logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 16/11/2022 lúc 03:11:13(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage

Nhà giáo Doãn Quốc Sỹ là vị thầy khả kính với các thế hệ học sinh, sinh viên trước năm 1975. Nhà văn chân chính với các tác phẩm đóng góp cho nền văn chương miền Nam Việt Nam cho đến nay ở hải ngoại.
 
Nhân dịp Lễ Thượng Thọ 100 tuổi nhà giáo, nhà văn Doãn Quốc Sỹ vào đầu năm 2023 (Quý Mão), đề cập đến 4 tác phẩm trong Khu Rừng Lau từ thập niên 60… về giai đoạn và bối cảnh đất nước của dân tộc chịu nhiều đau thương!
 
Năm 2006 tôi viết bài Tác Phẩm “ĐI” của Hồ Khanh & Bản Án của Cộng Sản với nhà văn Doãn Quốc Sỹ cho tuyển tập của Văn Đàn Đồng Tâm (VĐĐT thành lập năm 2005, Cố Vấn: nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Chủ Nhiệm: nhà văn Tạ Xuân Thạc (Texas), Chủ Bút: nhà văn Việt Hải (Los Angeles). (VĐDT Kỷ Niệm Về Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ, 2007, trang 254-258). Bài còn lưu trữ trên trang web Sáng Tạo và trong Mượn Dấu Thời Gian về nhà văn Doãn Quốc Sỹ.
 
Trích:
 
Sau tháng 4 năm 1975, nhà giáo Doãn Quốc Sỹ không “đi” được, ở lại Sài Gòn, được “lưu dung” dạy tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, thế rồi ngày 4 tháng 4 năm 1976, ông bị kết tội trong thành phần “văn nghệ sỹ phản động”, đưa vào trại giam Phan Đăng Lưu rồi chuyển lên trại tù Gia Trung ở núi rừng Tây nguyên, cho đến tháng Giêng năm 1980. Ra tù, bản thân ông không bao giờ nghĩ đến chuyện “đi” nếu không có những người thân yêu mong đợi. Không “đi” được, ông viết “ĐI “ để gởi sang Pháp nhưng bị họ lén lút kiểm duyệt, cũng như nhà văn A. Solzhenitsyn, ông bị kết án 10 năm tù! Ông thọ án cũng gần 8 năm như nhà văn A. Solzhenitsyn ở Liên Xô!
 
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ cho biết: “Năm 1980, sau bốn năm “chém tre đẵn gỗ trên ngàn” tôi được trở về sống với gia đình, bắt được liên lạc với nhà xuất bản Lá Bối, viết những bài báo phúng thích ngắn ký dưới bút hiệu tếu tếu: Củ Hành Khô!
 
Sau đó là cảnh đau lòng tử biệt sinh ly của chính mình khi chứng kiến cảnh đám con cháu cùng thân bằng cố hữu lần lượt mạo hiểm tổ chức vượt biên. “ĐI” được sáng tác đúng vào dịp nầy. “ĐI” chính là một hồi ký tự sự viết dưới hình thức tiểu thuyết. “ĐI” được bằng hữu thân tình tìm cách chuyền sang Pháp tới nhà Lá Bối. Tên tác giả được ghi là Hồ Khanh. Sự chọn lựa nầy liên tưởng tới những bài phúng thích trước đây được ghi với bút hiệu Củ Hành Khô. Củ Hành Khô khi nói lái lại thành một bút hiệu nghiêm chỉnh: Hồ Khanh”.
 
Trong dịp tiếp xúc với nhà văn Doãn Quốc Sỹ, ông cho biết, khi viết xong từng chương, ông gởi qua bưu điện sang Pháp, ông cảm thấy được trót lọt nên tiếp tục viết và gởi. Năm 1984, Công An đến nhà ra lệnh bắt, ông hỏi tội gì thì Công An đưa ra những bản đã photocopy bài viết mà ông gởi qua đường bưu điện.
 
Ông biết mình đã bị theo dõi và kiểm soát rất gắt gao nên đành chấp nhận. Bị nhốt 4 năm cho đến năm 1988 mới ra tòa và bản án: 10 năm. Năm 1991, ông ra khỏi tù, năm 1995, được con trai (Doãn Quốc Thái) bảo lãnh sang định cư tại Texas, Hoa Kỳ.
 
Tác phẩm “Đi”, gồm 19 chương, trên khổ 5.5 X 8.5 inches, dày 224 trang, là những mẩu chuyện có thật xảy ra trong gia đình, con cháu, người thân… với lối hành văn rất nhẹ nhàng, chân thật bắt gặp trong đời sống người thân và gia đình ông của thời điểm sau năm 1975.
 
Mở đầu tác phẩm “ĐI”, chương I ông viết: “Bà nội bảy mươi bảy tuổi chẳng bao giờ ngờ chuyến đi từ Hà Nội vô Sài Gòn này lại chỉ chứng kiến đám con cháu nội ngoại trong Nam ra đi gần trọn ổ. Thật buồn! Nhưng qua kinh nghiệm và cảm nghĩ bản thân, cụ cũng thấy rằng điều đó chẳng thể tránh được.
 
Đây là lần thứ hai cụ vô Nam đấy. Lần đầu cụ vô Sài Gòn vào tháng 3 năm 1977. Ngày đó thằng con trưởng của cụ (di cư vô Nam từ 1964) đã bị bắt giữ rồi… Tháng Giêng năm 1980 cụ nhận được điện báo tin thằng trưởng của cụ được tha. Thế là cụ tức tốc lo liệu giấy tờ lấy… Mẹ con sau hai mươi sáu năm trời xa cách (trên một phần tư thế kỷ) được gặp nhau trước Tết; lũ cháu nội ngoại được quây quần bên bà ríu rít chuẩn bị đón Xuân… Hạnh phúc mẹ gặp con, bà gặp cháu của một đại gia đình thương yêu hòa thuận không bút nào tả xiết. Vậy mà cụ có ngờ đâu chỉ sau đó ít lâu cụ chứng kiến cảnh chúng nó ra đi dần, có đứa bị bắt giữ rồi được thả rồi lại ra đi nữa…


Từ lúc đột nhiên khám phá ra lũ con cháu trong Nam đang tuần tự ra đi dần cụ chỉ biết niệm Phật, hầu như thường xuyên niệm Phật, kể cả đêm khuya lúc cụ thiếp ngủ tâm tưởng của cụ vẫn hướng về lời niệm…”
 
Chương II đề cập đến bản thân ông qua hình ảnh ông giáo: “Ông giáo thương lũ con vô cùng. Ngày xưa làm được đồng nào ông nuôi chúng ăn học đầy đủ, ngày nay ông càng thương chúng vì thiếu thốn đủ thứ. Đã đành ông thương chúng như cha thương con, ông còn thương chúng như đạo hữu thương đạo hữu trong pháp nạn, như đám chúng sanh đói khát khổ nạn thương đám chúng sanh đói khát khổ bạn, thương chúng bằng thứ tình nhân bản tinh lọc nhất. Ngay thuở còn trong trại lao động cưởng bách, ông đã viết thư nói với tám con là ông cám ơn Trời Phật đã ban cho ông tám vị bồ tát…”.
 
Trong những chương kế tiếp, ông nói về hình ảnh người thân, học hành, ra trường, xin việc, mất việc rồi “đi” đường bộ, đường thủy, bị bắt rồi lại “đi”… tin buồn, tin vui lẫn lộn trong lòng thân mẫu ông giáo, vợ chồng ông giáo.
 
Cuối chương XVI, sau tháng ngày chứng kiến hình ảnh con cháu “Bà cụ nhìn đám cháu còn lại. Cụ biết rôi đây khi cụ đã ra Bắc rồi, nếu có tổ chức gì (ý cụ nghĩ về H.C.R) mà bảo lãnh cho chúng đi tất nhiên chúng sẽ ra đi hết. Có bao giờ cụ quên niệm Phật cầu nguyện cho chúng đâu”.
 
