Trong mọi tình huống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” không đâu nguy hiểm bằng trong hai lĩnh vực an ninh và quốc phòng, vì sự tồn vong của chế độ CSVN hoàn toàn lệ thuộc vào Công an và Quân đội. Vì vậy, Công an đã cảnh báo: “Hiện nay, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nguy cơ hết sức nghiêm trọng đối với sự tồn vong, vững mạnh của đất nước ta, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh. Đây thực sự là một hiểm họa tiềm tàng, một loại kẻ thù giấu mặt, một thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm, cần được nhận diện, ngăn ngừa, đấu tranh,” (báo Công an Nhân dân (CAND), ngày 26/09/2022).
BA MỨC ĐỘ TỰ DIỄN BIẾN - TỰ CHUYỂN HÓA
Vậy tình trạng này thể hiện trong cán bộ, đảng viên Công an và Quân đội như thế nào? Đầu tiên, theo CAND, là những người “có biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh có thái độ thiếu tin tưởng vào khả năng, sức mạnh quốc phòng, an ninh trong bảo vệ Tổ quốc.”
Tại sao lại có sự chuyển hướng nghiêm trọng này trong “lực lượng vũ trang nhân dân?” Bởi vì Việt Nam thời Cộng sản bây giờ “không có đồng minh quân sự”, căn cứ theo Chính sách Quốc phòng 4 “không” của Việt Nam gồm:
“(1) không tham gia liên minh quân sự; (2) không liên kết với nước này để chống nước kia; (3) không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; (4) không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”
Nhưng trong tình hình “hội nhập” hiện nay của thế giới, lập trường quốc phòng của Việt Nam đã bị chỉ trích là “không thực tế”. Phản ứng lại, báo CAND viết:
“Nhưng đáng buồn thay, một số kẻ đã vội quên đi những chiến thắng oanh liệt được đánh đổi bằng hi sinh, xương máu của các thế hệ cha anh.
Nhìn lại sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, khi tình hình biên giới, biển, đảo có diễn biến phức tạp, nhạy cảm, những người này thể hiện sự bi quan, hoang mang. Một số quay sang phê phán đường lối xử lý của Đảng, Nhà nước ta. Thậm chí có quan điểm còn cho rằng, Việt Nam là nước nhỏ nên cần phải nhượng bộ, “chấp nhận” theo sự sắp đặt của các nước lớn.”
CAND cho rằng: “Những biểu hiện ấy dẫn đến sự lệch lạc trong nhìn nhận, xem xét các vấn đề về quốc phòng, an ninh; làm ảnh hưởng tới sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang và đối sách của Đảng, Nhà nước.”
VỤ HẢI DƯƠNG 981
Nhắc lại vụ Hải Dương 981 là nhắc lại sự yếu kém của Hải Quân CSVN. Vụ này xẩy ra từ ngày 2/5 đến ngày 16 tháng 7 năm 2014. Bách khoa Toàn thư ghi lại: “Ngày 2 tháng 5 năm 2014, giàn khoan được Trung Quốc đưa đến tọa độ 15°29′58″B 111°12′1″Đ,[13] cách đảo Tri Tôn (Trung Quốc gọi là đảo Trung Kiến, thuộc quần đảo Hoàng Sa và đang là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc) 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía nam, cách đảo Hải Nam 180 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông.[4] Đảo Tri Tôn cũng như toàn bộ quần đảo Hoàng Sa hiện đang do Trung Quốc kiểm soát từ sau trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với Việt Nam Cộng hòa.”
Diễn biến lực lượng đôi bên được viết tiếp: “Phía Việt Nam có 29 tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư, không có tầu Quân sự. Trung Quốc có 86 tàu, và máy bay. Trong số đó, có các loại tàu: tàu quân sự; tàu Hải cảnh; tàu Hải giám; tàu Hải tuần; tàu Ngư chính; tàu Kéo cứu hộ; tàu vận tải; tàu dầu và tàu cỏ vỏ sắt; bao gồm tàu Hộ vệ tên lửa số hiệu 534; tàu tên lửa tấn công nhanh mang số hiệu 752, 753, 754; và tàu tuần tiễu săn ngầm mang số hiệu 786, tàu Hải giám 7028, tàu Hải cảnh 46001.
Các tàu Trung Quốc vây thành vòng bảo vệ giàn khoan hoạt động. Các tàu Việt Nam chạy vòng vòng bên ngoài. Thỉnh thoảng có đấu vòi rồng (phun nước áp suất mạnh) và va chạm. Cả hai bên đều tố cáo bên kia cố tình đâm húc tàu của mình nhiều lần.”
