Từ khi Việt Nam bang giao rộng rãi với cộng đồng thế giới, gia nhập kinh tế thị trường (vì xấu hổ quá nên gắn thêm cái đuôi “định hướng XHCN”), các công ty ngoại quốc vào đầu tư xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp công nghiệp và hoạt động trong nhiều ngành dịch vụ khác. Số vốn Foreign Direct Investment (FDI) ngày càng gia tăng kéo theo nhiều đổi thay trong xã hội Việt. Về hình thức thì có nhiều, mà một trong số đó là loạn đồng phục!
Ở miền Nam trước 1975 chỉ có quân đội, cảnh sát, nhân viên Y tế, học sinh trung học, tu viện Phật giáo, nhà dòng Công giáo và một số ngành đặc biệt cần có để phân biệt với thường dân. Tất cả để tạo ra ý thức kỷ luật và xa hơn là tự hào đối với người mặc nó. Quân đội và những người theo ngành có vũ trang được may đồng loạt nhưng học sinh và nhân viên Y tế thì tự may, miễn là theo quy cách và đúng màu mà trường/ ngành quy định.
Trong quân đội, mỗi binh chủng có đồng phục riêng, thường thì bộ binh màu xanh lá (như màu rêu đậm), hải quân quần xanh áo trắng. Các binh chủng thiện chiến như nhảy dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, lực lượng đặc biệt, v.v… đều có áo quần in hoa văn rằn ri một phần để phù hợp với địa hình địa vật núi rừng, phù hiệu binh chủng may trên cánh tay áo sát vai trái. Ngoài ra, họ còn phân biệt qua màu mũ bê-rê. Đỏ: nhảy dù; nâu: biệt động quân, TQLC xanh lục. Ở các trường đào tạo sĩ quan hiện dịch như Hải quân, Võ Bị Quốc Gia, Chiến Tranh Chính Trị, sinh viên sĩ quan còn có thêm đồng phục là 4 bộ lễ phục, đại lễ và tiểu lễ, mùa đông riêng, mùa hè riêng. Ngoài ra, các trường đào tạo sĩ quan đều có đồng phục riêng cho việc duyệt bình trong các dịp lễ. Đồng phục trường Thiếu sinh quân ngày xưa cũng khá đẹp với áo và quần soọc màu beige (gam màu nhạt thiên về tông vàng), bê-rê đen.
a1
Đồng phục học sinh chỉ từ lớp đệ thất (lớp 6) mới mặc, nam sinh quần xanh biển áo trắng, nữ sinh áo dài và quần trắng, nữ sinh đệ nhất cấp cũng có thể mặc đầm trắng. Học sinh còn phải thêu bảng tên đính vào trên túi áo phía ngực trái với nam sinh và gắn vào áo dài khoảng giữa vai và ngực với nữ sinh. Kích thước bảng tên và kích cỡ chữ tùy quy định của từng trường. Trường nữ Đồng Khánh Huế còn có thêm quy định màu chỉ thêu để dễ phân biệt khối lớp. Cụ thể là: “Nhất tím, nhị hồng, tam xanh (biển), tứ đỏ, ngũ vàng, lục xanh (lá cây), thất cam”. Hồi đó, nữ sinh Đồng Khánh được mang bảng tên màu tím là điều rất đáng tự hào vì học lớp cao nhất trường, năm sau là vào Đại học. Các trường Pháp ngày xưa trên cả nước và đặc biệt là ở Đà Lạt, đồng phục học sinh ở đây như các trường Franciscaine, Couvent des Oiseaux cũng luôn tạo ra những hình ảnh đẹp cho thành phố hoa này.
Ở Việt Nam hiện nay, từ phố thị rộng rãi đến đường quê chật hẹp, ở đâu cũng thấy “đồng phục” từ công nhân đến đội ngũ bảo vệ cơ quan, nhà máy, tiệm ăn, siêu thị, từ nhân viên Y tế công mặc đồng phục trắng đến các bệnh viện tư đồng phục đa sắc màu. Hải quan, bưu điện, điện lực, bảo hiểm và rất rất nhiều ngành nghề khác, kể cả công nhân các công ty vệ sinh, xây dựng, khách sạn, nhà hàng... Đâu đâu cũng thấy “đồng phục”! Cũng còn kể thêm các đồng phục chỉ dùng một lần, đó là của những lớp, khóa Trung học và Đại học kỷ niệm ngày ra trường hay đồng phục của ban tổ chức lễ hội, gần đây là của các HLV Lễ hội dù lượn trên bãi biển Nha Trang. Có những ngành chọn logo, màu, chữ in đẹp nhưng cũng có ngành không hề có chút thẩm mỹ nên trở thành phản cảm và làm ô nhiễm mắt người nhìn.
