chúng tôi vào trung tâm thành phố New Orleans. Ngoài vài phố chính rộng lớn và đông đúc của khu thương mại, con đường trung tâm mang tên Canal được nhiều người biết đến hơn cả. Phần lớn những đường phố còn lại ở New Orleans tương đối nhỏ. Những con đường ngang dọc quanh khu French Quarter (khu Pháp) phải nói là chật hẹp, rất khó lái xe. Chúng tôi lái dọc theo dẫy phố bờ sông. Khu French Quarter nhộn nhip với lượng du khách khá đông đảo. Người ngồi ăn lan cả ra vỉa hè và nhất là quán Café Du Monde nổi tiếng cũng đông nghẹt. Lái xe vòng vòng quanh thành phố độ một giờ, chúng tôi đi tìm khách sạn đã “book” từ hôm trước, khách sạn Inter Continental, 4 sao rưỡi, khá khang trang. Khách sạn ở ngay trung tâm thành phố nên chúng tôi có thể đi bộ ra bến tầu, ra khu French Quarter, hay buổi tối có thể thả bộ đến đường Bourbon nổi tiếng về đêm. Chúng tôi trở lại khu French Quarter, đi bộ dọc theo hai con đường Decatur và Chartres. Người đi chen chúc, ồn ào bởi những nhà hàng ăn lẫn “gift shops” dọc theo hàng phố. Đâu đâu cũng có ban nhạc của người da đen, đặc biệt nhất là loại nhạc Jazz. Chúng tôi ghé một quán ăn trên đường Decatur được bầy bán cả ra ngoài đường. Chúng tôi mua một cái sandwich loại lớn nhân thịt giá chỉ có 15 đô la, có thể chia làm bốn, mỗi người một phần, ăn vừa đủ no, lại kèm thêm mỗi người một món soup đặc sản, thế là đủ "căng bụng" để có thể tiếp tục đi chơi. Quá rẻ!
French Market.
Sau đó chúng tôi đi dọc theo phố Decatur để tới thăm khu chợ được gọi là French Market. Khu đất này, vào thời người Pháp mới lập nghiệp, người da đỏ cũng tới đây buôn bán. Đến năm 1800, chợ được xây dựng thêm vài chỗ, gồm cả Famer’s Market tọa lạc ở phía cuối. Ngay đầu chợ được xây một cái cổng dựa theo hình thể tượng trưng của kiến trúc Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) như ở Paris nhưng quá đơn giản và quá xấu xí, trên có đề hàng chữ French Market. Bên trong chợ bán đồ lưu niệm như mọi chợ bán lưu niệm khác, không có gì đặc biệt với cái tên French Market cả, chỉ trừ những gian hàng quần áo hay “boutiques” ở trong chợ có bảng hiệu bằng tiếng Pháp mà thôi. French Market giống chợ bên Mễ hơn là Pháp. Người bán hàng ở đây nói tiếng Mỹ, nếu có người nói tiếng Pháp thì cũng chỉ bập bẹ ú ớ dăm ba tiếng “bồi” với du khách. Chung quanh chợ, nổi bật nhất là những gian hàng bán khăn quàng lông (lông vũ giả) dài thườn thượt nhuộm màu xanh đỏ tím vàng dùng để quấn vào cổ trong những ngày lễ hội hóa trang Mardi Gras.
Mardi Gras là những ngày lễ hội lớn có tính truyền thống và đặc thù của New Orleans. Ngày hội kéo dài từ tháng giêng cho đến hết tháng hai hàng năm. Du khách từ khắp nơi đổ về đây để xem hội. Mọi người đều có thể đeo mặt nạ, ăn mặc hóa trang diễn hành và nhẩy múa trên phố một cách tự do. Họ ném những dây “tràng hạt” quàng cổ xanh đỏ cho nhau. Những ngày đó, New Orleans tràn ngập sóng người, chen chúc nhau mà đi, khó có thể tìm được chỗ đậu xe, mà nếu có kiếm được thì cũng phải trả với giá tối thiểu là 50 tới 70 đô la một ngày. Những người làm việc ở khu vực French Quarter trong những ngày đó phải chung nhau thuê “shuttle” để sáng đưa họ đến làm việc, chiều tối đón về.
Nói chung, khu French Quarter chỉ rộng chừng chục con đường ngang dọc mà thôi, nếu đi bộ thoáng qua theo kiểu “cưỡi ngưạ xem hoa” hay với “walking tour” thì cũng chỉ cần khoảng độ hai giờ là đi hết phần chính của cả khu phố này rồi.
Nhà thờ St. Louis tại khu công trường Jackson.
