Đất nước ta trường tồn, từ thuở sơ khai cha ông dựng nước, truyền mãi cho con cháu đến hôm nay là nhờ những tấm lòng yêu nước. Từ những người trẻ tuổi ăn chưa no lo chưa xong đến những người tuổi thất thập cổ lai hy gần đất xa trời, luôn đau đáu nghĩ về tương lai đất nước và xả thân khi cần.
Dù được xuất thân trong một gia đình thuận lợi, mới đi nửa cuộc đời, còn sức trai trẻ nhưng tôi thấy cuộc đời thật nặng gánh và nhiều khi thấy mệt mỏi vô cùng. Khi tuổi cao sức yếu, có lẽ tôi chỉ mong được sống những ngày bình yên, quây quần bên con cháu. Ngẫm nghĩ về bản thân mà tôi rất phục cho những chú, những bác tuổi cao sức yếu nhưng đau đáu vì nước non, tham gia con đường dân chủ khốc liệt. Đặc biệt nhiều người trong số họ thời trai trẻ đã cháy hết mình với “lòng yêu nước” trong sáng để góp công xây nên chế độ này, nay lại vỡ lẽ ra và lại phải bắt đầu bằng một con đường mới thay vì hưởng thụ tuổi già và thành quả cách mạng từ chế độ ban thưởng. Trong số những bậc cao niên tôi vừa nói là bác Lê Hiếu Đằng.
Thời gian gần đây, ít người tạo nên một dư luận rộng rãi như bác Lê Hiếu Đằng. Từ khi bác viết bài “SUY NGHĨ TRONG NHỮNG NGÀY NẰM BỆNH”, đã làm cho các diễn đàn dân chủ thật sự dậy sóng. Khen ngợi, động viên, khuyến khích cũng có mà ném gạch cũng nhiều, thậm chí là công kích, dè bỉu. Một số còn cực đoan hơn là mang quá khứ của bác ra mà hoạch họe, nghi ngờ, thậm chí là “hỏi tội”.
Dù có thể mong muốn bác chưa thành, gợi ý của dự án kêu gọi thành lập đảng Dân Chủ Xã Hội của bác còn dang dở nhưng tấm lòng bác đối với đất nước là sắt son. Việc bác làm có tác động rất lớn đối với tiến trình dân chủ hóa đất nước là tạo ra một cuộc tranh luận rộng lớn trong giới trí thức và bình dân. Qua cuộc tranh luận này, người dân có kiến thức thêm về đảng phái, tính pháp lý cầm quyền của Đảng Cộng Sản. Một bước khai dân trí ngoạn mục.
Dưới góc nhìn của tôi, bác đã góp phần vào cái mà chúng tôi hay thường nói là “cuộc cách mạng suy tưởng”. Điều này rất quan trọng, con người có suy tưởng, có bàn luận thì mới có hành động đúng.
Như các bạn biết, con đường dân chủ ở nước ta còn sơ khai và đầy chông gai. Trên con đường này cần chung lắm nhiều bàn tay và khối óc. Chúng ta nên trân trọng những đóng góp dù là ai, đến từ đâu, dù to nhỏ thế nào để hình thành nên xa lộ dân chủ thênh thang cho tương lai dân tộc, tương lai con cháu. Một viên đá làm nên con đường, một chỉ dẫn thiết kế,…..đều quí.
Tôi xuất thân từ gia đình được “bên thắng cuộc” gọi là cách mạng! Ba má tôi đều là những đảng viên lão thành với trên 30 năm tuổi Đảng. Tại phiên tòa, vị thẩm phán đã hỏi tôi “tạo sao anh xuất thân trong một gia đình cách mạng mà anh lại đi chống chính quyền”, tôi cho rằng người hỏi câu này đã lầm lẫn cách mạng, chính quyền, đảng với tổ quốc, sự nhầm lẫn này còn rất lớn trong dân chúng nước ta từ cán bộ đến bình dân. Câu trả lời của tôi là “tôi vẫn đang tiếp nối truyền thống gia đình”, không biết có làm cho họ hiểu không?
Đóng góp cho con đường dân chủ này, có thể có nhiều người toàn tâm toàn ý nhưng cũng có rất nhiều người góp công sức âm thầm hay vì điều kiện bản thân gia đình mà chỉ tham gia chốc lát. Dù thế nào, tất cả đều đáng quí, mọi đóng góp hôm này, dù rất nhỏ nhưng nó sẽ là cơ sở cho những người làm đường ngày mai thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin nói một chút về Phong trào Con đường Việt Nam mà tôi thay mặt anh em khởi xướng cách đây hơn một năm. Mục tiêu của phong trào là chúng tôi muốn tạo ra một cuộc cách mạng suy tưởng, một cuộc cách mạng nhận thức về quyền con người. Theo chúng tôi, nhận thức về quyền con người, bảo vệ quyền con người là nền tảng cho xã hội dân sự phát triển, nền móng xây nên nền dân chủ. Từ đó, đất nước mới sớm trở nên thịnh vượng và văn minh sánh vai với các cường quốc năm châu. Dù còn gian nan nhưng tôi hy vọng rằng cộng đồng sẽ nhận ra giá trị của phong trào mà góp một tay cho sự lớn mạnh của nó.
Sài Gòn, ngày 5/9/2013.
Tác giả: Lê Thăng Long