Về bảng tên, hiện nay cũng có nhiều đổi khác, đó là nhân viên văn phòng, y-bác sĩ BV, các lực lượng chức năng dùng bảng tên in có bọc nhựa và dây đeo ở cổ hoặc khắc trên mica có kim đính vào túi áo. Việc này tạo thuận tiện để người giao tiếp dễ xưng hô hoặc có thể biết để khiếu kiện, ví dụ gặp công an giao thông đòi tiền mãi lộ!
Đồng phục học sinh cũng đa dạng không kém nhất là nữ sinh về kiểu dáng và màu váy. Có trường còn bắt buộc cặp sách, bảng tên giống nhau. Tất cả những đồng phục này được nhà trường bán cho học sinh đầu năm. Đây là nỗi lo về kinh tế cho cha mẹ học sinh nghèo khi phải gánh quá nhiều khoản đóng góp nhưng lại là nguồn thu đáng kể cho Ban Giám hiệu và nhân viên đặt hàng bởi hoa hồng họ hưởng từ nơi may hoặc bán không ít.
Ở miền Nam Việt Nam trước 75 có một ngành nghề không “đồng phục” mà nhìn nơi họ làm việc thì người tinh ý biết ngay: nghề mật vụ chìm! Ở Sài Gòn, họ thường ngồi trên xe Honda 67 đậu trước các trường đại học thường xảy ra các vụ đấu tranh của sinh viên. Cư xá Minh Mạng Sài Gòn cũng là nơi “ăn cơm tháng” của những người này. Họ thường ngồi đọc báo nhưng luôn quan sát mọi động tĩnh trong các hoạt động của sinh viên. Hữu sự, họ có thể là những người phản ứng nhanh trước khi cảnh sát sắc phục được điều tới.
Hiện nay, không có quy ước, không bị ràng buộc bởi bất cứ định chế nào nhưng có hai nghề không mặc đồng phục mà nhìn vào cũng nhận ra ngay: xe ôm và bán vé số. Ngồi trên yên xe ở các ngã ba, ngã tư, bến xe, cổng bệnh viện, v.v… trên xe có hai mũ bảo hiểm thì đích thị là dân xe ôm. Đi bộ, đi xe đạp hoặc xe máy chậm rãi, trên người có một túi xách nhỏ có dây đeo từ vai trái sang hông phải hoặc ngược lại, đội nón lá hoặc mũ rộng vành thì đích thị là dân bán vé số. Ở các cây xăng, chợ rất dễ nhận ra vì trên tay họ luôn có một xấp vé số! Những người làm nghề xe ôm và bán vé số chiếm tỉ lệ cao trong thành phần lao động, đa số không vốn liếng, không có tay nghề và thất nghiệp nên kiếm cách tự nuôi mình và may ra, nuôi gia đình. Hai nghề này có thể coi là tận cùng xã hội nên có lúc, cha mẹ la con cái bằng câu: “Không chịu khó học hành, sau này sẽ đi ăn mày hoặc khá hơn là đi bán vé số/ làm nghề xe ôm thôi con!” Đã vậy mà có dạo nhà nước Việt Nam định đánh thuế hai đối tượng làm nghề này! Chỉ đến khi xã hội lên án gắt gao, dự định này mới bị bãi bỏ.
ban-ve-so-1
Mặc đồng phục có nhiều ưu điểm trong đó có việc làm đẹp phố phường, nơi làm việc nhưng cũng không phải không có nhiều mặt trái, nhất là khi màu áo bị người xấu lợi dụng làm những điều không tốt như lừa đảo, hù dọa, trả thù cá nhân nhân danh cơ quan, tổ chức. Đồng phục, huy hiệu, bảng tên của trường hay nơi làm việc đều tốt nếu người mặc biết giữ tư cách và uy tín đơn vị mình, sẽ rất hãnh diện nếu người mặc như mình xuất sắc ở một lãnh vực nào đó và làm rạng danh đơn vị mình. Nếu làm xấu thì khác nào tự bôi đen màu áo đồng phục, bảng tên!
Đồng phục là chuyện của loài người từ xa xưa, không phải đặc trưng của một nước nào. Ở Mỹ, một quốc gia đa sắc tộc, có những cơ quan/ tổ chức quy tụ người đến từ nhiều nước khác nhau, phía sau lưng áo đồng phục có in thêm cờ của quốc gia nơi họ sinh ra. Xét trên bình diện chung, phát hành và mặc đồng phục là việc tốt nhưng nếu là loạn đồng phục như đã xảy ra ở Việt Nam thì, nói thật lòng, người viết không ủng hộ mà nhìn như một cảnh bát nháo, chắc chắn cũng làm lợi cho nhiều người lợi dụng nó và là điều nên suy nghĩ kỹ trước khi phát hành.
Nguyễn Hoàng Quý