Rời khu đông đúc của French Quarter, chúng tôi đi ngược lại, cũng vẫn dọc theo con phố Decatur để đến Công trường Jackson (Jackson Square). Công trường này trước đó có tên là Place d’Armes dưới thời Pháp, và tên Plaza de Armas dưới thời Tây Ban Nha, và sau được đổi tên thành công trường Jackson kể từ năm 1848 để vinh danh vị tướng chỉ huy trong trận đánh bảo vệ New Orleans như đã nói ở phần trên. Giữa công trường có tượng Jackson rất lớn, được xem là một trong những bức tượng đẹp nhất của đất nước Hoa Kỳ.
Từ Công trường Jackson nhìn về phía đường Chartres, tức hướng về phía thành phố, là nhà thờ Saint Louis to lớn và đẹp, có kiến trúc với 3 tháp nhọn. Nhà thờ này được xây hoàn tất vào năm 1794, đến năm 1851 được sửa lại thành kiến trúc sau cùng như ta thấy ngày nay. Dọc theo những con đường thuộc khu nhà thờ và công trường có cả chục xe ngựa chờ đợi sẵn để đưa du khách đi vòng quanh thành phố. Ngay sát công trường Jackson, hướng về phía bờ sông là công viên Washington với khẩu súng thần công đúc rất đẹp.
Trên đường Decatur cũng còn một bức tượng mạ vàng chói lọi, rất đẹp, có cờ Pháp bên cạnh, tôi đoán là tượng bà Jeanne d’Arc cưỡi ngựa, vị nữ anh hùng của nước Pháp. Chụp vài tấm ảnh kỷ niệm nơi đây rồi chúng tôi ra xe tìm đường ra HWY 10 để đi qua chiếc cầu Pontchartrain được mệnh danh là một trong những chiếc cầu dài nhất thế giới. Cầu được xây băng qua Lake Pontchartrain nối liền thành phố New Orleans với thành phố Mandeville bên kia hồ, chiều dài đúng 25 dặm. Lái xe trên cầu, hai bên chỉ là nước biển, không thấy bờ đâu làm tôi nhớ lại những chiếc cầu dài nối liền các đảo ở Florida thuộc vùng Key West. Tuy nhiên cảnh trí của Key West thì đẹp hơn nhiều.
Phố Bourbon.
Đến tối chúng tôi đi dạo chơi phố Bourbon. Phố Bourbon nổi tiếng ăn chơi về đêm. Đây là con phố nhỏ, xe hơi đi ngược chiều tránh nhau hơi khó. Dọc theo hai bên phố Bourbon đa số là những quán nhạc hay Bar rượu. Các ban nhạc người da đen mặc sức biểu diễn. Khu phố này, nhà xây theo kiểu hai tầng sát vách, trên là Bar, dưới cũng là Bar. Có vài "em" đứng trước cửa Bar mời gọi du khách bằng cách lật áo lên cho "xem một tý" rồi chỉ tay lên lầu theo kiểu mời "phải anh là lính, mời anh lên lầu" (nói lóng theo tên thuốc lá hiệu “Pall Mall” ngày nào). Lòng đường cấm xe qua lại ban đêm nên du khách có thể đi bộ thoải mái. Chúng tôi chỉ theo dòng người đi lang thang chứ không vào quán Bar nào cả. Thỉnh thoảng chúng tôi dừng chân lại trước vài quán nhạc, chỉ đứng ngoài xem ké trình diễn ở bên trong. Cả khu phố vang lên tiếng nhạc trộn lẫn với những tiếng cười đùa. Vài đám “dân nhậu” tụ tập trên lan can ở từng lầu nhìn xuống người đi đường, người đi dưới đường ngước lên nhìn đám “dân nhậu” phía trên, lời qua tiếng lại rất vui vẻ ồn ào, ồn ào ngang với những thành phố bên Mễ nằm sát gần biên giới Mỹ, kế cận thành phố San Diego. Ồn ào, vui chơi nhưng vẫn giữ được trật tự bởi sự canh phòng rất nghiêm của những cảnh sát viên (polices) đi ngựa, loại ngựa Mông cổ trông to lớn kềnh càng làm sao.
Con phố "ăn chơi" Bourbon, chiều dài hoạt động chỉ được giới hạn khoảng mươi blocks ngắn, nghĩa là dài khoảng hơn một dặm (mile) mà thôi. Con phố Bourbon tất nhiên dài hơn nhưng không ai muốn vượt ra khỏi khu đông đúc đã được giới hạn bởi một bảng khuyến cáo (warning) của cảnh sát cho biết du khách không nên vượt qua giới hạn đó vì sợ mất an ninh. Tất nhiên là khu phố sau tấm bảng đó thì cảnh vật vắng tanh đến lạnh lẽo.