Rồi những dòng thư của những đứa con xa cha mẹ với bao nỗi nhớ thương, những dòng chữ viết trong nước mắt gởi từ phương trời xa về cho người thân.
 
Đoạn kết của “ĐI” khi người thân ra đi ở đảo với nỗi niềm: “Biết bao giờ gặp mặt! Biết bao giờ gặp mặt! Có thể rồi mai đây được bốc đi định cư ở một xứ sở xa xôi nào, rồi ở đâu đó, tiểu gia đình Hoa sẽ mọc rễ đâu đó như bố mẹ trước đây đã di cư vào miền Nam rồi sẽ mọc rễ ở miền Nam. Ông nội mất, bố có được gặp mặt đâu! Biết bao giờ gặp mặt! Biết bao giờ gặp mặt! Hoa ngẩng nhìn trời thăm thẳm và trong suốt như để tìm những vì sao - (lúc đó làm gì có sao) - nhưng là nhìn vào một tiền kiếp xa xưa nào, hồi bố mẹ còn là những vì sao trên trời”.
 
Với tâm hồn nhà giáo, nhà văn mang nặng tính nhân bản ghi lại những hình ảnh trong “ĐI” nó bàng bạc trong muôn nghìn gia đình và con cháu trong gia đình ông vào thời điểm đó. Ông không phóng đại, cường điệu, dũng chữ “bao to búa lớn” để chửi bới, lên án mà là tâm tình của ông giáo nặng tình yêu thương với người thân trong hoàn cảnh đen tối đành “đứt ruột” chia tay!..”.
 
Hình ảnh người bố qua những dòng của chị Kim Khánh: “Ngày mãn hạn tù về, bố bình an như một thiền sư, để lại sau lưng hết cả những thăng trầm của quá khứ. Rồi bố mẹ sang Mỹ ở Houston sống cùng cậu trưởng nam… Như thế được mười năm thì mẹ ngã bệnh. Hôm nay, ở giai đoạn cuối của căn bệnh Alzheimer, mẹ nằm bất động một chỗ và không nói được nữa”. (Bà Doãn Quốc Sỹ, bà Hồ Thị Thảo, con gái nhà thơ Tú Mỡ, pháp danh Diệu Thảo. Thất lộc ngày 08 tháng 9 năm 2011 tại Houston, Texas, Hoa Kỳ).
 
*
 
Trong lãnh vực giáo dục, nhà giáo Doãn Quốc Sỹ đã dạy tại các trường: Trung Học Công Lập Nguyễn Khuyến (Nam Định 1951-1952), Chu Văn An (Hà Nội). Khi di cư vào Nam, Hiệu Trưởng Trung Học Công Lập Hà Tiên (1960-1961), Trường Hồ Ngọc Cẩn (Sài Gòn 1961-1962). Tu nghiệp về ngành giáo dục tại Hoa Kỳ (1966-1968)… Giáo Sư Đại Học Phạm Sài Gòn, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn.
 
Tác giả sách giáo khoa: Khảo Luận Về Cao Bá Quát (Nam Sơn, 1959). Khảo Luận Về Nguyễn Công Trứ (Nam Sơn, 1959). Khảo Luận Về Đoạn Trường Tân Thanh (Nam Sơn, 1959). Khảo Luận Về Tản Đà (Nam Sơn, 1960). Khảo Luận Về Nguyễn Khuyến (Hồng Hà, 1960). Khảo Luận Về Trần Tế Xương (Hồng Hà, 1960)… Văn Học & Tiểu Thuyết, 2 quyển (ghi chú: Dành cho sinh viên Vạn Hạnh).
 
Trong lãnh vực văn chương: Tác phẩm đầu tay Sợ Lửa (tập truyện, Người Việt, 1956) cho đến nay khoảng 30 tác phẩm.


Năm 1955, ông ra tờ tuần báo Người Việt nhưng được vài số rồi đình bản. Năm 1956, ông đồng sáng lập nhà xuất bản Sáng Tạo và tạp chí văn nghệ Sáng Tạo với Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh và Ngọc Dũng. Truyện dài đầu tay Dòng Sông Định Mệnh đăng trên Sáng Tạo trước khi in thành sách (1959).
 
Thuở còn là thanh niên, ông từng tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Sau đó, khi phong trào này để lộ bộ mặt cộng sản, ông đã rời bỏ kháng chiến “dinh tê” về thành. Chính thời gian nầy, ông là chứng nhân trước thực tế phũ phàng giữa chủ thuyết và thực tại… và cũng là chất liệu trong các tác phẩm của ông.
 
Tác phẩm Khu Rừng Lau, trường thiên tiểu thuyết gồm 4 quyển: Ba Sinh Hương Lửa (1962), Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964), Tình Yêu Thánh Hóa (1965), Đàm Thoại Độc Thoại - Những Ngả Sông (1966).
 
Theo Lê Văn, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ  (VOA), trong cuộc phỏng vấn ông, có dẫn chuyện rằng “Ba Sinh Hương Lửa người ta thường ví như những tác phẩm lớn của Nga như Chiến Tranh & Hòa Bình” trong đó nội dung mô tả lại những cảm xúc đớn đau của một thế hệ thanh niên mới lớn tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng sau đó phát giác ra mình đã bị lợi dụng như công cụ đấu tranh giai cấp của những người cộng sản và “có lẽ chính vì thế mà anh đã bị cộng sản bỏ tù khi họ khi chiếm được miền Nam”.
 
Văn hào Nga Leo Tolstoy (1828-1910) với tác phẩm nổi danh War and Peace (Chiến Tranh & Hòa Bình) trong giai đoạn vào cuối thế kỷ XIX trong cuộc chiến giữa Nga trước và sau sự lâm lăng của Pháp. Tác phầm gồm 15 phần, trong mỗi phần có nhiều chương, tổng cộng khoảng 1.600 trang. Qua bản dịch tiếng Anh của Aylmer Maude và Louise Maude, bản dịch Chiến Tranh & Hòa Bình của dịch giả Nguyễn Hiến Lê, nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn 1969. Tập 1: 758 trang, tập 2: 729 trang, tập 3: 733 trang, tập 4: 716 trang. Đây là tác phẩm liên quan đến lịch sử và sự dấn thân của giới quý tộc (Bá Tước, Công Tước)… với những chàng trai tham gia trong cuộc chiến và những mối tình vừa bi thương lẫn lãng mạn. Tác phẩm với khoảng một trăm nhân vật chính trong số năm trăm nhân vật.
 
Văn hào Leo Tolstoy sinh trước nhà văn Doãn Quốc Sỹ một thế kỷ, tác phẩm Chiến Tranh & Hòa Bình được khởi thảo vào năm 1863 và hoàn thành năm 1869. Tác phẩm Khu Rừng Lau của nhà văn Soãn Quốc Sỹ, ấn hành từ năm 1962 và năm 1966… Như một sự ngẫu nhiên với sự trùng hợp của hai văn tài.
 
Tác phẩm Khu Rừng Lau là trương thiên tiểu thuyết cũng khoảng hai nghìn trang, vẽ lại bối cảnh của lịch sử Việt Nam trong thời kỳ nhiễu nhương vào giữa thế kỷ XX. Những nhân vật từ lúc trưởng thành trong thành phần tiểu tư sản nhưng chiến tranh do Pháp gây ra, tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng đụng chạm với thực tế phũ phàng với lý thuyết và thực tế nên ngán ngẫm, trở về thành rồi di cư vào Nam, rồi dấn thân trong bối cảnh đất nước phân ly, thế hệ trẻ lại chống chọi trong thời chinh chiến. Theo lời tác giả: “ Khu Rừng Lau tôi cũng viết bằng cả cái kinh nghiệm bản thân của tôi, có nhân vật từ   thuở gia nhập chống Pháp. Thời đó chống Pháp là tất cả các thanh niên và chính bản thân tôi ở trong Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc để mà chống Pháp. Rồi thì chính tôi, bản thân tôi đã từng họp dân chúng biểu tình để đi phá kho thóc của Nhật để phân phát gạo cho người dân vào cái thời đó.
 