Đến ngày 16/7/2014, phía Trung Quốc tự ý rút giàn khoan và nói “đã hoàn tất cuộc thăm dò”. Tuy hai nước không có giao tranh đổ máu, nhưng Việt Nam cũng không dám nghênh chiến với lực lượng hùng mạnh của Trung Quốc. Dư luận thế giới, kể cả Hoa Kỳ vào thời điểm này đã lên án hành động của Trung Quốc, nhưng không có nước nào lên tiếng đứng hẳn về phía Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Việc này đã nẩy sinh ra yêu cầu và lời khuyên Việt Nam nên tìm kiếm đồng minh để nương nhờ trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công ở vùng biển này lần nữa. Trung Quốc đã kiểm soát 8 vị trí trong Quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau cuộc tấn công ngày 14/03/1988 gồm: Cụm Thị Tứ: Đá Xu Bi; Cụm Nam Yết: Đá Chữ Thập, Đá Ga Ven, Đá Lạc; Cụm Sinh Tồn: Đá Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa; Cụm Trường Sa: Đá Châu Viên; Cụm Bình Nguyên: Đá Vành Khăn.
Tuy nhiên, báo CAND ngày 26/09/2022 đã chỉ trích lời khuyên tìm đồng minh như “mất niềm tin vào đảng”, đồng thời chỉ trích mục đích của yêu cầu là: “Theo hướng dựa vào bên ngoài, xa rời nguyên tắc độc lập, tự chủ. Họ muốn đi theo các nước lớn để nhận được sự giúp đỡ về vũ khí, trang bị kỹ thuật nhằm gia tăng sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.”
Vì vậy, CAND đã lên giọng phê bình: “Đây là suy nghĩ phiến diện, một chiều, có thể gây ra mối nguy hại về lâu dài cho đất nước. Bởi lẽ, trên thế giới đã có việc nước nhỏ dựa vào nước lớn để trợ giúp về vũ khí, quân sự. Tuy nhiên, sự trợ giúp này không phải là “miễn phí”, mà còn kèm theo những yêu cầu, đòi hỏi từ nước lớn nên thường dẫn tới yếu tố gây mất ổn định chính trị, thậm chí nguy cơ xảy ra xung đột, chiến tranh.”
KINH NGHIỆM XƯƠNG MÁU
Lập luận này của báo CAND phải chăng đã phản ảnh những kinh nghiệm xương máu trong bang giao gập ghềnh giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian chiến tranh, và trong cuộc chiến biến giới dài 10 năm 1979-1989 giữa hai nước?
Vì vậy ở Việt Nam, đã có những “lão thành cách mạng” và trí thức lên tiếng khuyến cáo đảng phải biết “chọn mặt” mà “gửi vàng” để bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên quan điểm góp ý hay “kiến nghị” của hai tầng lớp này đã bị lên án là “suy thoái tư tưởng chính trị”, như báo CAND đã lên lớp rằng: “ Đây là mức độ biểu hiện, phản ánh rõ ràng tính chất trầm trọng và đặc biệt nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Nội dung thông tin và luận điệu xuyên tạc trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh hiện nay hết sức đa dạng, với nhiều biểu hiện khác nhau. Chủ yếu vẫn là: đòi phi chính trị hóa Quân đội và Công an, phủ nhận nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang và sự nghiệp quốc phòng, an ninh; xuyên tạc mục đích của các hợp đồng mua bán vũ khí, trang bị cho Quân đội và Công an.”
Báo này cũng “tự ca”: “Với vai trò là lực lượng vũ trang nhân dân, “thanh kiếm và lá chắn” bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, CAND có vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, lực lượng CAND đã thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; tổ chức có hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quan điểm sai trái, thù địch.”
Tuy nhiên, mặt trái của thành công là những yếu kém không che giấu được về nhiều mặt như báo này nhìn nhận: “Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của lực lượng CAND vẫn còn một số hạn chế, nhất là trong công tác quản lý cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ còn bộc lộ sơ hở, có nơi để xảy ra một số vụ việc cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật của Đảng, của ngành, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, truyền thống của lực lượng. Trong công tác và chiến đấu, một số cán bộ, chiến sĩ còn có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, thiếu ý chí rèn luyện, phấn đấu vươn lên, thậm chí có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống.”
Đặc biệt trong những “suy thoái biến chất này”, không thấy nêu ra tệ nạn tham nhũng trong Công an. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là “không có tham nhũng trong lực lượng Công an”.
