GS Huệ Chi (đầu tiên, trái sang) quản trị trang Bauxite hơn 4 nămGiáo sư Nguyễn Huệ Chi tuyên bố rút khỏi vị trí quản trị trực tiếp trang Bauxite Vietnam do ông đồng sáng lập và chủ biên trong hơn 4 năm qua và nhường vị trí này cho một trí thức người Việt Nam ở Pháp, theo thông báo của trang mạng phản biện này từ Việt Nam.
Hôm 05/9/2013, Bauxite Việt Nam cho hay Giáo sư Huệ Chi tự nguyện nghỉ điều hành trực tiếp trang mạng để tập trung vào công việc chuyên môn.
Thông báo viết: "Sau hơn 4 năm góp phần mình dẻo dai không mệt mỏi, GS Nguyễn Huệ Chi nay cần dành thì giờ hoàn thiện một số công trình chuyên môn về văn học Lý – Trần còn dang dở.
"Vì thế, nhóm sáng lập đã mời GS Phạm Xuân Yêm, một trí thức có uy tín hiện sống tại Pháp, lâu nay vẫn yểm trợ trang Bauxite Việt Nam, đứng ra đảm nhiệm việc quản trị trang Bauxite Việt Nam thay cho GS Nguyễn Huệ Chi một thời gian.
"Tất nhiên, GS Nguyễn Huệ Chi vẫn là người giúp đỡ đắc lực cho ông trong các vấn đề chuyên môn và việc thực hiện sát đúng cương lĩnh của trang."
Trả lời BBC về lý do ông Bấm từ nhiệm khỏi vị trí chủ biên trong một thời gian, hôm thứ Năm từ Hà Nội, Giáo sư Huệ Chi nói:
"Việc tôi tạm nghỉ trong một thời gian, nhưng vẫn giúp đỡ Giáo sư Phạm Xuân Yêm nằm trong tiến trình của trang Bauxite.
"Trang Bauxite phải có một tiến trình mới và bước mới ấy phải có sự hợp tác giữa một Giáo sư có uy tín ở nước ngoài với những người trí thức có nhiệt tâm ở trong nước.
GS Huệ Chi (thứ hai, trái sang) dự lễ quốc khánh năm nay do Đại sứ Mỹ ở VN, David Shear mời"Sự kết hợp ấy chắc chắn đưa tới một kết quả tốt đẹp hơn," ông nói.
'Đóng góp chủ yếu'Tự đánh giá về đóng góp của trang mạng được biết đến nhiều ở trong nước như một tiếng nói phản biện của giới trí thức Việt Nam, Giáo sư Huệ Chi nói:
"Làm cho việc lên tiếng về những bất hợp lý trong xã hội, việc đòi quyền (làm) chủ cho nhân dân, và đòi quyền con người cho 90 triệu dân Việt Nam, những vấn đề như thế được đặt ra. Và người ta không còn sợ hãi khi lên tiếng về những vấn đề như thế nữa.
"Cho nên chúng tôi nghĩ cái đó mới là giá trị quan trọng, tức là nó xới lên cả một phong trào lên tiếng về quyền công dân, lên tiếng về quyền con người, lên tiếng về những vấn đề xã hội bức bối.
"Và từ đó hình thành nên một phong trào dân sự. Tức là đã bắt đầu có tiếng nói dân chủ ở trong xã hội Việt Nam."
Thông báo hôm thứ Năm của Bauxite Việt Nam cũng điểm lại một số sự kiện mà trang này phải đương đầu cho tới thời gian gần đây.
"Hơn 4 năm qua Bauxite Việt Nam đã trung thành với những nguyên tắc bất di bất dịch ấy, nhờ đó đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ, hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trong cũng như ngoài nước, mặc dù đã từng gặp không ít khó khăn," thông báo viết.
"Trang mạng liên tục bị đánh phá, đánh cắp tài khoản, và đã phải thay đổi hình thức mấy lần; người điều hành cũng bị thẩm vấn và mời làm việc nhiều lần từ năm 2009 cho đến ngay gần đây, nhưng kết quả ông vẫn được thừa nhận là một trí thức yêu nước, có thiện chí đóng góp vào việc xây dựng đất nước."
'Trung thành nguyên tắc'Bauxite Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu và nguyên tắc tự đặt ra của mình. Thông báo viết:
"Chúng tôi nguyện sẽ theo đuổi mục tiêu đã nêu cũng như tiếp tục giữ vững các nguyên tắc làm việc của mình, đồng thời cố gắng hơn nữa trong việc kiểm chứng các thông tin sẽ lần lượt được đưa lên mạng."
Đồng thời, trang này bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của công chúng, như thông báo viết tiếp:
"Bauxite Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự cộng tác ngày càng tăng của các cộng tác viên cũ và mới, sự ủng hộ và chia sẻ ngày càng rộng rãi của bạn đọc trong ngoài nước."
Bauxite Việt Nam được thành lập từ tháng 4-2009, do ba người khởi xướng là GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo dục Phạm Toàn và GSTS Nguyễn Thế Hùng.
Giáo sư Huệ Chi đóng vai trò một nhà chủ biên khi trực tiếp điều hành.
Trong thông báo của mình, Bauxite cho hay nhóm sáng lập đã mời GS Phạm Xuân Yêm, một trí thức sống tại Pháp "lâu nay vẫn yểm trợ trang Bauxite Việt Nam" đảm nhiệm quản trị thay cho Giáo sư Huệ Chi trong một thời gian.
Theo BBC