Với cái việc của bản thân như vậy thì tôi dựng lại thành cái bộ truyện trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau đó. Và cái bối cảnh cùng những tình tiết thì đều là lẽ cố nhiên là viết dưới hình thức tiểu thuyết, nhưng mà kinh nghiệm là do kinh nghiệm bản thân của tôi với những điều mắt thấy tai nghe, và rồi thì là để vào viết thành cuốn tiểu thuyết như vậy” (RFA, 23/6/2008).
 
Đề cập đến tác phẩm Khu Rừng Lau, với tôi, không thấy ghi trong phần tiểu sử của ông (ngay cả trong các tác phẩm) là sự thiếu sót vì không nói lên giá trị đích thực của tác phẩm với bối cảnh và giai đoạn xảy ra mà người viết như chứng nhân của thời cuộc.
 
Trong tác phẩm Gìn Vàng Giữ Ngọc, Sáng Tạo ấn hành năm 1959, có hồi ký Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều (trang 111-116), tác giả viết về bản thân ông, sinh viên Luật ở Hà Hội, tản cư và gia nhập Việt Minh:
 
“Quê tôi cách Hà Nội chừng 5 cây số. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ thì gia đình tôi tản cư lên Nhã Nam thuộc huyện Yên Thế, Bắc Giang. (Ghi chú: khoảng năm 1946).
 
Đến năm 1948, khi cậu tôi từ Vĩnh Yên lên thăm chúng tôi lần đầu thì toàn thể gia đình tôi ai nấy đã có màu da nửa vàng nửa xám xịt vì sốt rét rừng.
 
- Anh chị phải cho các cháu tản cư về mạn dưới như chúng tôi - lời cậu tôi nói với thầy mẹ tôi - chứ cứ như thế này thì không chết cũng chẳng còn ra hồn người nữa.
 
Sau ngót hai năm tản cư gia đình tôi khánh tận rồi. Có lẽ vì nghĩ vậy nên thầy mẹ tôi tìm cách nói khác:
 
- Ngày xưa vùng Yên Thế Thượng này độc thật, nhưng nay vì có nhiều người lên khai phá nên khí hậu cũng không đáng ngại lắm…
 
… Rồi cậu tôi về Vĩnh Yên. Hai tháng sau người lại lên, nhất quyết đón gia đình tôi xuôi, nói là nơi ăn chốn ở đã thu xếp đâu vào đó cả.
 
Thế là gia đình tôi xuôi Vĩnh Yên. Còn một mình tôi ở lại Sở Thông Tin Liên Khu I. Công tác của tôi là đi tuyên truyền mười điều kháng chiến trong toàn huyện Yên Thế. Vì lưu động như vậy nên tôi cũng quên đi nỗi buồn gia đình phân cách đôi nơi. Nỗi buồn đó chỉ đến thắc mắc lòng tôi mỗi khi trở về trụ sở kiểm điểm công tác.
 
Trụ sở Thông Tin ở một làng bên tả ngạn sông Thương, gần một bến đò đẹp vào bậc nhất Bắc Giang: bến đò Lục Liễu. Để tăng phần thơ mộng cho cái tên đó tôi vẫn thường dịch nôm là “Bến đò liễu xanh”…
 
… Tôi gặp lại người yêu cũ từ Phủ Lý (Khu III) chạy lên. Chúng tôi thành vợ chồng, tuy có ký giấy tờ tại Ủy ban Kháng chiến Hành chính Huyện - cậu mợ tôi là những người làm chứng - nhưng đám cưới hoàn toàn êm ả y như một đám cưới vụng trộm…
 
… Dạo đó trường Luật mở ở gần chợ Me (Vĩnh Yên), tôi có ghi tên theo học hết năm thứ ba, hy vọng thành tài sẽ ra thẩm phán, đồng lương họa có cao để giúp gia đình. Vì hoàn cảnh kháng chiến, các giáo sư thường từ nơi xa lại trường sở dạy liền trong mấy ngày, sau đó sinh viên tìm tài liệu tự nghiên cứu thêm. Có khi thời gian nghiên cứu lấy dài hơn một tháng mới có giáo sư mới. Tôi triệt để lợi dụng khoảng cách này để bon về giúp đỡ gia đình những công việc nặng…
 
Mùa Đông năm đó rét lạ lùng. Gió hun hút giật từng cơn, quết như dao cắt từng mảnh thịt hở, thế mà hôm nào mẹ và em gái tôi cũng phải dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để sửa soạn gồng gánh ra đi. Quần áo và chăn chiếu của gia đình tôi thiếu rất nhiều. Thằng em thứ ba của tôi có được cái chiếu rách mướp vừa nằm vừa đắp, chân thò ra ngoài thì nó lấy rơm phủ lên”.
 
Mẹ ông đi chợ gặp lúc phi cơ Pháp bay từng đoàn bắn phá và giội bom liên tiếp xuống các chợ lân cận: chợ Me, chợ Vàng, chợ An Lạc… mọi người bỏ chạy. Chiều sẫm, ông ra chợ đón mẹ.
 
“… Tôi hỏi: “Sao mẹ về muộn quá thế, cả nhà lo tưởng phát điên lên”. Mẹ tôi cho biết hàng hôm nay bán ở chợ không hết, người phải đi sâu vào một vài làng lân cận để bán nốt. Rồi khi xuống khỏi đê, qua cái lạch lớn, thấy có chiếc chiếu trôi, vội tìm cách vớt lên và giặt luôn bên lạch. Đó là một chiếc chiếu còn khá tốt tuy chiều rộng bị xén đi mất một phần ba…
 
Tối hôm đó khi đi ngủ thằng chú Tư được mẹ tôi đắp cho chiếc chiếu vớt ở lạch. Chân nó thò ra một tí khiến tôi nhận thấy chiếc bít tất cũ vàng xỉn của tôi, chỗ đầu rách được buộc túm lại để các ngón chân xinh của nó khỏi “thoát ly” ra ngoài”.
 
Như vậy, gia đình ông tản cư và ông theo kháng chiến trong khoảng 5 năm (1946-1951) mới thoát ly về Hà Nội dạy học.
 
Thời gian kháng chiến (cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác) ông là “cán bộ thông tin” nên sau đó am tường chính sách mị dân, lừa bịp của họ… trước thực tế phũ phàng nên từ bỏ chiến khu, trở về Hà Nội. Đó cũng là chất liệu để ông viết tác phẩm Khu Rừng Lau.
 
Tập I, tác phẩm Ba Sinh Hương Lửa (1962), những dòng đầu (Khai Từ) với các nhân vật chính: Khiết và Khóa (sinh năm 1913), Lãng (1918), Hãng (1921), Hiển (1922), Tân (1923), Kha (1924), Miên (19260… cũng là thế hệ của tác giả vào đầu thế kỷ XX. Và, vào thời đó tuổi thơ đã chứng kiến giai đoạn bi thảm của lịch sử: Ngày 17/6/1930, Đảng trưởng Nguyễn Thái Học (28 tuổi) cùng 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng bị Pháp đưa lên Yên Bái để thi hành án tử hình. Ký giả Pháp Louis Roubaud được chứng kiến cuộc hành quyết các nhà cách mạng Việt Nam đã viết: “Tôi phải dở nón nghiêng mình kính phục tinh thần ái quốc, lòng dũng cảm vô bờ bến của những người Việt Nam yêu nước…”  (Vietnam, Tragédie Indochinoise).
 
