Tỉ phú Elon Musk chính thức mua Twitter ngày 27/10/022, và hứa hẹn nhiều thay đổi lớn trong hoạt động của mạng xã hội lớn hàng đầu thế giới. REUTERS - DADO RUVIC
Tỉ phú Mỹ Elon Musk thông báo chính thức mua mạng xã hội Twitter hôm qua, 28/10/2022. Trước đó một ngày, hôm 27/10, Liên Hiệp Châu Âu (EU) vừa công bố các quy tắc mới về dịch vụ kỹ thuật số, chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2024. Nhân dịp này, Liên Âu nhắc nhở tân chủ nhân Twitter phải tuân thủ các quy định của EU về giám sát không gian mạng xã hội tại khối 27 nước.
Khẩu hiệu của Liên Hiệp là « Những gì bị cấm trong đời thực cũng phải bị cấm trong thế giới ảo ». Tự do ngôn luận trên mạng xã hội đi liền với việc tôn trọng luật pháp. Đối với Ủy Ban Châu Âu, không gian kỹ thuật số của châu Âu hiện được quản lý toàn diện và thống nhất, và có rất ít mạng xã hội có thể bỏ qua một thị trường có quy mô lớn gấp rưỡi thị trường Hoa Kỳ.
Từ Bruxelles, thông tin viên Pierre Benazet giải thích :
Elon Musk công bố « Chim đã sổ lồng », nhưng ủy viên châu Âu về Thị trường Nội địa Thierry Breton đã đáp lại : « Tại Liên Hiệp Châu Âu, chim sẽ bay theo các quy tắc của Liên Âu chúng tôi ». Đằng sau câu đối đáp đầy chất thơ này ẩn chứa một lời nhắc nhở về các quy tắc liên quan đến việc giám sát các mạng xã hội.
Ủy viên châu Âu Thierry Breton cũng đã có dịp đề cập đến điều đó với Elon Musk trong một cuộc trao đổi hồi tháng 5 vừa qua. Sau cuộc gặp đó, Elon Musk, nay là tân chủ nhân của Twitter, cho biết ông có chung quan điểm.
Hiện giờ, những quy tắc này đều là mới, bởi vì vừa được công bố hôm thứ Năm (27/10) trên công báo của Liên Hiệp Châu Âu. Đó là luật định về các dịch vụ kỹ thuật số, vốn dĩ sẽ liên quan đến tất cả các nền tảng, với các quy tắc mang tính nghiêm ngặt hơn đối với các nền tảng có hơn 45 triệu người đăng ký, tức tương đương với 10% dân số Liên Âu. Trong số các mạng liên quan, có Twitter.
Việc giám sát và xóa nội dung đăng tải, đóng hoặc mở lại tài khoản của người sử dụng, đấu tranh chống thông tin sai lệch, nói tóm lại, mọi điều liên quan đến đời sống của những người sử dụng các nền tảng này ở châu Âu sẽ phải tuân theo quy định nghiêm ngặt, nếu không các mạng vi phạm sẽ phải nộp phạt số tiền có thể lên tới 6% doanh thu của họ trên toàn cầu. Các nội dung đăng tải sẽ được đánh giá độc lập hàng năm và các nền tảng sẽ phải đóng góp tài chính cho việc giám sát này.
Theo RFI