Aung San Suu Kyi tại Tòa Công Lý Quốc tế La Haye ngày 11/12/2019. Cựu lãnh đạo Miến Điện ngày 30/12/2022 đã bị tập đoàn quân sự kết án thêm 7 năm tù, nâng tổng số tù giam lên thành 33 năm. AP - Peter Dejong
Phiên tòa kéo dài 18 tháng xử nhà lãnh đạo Miến Điện bị lật đổ đã kết thúc ngày 30/12/2022. Với bản án mới 7 năm tù vì tội tham nhũng, bà Aung San Suu Kyi lãnh án tổng cộng 33 năm tù.
Theo hãng tin AFP, trích dẫn một nguồn tin tư pháp, trong phiên xử được mở ngay tại nhà tù giam giữ bà Aung Sann Suu Kyi, tòa đã tuyên án dựa trên 5 cáo trạng, trong đó có tội tham nhũng, gian lận bầu cử, vi phạm bí mật Nhà nước và vi phạm các biện pháp phòng dịch Covid-19. Trong vụ thuê máy bay trực thăng cho một bộ trưởng, bà bị cáo buộc đã không tôn trọng quy định và đã gây « thất thoát cho Nhà nước ».
Sau phiên xử ngày 30/12, « mọi vụ việc đã kết thúc, không còn cáo buộc nào khác nhắm vào bà », theo nguồn tin của AFP. Như vậy là Giải Nobel Hòa bình năm 1991, hiện 77 tuổi, sẽ sống quãng đời còn lại trong trại giam.
Tập đoàn quân sự đã bỏ ngoài tai yêu cầu của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trả tự do ngay lập tức cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, trong một nghị quyết mang tính lịch sử. Hôm 21/12, lần đầu tiên, sau 74 năm, Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra được một nghị quyết yêu cầu chấm dứt bạo lực ở Miến Điện, nhờ Trung Quốc và Nga bỏ phiếu trắng.
Bà Aung San Suu Kyi bị tập đoàn quân sự bắt giam sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, viện cớ phát hiện vài triệu phiếu bất thường trong cuộc bầu cử Quốc Hội cuối năm 2020.
Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, sau các phiên xử nhằm triệt hạ lực lượng đối lập, Miến Điện sẽ bước vào một thời kỳ bất ổn mới, với viễn cảnh tập đoàn quân sự tổ chức bầu cử năm 2023 nhằm gây dựng tính chính đáng. Hoa Kỳ đã chỉ trích kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử mới của tập đoàn quân sự. Ngược lại, Nga, đồng minh và là nhà cung cấp vũ khí cho chính quyền tướng Min Aung Hlaing, ủng hộ.
Theo RFI