“Căn cứ vào thứ bậc tuổi tác trên chúng ta thấy Khiết, Khóa và Lãng ở vào cùng thế hệ, tạm mệnh danh là thế hệ Nguyễn Thái Học vì họ có trực tiếp tham gia hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng phong trào phục quốc của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Còn năm người kia: Hãng, Hiển, Tân, Kha, Miên thuộc thế hệ sau, trưởng thành trong cuộc khói lửa toàn dân kháng pháp 1946- 1954…”
 
Tác giả lấy tựa đề trong điển tích “ba sinh hương lửa” trong thi phẩm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du:
 
“Dạy rằng hương lửa ba sinh. Dây loan xin nối cầm lành cho ai”..
 
Ba Sinh Hương Lửa gồm 3 phần 16 chương.
 
Phần I: Câu Chuyện Khởi Đầu với 5 chương: Thời Thơ ấu, Cách Nhau Ngàn Vạn Dặm, Anh Trưởng Vỏ, Phẩm Tiên Rơi Đến Tay Hèn, Bên Giường Mẹ.
 
Phần II: Màu Tím Hoa Lau với 5 chương: Nàng Tiên Dưới Ánh Trăng, Độc Hành, Viên Cố Vấn Thủ Thuật, Mầm Sen Trong Hỏa Ngục.
 
Phần III: Giã Từ với 7 chương: Người Anh Trở Về, Ý Thức Về Nốt Nhạc, Phong Trào Tam Phản Khóa Bảy, Đôi Bạn Nhỏ, Một Tấn Bi Hài, Dòng Suối Tìm Đường, Hai Lần Sang Sông.
Khi tác phẩm nầy vừa ấn hành, Tràng Thiên (nhà văn Võ Phiến) trong mục Điểm Sách trên tạp chí Bách Khoa số 159 (15/10/1962) ghi nhận (trang 71-73):
 
“… Doãn Quốc Sỹ dường như có ý định xây dựng cả một hệ thống tiểu thuyết xung quanh Khu Rừng Lau của ông. Ba Sinh Hương Lửa là quyển truyện thứ nhất. Tác giả kể ra ở Khai Từ tên tám nhân vật chính, nhưng tổng số các nhân vật trong truyện có lẽ cũng đến ngót 80. Chừng ấy người cùng trải qua ba thời kỳ đau khổ: thời Pháp thuộc, thời Nhật thuộc, thời Việt Minh thuộc. Chịu hết những sóng gió bể dâu của cà ba giai đoạn lịch sử, đó là trải qua “ba sinh”! Cuối truyện ta thấy ba người thanh niên (hai trai: Kha, Hiến, và một gái: Miên) cũng đua nhau về thành. Nhưng trên đầu họ đạn còn réo, xung quanh họ chiến cuộc còn tiếp diễn, việc đời còn ngổn ngang, bao nhiêu kẻ còn chìm nổi trong loạn ly.
 
Ba Sinh Hương Lửa là cuốn truyện diễn lại một thời đau khổ của dân tộc, nhưng người đọc không cảm thấy bi đát. Trái lại, truyện để lại một cảm tưởng êm đẹp, gây tin tưởng ở cuộc đời. Sự thực chắc chắn không mấy khi độc giả gặp trong tác phẩm văn nghệ được nhiều tâm hồn đẹp đẽ như trong Ba Sinh Hương Lửa…
 
… Nhân vật của Doãn Quốc Sỹ đều thừa hưởng một của kho vô tận: tình thương. Tình thương tràn ngập khắp cùng: giữa cha và con, vợ chồng, anh em, chú cháu, bạn bè, giữa láng diền chòm xóm, giữa người quen kẻ thuộc, và giữa cả những người không hề quen nhau… Tình thương mênh mông áy làm cho tất cả các nhân vật đứng về một phía. Phía bên kia là chế độ của hiềm thù. Và tất cả các nhân vật của Ba Sinh Hương Lửa chống lại chế độ của một điềm xung khắc giữa thương và thù đó…
 
… Cả cái xã hội gồm đa phần là thanh niên nam nữ có học thức, có tài, có gan dạ, đẹp và rất thơ mộng của ông Doãn, họ sẵn sàng chịu mọi điều cay đắng cam go trong chiến đấu, nhưng khi họ nhận ra rằng trong thế giới của họ tình thương đang bị hủy diệt; thế là họ cùng lắc đầu, từ chối, kéo nhau đi…
 
… Phần đông trong số thuộc thế hệ Doãn Quốc Sỹ, những người đã trải qua “ba sinh” của đất nước, có kẻ cay đắng chua chát, có kẻ hằn học thù hận, có kẻ hoàn toàn chán chường, có kẻ hoang mang rắc rối, không chút tin tưởng…”.
 
Với tập I Ba Sinh Hương Lửa (trong 3 tập sau mới ghi thêm Khu Rừng Lau) mà lúc đó, nhà văn Võ Phiến khi đọc viết “Doãn Quốc Sỹ dường như có ý định xây dựng cả một hệ thống tiểu thuyết xung quanh Khu Rừng Lau” vì khi tham gia trong vùng kháng chiến đã là chứng nhân sự thật phũ phàng nên trong chương cuối Hai Lần Sang Sông, Hiển, Kha và Miên đoạn tuyệt với vùng Cộng Sản về vùng Quốc Gia với dòng kết: “Dù cánh đồng này - Miên nghĩ thầm - có biến thành cả khu rừng lau khô xác đi nữa thì giờ đây, trên đường đời, có những ba bóng người!
 
Bớt cô quạnh!”
 
Khi tham gia kháng chiến của Việt Minh, Miên là nữ y tá giỏi, nhưng bị hạ công tác để cho đảng viên thay thế. Miên bị giao cho việc rình mò theo dõi bạn đồng nghiệp để báo cáo, nên cô cảm thấy hụt hẫng, e chề, chán chường. Với Tài, con trai cha mẹ nuôi của Miên, coi như anh ruột, nhưng khi Tài thành đảng viên, không còn tình cha mẹ, anh em mà người máy của đảng. Với những sự kiện xảy ra trước mắt, Miên đã thức tỉnh. Rồi đến Hiển, Kha, Hãng… ngán ngẫm khi chứng kiến những điều bất nhân, không còn tình người… Vì vậy họ không thể chấp nhận thực tế phũ phàng, chua xót đó để ở lại. (Trong quyển Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến, Kha và Hiền gặp Tân mới biết Tân đã về thành từ mùa hạ năm 1951 trước họ 6 tháng).


Đó chỉ là giai đoạn đầu trong thời kỳ kháng chiến nên theo dòng lịch sử, người đọc cũng nghĩ rằng nhà văn Doãn Quốc Sỹ không dừng lại ở đó mà tiếp nối cuộc hành trình tiếp theo.


Tập II, tác phẩm Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964) gồm 18 chương: Tiếng Hát Tự Lòng Đất Khu Rừng Già, Chiếc Nhẫn Saphir, Về Làng, Ông Chủ Báo, Cô Gái Bên Sông Tần Hoài, Những Cụm Hoa Vàng, Tiếng Hát Tự Lòng Đất, Trên Bờ Vực Lịch Sử, Ngọn Đèn Lương Tri, Thần Tượng, Một Sự Chuyển Hướng, Vật Đổi Sao Dời, Cướp Đoạt, Xiếc Hữu Mai Hề, Tiếng Vọng Mùa Xuân, Người ở Lại, Bến Đò Rừng, Chiếc Bè Nữ Chúa.
 
