Công an đứng chặn người biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội hôm 22/7/2012 (minh hoạ). AFP
Sáu tổ chức người Việt ở hải ngoại và Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam gồm đại diện ở trong và ngoài nước vừa ký một bản tuyên bố kêu gọi chính quyền Việt Nam phải tôn trọng các công ước quốc tế về nhân quyền và trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho các nhà hoạt động nhân quyền.
Bản lên tiếng của Cộng đồng người Việt Hải ngoại - Quốc nội đề ngày 10/12 nhân Ngày Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và đúng vào dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm Châu Âu, dự kiến sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - EU tại Brussels, Bỉ vào ngày 14/12 tới.
Theo Bản lên tiếng, “Việt Nam tiếp tục vi phạm một cách có cơ chế và hệ thống quyền tự do biểu đạt bằng cách giam cầm những công dân khi họ bày tỏ quan điểm dù là qua những hình thức bất bạo động”.
Bản lên tiếng trích dẫn những số liệu của các tổ chức nhân quyền quốc tế cho thấy, Việt Nam hiện còn giam giữ 150 tù chính trị (theo Human Rights Watch), nằm trong nhóm năm quốc gia trên thế giới giam giữ nhiều nhà báo nhất với 23 nhà báo bị cầm tù trong năm 2021 (theo số liệu của Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo), tính đến tháng 5/2022 - số người bị kết án tù nhiều năm vì lý do chính trị hay tôn giáo là 290 người (theo số liệu của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam).
Bản lên tiếng cũng trích kết luận ngày 11/11/2022 của Uỷ ban Nhân quyền LHQ về quyền dân sự và chính trị, xác định Việt Nam thuộc nhóm E, thấp nhất từ A xuống, về việc thực thi khuyến nghị của cơ quan nhân quyền LHQ trong lĩnh vực tự do ngôn luận và án tử hình.
Theo Ân xá Quốc tế, Việt Nam là nước ban hành và thực thi án tử hình nhiều nhất ở Đông Nam Á và thuộc nhóm nhiều nhất thế giới. Trong năm 2021, Hà Nội đã ban hành ít nhất 119 án tử hình, đứng thứ bảy trên thế giới. Con số thật thậm chí còn có thể cao hơn.
Các tổ chức người Việt hải ngoại và quốc nội cũng chỉ trích việc đàn áp xã hội dân sự của chính quyền Việt Nam, không tạo điệu kiện cho việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập cho người lao động theo cam kết với Châu Âu khi ký kết Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA).
Vì vậy, các tổ chức người Việt ở hải ngoại và quốc nội đưa ra ba đề nghị đối với chính quyền Việt Nam gồm: tôn trọng tuyệt đối các công ước quốc tế mà Hà Nội đã tham gia; trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với toàn bộ các tù chính trị và chấm dứt việc đàn áp đối với các tổ chức và cá nhân thực thi và bảo vệ nhân quyền; chấp nhận vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong các lĩnh vực môi trường, tôn giáo, sinh hoạt nghiệp đoàn và truyền thông, tạo điều kiện cho họ hoạt động mà không bị đàn áp.
Theo RFA