Thành phố New Orleans được mệnh danh là "thủ đô của nhạc Jazz" là "thủ đô của lễ hội hóa trang Mardi Gras" và cũng được mệnh danh là "thủ đô của tội phạm giết người". Đấy là nhận xét của người địa phương nói lại với chúng tôi. New Orleans thuộc tiểu bang Louisiana, một tiểu bang miền nam nước Mỹ nặng về nông nghiệp nên có đông đảo người da đen bị bắt đem từ Phi Châu về đây làm nô lệ từ những thế kỷ trước. Những người da đen này sau khi được giải phóng sau trận Nội chiến Nam-Bắc, một số di dời lên các tiểu bang miền Bắc để làm công nghiệp, phần còn lại vẫn tiếp tục ở lại sinh sống trong tình trạng nghèo khổ, và cũng chính do sự nghèo khổ này nên dễ sinh ra nhiều tệ nạn xã hội ở đây.
Cafe du Monde. (Mái nhà màu xanh trong ảnh).
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi lái xe trở lại khu French Quarter ăn điểm tâm. Mọi du khách đến đây, thường ai cũng ghé quán Café Du Monde nổi tiếng hàng cả thế kỷ nay để thưởng thức hương vị café ở quán này ít nhất một lần. Nhà hàng bán café sữa (café au lait) gồm một nửa café và nửa sữa nóng pha sẵn, giống như kiểu café "bí tất" của ta chứ không phải “café phin” (cái nồi ngồi trên cái cốc) với sữa đặc “ông thọ” như tôi tưởng lúc ban đầu.
Uống café sữa "bí tất" Du Monde với bánh “đô-nắt” (doughnuts hay beignets) kiểu Pháp, hình khối vuông to bằng nửa nắm tay chứ không hình vành khăn hay tròn như của Mỹ. Mỗi đĩa đựng từ 3 tới 6 cái “đô-nắt” tùy theo là đĩa nhỏ hay đĩa lớn. Trên mặt bánh “đô-nắt” người ta trải một lớp "đường bột" giống như bột mì vậy (sugar-dusted doughnuts). Ăn bánh “đô-nắt” nhâm nhi cốc Café Du Monde, chỉ có thế thôi, vâng, chỉ có thế thôi mà lúc nào quán café này cũng đông nghẹt những người. Có lẽ du khách không phải đến đây để thưởng thức hương vị cà phê với bánh “bầy nhầy” (beignets) mà tôi cho là dở ẹc, mà họ đến đây để ngồi tại ngôi quán có một lịch sử lâu đời hơn cả trăm năm (1862). Quán Café Du Monde nay đã trở thành biểu tượng của khu phố French Quarter.
Cũng không thể trách hương vị café ở đây được vì mỗi người có một cách thưởng thức với hương vị khác nhau và nhất là giá bán lại thật bình dân, chỉ một đô la rưỡi một cốc café lớn, đĩa “đô-nắt” nhỏ gồm 3 chiếc giá 3 đô la, vừa túi tiền du khách, kể cả loại du khách "Tây ba lô". Với giá đó tôi tự hỏi ta còn đòi hỏi gì thêm nữa nhỉ.
Thất vọng với hương vị café thua cả vợ pha, dù là rất tay mơ, nhưng bù lại tôi có dịp làm quen với hai nhân viên phục vụ người Việt Nam ở đây, anh Dũng và anh Đỉnh đã từng làm việc ở quán này rất lâu. Ngay từ đầu, chúng tôi cứ tay bắt mặt mừng nắm tay nhau trò chuyện như đã quen biết từ lâu. Tôi thấy hai anh ân cần quá, với gương mặt chân thật làm sao, có lẽ cả đời hai anh chỉ biết cầu kinh và tin vào Đức Chúa, chưa một lần biết nói dối ai. Anh Đỉnh mời chúng tôi thêm café và một đĩa bánh “đô-nắt” thật đầy, anh không tính tiền, anh tặng chúng tôi bằng chính tiền túi của anh vì tất cả nhân viên làm việc cho tiệm này đều phải mua của chủ trước rồi mới bán lại cho khách sau theo dạng trung gian. Chúng tôi cố gắng trả tiền anh dù đã năm lần bẩy lượt nhưng anh vẫn không chịu nhận. Cuối cùng, đợi đến khi chia tay tôi mới dúi tiền vào túi áo anh và đi ra thẳng không cho anh có cơ hội trả tiền lại chúng tôi nữa.