Cũng nên nhắc ở đây, Quốc Gia Việt Nam (État du Việt Nam) lúc mới thành lập ngày 7/12/1947, nhưng chính thức thừa nhận giữa Quốc Trưởng (cựu hoàng Bảo Đại) và Tổng Thống Pháp Vincent Auriol ký Hiệp Định Élysée 8 tháng 3 năm 1949 trong khối Liên Hiệp Pháp. Chọn cờ vàng ba sọc đỏ làm Quốc Kỳ. Hà Nội được Pháp chuyển giao cho chính quyền Quốc Gia Việt Nam, dược sĩ Thẩm Hoàng Tín làm thị trưởng thành phố.


 
Mở đầu tác phẩm “Hình ảnh lá cờ vàng ba gạch đỏ phe phẩy thanh bình vẫy gió còn mãi mãi về sau này in hằn trong tâm tưởng Miên một ấn tượng của thịnh vượng và của tình người…”
 
“Bốn giờ chiều, Luận đến sớm ngỏ ý đón Hiển, Kha, Miên để đưa đi một vòng qua các phố tỉnh lỵ gọi là ‘xem tình hình quốc gia’.
 
… Luận đưa ba người ra bến xe, chính chàng mua ba vé hạng trên. Luận căn dặn thêm một lần nữa khi ba người về đến Gia Lâm nhớ phải vào Ty Công An trình diện mà xin cấp giấy thông hành tạm thời”... Dĩ nhiên khi trở về thành, không dễ dàng chấp nhận, Công An phải điều tra để tìm hiểu nguyên do cặn kẽ. Nhưng mọi việc được an bày trong cách đối xử đầy cảm thông và tình người.
 
Rồi tháng năm ở Hà Nội, Hãng đi du học ở Pháp, chia tay các bạn bè bao năm ở bên nhau. Cuộc sống mới của Khiết, Khóa, Lãng, Hiển, Tân, Miên… được tác giả đề cập khá chi tiết… Nhất là Kha, chàng trai với tâm hồn lãng mạn lẫn bi thương…
song  
#2 Đã gửi : 16/11/2022 lúc 03:12:32(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Khi Hiệp Định Genève ký kết, đất nước phân chia rồi đến khi di tản vào Nam. Mối tình cuối giữa Kha và Vân (tuy đã có con) “Kha đã gặp Vân, Kha sắp được Vân, Kha đang say mê Vân, điên cuồng”... nhưng đến giờ phút cuối đành chia tay.


“Kha vào Nam cũng bằng đường thủy. Chàng đến khu lều Thăng Long của Đoàn Sinh Viên Di Cư Hà Nội - khu lều này được dựng trên nền khám lớn cũ và sau đây là nơi xây cất Đại Học Văn Khoa”. Đó cũng là hình ảnh của tác giả cùng bạn bè khi vào Nam.
 
Đoạn kết tác phẩm với những là thư của Vân, người ở lại:
 
“Hiệp định Genève ký, đoàn thể giữ khéo con em lại và cử em về Hà Nội để thuyết phục những người thân…”
 
Lá thư cuối tác phẩm, Vân viết: “Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến của anh đã chấm dứt hàng chữ cuối cùng của lá thư cuối cùng này ở đây.
 
Hôn anh một cái hôn làm nổ vỡ tinh cầu nhưng tình chúng ta thì chói rạng mãi mãi.
 
Vĩnh biệt anh,
 
Em”.
 
Trước khi chuẩn bị vào Nam. Kha viết thư cho Miên:
 
“Cô Miên,


Chẳng còn bao nhiêu ngày nữa đến lượt Hà Nội bị tiếp thu. Chuyến này tôi về thăm làng lần cuối rồi xuống Hải Phòng đợi cô cùng vào Nam. Nhìn cảnh Hà Nội hoang vắng tôi lại nghĩ đến cô từng ao ước được thăm khu rừng lau trên núi sáng, Bỉnh Di…
 
Tôi vẫn nghĩ rằng mọi người chúng ta ai cũng mang trong lòng một khu rừng lau. Có kẻ chẳng bao giờ đạt tới, có kẻ đạt tới rồi hủy hoại chính khu rừng đó như chuyện con chó ngu xuẩn thả mồi bắt bóng…”.
 
Rồi khi Miên gặp được Kha “ghì chặt lấy chàng, giọng nàng thanh như tiếng chim nhưng thảng thốt nghẹn ngào như một linh hồn biết khóc:
 
- Khu rừng lau của em! Khu rừng lau của em!”
 
Với bộ ba Hiển, Miên (em gái của Hiển) và Kha đã một thời gắn bó với nhau. Miên có tình cảm với Kha nên bán món nữ trang độc nhất là chiếc nhẫn saphir (chương 3) để lấy tiền giúp Kha trong khi bị gam giữ và khi Kha được thả ra, ba người ở chung với nhau, tiền kiếm tiêu chung. Khi Miên biết Kha yêu Vân nên Miên với tâm hồn cao thượng để nhường tình yêu nầy nhưng định mệnh giữa Kha và Vân thật oan nghiệt!
 
Đến tác phẩm thứ hai, độc giả mới hiểu tựa đề trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau.
 
Tập III, tác phẩm Tình Yêu Thánh Hóa (1965), gồm 4 phần. Phần I Bối Cảnh với các chương: Thành Đôi, Một Chuyến Buôn Văn Hóa, Một Cuộc Gặp Gỡ, Người  Em Ra Bắc, Câu Chuyện Điện Biên Phủ. Phần II Vỡ Bờ với các chương: Lê, Con Đê, Mụ Cát Thành, Một Ký ức Thô Bỉ. Phần III Quỳnh Hương với các chương: Bên Lề Hội Nghị, Bà Cụ Hồng Kông, Tài Mệnh Tương Đố, Ông Cai, Mối Tình Linh Lan, Cô Em Cũ, Chuyện Dĩ Vãng, Nỗi Lòng Tô Thị. Phần IV Chặt Thuyền Dĩ Vãng với các chương: Tiếng Hát Đối Diện Với Sao Bắc Đẩu, Hoàng Tử Của Hằng Nga, Những Triều Nước Mặn, Tình Thương Trong Mưa, Tiếng Hát Lạ Trên Kinh Thành Vienne, Tiếng Hát Hồi Hương.
 
Khởi đầu với cuộc di cư vào Nam. Vân ở lại Hà Nội. Kha và Miên được gặp nhau và làm lễ thành hôn trong khu định cư làng Thăng Long. Tác giả ghi lại hình ảnh với lịch sử Quảng Nam (quê hương tôi nên tôi rất tâm đắc). Với Miên “Giờ đây nàng sống trong tay người yêu, ngợp trong hạnh phúc, nàng cũng thấy là nàng đương du hồn vào khu rừng lau. Nàng nhắm mắt lại như để chạy trốn ánh sao bên ngoài khi nãy. Khu rừng lau trong tâm tưởng nàng lúc đó là bà tiên khoác tấm khăn choàng tím ngát” (trang 35).


Trong Câu Chuyện Điện Biên Phủ đề cập đến tháng ngày năm xưa khi Kha, Miên… đã về thành. Hiển còn ở lại “đi theo Vìệt Minh đánh Pháp, giờ đây Vìệt Minh thắng, mình lén trốn khỏi vùng họ, sang được vùng quốc gia thấy những người lính Pháp đầu đội mũ sắt có hai chữ P.M. (Prévoté Militaire) thì mừng. Không bao giờ ưa thực dân nhưng thấy rằng cộng sản còn ghê tởm và nguy hiểm hơn nhiều, đã đến lúc phải thay đổi chiến tuyến! Đến Hải Phòng anh bạn khai thẳng với Công An quốc gia mình là sĩ quan Việt Minh trốn sang, xin cho điều tra ngay và cấp thẻ căn cước để sống bình thường như dân. Một tháng sau anh xuống tàu cùng gia đình di cư” (trang 85).
 
