Những người ủng hộ Iran vẫy quốc kỳ ghi chữ "Phụ nữ" khi cổ vũ trận đấu bóng đá giữa Anh và Iran tại World Cup 2022 ở Qatar vào ngày 21/11/2022. Đội tuyển Iran đã từ chối hát quốc ca trước trận đấu để tỏ dấu hiệu ủng hộ các cuộc biểu tình ở quê hương.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 22/11 nói tình hình ở Iran thực sự “nghiêm trọng”, mô tả phản ứng cứng rắn của chính quyền đối với các cuộc biểu tình khiến hơn 300 người chết trong vòng hai tháng qua.
“Số người chết vì các cuộc biểu tình ở Iran ngày càng tăng, bao gồm cả hai trẻ em vào cuối tuần, và phản ứng cứng rắn của lực lượng an ninh, nhấn mạnh tình hình nghiêm trọng của quốc gia”, người phát ngôn của lãnh đạo nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Volker Turk, nói trong một cuộc họp báo ở Geneva.
Nước Cộng hòa Hồi giáo đã rung chuyển bởi các cuộc biểu tình trên toàn quốc kể từ cái chết của một phụ nữ người Kurd 22 tuổi, Mahsa Amini, trong lúc bị cảnh sát đạo đức giam giữ vào ngày 16/9 sau khi cô bị bắt vì trang phục bị cho là “không phù hợp”.
Tehran đã đổ lỗi cho thế lực thù địch nước ngoài và các điệp viên của các nước đó dàn dựng các cuộc biểu tình, đã biến thành một cuộc nổi dậy rầm rộ của người Iran từ mọi tầng lớp trong xã hội, đặt ra một trong những thách thức lớn nhất đối với giới tăng lữ cầm quyền kể từ cuộc cách mạng năm 1979.
Đội tuyển World Cup của Iran đã từ chối hát quốc ca của họ trước trận đấu mở màn World Cup vào thứ Hai 21/11 trong một dấu hiệu ủng hộ các cuộc biểu tình.
Cuối tuần này, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva sẽ tổ chức một cuộc tranh luận về các cuộc biểu tình, dự kiến có sự tham gia của các nhà ngoại giao cũng như các nhân chứng và nạn nhân.
Một đề xuất sẽ được thảo luận tại phiên họp là tìm cách thành lập một phái đoàn tìm hiểu thực tế về cuộc đàn áp ở Iran. Bất kỳ bằng chứng nào về sự xâm hại được tìm thấy sẽ có thể được sử dụng sau đó tại các tòa án quốc gia và quốc tế, một tài liệu của Liên Hiệp Quốc nói.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR) cho biết đến nay đã có hơn 300 người thiệt mạng, trong đó có hơn 40 trẻ em. Những trường hợp tử vong này xảy ra trên khắp cả nước, với 25 trong số 31 tỉnh thành được báo cáo.
Cũng trong cuộc họp trên, người phát ngôn OHCHR Jeremy Laurence bày tỏ lo ngại về tình hình tại các thành phố có dân số chủ yếu là người Kurd, nơi có báo cáo hơn 40 người đã bị lực lượng an ninh giết hại trong tuần qua.
Truyền thông nhà nước Iran tháng trước cho biết hơn 46 người thuộc lực lượng an ninh, bao gồm cả cảnh sát, đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Các quan chức chính phủ không cung cấp bất kỳ ước tính nào về số người chết.
Theo VOA