DIỄN BIẾN TRONG CÁN BỘ-ĐẢNG VIÊN
Bên cạnh Công an, tình trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” cũng đã diễn ra trong nội bộ Quân đội. Báo Quốc phòng Toàn dân từng cảnh giác từ năm 2014 rằng: “Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Các hiện tượng tham nhũng, lợi ích nhóm, mất đoàn kết nội bộ,… tuy đã được khắc phục một bước, nhưng vẫn còn diễn ra, làm cho lòng tin của một bộ phận nhân dân vào Đảng, Nhà nước bị giảm sút.”
Đến ngày 16/08/2022, Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận của Hội đồng Lý luận Trung ương vẫn thừa nhận: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, bất cập để nhanh chóng có những biện pháp khắc phục kịp thời, sát hợp, hiệu quả. Cụ thể là: Công tác tư tưởng có nơi, có lúc thiếu kịp thời, chưa sắc bén, tính thuyết phục chưa cao; việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên; một bộ phận đảng viên chưa nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác thông tin, tuyên truyền một số đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa kịp thời, hình thức chưa phong phú. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi tính chiến đấu chưa cao, còn bị động, lúng túng. Việc dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và định hướng dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời. Kết quả thực hiện một số chủ trương của Đảng về quản lý báo chí, truyền thông, xuất bản, quản lý internet, mạng xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Vai trò của văn học, nghệ thuật trong công tác tư tưởng chưa được phát huy đầy đủ. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu; một số vấn đề mới, khó, phức tạp thực tiễn đặt ra chưa được làm sáng tỏ.”
Bài viết đi xa hơn, với thừa nhận: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn diễn biến phức tạp; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... vẫn chưa được đẩy lùi có hiệu quả.”
CỐT LÕI CỦA SUY THOÁI
Vậy cốt lõi của suy thoái nằm ở chỗ nào? Trước hết, hãy nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Nhiều nơi, chi bộ chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân chính trị, tiên phong, gương mẫu nên nhân dân chưa thực sự tin tưởng. Thậm chí có một bộ phận cán bộ, đảng viên còn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng.” (Diễn văn ngày 04/05/2022, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII)
Điều được gọi là “tư tưởng chính trị” bao gồm Chủ nghĩa Mác-Lênin-Tư tưởng Hồ Chí Minh và “đường lối lãnh đạo của đảng”. Như vậy, khi cán bộ, đảng viên “suy thoái tư tưởng chính trị”, có nghĩa họ đã xa đảng, không còn tin vào tuyên truyền của đảng về sự thành công của Chú nghĩa Cộng sản nữa.
Vì vậy, cơ quan Tuyên giáo, có nhiệm vụ bảo vệ tư tưởng đảng viên để bào vệ chế độ đã cảnh giác rằng: “ Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và những hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ cấp cao là con đường ngắn nhất và trực tiếp không chỉ hạ thấp mà thậm chí còn thủ tiêu vai trò chính trị, thực lực chính trị và uy tín chính trị của Đảng, Nhà nước.” (Tuyên giáo, ngày 23/03/2022)
Điều quan trọng là đã có một “bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa vào tình trạng này”. Bằng chứng khi Tuyên giáo nhìn nhận: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, những hành vi tham nhũng, tiêu cực không còn là một khái niệm trừu tượng mà đã biểu hiện rất cụ thể trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, cấp cao.” (TG, ngày 23/03/2022)
Chi tiết hơn, bài viết nói thẳng: “Thực tế cho thấy, những sự suy thoái nêu trên ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Đó là hành vi lợi dụng quyền lực, biến quyền lực chính trị được nhân dân ủy thác thành “của riêng” để đổi chác, ban phát, mua bán... Bên cạnh đó là sự “a dua” “vào hùa” với những ý kiến lệch lạc, thiếu khách quan, thiếu toàn diện về sự nghiệp đổi mới của đất nước; đòi đa nguyên, đa đảng; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản bội lại lợi ích quốc gia - dân tộc.”
Vậy nguyên nhân cán bộ đã xuống cấp ở chỗ nào?
Tuyên giáo trả lời: “Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời. Quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc...”
Như vậy là hỏng tòan diện rồi còn gì nữa. Với những chứng hư tật xấu tồn tại năm sau cao hơn năm trước và thường xuyên như thế thì ông Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN có còn xứng đáng để tự nhận mình là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” hay không?
Phạm Trần