Tân, chỉ xuất hiện thoáng qua trong Ba Sinh Hương Lửa, ở tác phẩm nầy đề cập nhiều về Tân và người yêu là Lê. Tân cũng đa tình và đào hoa như Kha, đã từng ân ái với Thoa (em gái của Lãng)… Với Kha, tuy đã có Miên nhưng vẫn đa tình. Từ khi gặp ca sĩ Quỳnh Hương ở phòng trà Ly Ly, Quỳnh Hương là em gái nuôi của Hãng và bạn thân của Vân và của Thi thời học sinh ở Hà Nội nhưng những giây phút gặp gỡ nhau giữa Kha và Quỳnh  Hương như “đôi tình nhân”.
 
Cũng như trong Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến, Quỳnh Hương đi sang Tây Đức đóng phim và lập gia  đình với đạo diễn Karl, đạo diễn. Với những là thư từ Vienne, Tây Bá Linh gởi về cho Kha “Đặc biệt trên hai chữ “Chào anh” của bức thư này Quỳnh Hương có viết hai chữ gì mà nàng rập xóa đi mất. Tò mò Kha đem lá thư ra cửa sổ soi lên ánh sáng. Chàng bỗng thở dài cúi đầu. Đó là hai chữ “Hôn anh”” (trang 378).
 
“Đi vào dĩ vãng, trong khoảnh khắc nhớ lại buổi gặp Kha lần đầu cùng Hãng ở phòng trà Ly Ly, nhớ lúc Kha ôm mình nhảy bản slow khuya và cúi xuống hôn nhẹ lên môi… Trời ơi, Quỳnh Hương bỗng thèm Kha điên cuồng. Ngày nào cùng Kha đi Thủ Dầu Một về cùng ăn cơm trong căn phòng ấm cúng của nhà hàng Cheong-Nam, rồi khi từ biệt trên vỉa hè Tự Do nàng đã có ý tưởng ngộ nghĩnh sẽ hôn Kha trước vì chỉ hôn trước một người như Kha mới không sợ bị rẻ rúng” (trang 381).
 
Là nhà mô phạm nhưng trong tác nầy nhà văn viết về cuộc sống ở Sài Gòn với phòng trà, nhảy đầm rất sành điệu và còn chửi thề (Đ.M) trong vài mẩu đối thoại vì vậy rất thoáng, sinh động, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Ông thích làm thơ, chơi dương cầm nên trong tác phẩm của ông được dẫn chứng những dòng thơ, vài ca khúc… khi đọc cảm thấy thú vị.


Tập 4: Những Ngả Sông (Đàm Thoại - Độc Thoại) 1966, gồm 7 chương: Mối Tình Thiên Thu, Người Lính Nhảy Dù, Người Phá Cầu, Tập Sơ Khảo Của Kha, Mây Trắng Nước Xanh Người Tù, Mây Trắng Nước Xanh Thần Tượng Trong Đêm, Dư Dục Vô Ngôn.
 
Trong tác phẩm nầy với những nhân vật chính từ Ba Sinh Hương Lửa trong sinh hoạt chính trị ở miền Nam Việt Nam. Khóa, Kha, Miên, Tân, Hiển, Luận… trong gia đình Văn Hóa. Khóa bị giam ở lao tù Đà Lạt trong 11 tháng. Tân, Hiển, Phiệt phục vụ trong quân đội VNCH. Tác giả mô tả đến các trận chiến giữa thập niên 50 & 60 như phóng viên chiến trường với từng chi tiết. Với những trang nhật ký của Tân (Trung Úy Y Sĩ) trong binh chủng Nhảy Dù, sau nầy đọc hồi ký Y Sĩ Tiền Tuyến của Trang Châu, cảm phục tài tình của tác giả Những Ngả Sông. Với quần đảo Hồng Sa, nghe rất xa lạ, tác giả đã dành vài chục trang để nói về lịch sử và người dân nơi nầy.
 
Với hai cuộc binh biến năm 1960 & 1963, tác giả ghi nhận tất cả sự kiện xảy ra… Kha và Khiết cũng không may bị vào chốn lao tù. Trong khi đó “Tân, Hiển ngoài tiền tuyến chẳng thể được tâm hồn tương đối thanh thản như Khiết, Kha những ngày sống khuất mặt trong khám lớn” (trang 154). Rồi “Phiệt bị đạn ở chân tại chiến dịch cao nguyên được đưa về bệnh viện Cộng Hòa… Tân hỏi Phiệt có muốn giải ngũ để chàng xin cho và Phiệt sẽ về bên Vĩnh Hội ở với tiểu gia đình của Tân. “Người lính nhảy dù” đó đã say mê gia nhập đời sống quân ngũ làm sao dứt bỏ các bạn đồng ngũ sao đành, Phiệt xin ở lại phục vụ bên ngành quân nhu, ban chung sự” (trang 155).


Với Hiển “trong những lúc xông pha nơi tiền tuyến… chàng hoàn toàn như người đi trong sa mạc. “Miên ơi - chàng muốn kêu lên như thế - trong giai đoạn nầy đừng nghĩ đến rừng mía, ngay như được gặp khu rừng lau để có chút bóng mát cũng là quý rồi. Anh cô đơn đi giữa sa mạc, cô có biết không?”.
 
Tác phẩm Ngã Ba Sông ngắn hơn 3 tác phẩm trước, đề cập đến cuộc chiến và nên chính trị ở miền Nam Việt Nam rối răm trong thời chinh chiến. Với tác phẩm Ngã Ba Sông, cũng có người khen, người chê vì “thiên kiến chính trị” nhưng với nhà văn, sự khách quan và thực trạng xã hội không thể sai lạc. Với những dòng đề cao tinh thần, trách nhiệm về người lính với nhà văn không khác áo chinh y cũng nói lên tấm lòng của tác giả.
 
Nhà văn Võ Phiến trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan đã có đoạn viết về nhà văn Doãn Quốc Sỹ như sau:
 
“Còn Doãn Quốc Sỹ, ông làm chúng ta nghĩ đến một nhân vật của ông: Khiết. Khiết kiên trì theo đuổi con đường văn hóa nhưng đã trót đi vào con đường chính trị, biết những ngõ ngách của nó âu cũng thành nghiệp chướng của mình nên khó bỏ lắm. Khu Rừng Lau phơi bày ra cái hiểm ác xủa chế độ này, lột trần nền độc tài nọ. Thái độ chính trị của tác giả luôn luôn biểu lộ trong tác phẩm. Tuy nhiên ông Doãn cũng như Khiết trước sau “kiên trì theo con đường văn hóa”. Ông chê cái này chống cái nọ vì nó ác nó xấu. Mà ông thì nhất tâm phục vụ cái thiện cái mỹ... Thiện tâm thiện ý của tác giả tỏa ra khắp tác phẩm: trong các truyện của ông Doãn nhân vật nào cũng tốt việc gì cũng có khía cạnh hay. Ông bất lực không tạo nổi người xấu, kể nổi việc xấu. Đọc sách ông thơm tho cả tâm hồn. Truyện ông Doãn vừa có luận đề chính trị vừa có chủ tâm giáo dục…”. Trong quyển sách nầy, theo nhà văn Võ Phiến, khuynh hướng luận đề có Doãn Quốc Sỹ (trang 266).
 
Trên tạp chí Bách Khoa số 192 (1/1/1965) trong mục Sống & Viết (trang 39-44) trong cuộc trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Ngu Í với nhà văn Doãn Quốc Sỹ (14/12/1964) sau khi tác phẩm Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến ấn hành. Sau nầy in trong quyển Sống & Viết (trang 124-147) có tấm hình ông bà và 7 người con (Ngọc Thanh 1952, Kim Khánh 54, Cẩm Liên 56, Quốc Thái 58, Quốc Vinh 61, Quốc Hưng 62, Quốc Hiền, chưa có Thanh Hương trong số 4 trai & 4 gái).
 