Trước khi ra khỏi nhà hàng, anh Đỉnh còn đứng nói chuyện thêm với chúng tôi lâu lắm. Chúng tôi cứ phải dục anh trở lại làm việc kẻo người chủ hay “manager” sẽ làm phiền hà đến anh, nhưng anh vẫn quyến luyến chúng tôi. Anh cho chúng tôi cả số điện thoại ở nhà lại còn vẽ bản đồ hướng dẫn đường cho chúng tôi đến thăm một trong những ngôi "làng Việt Nam" (cách gọi của anh Đỉnh) cách đó khoảng 20 phút lái xe.
Anh Đỉnh cho biết thêm, vào những ngày lễ hội Mardi Gras, mỗi người tiếp viên của Café Du Monde chỉ phục vụ có 4 bàn mà thôi và trong tiệm có khoảng trên 50 tiếp viên, người Việt Nam ta chiếm tới 37 người và vì chịu khó làm việc nên đã đẩy lần những anh tiếp viên người Mỹ hay Mễ về vườn. Anh Đỉnh tính trung bình mỗi ngày bình thường anh kiếm được khoảng 80 đô la tiền “tip”, ngày lễ Mardi Gras hay những ngày lễ lớn khác thì có thể kiếm từ 100 tới 120 đô la một ngày. Ngày nay chắc phải cao hơn nhiều. Anh Đỉnh trước kia làm Dental Asistance nhưng sau đó xin nghỉ việc để làm tiếp viên ở đây.
Chúng tôi từ giã anh Dũng và anh Đỉnh sau khi chụp vài tấm ảnh kỷ niệm, rồi vội vã ra bến tầu cho kịp giờ đáp chuyến tầu mang tên Natchez. Tàu Natchez với hình dáng loại tàu thủy cổ xưa, có “guồng quay nước” phía đuôi tầu, chuyên sử dụng để chở du khách đi trên sông Mississippi, dọc theo thành phố trong vòng hai tiếng đồng hồ. Cũng dọc theo hai bờ sông tôi thấy có nhiều cơ xưởng kỹ nghệ nằm rải rác, có cả nhà máy luyện nhôm, nhà máy lọc dầu nữa. Ngồi nhìn cảnh sông nước và ngồi ăn trưa trên tầu, lại được thưởng thức ban nhạc Jazz chơi cũng là điều thú vị. Tôi thấy có hai hàng đê được đắp dọc bờ sông vì mực nước sông cao hơn mặt thành phố đâu khoảng 5, 6 feet.
"Làng Việt Nam" tại New Orleans.
Sau khi rời tầu Natchez chúng tôi lái xe đi thăm khu "làng Việt Nam" như đã được anh Đỉnh giới thiệu. “Làng” có khoảng 10 nghìn người Việt Nam, chắc phần đông là người theo Thiên Chúa giáo. Tôi thấy có hai ngôi nhà thờ lớn ở đây và đồng thời cũng có một ngôi chùa gạch mái đỏ ngay mặt đường lớn, hình như chùa mới được xây dựng trông rất khang trang. Làng có "khu chợ Việt Nam” với đủ dịch vụ cần thiết như thực phẩm khô và tươi, văn phòng nha khoa, bác sĩ, luật sư, tiệm phở và nhiều cửa hàng đủ loại khác nữa, không thiếu thứ gì, nhưng kích thước, bề thế còn nhỏ.
Ở New Orleans còn có sở thú, nhà nuôi cá, viện bảo tàng, trường đại học nổi tiếng. New Orleans không phải chỉ có French Quarter mà chúng tôi vừa thoáng đi qua, nó còn là thành phố cổ kính và có nhiều di tích lịch sử với sự pha trộn của ba nền văn hóa lớn, Pháp-Tây Ban Nha-Hoa Kỳ. Ắt hẳn, New Orleans còn nhiều điều cần xem, cần biết nhưng thật tiếc là chúng tôi không có đủ thì giờ để đi thăm nhiều hơn nữa.
Nhìn chung, chuyến đi chơi New Orleans, đối với tôi, thật là thú vị vì biết được những thắng cảnh, học hỏi được nhiều điều qua di tích lịch sử và sinh hoạt của người dân bản xứ sinh sống ở thành phố này hàng bao đời. Bao nhiêu người đã đổ xương máu và mồ hôi để tạo dựng nên mảnh đất ngày nay mà chúng ta đang được thừa hưởng. Mỗi bước chân tôi đi trên thành phố ấy, tôi thấy như dòng lịch sử cứ quay ngược trở lại để chúng tôi có cơ hội chiêm ngưỡng và thán phục sự đóng góp của những người đi trước với sự kính trọng của riêng tôi. Và dòng lịch sử ấy vẫn luôn mạnh mẽ tiến về hướng tương lai phía trước, cùng đồng hành với sự phát triển của quốc gia Hoa Kỳ đứng hàng đầu thế giới.
Nguyễn Giụ Hùng/Việt Báo