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ cho biết: “Năm 1951. Từ chỗ kháng chiến ác liệt nhất, Liên Khu Việt Bắc. Kháng chiến, tôi kháng chiến hết mình, tôi từng là một “anh hùng lao động” của cơ quan tôi. Nhưng đến khi giã từ “Thiên đường Đỏ” thì cũng giã từ quyết liệt, dứt khoát…
 
… Bất cứ ai đã qua cơn ác mộng với Cộng Sản, đã hiểu rõ bộ mặt thật của chúng, đều có thái độ dứt khoát, vừa đơn giản vừa cương quyết như vậy…”.
 
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là một trong những nhà văn được nhiều viết trong sáu thập niên từ trong nước và hải ngoại, ngoài giá trị văn chương qua những tác phẩm của ông, với tâm hồn nhân bản, đôn hậu, nhân cách sống của ông trong lao tù và ngoài xã hội, được kính nễ. Ngay cả những người con của ông khi viết về người bố cũng là hình ảnh tiêu biểu của bậc cha mẹ (thế hệ chúng tôi) để noi gương.
 
Doãn Quốc Hưng viết về bố:
 
“Những bài học đạo đức, nhân bản, thiền học... mà chúng tôi nhận được từ bố một cách “có hệ thống” chỉ bắt đầu từ sau khi bố tôi đi cải tạo lần một về vào năm 1980. Đó là các buổi nói chuyện của bố tôi với bọn tôi và một nhóm bạn bè, bọn tôi gọi đó là “đại học bỏ túi”. Đó cũng là cột mốc của một “gia đình” thứ ba của bố tôi. Trong gia đình đó, chúng tôi mới thực sự được nghe bố tôi nói nhiều hơn về điều ông đã viết trong tác phẩm, đã làm trong cuộc sống…
 
… Nhắc tới chống đối, có một thứ mà rất nhiều người khuyên rằng chúng tôi “phải noi gương bố”, đó là “tinh thần bất khuất trước quyền lực”, hoặc “một trong những biểu tượng của tinh thần chống cộng của Miền Nam Tự Do”. Các nhà “phê bình văn học” của Việt Cộng đã tấn phong cho bố tôi là đầu xỏ của “những tên biệt kích cầm bút”, mô tả ông như một “kẻ căm thù cộng sản đến tận xương tuỷ”. Tôi cũng đã được nghe kể lại nhiều lần từ bạn bè trong tù của bố về giai thoại về một ông DQS “hiên ngang đối khác với cán bộ CS trong trại giam”, những câu tuyên bố mang tính “hào hùng, nghĩa khí” của ông trước “kẻ thù”. Thực hư ra sao cũng chẳng rõ, chỉ có điều chắc chắn là chưa bao giờ tôi được nghe chính bố tôi kể lại những giai thoại ấy…
 
... Trở lại với cái ngày xét xử bố tôi vào năm 1988 cùng với các cô chú văn nghệ sỹ khác: Hoàng Hải Thuỷ, Duy Trác, Lý Thuỵ Ý,... phiên toà “DQS và đồng bọn, với tội danh tuyên truyền phản cách mạng, chống phá nhà nước XHCN”. Đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một phiên toà chuyên chính vô sản của nhà nước Việt Nam…
 
… Bố tôi căm thù cái phi nhân của một chủ nghĩa, sự ngu dốt và độc đoán của một tầng lớp lãnh đạo. Bố tôi không nhắm vào những cá nhân thừa hành bên dưới, vì họ cũng chỉ là nạn nhân của sự bưng bít, thiếu kiến thức, thiếu thông tin, thiếu sự lựa chọn. Điều đó thể hiện trong nếp sống thường ngày…
 
… Bố tôi là một ông giáo hiền lành, một con người nhân hậu vì bản chất của ông là như vậy. Nhưng sức mạnh của ông bắt nguồn từ chữ Tâm. Khi cái Tâm đã toả sáng vì nó đã biết mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu, nó bắt đầu thoát ra khỏi sự sợ hãi. Đó là điều kiện kiên quyết để có một cái Tâm tự do. Sức mạnh tâm linh của một cá nhân sẽ nhờ sự tự do mà tự toả sáng, không cần ngôn từ, không cần chứng tỏ. Bố tôi đã dạy cho tất cả chúng tôi ngồi thiền để tốt cho sức khoẻ, để luyện tâm thanh tịnh…
 
... Chú Nguyễn Đình Toàn đã từng nói với bọn tôi rằng: “Trong giới văn nghệ sĩ, không ai phục ai về tài viết văn cả. Nhưng nhiều văn nghệ sĩ trong Nam quí mến bố cháu ở cái đời sống đạo đức của ông”. Đối với con cái cũng vậy. Chúng tôi được dạy dỗ bằng chính cách sống của bố, chứ không bằng những “phương pháp giáo dục”…
 
… Hồi bố tôi chuẩn bị xét xử lần thứ hai vào năm 1988, bạn bè khắp nơi trên thế giới đã vận động mạnh mẽ đến nỗi chính quyền Việt Nam phải hoãn xét xử vào giờ cuối để tìm cách giảm nhẹ tình hình. Để tránh mất mặt khi phải đổi giọng, đảng và nhà nước đã phải cử ông chú tôi làm trung gian vào tù thương lượng, đề nghị bố tôi nhượng bộ bằng cách tỏ vẻ “ăn năn” để được “khoan hồng”. Tất nhiên là cuộc thương lượng đó bất thành, họ đánh giá bố tôi quá thấp! Điều đáng kể ở đây là thái độ của bố tôi trước biến cố này. Lọt vào tay “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, đây ắt hẳn sẽ trở thành một câu chuyện li kì về “tấm gương đấu tranh bất khuất, một cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai anh em hai chiến tuyến...”. Lần duy nhất bố tôi nói về nó là do sau này tôi hỏi và bắt bố tôi kể lại. “Có gì đâu, chú đề nghị bố xin lỗi. Giống như sau khi mình tát ai một cái thì mình cũng phải tỏ vẻ ân hận một chút. Nhưng đời nào bố lại làm vậy...”…
 
Hình ảnh Doãn Quốc Sỹ được bắt gặp qua hai câu nói Pascal  cũng đã khẳng định : “Con người là một cây sậy nhưng là cây sậy có tư tưởng'” (Triết gia Blaise Pascal) và “Sức mạnh của con người không nằm ở thể chất mà đến từ ý chí bất khuất'” Thánh Gandhi).
 
Với nhiều bài viết, chỉ trích phần Tạp Ghi Văn Nghệ của Nguyễn Mạnh Trinh liên quan đến tác phẩm Khu Rừng Lau: “Ở Doãn Quốc Sỹ, ông viết Khu Rừng Lau như một cách lý giải sự thất bại của những người quốc gia trong thời cuộc hiện đại. Họ là những người đã bị những tay sai quốc tế Cộng Sản đệ tam lường gạt trong công cuộc giành độc lập cho đất nước…
 
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã muốn cho đời sau một chứng liệu về một biến cố không những riêng của đất nước Việt Nam mà còn cả chung của thế giới nữa…
 
Những tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ dường như có chung một mẫu số mà văn chương dùng để tải đạo và làm cuộc sống con người tươi đẹp hơn. Có rất nhiều nhận xét về ông, như là một nhà văn có chân tài, một nhà giáo tận tụy, một kẻ sĩ khí tiết…”.
 
Kim Khánh viết về người bố, khi nhắc đến tác phẩm Khu Rừng Lau: “Nhân vật chính là Miên và các nhân vật khác đã có cuộc sống đi qua suốt chiều dài lịch sử từ thế hệ mà tác giả mệnh danh là thế hệ Nguyễn Thái Học cho đến thế hệ trưởng thành trong cuộc chiến toàn quốc kháng chiến. Có những người như Khóa, Lãng, Khiết trực tiếp hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng của những đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng hoặc Đại Việt. Còn các nhân vật thế hệ sau như Hãng, Hiển, Tân, Kha, Miên,... thì mới đầu tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng sau đó nhìn thấy bộ mặt thực của đảng Cộng Sản Việt Nam nên trở về thành và sau đó di cư vào Nam…
 
Hình như, họ có chung nỗi hoang mang của những người trí thức luôn đi kiếm tìm cho mình một con đường nhưng lại thấy bơ vơ khi chọn lựa. Ở với kháng chiến, thấy lòng yêu nước bị lợi dụng bởi những con người Bolcheviks tàn bạo vô nhân, về thành thì thấy giặc Pháp nghênh ngang, chính phủ quốc gia chỉ là cái bóng. Di cư vào Nam, thì chế độ độc tài và gây ra nhiều kỳ thị bất công”.
 
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác trong bài viết Doãn Quốc Sỹ, Người Anh Khả Kính: “Nhiều người trong giới cầm bút khen và cũng chê tính đôn hậu trong tiểu thuyết Doãn Quốc Sỹ. Họ lý luận rằng ông đôn hậu quá nên nhân vật tiểu thuyết của ông đẹp nhưng có vẻ không thực, ông không lột hết được bản chất phức tạp của cuộc đời, bản chất hàm hồ của con người, bản chất tàn nhẫn phi lý của lịch sử. Khi xây dựng nhân vật, Doãn Quốc Sỹ thường không lưu tâm moi móc những ngóc ngách xấu xa của họ. Trái lại, ông lưu tâm tô điểm những nét đẹp của họ. Những Kha, những Miên, những Hãn, những Khiết của Khu Rừng Lau…”.
 
Với tác phẩm Khu Rừng Lau, năm 2020 nhà văn Doãn Quốc Sỹ chia sẻ: “Có nhiều khi đọc lại Khu Rừng Lau, tôi cũng không hiểu tại sao mình có thể hoàn tất được bộ tiểu thuyết ngàn trang này. Tôi nhớ là vào thời đó, có khi tôi ngồi viết như người lên đồng, viết giống như có ông bà tổ tiên nhập vào vậy.
 
Tôi nghĩ rằng tôi chỉ được trời cho năng khiếu sử dụng ngòi bút của mình. Còn lại, tôi viết như theo lời nhắn nhủ siêu hình của tổ tiên, viết theo hồn thiên dân tộc để phục vụ tổ quốc”. (Việt Báo)
 
Trước năm 1975, vài ý kiến cho rằng nhà văn Doãn Quốc Sỹ nên chọn những tác phẩm tiêu biểu, trong đó có trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau dịch ra Anh ngữ để tham dự giải Nobel Văn Chương. Trong bài viết Tổng Quan Về Sách Dịch Văn Chương Tây Phương Ở Miền Nam Việt Nam của tôi đã đề cập đến các tác giả Tây Phương đã được Nobel Văn Chương được các nhà văn, dịch giả đã dịch sang tiếng Việt rất nhiều. Có tác giả với vài tác phẩm tiêu biểu, có tác giả với toàn bộ tác phẩm như Alexander Solzhenitsyn (Nobel Văn Chương 1970)… Hầu hết toàn bộ tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ đều bối cảnh trong nước, ngoại trừ tác phẩm Sâu Mây khi ông du học ở Mỹ. Đây là tập du ký, và theo Thanh Tâm Tuyền; “Đây không phải là tác phẩm chủ yếu, nhưng là cái viết tự do và bay bổng nhất của Doãn Quốc Sỹ. Cũng là cuốn sách nhỏ nhưng óng chuốt và đáng yêu hơn cả của ông giáo…’.
 
Với tác phẩm Khu Rừng Lau với bối cảnh và thời gian trong giai đoạn thăng trầm lịch sử của đất nước được ghi lại từ bản thân của tác giả, là chứng nhân của thời cuộc.
 
Đọc tác phẩm Khu Rừng Lau liên tưởng đến hai câu thơ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều vào thế kỷ XVIII:
 
“Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”
 
Theo nhà văn Võ Phiến: “Doãn Quốc Sỹ soạn sách về ngữ pháp, về văn học Việt Nam hiện đại (bằng Anh văn” (sđd tráng 66) nhưng rất tiếc tác phẩm Khu Rừng Lau không dịch ra tiếng Anh (chỉ có truyện ngắn Con Cá Mắc Cạn - The Stranded Fish - mới dịch).
 
*
 
Nếu cho rằng sách là người thầy trầm lặng và người bạn tốt - với tôi - ngay từ lúc trẻ đã ảnh hưởng đến bản thân. Những quyển sách Học Làm Người của nhà văn, dịch giả Nguyễn Hiến Lê và nhà giáo, nhà văn Doãn Quốc Sỹ qua vài tác phẩm.
Nhân đây, một chút riêng tư, với tác phẩm Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến.  Năm 1963, trong sinh hoạt gia đình Phật Tử, tôi “quen thân” người bạn gái (học dưới hai lớp) nơi cố hương. Hè năm 1963, để tránh bắt bớ, nàng “thoát ly vào bưng”… Trước đó khoảng một tháng, thầy tôi (đảm nhiệm khuôn hội Phật Giáo Phước Ấm) qua đời vì đầu óc quá căng thẳng, uống quá liều lượng thuốc Tây, gây biến chứng, không chữa trị kịp… Trong số 6 người “thoát ly vào bưng”, có 5 người học cùng lớp. Nếu lúc đó, nhận được thư nàng, tôi không biết có quyết định liều lĩnh của tuổi trẻ bồng bột, nông cạn ra sao? Các bạn tôi giấu kỹ vì anh tôi trong ngành Cảnh Sát.
 
Đầu năm 1967, khi ở quân trường Thủ Đức, đi phép về Sài Gòn khi thấy quyển NĐBKVT tôi rất thích, mua ngay nhưng không đọc vì để nhớ hình ảnh người bạn gái “bên kia chiến tuyến”. Tiếp tục quân trường ở Đà Lạt gần 2 năm, trong chiến dịch Diên Hồng về quận Quế Sơn, Quảng Nam, tôi vẫn mang theo sách và hình dung người bạn gái vào bưng chốn nầy… Rất tiếc, sách bị chôm! Sau nầy lập gia đình với người Hà Nội, bạn bè hỏi thăm nơi chốn, tôi nói đùa “người đàn bà bên kia vĩ tuyến”…
 
Sau tháng 4/1975, nàng có gia đình, về Đà Nẵng, theo lời mẹ và anh, nàng ghé lại tìm tôi nhưng gia đình không hay biết vì tôi ở Đà Lạt, mất tích hay đi tù nên không rõ. Nàng cho biết trước khi đi, có viết lá thư gởi cô em gái nhờ chuyển cho tôi nhưng cô em sợ bị liên lụy nên đốt lá thư!... Nàng ra mộ thầy tôi thắp nhang cầu nguyện.
 
Năm 1987, tôi về thăm quê, có gặp nàng… Trong số 6 người đã chết hai cậu cháu Hội và Kim Chi. Tôi gặp Huỳnh Tú Mỹ kể lại chuyện xưa về hình bóng cũ, nỗi buồn vây quanh. Chị tôi biết chuyện, khuyên không nên liên lạc nhau vì mỗi người “số phận” đã an bày. Và, từ đó hình ảnh người xưa mãi mãi là “bên kia chiến tuyến”!. Tôi cũng may mắn được hưởng chút “đào hoa chiếu mệnh” nhưng “cái thuở ban đầu” trong trắng vẫn lững lờ như áng mây giữa trời xanh bao la.
 
Little Saigon, November 2022
Vương Trùng Dương (Việt Báo)

UserPostedImage

UserPostedImage
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.572 giây.